Thúc đẩy nâng tầm hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp

Thúc đẩy nâng tầm hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (NQ13) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã không ngừng được phát triển và lớn mạnh. Ðến nay, cả nước có 9.316 HTX phi nông nghiệp và 16 liên hiệp HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp, các tổ chức HTX này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hiện là một trong những điển hình tiêu biểu cho sự phát triển của KTTT, HTX phi nông nghiệp. Trong ảnh: Mua bán hàng tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ thuộc hệ thống của Saigon Co.op.

Khẳng định vai trò quan trọng

KTTT và HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Các HTX phi nông nghiệp đã huy động các nguồn lực về lao động, đất đai, công nghệ, vốn cho sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực và dịch vụ dùng chung, gắn với chuỗi giá trị thị trường. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, liên kết ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm mới… để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, qua 20 năm thực hiện NQ13 và đặc biệt từ khi có luật HTX năm 2012, nhận thức về KTTT và HTX trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng cao, chính quyền các cấp đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động và cơ chế chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Qua đó, KTTT và HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại, trong đó lĩnh vực vận tải, thương mại và dịch vụ tăng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: “Số lượng HTX, Liên hiệp HTX phi nông nghiệp quy mô vừa và lớn, tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch COVID-19, mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao. Khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới”.

Hiện cả nước có 9.316 HTX, 16 Liên hiệp HTX, 44.226 tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực phi nông nghiệp, thu hút gần 3 triệu thành viên, vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9-15 lần so với năm 2002. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt từ 55-80%. Các HTX và THT trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Thúc đẩy phát triển HTX phi nông nghiệp

Liên minh HTX Việt Nam vừa phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện NQ13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho cho rằng, dù đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nhưng số lượng các loại hình tổ chức KTTT trong lĩnh phi nông nghiệp, nhất là HTX vẫn còn thấp so với nhu cầu và phát triển chưa đều giữa các địa phương, ngành nghề, cũng như chưa thu hút được thật nhiều thành viên. HTX phi nông nghiệp có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tham gia phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và xuất khẩu còn ít nên tỷ trọng đóng góp còn thấp trong tổng sản phẩm (GDP). Trong khi đó, việc mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều HTX còn gặp khó do còn yếu về năng lực tài chính, tiếp cận công nghệ mới, thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế… Ðiều này, đòi hỏi tất cả các bên liên quan cần tích cực vào cuộc và có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ kịp thời các khó khăn để tiếp tục thúc đẩy đổi mới, phát triển KTTT và HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Ðặc biệt, các cấp ủy đảng và chính quyền ở Trung ương cần xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành thêm các văn bản mới phù hợp với yêu cầu phát triển mới, trong đó có sửa đổi Luật HTX năm 2012.

Ðồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và địa phương cần tiếp tục quán triệt và tổ chức tốt các nhiệm vụ được nêu trong NQ13 và các kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, đưa KTTT thật sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở. Kịp thời rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật HTX 2012, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Ðảng về thành phần KTTT để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. Ðặc biệt, đề nghị các bộ ngành, cơ quan tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về vốn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho ban lãnh đạo các HTX, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, cung cấp thông tin và kết nối thị trường…

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thúc đẩy phát triển KTTT và HTX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiếp tục xác định vai trò quan trọng của khu vực KTTT và HTX trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tiếp tục thống nhất nhận thức về quan điểm phát triển KTTT phải theo đúng bản chất là tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, phục vụ thành viên là chính và tách bạch với mô hình doanh nghiệp. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện NQ13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét ban hành nghị quyết mới để phát triển KTTT phù hợp yêu cầu trong giai đoạn mới. Đồng thời, đề nghị Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tiếp tục nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Luật HTX năm 2012 nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, khắc phục những tồn tại hạn chế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Lên đầu trang