Kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong 20 năm qua, kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) lĩnh vực phi nông nghiệp (PNN) phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây.
Theo đó, các loại hình HTX lĩnh vực PNN phát triển, trong đó lĩnh vực vận tải và thương mại, dịch vụ tăng mạnh; tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại; số lượng HTX, liên hiệp HTX (LHHTX) quy mô vừa và lớn, tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch Covid-19; mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.
Đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX, 16 Liên hiệp HTX, 44.226 THT, thu hút gần 3 triệu thành viên, vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 – 15 lần so với năm 2002; tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt 55% – 80%; có sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động với HTX nông nghiệp; so với chung cả nước, tổng số HTX, số lượng thành viên và lao động của HTX phi nông nghiệp thấp hơn (chiếm 30%), nhưng đạt tỷ lệ cao hơn trong vốn (58,5%), tài sản (91,2%), doanh thu (67,1%), lợi nhuận (51,3%), thu nhập bình quân gấp 1,9 lần so với HTX nông nghiệp.
Cũng theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mục tiêu phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN đến năm 2030: (1) Số lượng các loại hình KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN tăng trưởng từ 10% – 16%/năm; cả nước có khoảng 250.000 THT, 26.000 HTX, 70 LHHTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên; thu hút hầu hết hộ cá thể ở nông thôn và khoảng 30% hộ cá thể thành thị tham gia HTX, THT lĩnh vực PNN; (2) Hầu hết cán bộ quản trị, điều hành HTX và ban kiểm soát HTX có trình độ đại học, cao đẳng; các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề; (3) 60% số HTX, LHHTX; 40% số THT trong lĩnh vực PNN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản trị và sản xuất kinh doanh; 50% số HTX, LHHTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; (4) Vốn điều lệ và tổng tài sản của các THT, HTX, LHHTX trong lĩnh vực PNN tăng bình quân 10% – 15%/năm; (5) 80% HTX hoạt động có hiệu quả; (6) Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.