Hà Nội: Thúc đẩy phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp
Tăng nhanh về “lượng” và “chất”
Theo Liên minh HTX TP, ước đến hết năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có 293 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 23 HTX xây dựng; 253 HTX thương mại – dịch vụ; 189 HTX vận tải và 46 HTX thuộc các lĩnh vực phi nông nghiệp khác. Tính riêng từ năm 2018 đến nay, đã có 315 HTX phi nông nghiệp được thành lập.
Sự phát triển nhanh của các HTX phi nông nghiệp đã đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về số lượng HTX. Không chỉ tăng nhanh về “lượng”, nhiều mô hình liên kết, sản xuất gắn với chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của các HTX phi nông nghiệp cũng đã được hình thành, phát triển ngày một lớn mạnh, với sản phẩm hàng hóa rất đa dạng. Có thể kể tới một số HTX điển hình như: HTX gốm sứ Tân Thịnh (huyện Gia Lâm), HTX Đồng Tâm (huyện Thanh Trì), HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), HTX sơn khảm Ngọ Hạ (huyện Phú Xuyên), HTX thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (huyện Sóc Sơn)…
Để nâng cao chất lượng hoạt động cho các HTX phi nông nghiệp, những năm qua, Liên minh HTX TP đã chủ trương thành lập và hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của 5 Câu lạc bộ (CLB) thuộc nhiều nhóm ngành nghề. Cụ thể là: CLB các HTX Nông nghiệp, CLB các HTX Thương mại – Dịch vụ, CLB Nhựa Hà Nội, CLB các HTX Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp và CLB Quỹ Tín dụng Nhân dân. Thông qua hoạt động của các CLB, nhiều HTX và thành viên đã có thêm nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác, liên kết giữa các đơn vị, nhất là trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
Hỗ trợ quảng bá sản phẩm
Bên cạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm có hiệu quả của các CLB ngành nghề phi nông nghiệp, Liên minh HTX TP còn thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại, cũng như hỗ trợ cho các đơn vị thành viên tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng… do Liên minh HTX Việt Nam, UBND TP và các sở, ngành của Hà Nội tổ chức trong và ngoài nước.
Liên minh HTX TP cũng đã triển khai một số hoạt động tuyên truyền, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Đơn cử như: Tư vấn, hướng dẫn các HTX tham gia các trang thương mại điện tử; kết nối các HTX có sản phẩm gắn với chuỗi tham gia các nhóm liên kết online thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Thông qua công tác xúc tiến thương mại, nhiều HTX đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các tổ chức, DN, HTX trên cả nước. Qua đó, góp phần vào sự phát triển bền vững của HTX phi nông nghiệp trong quá trình sản xuất – kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Nguyễn Trung Thành cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% HTX được tổ chức, hoạt động theo Luật HTX năm 2012; 80% HTX bảo toàn, phát triển vốn và kinh doanh có lãi. Để đạt được mục tiêu trên, Liên minh HTX TP sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho các HTX phi nông nghiệp. Định hướng đặt ra là phát triển các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với quá trình đô thị hóa, theo hướng hiện đại, gắn với thị trường; tiếp tục phát triển các HTX, liên hiệp HTX trong các làng nghề truyền thống theo mô hình vừa sản xuất tập trung, vừa sản xuất tại hộ gia đình các thành viên, nhằm tận dụng mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực và thời gian nông nhàn.
Liên minh HTX TP cũng sẽ khuyến khích đẩy mạnh liên kết giữa các HTX và DN trong ngành xây dựng có đủ năng lực, sức cạnh tranh để có thể tham gia thực hiện các dự án có quy mô lớn. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX thương mại. Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát triển đa dạng HTX trong các ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng dân cư…