Thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển tương xứng với vị trí, vai trò trong nền kinh tế thị trường
Ngày 15-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết 13) và tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã (HTX) năm 2012. Hội nghị do Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX tổ chức.
Tại điểm cầu TP Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự hội nghị.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 và 10 năm thi hành Luật HTX 2012, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng HTX gia tăng đáng kể, quy mô và vốn được mở rộng, phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực, thu hút đông đảo các thành phần kinh tế tham gia. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX so với năm 2001; có gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động. Ðiều đáng ghi nhận là doanh thu bình quân của một HTX năm 2021 đạt trên 2,6 tỉ đồng, tăng hơn 1,6 tỉ đồng so với năm 2001; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 8,06 triệu đồng/năm vào năm 2001 lên 51,67 triệu đồng/năm vào năm 2021…
Ðiểm nổi bật trong 20 năm qua, cả nước hình thành gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều HTX phát huy tối ưu vai trò cầu nối, liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ đó, đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình, đưa tỷ trọng của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chiếm trên 30% GDP cả nước.
Ðể nâng chất hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đồng thời, gắn phát triển kinh tế tập thể với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; tạo điều kiện hỗ trợ HTX liên kết với nhau và liên kết với các thành phần kinh tế khác; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, HTX và cộng đồng. Chú trọng xây dựng các HTX kiểu mới ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản xuất sản phẩm mang tính hàng hóa lớn, gắn với lợi thế về lao động, thổ nhưỡng và tài nguyên bản địa của địa phương; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 gắn với liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hộ nông dân với HTX và giữa HTX với doanh nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Phấn đấu, đến năm 2030, cả nước thành lập mới hằng năm ít nhất 2.000 HTX, 25 liên hiệp HTX và 4.000 tổ hợp tác; có 10.000 HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản, hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng, đưa sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ðể kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, các ngành, các cấp cần xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX; đề xuất những giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX, đáp ứng được yêu cầu phát triển thực tiễn. Ðồng thời, vận dụng khoa học sáng tạo, nhất là công nhệ cao, công nghệ số, chuyển sang phát triển xanh, tuần hoàn; huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là hợp tác công – tư; xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình của Việt Nam; tạo sự cạnh tranh lành mạnh, gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị và theo thế mạnh của từng khu vực, vùng, miền; tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và người tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, HTX. Về định hướng sửa đổi Luật HTX, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành có liên quan cần tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường…