Bước chuyển trợ lực hợp tác xã

Bước chuyển trợ lực hợp tác xã

Việc thi hành theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 thời gian qua đã giúp cho nhiều HTX nông nghiệp ở TP Cần Thơ từng bước nâng chất hoạt động, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó, đã tạo được bước chuyển tích cực, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nhà nông vào HTX.

Thu hoạch lúa ở HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.

Theo ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, việc hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã giúp cho nhiều HTX, nông nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển liên kết với doanh nghiệp, vận hành tốt các dịch vụ hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho thành viên, từ đó đã tạo nên bước chuyển tích cực, từng bước mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, gia tăng hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện thành phố có 142 HTX nông nghiệp, chiếm trên 48,2% số lượng HTX toàn thành phố, trong đó, có nhiều HTX vừa thực hiện tốt Luật HTX năm 2012, vừa chú trọng việc ứng dụng công nghệ mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Ðiển hình như HTX Hiếu Bình, HTX Khiết Tâm, HTX Nông nghiệp An Xuân… có trên 100 thành viên, sản xuất hàng hóa tập trung, với tổng diện tích sản xuất từ 500-1.200ha, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, từng bước nâng chất hoạt động, xây dựng được mối liên kết, hợp tác giữa các thành viên với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nhà nông tham gia vào HTX. Ðặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều HTX đã linh hoạt vận hành theo Luật HTX năm 2012, từ đó đã phát huy sức mạnh liên kết hợp tác, gia tăng sức chống chịu trước dịch bệnh, duy trì sản xuất và ổn định thu nhập cho thành viên. 

Là một trong những HTX nông nghiệp điển hình thực hiện tốt dịch vụ liên kết tiêu thụ hàng hóa, góp phần giữ vững nhịp sản xuất, ổn định hoạt động và thu nhập cho nông dân trong bối cảnh dịch bệnh, ông Phạm Hữu Bích, Giám đốc HTX nông nghiệp An Xuân, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: Việc hoạt động theo Luật HTX 2012 đã giúp cho HTX thực hiện tốt các dịch vụ từ cung ứng giống, vật tư đến chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ lúa hàng hóa cho thành viên và nông dân tham gia sản xuất trong “cánh đồng lớn”. Ðặc biệt là giúp HTX xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của từng mùa vụ, tổ chức cho các thành viên HTX canh tác theo hướng sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Không chỉ vậy, HTX còn tích cực liên hệ với các đầu mối tiêu thụ để bao tiêu lúa cho thành viên. Do đó, dù chịu tác động của tình hình dịch bệnh trong năm 2020 và năm 2021, nhưng HTX vẫn bảo đảm hợp đồng ký kết với nhiều đối tác, doanh nghiệp chế biến lúa gạo, ổn định đầu ra lúa hàng hóa, giúp cho các thành viên và 180 nông dân làm ăn trong HTX đều có lãi trên 30 triệu đồng/ha/vụ ngay cả lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, nhờ tổ chức hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012, nên HTX đã từng bước nâng cao năng lực nội tại, khẳng định được vai trò quan trọng trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo lợi nhuận của HTX đạt trên 900 triệu đồng/vụ, thu nhập của người lao động tại HTX đạt trên 4,1 triệu đồng/tháng… Từ đó, góp phần ổn định thu nhập cho nông dân vào HTX cũng như người lao động làm việc tại HTX kể cả những lúc thị trường biến động do dịch bệnh. Theo ông Huấn, để có được kết quả này là cả quá trình phấn đấu của HTX, từ việc vận động 161 nông dân tham gia sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, với tổng diện tích 340ha, đến việc tổ chức, hướng dẫn nhà nông tích cực ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác giống lúa Jasmine 85 và OM theo quy trình GAP. Không chỉ vậy, để mở rộng quy mô và đứng vững trên thị trường, HTX còn tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, xây kho lưu trữ 1.000 tấn, lò sấy lúa 50 tấn/mẻ, xây dựng 4 trạm bơm điện, có công suất tưới tiêu cho hơn 2.500ha; đồng thời, HTX còn cung cấp máy gặt đập liên hợp, máy san ủi đất bằng tia laser, máy cuốn rơm và đầu tư thêm 2 máy bay không người lái để chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật,… phục vụ tối ưu nhu cầu của thành viên và nông dân làm ăn với bên HTX.

Nhờ có lợi thế về cơ sở vật chất và vốn điều lệ cao (trên 7,2 tỉ đồng), nên HTX Khiết Tâm đã thực hiện tốt các dịch vụ hậu cần trong nông nghiệp cũng như sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Hiện HTX có năng lực cung ứng từ 600 tấn đến trên 1.000 tấn lúa giống cấp xác nhận/vụ để cung cấp cho Viện Lúa ÐBSCL và các đối tác… Ðiều đáng ghi nhận ở HTX Khiết Tâm là lúa hàng hóa của HTX luôn được các đối tác, doanh nghiệp thu mua giá cao hơn từ 500-700 đồng/kg so với bên ngoài, từ đó đã giúp cho các thành viên và nông dân vào HTX yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX nông nghiệp trong giai đoạn tới, Liên minh HTX thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch hướng dẫn, củng cố HTX giai đoạn 2020-2025; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và nâng cao năng lực, nguồn lực cho HTX. Phối hợp các cấp, ngành tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các HTX điển hình tiên tiến để nhân rộng, bảo đảm các HTX hoạt động đúng bản chất, nguyên tắc Luật HTX năm 2012. Ðồng thời, hỗ trợ cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, giúp cho các HTX tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ðồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, trong đó sẽ chú trọng hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng; hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp kiểu mới liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Từ đó, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho HTX, mà còn góp phần thúc đẩy hình thành các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, có năng lực thích ứng với thiên tai và dịch bệnh trong tình hình mới.

Theo Báo Cần Thơ

All in one
Scroll to Top