Phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, nông dân tại các địa phương trong nước đã tích cực liên kết, hình thành được nhiều hợp tác xã (HTX) để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn và nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay, cả nước đã có 18.300 HTX nông nghiệp, trong đó có 60% HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả…
Yêu cầu liên kết, hợp tác
Các HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò tích cực trong việc liên kết giữa các hộ nhỏ lẻ để hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn và chất lượng, tạo thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp bao tiêu. Nhiều HTX cũng đã tạo lập được các mối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh ổn định đầu ra sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng…
Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động các HTX nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Phần lớn các HTX còn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu và phát triển không đồng đều giữa các vùng miền trong nước. HTX còn hạn chế về khả năng huy động nguồn lực để đầu tư sản xuất kinh doanh và chưa phát triển đa dạng dịch vụ để phục vụ xã viên. Số lượng HTX tăng nhưng số lượng thành viên còn ít, sự gắn kết lợi ích giữa các thành viên và HTX chưa cao, số lượng các HTX có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo chuỗi còn ít nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế…
Để nâng cao được các chuỗi giá trị ngành hàng và phát triển bền vững, đòi hỏi các HTX nông nghiệp cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp và các bên liên quan để kịp thời đổi mới, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và hòa nhập được vào dòng chảy của thời đại công nghệ 4.0. Qua đó, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn, có giá thành sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao và có khả năng thích ứng tốt với các thách thức truyền thống và phi truyền thống như thị trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 18.300 HTX nông nghiệp của cả nước, hiện mới có khoảng 12-13% ứng dụng các công nghệ số, công nghệ cao và áp dụng sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và hiện cũng mới có khoảng 24% số HTX cung cấp được dịch vụ bao tiêu đầu ra cho xã viên.
Thay đổi tư duy và hành động
Trong điều kiện mới hội nhập quốc tế và thích ứng dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng các HTX cần phải có nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu về số lượng và khả năng cung ứng liên tục, cũng như có các phương thức để quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Muốn làm được như vậy, HTX phải tăng được quy mô, nâng cao năng lực hoạt động, chuẩn hóa sản xuất, chú trọng áp dụng nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin để tăng cường kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho rằng, để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, nông dân tại các HTX cần đảm bảo tính minh bạch về chất lượng, an toàn của sản phẩm thông qua các chứng nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. Đồng thời, chú trọng áp dụng các giải pháp công nghệ để thay thế các biện pháp thủ công, như sổ ghi chép nhật ký thủ công sẽ được thay bằng nhật ký điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh.
HTX cũng cần quan tâm tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và các bên liên quan trong các chuỗi giá trị ngành hàng để giải quyết các khó khăn về vốn, công nghệ. Đặc biệt, HTX cần phát huy các lợi thế về vùng nguyên liệu nông sản chất lượng gắn với làm tốt các khâu sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào để đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ về vốn, chia sẻ máy móc và công nghệ để cùng phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh mới, với tình hình kinh tế – xã hội, thị trường thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, cùng ảnh hưởng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, đòi hỏi các HTX phải tìm cách thích ứng. Trong đó, cần đầu tư cho nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cán bộ quản lý. Thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh và liên kết, cần tiếp tục quá trình mở rộng quy mô của HTX thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ việc tăng quy mô về thành viên, quy mô về doanh thu đến việc hợp tác với các HTX khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái. Tăng được quy mô, chuẩn hóa sản xuất và nâng cao năng lực thì các HTX mới thích ứng tốt với giai đoạn mới. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các HTX cần thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp, cần tăng tính cam kết, chia sẻ để hài hòa lợi ích giữa các HTX và doanh nghiệp đầu vào, đầu ra. Các bên cần có những hợp tác rất cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là những hỗ trợ, tương tác của 2 bên trong việc xử lý, giải quyết các khó khăn về vốn, về công nghệ… trước khi kêu gọi Nhà nước hay kêu gọi từ bên ngoài hỗ trợ.