Hà Nội

Là một trong 10 điển hình công dân Thủ đô ưu tú sẽ được vinh danh đúng Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, thương mại tổng hợp Dương Liễu (Hợp tác xã Dương Liễu), huyện Hoài Đức được đánh giá là người nhạy bén, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, một “thuyền trưởng” tài ba. Ông đã có hơn 25 năm gắn bó với hợp tác xã, xây dựng đơn vị từ trung bình trở thành điển hình của thành phố Hà Nội và cả nước.

Kiên định mô hình kinh tế tập thể

Ông Nguyễn Phi Đức đã đứng đầu Hợp tác xã Dương Liễu liên tục 25 năm. Ông chia sẻ: “Có nhiều giai đoạn, hợp tác xã thực sự khó khăn, nhưng chưa khi nào tôi chùn bước, bởi đơn giản mô hình kinh tế tập thể thực sự là mô hình kinh tế của dân, do dân và vì dân. Tôi tin, nếu mình sáng tạo, kiên trì theo đuổi, nhất định con đường phát triển của hợp tác xã sẽ ngày một tươi sáng”.

Với 25 năm gắn bó với hợp tác xã, ông Nguyễn Phi Đức đã có nhiều sáng kiến đưa kinh tế tập thể phát triển bền vững.

Đến nay, Dương Liễu là một trong ít những địa phương mà hợp tác xã miễn toàn bộ các loại dịch vụ nông nghiệp khi cung ứng phục vụ cho nhân dân. Ông Đức cho hay: “Với diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là hơn 270ha, điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn do là địa bàn ven đô, nằm trong vùng quy hoạch đô thị, để hỗ trợ bà con duy trì sản xuất, tôi đã cùng Hội đồng quản trị Hợp tác xã thống nhất hỗ trợ thành viên 5 dịch vụ đầu vào phục vụ miễn phí, như: Dịch vụ thủy nông, dịch vụ bảo vệ hoa màu, dịch vụ tu sửa giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ dự thính dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đã đạt 203 triệu đồng/ha, nông dân không chán ruộng, bỏ ruộng, dù là xã làng nghề phát triển”.

Để có thể duy trì dịch vụ nông nghiệp miễn phí cho các thành viên, Hợp tác xã Dương Liễu đã phát triển mạnh các dịch vụ phi nông nghiệp và duy trì, phát triển nghề truyền thống, như các nghề: Thêu, chế biến tinh bột, kinh doanh miến dong…

Đánh giá về người đứng đầu Hợp tác xã Dương Liễu, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế Hoài Đức Cao Văn Tuyến khẳng định, 6 nhiệm kỳ liên tục được thành viên tín nhiệm làm Chủ nhiệm, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị (từ năm 1998 tới nay), ông Nguyễn Phi Đức luôn là người lãnh đạo gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, cũng như tích cực tham gia các hoạt động của xã, huyện và phong trào phát triển kinh tế tập thể của Thủ đô, cả nước.

Con người của những sáng kiến, đổi mới và sáng tạo

Nhiều năm gắn bó, lăn lộn với các hoạt động của hợp tác xã, ông Nguyễn Phi Đức đã có nhiều sáng kiến được ghi nhận, đánh giá cao. Ông đã trực tiếp xây dựng đề án “Củng cố, đổi mới hợp tác xã theo luật Hợp tác xã năm 2012”. Những phân tích, đánh giá, đề xuất xử lý tài sản hợp lý; phương án nhân sự khoa học, có giải pháp hữu hiệu đã được Đại hội thành viên và đông đảo xã viên tán thành, tỷ lệ xã viên tham gia thành viên đạt hơn 98%. Là hợp tác xã đầu tiên của Hà Nội tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, được Liên minh Hợp tác xã thành phố cử giới thiệu nội dung và kinh nghiệm tổ chức lại hợp tác xã tại địa bàn các huyện Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Phúc Thọ.

Một sáng kiến nữa của ông Đức được coi là mở đường cho các hợp tác xã truyền thống tham gia vào các loại hình kinh doanh thương mại, du lịch là việc thành lập doanh nghiệp trực thuộc hợp tác xã. Sau một thời gian hoạt động thí điểm, năm 2017, Hợp tác xã đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Du lịch An Hưng trực thuộc hợp tác xã với vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng. Hiện tại, hoạt động của công ty ở 3 lĩnh vực: Du lịch lữ hành, vận tải du lịch và quản lý chợ.

Đặc biệt, ông Đức đã có sáng kiến xây dựng hệ thống quản lý thành viên và khách hàng sử dụng dịch vụ của hợp tác xã đồng bộ, hiện đại. Hiện, số xã viên đăng ký tham gia thành viên hợp tác xã lên tới 2.507 thành viên và khách hàng sử dụng dịch vụ của hợp tác xã cũng rất lớn, với hơn 5.000 khách hàng.

Để bảo đảm tính khoa học và tính thống nhất trong quản lý, ông Đức đã định hướng và chỉ đạo chuyên môn xây dựng hệ thống quản lý thành viên và khách hàng, như: Ban hành quy định mã thành viên theo thôn, phân loại mã thành viên đăng ký lại, mã thành viên đăng ký mới… Việc quản lý, sử dụng dịch vụ của các thành viên đã được hợp tác xã theo dõi trên hệ thống phần mềm thuận tiện.

Trong quản lý, điều hành, ông Đức còn được đánh giá cao trong việc thực hành tiết kiệm, chống tổn hao điện năng của hợp tác xãGiai đoạn từ năm 2014 đến năm 2022, tổn hao điện thương phẩm của hợp tác xã giảm từ 8,9%, xuống còn 3% mỗi năm, làm lợi cho hợp tác xã hàng tỷ đồng. Từ hiệu quả giảm tổn thất điện năng, hợp tác xã có đủ nguồn lực đầu tư công suất cấp điện từ 11.250KVA lên 22.470KVA, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Các hoạt động chuyển đổi số của đơn vị cũng được triển khai sớm để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, như quản lý dữ liệu theo phần mềm hiện đại, đa dạng hình thức nộp tiền, khuyến khích không sử dụng tiền mặt, thực hiện nhắn tin SMS, Zalo thông báo tiền điện cho khách hàng. Hiện tại, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 40%.

Nói về ông Nguyễn Phi Đức, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, ông Đức là người trưởng thành từ hợp tác xã, thấm nhuần các chính sách, đường lối, chủ trương, mục đích của hợp tác xã. Trong quản trị, điều hành, ông luôn lấy mục tiêu phát triển kinh tế để hỗ trợ cộng đồng, chăm lo đời sống thành viên và người lao động; coi nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động cộng đồng là vì mục tiêu phát triển hợp tác xã, qua đó làm sáng rõ, chứng minh tính ưu việt của kinh tế tập thể, hợp tác xã so với các thành phần kinh tế khác.

Theo vca.org.vn

Một trong những đặc sản của huyện Mê Linh, Hà Nội là giống bưởi đỏ do HTX Bưởi đỏ Đông Cao sản xuất. Với màu đỏ mận từ trong ra ngoài, vị chua dịu không đắng “độc quyền” đã đem lại lợi nhuận lớn cho thành viên HTX và các hộ dân trong vùng, góp phần đắc lực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Nhằm bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ, đồng thời phát triển kinh doanh thương mại đặc sản của địa phương, HTX Bưởi đỏ Đông Cao được thành lập cuối năm 2018.

Giống bưởi đỏ Đông Cao được coi là “báu vật” của người dân xã Tráng Việt, bởi đây là “món quà” truyền đời của cha ông. Hiện nay, cả xã Tráng Việt có khoảng 40 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 2.000 cây đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở thôn Đông Cao. Mỗi năm có khoảng 30.000 quả bưởi xuất ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. 

“Loại bưởi này đã có cách đây 50 – 60 năm nay, và được thu hoạch từ tháng 8 – 12 âm lịch. Một số đơn vị muốn mua bưởi đỏ phải đặt trước 2 tháng. Các cây lâu đời từ 30 – 40 năm cho sản lượng khoảng 200 quả một năm; cây từ 10 – 20 năm có khoảng 90 – 120 quả. Dịp Tết, bưởi sẽ có giá bán cao hơn, đem lại doanh thu tương đối lớn cho HTX”, Giám đốc HTX Bưởi Đỏ Đông Cao, Lương Văn Phương chia sẻ với VnBusiness.

 

Đến  nay, bưởi đỏ Đông Cao đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc, mã QR. Khách hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR, các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình trồng sẽ thể hiện rõ ràng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thương hiệu bưởi đỏ vươn tầm quốc tế,  xuất khẩu sang các thị trường châu Á và châu Âu.

Lưu giữ giống bưởi quý

Có thể nói, gia đình Giám đốc HTX Lương Văn Phương là hộ trồng nhiều và gắn bó lâu nhất với bưởi đỏ ở làng Đông Cao cũng như xã Tráng Việt.

HTX Bưởi đỏ Đông Cao được thành lập nhằm mục đích bảo tồn gen, duy trì giống cây bưởi đỏ và kinh doanh thương mại đặc sản này cho các hộ dân.

Ông Phương chia sẻ: “Từ cây bưởi đỏ có tuổi đời 50 – 60 năm do cha ông để lại, mới đầu nghĩ đó là cây bưởi bình thường nhưng sau một lần thương lái bỏ sót nên mới thấy quả bưởi lên màu đỏ. Từ đó, tôi tiến hành chiết cành rồi bán cho các thành viên của HTX và người dân trong thôn. Tôi cũng thu mua những cây bưởi có tuổi đời lâu năm mà người dân buộc phải bỏ trong quá trình canh tác, sản xuất rau màu khác. Đến nay, gia đình tôi có hơn 2.000 cây bưởi đỏ ở năm thứ 5 và và hàng trăm gốc bưởi có tuổi đời từ 25 – 30 năm đang cho thu hoạch vài nghìn quả mỗi năm”.

Cây bưởi đỏ được hình thành sau quá trình ươm tạo khoảng 5 – 6 tháng sẽ được đưa vào công đoạn ghép. Sau quá trình chăm sóc, chăm bón, khoảng tầm 3 năm, cây bưởi bắt đầu cho thu hoạch.

“Để có được những cây bưởi đỏ chất lượng, việc chăm sóc những cây bưởi giống từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Mới đây, chúng tôi đã sử dụng phân bón hữu cơ và cho ra quả bưởi ngọt và dày múi hơn rất nhiều. Theo đó, trước khi trồng bưởi giống phải xử lý kỹ đất trồng, luống phải đảm bảo độ cao tiêu chuẩn và đảm bảo khoảng cách gieo trồng”, ông Phương tiết lộ.

Kinh tế cải thiện nhờ bưởi đỏ

Khoảng vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của nhiều kênh thông tin, truyền thông đã lan tỏa đến người tiêu dùng, nhờ đó thương hiệu bưởi đỏ Đông Cao dần được khẳng định vị thế trên thị trường. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, HTX sẽ tiêu thụ 3 vạn quả bưởi, doanh thu lên đến 2 tỷ đồng.

Bưởi đỏ Đông Cao được bán với giá rất cao, có những cặp bưởi to đẹp được bán nửa triệu đồng mà vẫn “cháy hàng” mỗi dịp Tết cận kề. Nhờ có giống bưởi này mà những năm gần đây, người dân Đông Cao đã ăn nên làm ra, thậm chí nhiều gia đình vươn lên thành hộ khá giả, giàu có.

Bên cạnh những thuận lợi về kinh tế thì việc mở rộng diện tích trồng bưởi của thôn Đông Cao vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Ngoài ra, HTX hiện nay đang thiếu kênh tiêu thụ liên kết bền vững, chủ yếu là thương lái đến tận vườn thu mua. Để gìn giữ, phát triển mô hình trồng, ông Phương cùng các thành viên trong HTX đang nỗ lực tìm kiếm thị trường ổn định, mong muốn có cơ hội đưa sản phẩm bưởi đỏ Đông Cao vào các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước và đưa bưởi đỏ ra thị trường quốc tế.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù khi tiềm ẩn nhiều rủi ro, suốt 25 năm qua, HTX Dịch vụ điện Liên Hà vẫn luôn là đơn vị đi đầu trong việc đảm bảo an toàn vận hành điện lưới phục vụ cuộc sống người dân. Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu gắn với định hướng phát triển từ xã lên phường của địa phương.

Về với thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà – nơi vẫn thường được người dân bản địa gọi vui là “vùng sâu, vùng xa” của huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) – không khó để bắt gặp hình ảnh bình cứu hỏa luôn được trang bị sẵn ở nhiều hộ gia đình, ý thức sử dụng điện an toàn luôn được bà con nhắc nhở nhau thường xuyên, người dân thích thú khi được hướng dẫn thanh toán tiền điện hàng tháng từ xa mà không cần dùng tiền mặt,…

1/4 thế kỷ “thắp sáng” thôn làng 

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, góp sức vào công cuộc rực rỡ đó là cả một hành trình dài mà các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp,… cùng chung tay hỗ trợ chính quyền địa phương đem lại những đổi thay “cách mạng” nơi thôn làng. Trong đó, không thể không nhắc tới HTX Dịch vụ điện Liên Hà với chặng đường hoạt động “vắt ngang” 2 thế kỷ (từ năm 1998 đến nay). Qua đó, góp phần giúp địa phương thực hiện đồng bộ và hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đặc biệt là tiêu chí số 4 về điện.

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, nhu cầu sử dụng điện trong dân ngày càng tăng lên theo thời gian, nhưng suốt 25 năm qua, HTX luôn đảm bảo đủ điện cho bà con sử dụng an toàn, liên tục và không để xảy ra sự cố mất điện.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Dương Văn Long – Giám đốc HTX phấn khởi cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, bình quân sản lượng điện mua vào của HTX đạt khoảng 2,3 triệu kWh/tháng. Qua đó, giúp cung cấp và đảm bảo điện năng cho khoảng 7.000 hộ dân ở xã Liên Hà sử dụng trong các hoạt động sinh hoạt thường nhật lẫn sản xuất, kinh doanh.

Song song với đó, đơn vị vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ làm kinh tế, tạo công ăn việc làm, duy trì cuộc sống ổn định giúp người dân địa phương. Được biết HTX đang có 62 thành viên tham gia, trong khi trụ sở có 15 người lao động, đa số đều là người dân trong xã và làm việc ở nhiều vị trí khác nhau.

Bên cạnh việc đảm bảo mức lương bình quân khoảng 11 triệu đồng/người/tháng, đơn vị cũng thành lập tổ chức công đoàn để đáp ứng đầy đủ các chế độ, chính sách đãi ngộ cho người lao động.

Bà Hoàng Thị Ngân – Kế toán trưởng HTX thông tin, doanh thu bình quân của đơn vị đạt khoảng 45 tỷ/năm, trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt trên 500 triệu đồng/năm. Giá điện đầu vào và đầu ra đều được đơn vị thực hiện theo quy định chung của Nhà nước.

Nhằm đảm bảo dây dẫn và thiết bị điện luôn trong trạng thái an toàn khi vận hành, nhân viên HTX thường xuyên thực hiện các công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống điện lưới.

“Tuy nhiên, điện vốn dĩ là ngành “ngốn” chi phí hoạt động rất lớn. Vì vậy mà trong phạm vi cho phép, ban lãnh đạo HTX luôn cố gắng quản lý hoạt động và xoay sở một cách tốt nhất để đảm bảo đồng lương cho cán bộ nhân viên hàng tháng”, bà Ngân cho hay.

Vì là đơn vị đặc thù khi phải hoạt động trong lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nên bên cạnh “bài toán” kinh doanh, ban lãnh đạo HTX Dịch vụ điện Liên Hà luôn đặc biệt chú trọng, quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn điện năng và phòng chống cháy nổ trong đời sống nhân dân, góp phần xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với định hướng phát triển từ xã lên phường ở Liên Hà.

“Điểm tựa” giúp nhân dân an tâm xây dựng nông thôn mới

Theo người dân địa phương chia sẻ, nhờ sự quan tâm của HTX, các cơ quan phòng cháy chữa cháy cũng như lãnh đạo UBND xã Liên Hà mà những hoạt động tuyên truyền về đảm bảo an toàn khi sử dụng điện năng trong nhân dân cũng thường xuyên được đẩy mạnh.

Anh Chu Văn Trai – nhân viên quản lý vận hành của HTX Dịch vụ điện Liên Hà, người đã có nhiều năm gắn bó với công việc thuộc lĩnh vực đặc thù này tâm sự: “Trạm biến áp luôn được chúng tôi thường xuyên tiến hành kiểm tra định kỳ với tần suất ít nhất 1 lần/tháng, trong điều kiện trạm đang vận hành bình thường. Còn ở một số trường hợp khác như khi có yêu cầu đặc biệt về phụ tải lúc thời tiết nắng nóng; vào các dịp lễ, tết; phục vụ cho địa phương HTX luôn tăng cường kiểm tra từ 2 – 3 lần/tháng, tùy vào từng trường hợp cụ thể”.

Theo anh Trai chia sẻ, trong quá trình kiểm tra, nhân viên luôn phải trang bị bảo hộ lao động. Tùy thuộc vào từng công việc thực hiện mà việc bảo hộ sẽ cần trang bị những thiết bị khác nhau. Đơn cử như khi kiểm tra vận hành phải có bao tay, ủng cao su; vận hành để cắt điện sửa chữa cần làm tiếp địa;… Tất cả các khâu đều phải thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định để đảm bảo an toàn trong cả công tác vận hành lẫn sử dụng điện.

Được biết trước kia, nhiều hộ dân ở xã Liên Hà phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp và phải thực hiện phun sơn trong quá trình sản xuất. Nhận thấy trong hóa chất có chứa thành phần xăng nên việc phòng chống cháy nổ lại càng được HTX đặc biệt quan tâm, sát sao trong cuộc sống thường nhật của người dân.

Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã kết hợp với HTX để tổ chức nhiều lớp tập huấn thực hành trực tiếp cho người lao động, đặc biệt là các chủ xưởng sản xuất ở xã Liên Hà. Gần nhất là vào tháng 6 vừa qua, HTX đã phối hợp với UBND xã Liên Hà cùng công an địa phương tổ chức lớp tập huấn PCCC, qua đó giúp người dân được tiếp cận với kiến thức, kỹ năng nâng cao trong việc chữa cháy.

Không dừng lại ở đó, HTX Dịch vụ điện Liên Hà còn là một trong số ít HTX tiêu biểu tại Hà Nội đã “bắt nhịp” số hóa rất thành công.

Ông Long chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu của chính khách hàng, HTX đã học hỏi từ các đối tác và từ chính các công ty điện lực. Phải bắt nhịp số hóa để theo kịp thời đại chứ không thể để HTX bị tụt hậu.

Từ đầu năm 2023, chúng tôi đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh như xây dựng app sử dụng trên điện thoại thông minh, website sử dụng trên máy tính và nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân. Giờ đây, bà con đã có thể tra cứu chỉ số điện từ xa và thanh toán không dùng tiền mặt”.

Có thể nói, nhờ việc luôn chủ động đảm bảo an toàn vận hành điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong nhân dân cũng như ứng dụng số hóa trong sản xuất mà những năm gần đây, HTX đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với định hướng phát triển từ xã lên phường ở Liên Hà.

Tiên phong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Được biết năm 2023, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đưa 4 huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng về đích nông thôn mới nâng cao. Đây cũng là bước đi nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.

Trong đó, huyện Đông Anh là địa phương đã đạt 9/9 tiêu chí NTM nâng cao. Đến nay, toàn huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 12/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 52%) và đặc biệt là có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, Liên Hà đã trở thành xã đầu tiên của huyện Đông Anh đạt đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ cuối năm 2022. Để có nguồn lực đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu, ông Phạm Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Liên Hà chia sẻ địa phương đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Cùng với đó là tranh thủ nguồn lực đóng góp từ nhân dân đóng góp, ngân sách hỗ trợ từ TP Hà Nội và huyện Đông Anh.

Thông tin từ văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội cho biết, xã Liên Hà đã và đang chú trọng thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực gồm: y tế, văn hóa và giáo dục – đào tạo.

Đối với lĩnh vực y tế, Trạm Y tế xã đã được đầu tư đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí 12 tỷ đồng cùng cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo, hiện đại, đầy đủ. UBND xã trực tiếp phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện giao cho các đoàn thể, trạm y tế vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân. Đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn xã tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 96%.

Đối với lĩnh vực văn hóa, xã Liên Hà đã có một trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn với diện tích 15.000m2. Bao gồm nhà văn hóa đa năng, nhà thi đấu có khán đài, sân khấu di động với sức chứa hơn 500 chỗ ngồi. Xã Liên Hà cũng có 8/8 thôn có nhà văn hóa và được lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời giúp người dân luyện tập hằng ngày.

Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, xã Liên Hà có 5 trường (chiếm 100%) đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện xã đang triển khai các dự án cải tạo cơ sở vật chất để có thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm 2022, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 lên 4 trường.

Thêm vào đó, đại diện UBND xã Liên Hà cho biết, song hành với mục tiêu NTM kiểu mẫu, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã lên phường theo định hướng chung của huyện Đông Anh. Qua đó, phấn đấu sớm đưa xã Liên Hà trở thành phường trước năm 2025.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Vốn là khu vực thuần nông ven đô, trước kia, người dân xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đa phần chỉ chú trọng sản xuất nông nghiệp đơn thuần với cây lúa nước, tuy nhiên giá trị kinh tế đem lại không cao nên vòng luẩn quẩn đói nghèo vẫn cứ đeo bám. Nhiều năm trở lại đây, nhờ bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà không ít nông dân đã ấm no, “đổi đời”.

Được coi là đơn vị “điểm sáng” trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ đã luôn thực hiện chủ trương “làm bạn với nhà nông” và xây dựng mô hình kinh tế ngày càng lớn mạnh, góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho các hộ thành viên.

1/3 thế kỷ “vì nhân dân phục vụ”

Trao đổi với VnBusiness, ông Hoàng Văn Giang – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ cho biết bộ máy của đơn vị có 281 thành viên góp vốn cổ phần. Trên toàn địa bàn hiện có 13 đội dịch vụ hoạt động ở 13 thôn xóm, với gần 2.500 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp.

Quy mô diện tích đất nông nghiệp của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ lên đến gần 200ha. Trong đó, có khoảng 150ha là đất trồng lúa; còn lại gần 50ha là những vùng chuyên canh được nông dân trồng hoa đào, bưởi diễn, cam canh hoặc một số loại cây dài ngày khác. Qua đó, khai thác triệt để tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương một cách linh hoạt và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Mô hình tiền thân của HTX đã dần hình thành từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, HTX vẫn duy trì hoạt động theo tính chất truyền thống và đi theo tôn chỉ “vì nhân dân phục vụ, không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu”, Chủ tịch Hoàng Văn Giang chia sẻ.

Những năm qua, HTX luôn hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng ủy, UBND cùng toàn thể người dân xã Uy Nỗ giao phó. Các hoạt động chính được đơn vị chú trọng trong công tác phục vụ sản xuất cho các hộ nông dân bao gồm: cung ứng dịch vụ thóc giống; cung ứng cây trồng; tưới tiêu; cày cấy; bảo vệ thực vật; nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp…

Bên cạnh đó, hàng năm HTX đều tổ chức các buổi tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp cho các thành viên. Mỗi lớp có khoảng 100 – 150 thành viên tham gia. Nhờ đó mà mô hình HTX ngày càng được nhân rộng.

Ngoài ra, một vài năm trở lại đây, nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã TP. Hà Nội, HTX Uy Nỗ đã tổ chức thành công nhiều buổi tập huấn về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Qua đó giúp trang bị kiến thức cho nhân dân về cứu hộ cứu nạn trong sinh hoạt tại cả nơi sản xuất lẫn khu dân cư. Chia sẻ với phóng viên, nhiều hộ thành viên đã bày tỏ sự hưởng ứng và đánh giá đây là những hoạt động thiết thực.

Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền

Để có thể thu hoạch được những “trái ngọt” như ngày hôm nay là cả một hành trình dài mà ban lãnh đạo HTX cùng bà con xã Uy Nỗ đã nỗ lực cùng nhau viết nên. Được biết trước đây, diện tích canh tác nông nghiệp ở địa phương chủ yếu trồng lúa hoặc một số cây lương thực quen thuộc khác như khoai lang, ngô, sắn,… Tuy nhiên, do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kinh tế cây trồng đem lại không cao nên đời sống người dân khi đó còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, với sự khuyến khích của HTX, nhiều hộ nông dân đã quyết tâm chuyển đổi mô hình canh tác từ trồng lúa sang trồng hoa hoặc một số loại cây ăn quả khác và đã thực hiện thành công.

Chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Ngọc Oanh – Thành viên HTX, Đội trưởng Đội sản xuất thôn Phúc Lộc (xã Uy Nỗ) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi trước đây cấy 5 sào lúa, tuy nhiên vì giá trị kinh tế thấp nên đã chuyển đổi sang trồng 5 sào đào. Hiện nay, doanh thu mà vườn đào đem lại đã cao gấp 10 lần so với việc trồng lúa. Nếu như 1 sào lúa thu hoạch được khoảng 4 tạ thóc/năm thì 1 sào đào trồng từ 150 – 200 cành có thể đem lại giá trị kinh tế tương đương 4 tấn thóc/năm. Vào dịp Tết, một cành đào dễ dàng bán được từ 500.000 – 700.000 đồng”.

Theo bà Oanh chia sẻ, tuy không tránh khỏi một vài bỡ ngỡ lúc bắt đầu nhưng nhìn chung, quá trình chuyển đổi cơ cấu canh tác của bà con không gặp quá nhiều khó khăn. Lý do là bởi nhiều hộ gia đình trồng đào ở thôn Phúc Lộc đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi mô hình từ HTX cùng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Hiển ở thôn Nghĩa Lại cũng là một trong những hộ tiên phong khi chuyển đổi canh tác từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi từ năm 2006 và đã thành công.

Trên diện tích trang trại rộng khoảng 15.000m2, gia đình ông Hiển trồng khoảng 200 gốc bưởi, 50 gốc nhãn cùng một số loại cây cho trái khác như mít, xoài, dừa,… Bên cạnh đó còn nuôi khoảng 20.000 con gà đẻ trứng, đào ao thả cá, xây chuồng nuôi bò, lợn. So với trước kia chỉ cấy lúa một năm 2 vụ thì hiện giờ gia đình có thể thu hoạch quanh năm, thu nhập tăng gấp 10 lần.

“Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền. Nhìn chung, lợi nhuận từ việc chăn nuôi đem lại là cao hơn so với trồng cây. Trong các loại cây ăn quả tại trang trại thì bưởi là sản phẩm bán chạy nhất. Trước kia lúc cao điểm tôi bán được khoảng 35.000 đồng/quả, tuy nhiên hiện giá bưởi đã giảm chỉ còn khoảng 15.000 đồng/quả. Mỗi sào bưởi trồng được 20 cây, trung bình mỗi năm cả vườn thu hoạch được 10.000 quả bưởi, đem lại doanh thu khoảng 150 triệu đồng”, ông Hiển cho hay.

Nan giải “bài toán” đô thị hóa

Có thể thấy, việc chuyển đổi linh hoạt mô hình làm kinh tế khi không còn sản xuất nông nghiệp đơn thuần với cây lúa nước đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Uy Nỗ “đổi đời”, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê trở nên giàu mạnh, trù phú.

Chuyển đổi canh tác sang trồng bưởi giúp nhiều hộ thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ có thu nhập cả trăm triệu mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng như nhiều đơn vị khác trên cả nước, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Uy Nỗ đang phải đối mặt với “bài toán” đô thị hóa. Một trong những khó khăn lớn nhất trong hoạt động của HTX hiện nay là việc địa phương đang nằm trong vùng quy hoạch của TP. Hà Nội. Huyện Đông Anh chuẩn bị lên cấp quận, xã Uy Nỗ cũng sẽ lên cấp phường. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm do phải nhường chỗ cho các dự án giải phóng mặt bằng.

Bà Nguyễn Ngọc Oanh trải lòng: “Thôn Phúc Lộc trước đây có tổng cộng khoảng 41 mẫu đất canh tác. Tuy nhiên đến nay đã bị mất 30 mẫu và chỉ còn khoảng 11 mẫu do giải phóng mặt bằng. Tấc đất tấc vàng, khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp thì rất mong các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện hỗ trợ nông dân chúng tôi có thể làm những ngành nghề khác để phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống; đặc biệt là những hộ gia đình có lao động lớn tuổi để họ có kế sinh nhai ổn định ở độ tuổi xế chiều”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT HTX Hoàng Văn Giang cũng chia sẻ nguyện vọng lớn nhất của nhân dân là mong Nhà nước có các chính sách quan tâm để tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho những hộ thành viên có đất bị thu hồi, nhất là những người đã ngoài 40 tuổi, bởi nếu không còn làm nông thì họ cũng rất khó khăn khi đi xin việc do đã quá tuổi lao động.

Bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến vấn đề đô thị hóa thì HTX cũng chưa có trụ sở để hoạt động độc lập, dù đã và đang phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp toàn dân trên quy mô toàn xã trong nhiều năm qua.

“Mong rằng thời gian tới HTX sẽ được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để cấp đất và xây dựng trụ sở, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động, đem lại lợi ích phục vụ nhân dân. Song song với đó, chúng tôi cũng mong Nhà nước sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cán bộ trong HTX nông nghiệp nói riêng và các HTX khác nói chung”, ông Giang bày tỏ.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Sản xuất xanh đang là hướng đi của nhiều HTX tại Hà Nội nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của chính các HTX ở cả thị trường trong và ngoài nước.

HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) là đơn vị tiêu biểu của Hà Nội thực hiện sản xuất theo hướng xanh theo chuỗi liên kết “5 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà phân phối và người tiêu dùng).

Xanh từ đất, sạch từ tâm

Điểm nhấn của mô hình này là HTX đã chú trọng sản xuất theo quy trình hữu cơ.Tất cả nguồn phân hữu cơ được HTX tự sản xuất từ phân chuồng, phế thải hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi. Những chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu hữu cơ cũng được sản xuất từ các thảo dược sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, không độc hại cho người sử dụng.

Quy trình sản xuất của HTX cũng được kiểm gia, giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý. Cụ thể Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội sẽ định kỳ lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm của HTX. Nếu đủ tiêu chuẩn hữu cơ, HTX mới được xuất nông sản ra thị trường.

Nhờ vậy, các sản phẩm rau hữu cơ của HTX đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Vùng đất Tiên Dương cũng được “xanh”  hơn nhờ diện tích rau hữu cơ ngày càng được mở rộng.

Còn tại HTX rau sạch Chử Tâm (Gia Lâm) từ diện tích ban đầu chỉ gần 10.000m2 nhưng nhờ phát triển theo quy trình an toàn, đến nay, nông trại rau sạch của HTX đã có quy mô lên tới 90.000m2. Không chỉ áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn, HTX còn đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính và nguồn nước được xử lý bằng công nghệ hiện đại, tưới tiêu tự động, hệ thống sơ chế hiện đại. Đặc biệt, các thành viên được đào tạo thường xuyên, cùng sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nên nông sản của HTX luôn có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất khi đưa ra thị trường theo tiêu chí “xanh từ đất – sạch từ tâm”. Nông sản của HTX đã cung cấp vào các hệ thống siêu thị Aeon, Big C, BRG, một số trường học liên cấp, chuỗi cửa hàng nông sản sạch…

Theo ban giám đốc HTX, để có được những kết quả trên, tất cả các chỉ tiêu như kim loại nặng, các chất hoá học, vi khuẩn đều không phát hiện trong quá trình kiểm tra. Đây này là cách HTX hướng đến một nền nông nghiệp xanh và sạch vì sức khỏe và nòi giống.

Thích ứng thị trường

Có thể thấy, nhiều HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang tham gia sản xuất xanh, thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe con người. Để có được điều này, các HTX đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu không gây độc hại. Các HTX cũng đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.

Tiêu biểu như HTX rau quả sạch Chúc Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ liên kết với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc này sẽ dự báo nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… một cách chính xác, từ đó giúp HTX có căn cứ để xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Việc này cũng giúp HTX hạn chế phải sử dụng phân thuốc trong quá trình sản xuất, bảo đảm được chất lượng và môi trường, đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…

Đặc biệt, nhiều HTX đã hình thành nên các trang trại xanh, thu hút khách đến tham quan trải nghiệm nhờ có phương án sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt và phát triển sản xuất gắn liền với tạo lập môi trường sinh thái bền vững, đa dạng sinh học.

Điều này đã giúp các HTX thu hút thêm các hộ dân tham gia làm thành viên để cùng sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn) đang áp dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ PGS – chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo các quy định của sản xuất hữu cơ. Thông qua các tổ đội và thực hiện giám sát chéo lẫn nhau, ý thức sản xuất của thành viên và người dân đã được nâng cao. Điều này giúp bảo đảm lợi nhuận cho người trồng rau hữu cơ, đáp ứng tiêu chí sử dụng rau sạch của người tiêu dùng. HTX cũng thu hút đến 141 người liên kết sản xuất trên 35ha.

Sản xuất xanh, sạch được các HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư.

Theo chia sẻ của đại diện các HTX, hiện nay, người tiêu dùng Thủ đô đang hướng đến lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng xanh. Điều này khuyến khích các HTX sản xuất theo hướng bền vững. Đây được xem là xu hướng tiêu dùng nổi bật hiện nay và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần và trở thành một trong những mô hình được nhiều HTX hướng tới, nhằm đáp ứng xu thế phát triển chung của thế giới.

Tại Hà Nội, người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam ở các thành phố lớn, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa…

Chính vì vậy, không chỉ trong sản xuất, các HTX cũng chú trọng đến yếu tố xanh trong bao bì, trong chất lượng sản phẩm, trong các quy trình của sản xuất. Nắm bắt được tâm lý hạn chế sử dụng thực phẩm, đồ uống  cốc, ống hút từ đồ dùng một lần, HTX Sông Hồng (Đông Anh) đã đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất ống hút từ rau củ thân thiện với môi trường. Đây là hướng đi hiệu quả, giúp HTX thích ứng với thị trường và đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng sản phẩm xanh của nhiều người tiêu dùng.

Nâng cao năng lực cho HTX

Để các HTX chung tay với các cơ quan Nhà nước trong việc thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã tập trung tuyên truyền rộng rãi đến đối tượng là các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường.

Việc các HTX đang chuyển đổi và thực hiện sản xuất theo hướng bền vững cũng sẽ đóng góp không nhỏ trong việc định hướng xu hướng mua sắm, tiêu dùng cho  người dân. Từ đó, giúp Thủ đô ngày phát triển mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, việc chú trọng sản xuất bền vững với các chứng nhận cụ thể chính là tấm giấy thông hành giúp các HTX thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, châu  Âu, Nhật Bản… Hiện, đã có những HTX xuất khẩu nông sản thành công, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm như HTX rau an toàn Văn Đức, HTX nông nghiệp Đồng Phú…

Sản xuất xanh được đánh giá là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên… Tuy nhiên, để sản xuất theo hướng này, không chỉ đòi hỏi các HTX có thời gian, thành viên cần kiên trì mà còn cần có kế hoạch, sự đầu tư thích đáng về công nghệ, máy móc và cần sự liên kết chặt chẽ hiệu quả hơn nữa giữa 5 nhà để các chuỗi giá trị bền vững mới thực sự mang lại hiệu quả cao.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết hiện nay, cùng với việc vận động bà con thành viên mở rộng quy mô sản xuất, HTX đang tập trung xây dựng thương hiệu “Organic Tiên Dương” cho sản phẩm rau hữu cơ. Vậy nhưng, vấn đề đặt ra với HTX hiện nay là sản lượng rau hữu cơ được bao tiêu theo hợp đồng vẫn còn hạn chế.

“Mong muốn của HTX là được các cơ quan quản lý tiếp tục tạo điều kiện trong việc liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm rau hữu cơ cũng như hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến tại chỗ”, bà Phạm Thị Lý cho biết.

Điều mà nhiều HTX quan tâm là đầu tư cho sản xuất xanh, bền vững đòi hỏi chi phí cao 4- 6 lần so với phương pháp sản xuất thông thường. Trong khi đó, trên thị trường vẫn có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ, an toàn với các sản phẩm khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin…

Nhằm phần nào tháo gỡ những khó khăn trên, thành phố Hà Nội đã cùng các địa phương đẩy mạnh thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn mà thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

Cùng với đó, thành phố tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đưa sản phẩm bảo đảm các tiêu chí bền vững vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu…

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Nhờ hoạt động với mô hình khép kín cùng mục tiêu “đưa sản phẩm từ trang trại đến tận bàn ăn của người tiêu dùng”, HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng đã đạt hiệu quả cao khi vừa đạt doanh thu tiền tỷ mỗi năm, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, qua đó góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Vượt qua chặng đường hơn nửa thập kỷ phát triển, HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng đã và đang ngày càng lớn mạnh. Phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể khi liên kết với các hộ dân trong vùng, HTX giúp cuộc sống của những người nông dân nơi đây không chỉ còn trông chờ vào sào lúa, con trâu.

“Hồi sinh” từ những mảnh ruộng hoang

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Thiêm – Phó Giám đốc HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng cho biết, toàn bộ diện tích khoảng 10 ha mà HTX đang sử dụng để nuôi cá trước đây đều là ao đầm, đồng ruộng hoang hóa. Do sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nên người dân thường xuyên bỏ ruộng, không sản xuất, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Trước thực trạng đó, năm 2018, HTX Đại Áng được thành lập với 7 thành viên và tiến hành thuê đất của các hộ dân. Mọi công tác đào đắp, cải tạo sau đó đều phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành trước mùa mưa để kịp tích nước.

Thay vì nuôi cá như cách thức truyền thống, HTX đã lựa chọn áp dụng công nghệ cao, cụ thể là công nghệ “sông trong ao” có xuất xứ từ Mỹ. Số vốn đầu tư ban đầu được “rót” vào ao cá khi đó lên tới khoảng 10 tỷ đồng. Ngay từ thời điểm bắt đầu gây dựng mô hình, dù biết sẽ rất tốn kém và khó khăn nhưng ban lãnh đạo HTX vẫn quyết tâm đến cùng để mang mô hình hiện đại từ Mỹ về với vùng thôn quê.

Theo đó, khi sử dụng công nghệ này, ao sẽ được lắp đặt các máng nước với 2 đầu chặn bằng lưới. Các bể nuôi được thiết kế đặt nhiều máy thổi khí, máy bơm để tạo lực khiến dòng nước chảy cưỡng bức tuần hoàn, vì vậy mới có tên gọi “sông trong ao”. Bởi, về bản chất vốn dĩ ao có đặc điểm kín và không có dòng chảy thường xuyên giống như sông.

Thêm vào đó, nhờ công nghệ “sông trong ao”, bể nuôi sẽ có một lượng oxy lớn hơn nhiều so với mức bình thường. Từ đây có thể nuôi cá với mật độ lớn hơn, cho sản lượng cao hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống. Song song với đó, hệ thống xử lý nước thải hoạt động liên tục để diệt khuẩn và làm trong nước, loại bỏ hoàn toàn khí thải và các chất tồn dư trong ao.

Hiện, mỗi bể nuôi của HTX có diện tích khoảng 125m2, độ sâu 2m, tương đương 250 khối nước và có thể nuôi được khoảng 37,5 tấn cá. Trên 1ha ao sẽ lắp đặt được 3 “sông”, có thể nuôi tới hơn 100 tấn cá. HTX hiện có tổng cộng 15 “sông”.

Mô hình của HTX Đại Áng được vận hành khép kín hoàn toàn với mục tiêu “đưa sản phẩm từ trang trại đến tận bàn ăn của người tiêu dùng”.

Điểm đặc biệt của công nghệ này là giúp việc quản lý cá nuôi thuận lợi hơn ở tất cả các khâu, từ việc cho ăn, phòng trị bệnh đến lúc đánh bắt.

Ngoài ra, môi trường nước luôn duy trì tốc độ dòng chảy ổn định khiến cá liên tục phải bơi ngược dòng. Theo cách nói hóm hỉnh của ông Thiêm thì đàn cá được “tập thể dục” thường xuyên nên rất khỏe mạnh, thịt cá cũng trở nên săn chắc, thơm ngon hơn. 

Cái khó... ló cái khôn

Hồi tưởng lại những ngày đầu, ông Thiêm không khỏi tự hào: “Tất cả anh em chúng tôi khi đó đều mang trong mình đam mê, nhiệt huyết với mục tiêu nuôi cá công nghệ cao, với việc làm giàu cho quê hương từ kinh tế thủy sản”.

Tuy nhiên, đam mê và nhiệt huyết thôi là chưa đủ khi khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Để thành công như ngày hôm nay, ban lãnh đạo HTX đã phải mạnh dạn, táo bạo vượt ra vòng an toàn để đưa HTX chuyển mình.

Theo đó, trong giai đoạn đầu khi mới thành lập vào năm 2018, HTX chỉ tập trung vào hoạt động nuôi cá, nhưng đại dịch Covid-19 ập đến.

Giãn cách xã hội trong khoảng thời gian dài khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng đã khiến việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Nuôi cá bao ngày đến lúc thu hoạch lại không thể bán ra thị trường, giai đoạn đó, ban lãnh đạo HTX “đứng ngồi không yên” lo tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ đây, ý tưởng thành lập thêm cơ sở sơ chế, chế biến đã được nhen nhóm. Được sự chấp thuận của lãnh đạo địa phương, HTX Đại Áng đã mạnh dạn nghiên cứu và đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng nhà xưởng và kho đông lạnh cũng như tuyển thêm nhân công làm việc.

Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thiêm cho biết: “Về cơ bản, mô hình của HTX được vận hành khép kín hoàn toàn với mục tiêu “đưa sản phẩm từ trang trại đến tận bàn ăn của người tiêu dùng”. Cá sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, chế biến. Quy trình bao gồm nhiều công đoạn như làm sạch, phi lê, cắt khúc, đóng gói, bảo quản đông lạnh… Ngoài sản phẩm cá tươi, chúng tôi còn làm chả cá và ruốc cá”.

Một số loại cá chính được HTX nuôi là cá trắm, cá chép, cá rô phi, cá diêu hồng, cá trôi, cá chim,… Khi đưa ra thị trường, các sản phẩm đều được đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc và thường xuyên được lấy mẫu đi kiểm tra, qua đó đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Được biết, đầu ra thị trường của HTX hiện nay tương đối rộng. HTX đã ký được hợp đồng cung cấp thực phẩm cho nhiều bếp ăn tập thể của các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, doanh trại quân đội, công an…, và có mặt tại một số hệ thống siêu thị.

Với quy trình vận hành trơn tru cùng nhịp độ sản xuất ổn định, HTX Đại Áng có thể cung ứng ra thị trường 250 tấn cá/năm, năng suất cao hơn 1,8 lần so với nuôi truyền thống. Ngoài ra, nếu cộng thêm 50ha ao nuôi liên kết với các hộ dân quanh vùng, tổng sản lượng mỗi năm của HTX có thể lên tới khoảng 1.000 tấn. Mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2022.

Ông Thiêm cho biết, doanh thu một năm của HTX đạt khoảng 20 tỷ đồng. Bên cạnh nuôi cá và thực hiện sơ chế, chế biến, HTX còn triển khai các hoạt động thương mại nhằm gia tăng giá trị đầu ra sản phẩm.

Giải bài toán cạnh tranh giá cả

Có thể nói, mở thêm cơ sở sơ chế và chế biến cá chính là bước đi đột phá của HTX trong cơn nguy khó mang tên Covid-19. Từ thời điểm mở rộng cơ sở, HTX đã tuyển thêm một số lao động tại địa phương, từ đó có thể gia tăng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa giúp bà con có thêm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống.

“Lao động của chúng tôi chủ yếu là người dân địa phương. Ngoài ra, HTX còn thuê thêm một số nhân công có tay nghề cao từ nơi khác đến. HTX luôn chú trọng thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định Nhà nước. Nhân công đến làm việc đều được phục vụ bữa ăn hàng ngày và duy trì mức thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. Riêng lao động ngoại tỉnh được HTX lo cho chỗ ăn ở và nghỉ ngơi”, ông Thiêm cho hay.

Tuy đã khẳng định được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội nhưng cũng như nhiều đơn vị khác, HTX Đại Áng phải “đau đầu” với câu chuyện cạnh tranh giá cả.

Theo ông Thiêm, khó khăn lớn nhất mà HTX đang phải đối mặt là vấn đề cạnh tranh giá bán với các sản phẩm cá nuôi ao truyền thống trên thị trường: “Chúng tôi nuôi cá với công nghệ cao nên chi phí khấu hao tài sản lớn, tốn kém hơn rất nhiều. Để có chất lượng thịt cá cao thì giá thành nuôi cũng bị đẩy cao hơn. Chúng tôi nuôi những mẻ cá sạch bằng cả tâm huyết với mong muốn giúp người tiêu dùng yên tâm thưởng thức thực phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, HTX vẫn đang phải rất cố gắng để có thể cạnh tranh sòng phẳng với thị trường cá nuôi ao truyền thống”.

Để tránh tình trạng đánh đồng chất lượng giữa thủy sản chất lượng cao và “hàng chợ”, HTX mong muốn các sở, ngành của Hà Nội cần quản lý chặt chẽ chất lượng thủy sản lưu thông trên thị trường. Thêm vào đó, các cấp chính quyền địa phương tham gia kết nối chuỗi thực phẩm sạch, an toàn, kiểm soát mô hình từ trang trại đến bàn ăn, hướng đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ đã và đang tạo nên một sức sống mới cho làng nghề truyền thống quỳ vàng có lịch sử trên 400 năm. Các thành viên của HTX tự hào khi là một phần quan trọng trong việc giúp nghề quỳ vàng, bạc của thôn Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2021, với những tác phẩm “có một không hai”.

Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây trên 400 năm, dưới thời Hậu Lê. Từ đó, người dân nơi đây với bản tính cần cù, với tay nghề khéo léo đã mang nghề đi khắp nơi. Nhận thấy những trách nhiệm to lớn của mình trong việc giữ gìn và phát huy danh tiếng của làng nghề, các thành viên của HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ luôn tâm niệm làm sao để giữ được sự “độc quyền” của nghề truyền thống, kể cả trong những thời điểm kinh tế khó khăn nhất vẫn luôn phát triển và vươn lên.

Khéo léo đôi bàn tay “vàng”

Để có những miếng vàng bạc quỳ, người thợ của HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ phải tuân thủ đủ 8 khâu chính và hàng chục khâu phụ. Từ những miếng vàng, bạc thật, người thợ đập (gọi là đập diệp) cho dài và mỏng rồi cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2, sau đó đặt vào lá quỳ.

Lá quỳ có cạnh dài 4cm làm từ giấy dó, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế (làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc). Mỗi tập quỳ 500 lá, trên mỗi lá có một mảnh vàng nhỏ, dùng vải diềm bâu gói lại, đặt lên đe đá, dùng loại búa chuyên dụng đập hàng trăm nhát, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.

Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh thì vàng cũng đã bay tung! Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảnh tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Lê Bá Chung, Chủ tịch HĐQT HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ cho biết: “Một thợ giỏi trong HTX có thể đập một chỉ vàng thành gần 1.000 lá vàng, có diện tích hơn 1m2. Bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác của nghề quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ là công đoạn làm lá để đặt vào các miếng quỳ đủ độ dai, đàn hồi, không bị dính. Chính vì vậy, nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cần mẫn, cẩn thận, tinh tế”.

Một sản phẩm của HTX được làm ra không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của nghệ nhân trong từng sản phẩm. Vậy nên, nghề làm vàng, bạc quỳ của HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao của không chỉ bạn hàng trong nước, mà của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Từ làng nghề đi lên HTX

HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ được thành lập chính thức vào tháng 1/2008, chủ yếu kinh doanh quỳ vàng, quỳ bạc, sơn son thếp vàng để phục vụ văn hóa tâm linh. Ban đầu HTX chỉ có 13 thành viên đều là những nghệ nhân ưu tú lâu năm, hiện tại HTX đã kết nạp được 71 thành viên, cùng với đó nhờ sự hỗ trợ từ quỹ vốn của Liên minh HTX nên các thành viên trong HTX đã chia thành các tổ riêng để chủ động làm công trình trên cả nước.

Ngoài việc thực hiện những đơn đặt hàng trực tiếp các sản phẩm sơn son thếp vàng, HTX còn vinh dự được “chọn mặt gửi vàng” để tham gia xây dựng, tu bổ các công trình văn hóa lớn như Cung đình Huế, Khải đoan tứ sắc, Thiền viện Bạch Mã… Có thể nói, các đền chủa từ Bắc vào Nam, cho đến đảo Trường Sa xa xôi đều mang dấu ấn “độc quyền” của làng nghề Kiêu Kỵ.

Nhờ những sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ trong làng nghề cũng như các thành viên HTX, những năm vừa qua, HTX HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao của Thành phố Hà Nội với một loạt các sản phẩm độc đáo như: tượng Trần Hưng Đạo dát vàng, bát sen dát vàng, lục bình “Vinh quy bái tổ”, thiềm thừ, bình hút lộc…

Giải thích về việc đưa từ mô hình làng nghề lên thành HTX, ông Chung nói: “Từ khi tìm hiểu về mô hình kinh tế tập thể và hiểu rõ được những ưu điểm của mô hình này khi áp dụng với một làng nghề truyền thống lâu đời như Kiêu Kỵ, cả tôi và Ban lãnh đạo đều hướng đến chọn ra những nghệ nhân có tâm huyết, yêu cái nghề độc đáo nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ mỹ này để kết nạp vào HTX”.

Một sản phẩm được làm ra không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của nghệ nhân trong từng sản phẩm.

Ông Chung cũng bộc bạch, từ năm 2010, HTX tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ của Liên minh HTX nên trong quá trình xây dựng và thành lập, HTX cũng không quá khó khăn về nguồn vốn huy động. Sau đó một thời gian, các thành viên HTX cũng đã phần nào tự chủ được nguồn vốn do một phần được đền bù đất đai trong quá trình Thành phố Hà Nội triển khai các công trình hạ tầng, đô thị. Theo thống kê, HTX đã vay được hơn 3 tỷ đồng cho các thành viên, và nhờ có sự tạo điều kiện, khuyến khích các làng nghề truyền thống nên trong các khâu thủ tục giấy tờ tương đối dễ dàng.

Điều HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ tự hào là cho đến nay, HTX đã tạo việc làm ổn định cho hơn 500 lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ sản xuất quy mô lớn với hàng chục thợ làm việc. Có thể khẳng định, HTX đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Kiêu Kỵ.

Gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc

Gắn bó với nghề quỳ vàng, bạc từ khi mới lên 10 tuổi, giờ đây tóc đã chuyển màu hoa râm, bà Phạm Thị Ngọ, một trong những nghệ nhân của HTX vẫn thoăn thoắt tay quỳ những miếng vàng mỏng tang, vừa chậm rãi giảng giải: “Ông cha đã có công xây dựng danh tiếng của làng nghề, vì vậy đến thế hệ con cháu kế cận như chúng tôi tham gia và cống hiến cho sự phát triển của HTX cũng là một cách thể hiện thái độ trân trọng với truyền thống quý báu của nơi mình sinh ra và lớn lên”.

Cũng là người con sinh ra và lớn lên trong một gia đình 3 đời có truyền thống làm nghề sơn son thếp vàng, nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung từ sau khi rời quân ngũ trở về quê hương đã được các nghệ nhân trong làng ưu ái cho gia nhập vào đội dán quỳ ở làng. Từ năm 1981 bắt đầu chập chững vào nghề đến nay đã hơn 40 năm, ông Chung chỉ có một trăn trở duy nhất là làm sao giúp làng nghề giữ gìn nét văn hóa truyền thống, vì vậy ông luôn hết mình trong việc tìm kiếm và đào tạo cho đội ngũ con em kế cận học nghề để làng nghề Kiêu Kỵ nói chung và HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ nói riêng luôn giữ được chữ tín mà bấy lâu nay thế hệ đi trước đã dày công xây dựng.

Khó khăn của HTX đang gặp phải là, do tính chất đặc thù là nghề về tâm linh, nên việc sản xuất phải theo chu kỳ, chủ yếu nhiều đơn đặt hàng khoảng từ tháng 8 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do việc xây dựng các công trình văn hóa lớn cũng ít nên đơn hàng cũng có chút giảm sút vì nghề này chủ yếu chỉ phục vụ nội địa.

Nhìn nhận được vấn đề này, không chỉ ông Chung mà những thành viên trong HTX cũng đã có những kế hoạch nhằm khôi phục và giữ vững nghề truyền thống của làng nghề, cũng như hướng tới xuất khẩu rộng rãi sang các thị trường khác trên thế giới. Hiểu rõ được tính đặc thù của sản phẩm, cũng như sự biến động lên xuống không ngừng của kinh tế thị trường sau dịch Covid-19, vậy nên hiện tại HTX đang từng ngày cố gắng hướng đến việc đảm bảo được công ăn việc làm cho bà con tham gia HTX. Song song với đó, HTX không ngừng sáng tạo, cho ra đời các sản phẩm chất lượng hơn để chờ thời cơ “chín muồi” đưa sản phẩm của HTX đi ra “biển lớn”.

Nói về kế hoạch trong tương lai, ông Chung cho biết, HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ vẫn mong muốn có thể giữ vững và phát huy nghề truyền thống của làng, bằng cách truyền lửa, đào tạo dạy nghề cho lớp con cháu kế cận, đồng thời đảm bảo được công ăn việc làm ổn định cho giới trẻ để làm sao cái nghề “độc nhất vô nhị” này của làng mãi mãi trường tồn với thời gian.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Sau nhiều năm thành công với thương hiệu rau sạch, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tiếp tục có bước đi đột phát khi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa lưới. Qua đó, HTX bước đầu có được “trái ngọt” trong hoạt động làm kinh tế nông nghiệp, trở thành minh chứng rõ nét cho những người nông dân Việt Nam “dám nghĩ, dám làm”.

Xuất phát điểm là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình trồng rau thủy canh ở Thủ đô từ năm 2017, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát đã đạt được nhiều thành tựu nhất định và tạo được tiếng vang thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Thế nhưng, không “ngủ quên trên chiến thắng”, sau hơn nửa thập kỷ gắn bó với cây rau sạch, đầu năm 2023, HTX lại tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dưa lưới Nhật Bản và gặt hái được nhiều kết quả thành công ngoài mong đợi.

Làm nông nghiệp không cần… đất

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Mạnh Hồng – Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát cho biết, từ lúc thành lập vào tháng 6/2017, HTX chuyên sản xuất rau thủy canh và là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình công nghệ Israel ở Thủ đô.

Theo đó, rau được trồng bằng kỹ thuật thủy canh. Đây là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng, hay còn được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Qua đó, giúp hạn chế tối đa mầm bệnh cùng sinh vật gây hại, cho cây trồng đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo, hiệu quả vượt xa cách thức trồng rau truyền thống.

Ở thời điểm đó, cùng với sự hỗ trợ của UBND huyện Thanh Trì, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao đã huy động đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất tại xóm 10, xã Yên Mỹ. Mô hình được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống nhà màng với tổng diện tích 2.600m2, hệ thống lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn cho cây trồng,…

Suốt nhiều năm liền, sản phẩm rau sạch của HTX Đức Phát đã xây dựng được thương hiệu và giữ vững uy tín trong lòng người tiêu dùng Thủ đô và các địa phương lân cận. HTX đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho nhiều bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì, doanh thu mỗi năm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.

Đem lại nguồn thu lớn, sản phẩm chất lượng và được người dùng tin tưởng lựa chọn, vậy nhưng có một thực tế là chi phí đầu vào trong hoạt động gieo trồng rau sạch cũng không hề nhỏ. Do đó, như nhiều đơn vị khác, lãnh đạo HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đức Phát cũng phải “đau đầu” đối mặt với bài toán đã làm kinh tế thì phải có lợi nhuận.

“Rau được trồng trên nước cho năng suất cao. Tuy nhiên, xét về bài toán kinh tế thì không đem lại quá nhiều lợi nhuận. Lý do là bởi sản phẩm sau khi thu hoạch không cạnh tranh được với giá rau truyền thống của bà con nông dân ngoài thị trường. Trong khi đó, giá cả của những dung dịch, hạt giống sử dụng cũng đắt gấp từ 5 – 10 lần so với các dung dịch, hạt giống phục vụ nông nghiệp thông thường”, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hồng trải lòng về những khó khăn trong việc cạnh tranh giá cả của đầu ra sản phẩm.

Nông dân “dám nghĩ dám làm”

Sau một thời gian suy nghĩ, tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật, đầu năm 2023, ông Hồng và Ban lãnh đạo HTX đã có một quyết định táo bạo khi đưa HTX chuyển đổi hoàn toàn từ trồng rau sạch sang trồng cây dưa lưới. Kết quả là chỉ trong chưa đầy nửa năm, quả dưa đã đem lại bước đột phá mới cho HTX trên con đường làm kinh tế nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.

“Chuyển đổi rồi mới thấy trồng cây dưa là phù hợp nhất và mang lại nhiều hiệu quả nhất khi làm nông nghiệp công nghệ cao. Tuy tổng doanh thu thấp hơn rau sạch do trồng ít vụ hơn nhưng lợi nhuận đem về lại gấp nhiều lần”, ông Hồng phấn khởi chia sẻ khi bước đi táo bạo đã giúp HTX thu hoạch những “trái ngọt”.

Dưa lưới được trồng trong chậu giá thể hoàn toàn bằng xơ dừa suốt vòng đời với chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm được điều chỉnh hoàn toàn tự động. Đến cuối vụ, quả dưa đạt chuẩn sẽ có vỏ quả chín vàng đều, đường vân nứt nổi trên bề mặt.

Mỗi cây dưa chỉ cho 1 quả duy nhất, nặng từ 1,4 – 1,8 kg. Giá trên thị trường khi bán tại vườn dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Với mỗi vụ kéo dài từ 58 – 60 ngày, cả nhà vườn rộng 2.300 m2 sẽ cho sản lượng khoảng 3 – 4,5 tấn dưa. Tổng doanh thu đạt khoảng 150 – 160 triệu đồng/vụ; lợi nhuận lên đến 35 – 40 triệu đồng/vụ sau khi trừ đi các khoản chi phí.

So với làm nông nghiệp truyền thống, mô hình trồng dưa áp dụng công nghệ Israel đã giúp HTX giảm nhân công từ 8 - 10 lần.

Nhờ có hệ thống nhà màng mà năng suất vượt trội đến hơn 90%. Đồng thời, giúp cây trồng không phụ thuộc vào thời tiết, nhiệt độ. Ông Hồng cho biết, nếu trồng ngoài nhà màng thì không thể trồng được giống dưa lưới với năng suất và chất lượng tốt như hiện nay.

“Khi thấy tự mình trồng được những sản phẩm nông nghiệp sạch đưa đến tay người tiêu dùng, bản thân cảm thấy việc mình làm mỗi ngày vui lắm, ý nghĩa lắm!”, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hồng trải lòng.

So với làm nông nghiệp truyền thống, mô hình trồng dưa thủy canh áp dụng công nghệ Israel đã giúp HTX giảm nhân công từ 8 – 10 lần. Minh chứng là cả quy mô nhà lưới rộng tới 2.300 m2 nhưng chỉ cần 2 người là đủ đảm bảo khối lượng công việc, chưa kể cũng không mất nhiều sức lao động như trồng dưa thông thường.

Hiện, dưa lưới là sản phẩm chính của HTX Đức Phát, được trồng gần như quanh năm. Chỉ riêng trong 3 tháng mùa đông, thời tiết rét đậm không thích hợp cho sự phát triển của quả nên HTX chuyển sang trồng một số giống hoa phục vụ Tết Nguyên đán như hoa đồng tiền, hoa hồng,… Tất cả cũng đều được trồng trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế không hề thua kém so với trồng dưa.

Cho đi mà không cần nhận lại

Là một trong những đơn vị đi đầu của địa phương trong việc triển khai mô hình thủy canh, thời gian đầu, lãnh đạo HTX Đức Phát đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để tự mày mò, tìm hiểu và học từ thất bại để tiến đến thành công.

Hơn ai hết, ông Hồng là người hiểu rõ nhất những nỗi vất vả của người nông dân khi làm nông nghiệp công nghệ cao, nhất là trong giai đoạn đầu. Do đó, nhiều người khi tìm đến với HTX Đức Phát để xin học hỏi kinh nghiệm đều được ông Hồng hướng dẫn hết lòng và không ngại chia sẻ bí quyết.

Thậm chí, với những người quyết tâm làm đến cùng, công nghệ chuyển giao trồng thủy canh trị giá hàng trăm triệu đồng cũng được ông sẵn sàng… cho không! Không ít bà con từ các tỉnh xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Thái Nguyên,… đã lặn lội về tận xóm nhỏ xã Yên Mỹ và được ông Hồng “chắp cánh” cho giấc mơ làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Đến nay, khi thấy HTX Đức Phát bước đầu thành công với nông nghiệp công nghệ cao, nhiều hộ lân cận cũng mong muốn tiếp bước và học hỏi để trồng dưa trong nhà màng. Tuy nhiên, chỉ với sự sẵn lòng giúp sức của ông Hồng là chưa đủ mà còn cần thêm sự “tiếp sức” linh hoạt của các cấp chính quyền.

Ông Hồng cho biết: “Một số hộ nông dân ở địa phương rất muốn theo chúng tôi làm nhà màng để trồng dưa. Tuy nhiên, hiện có vướng mắc là cơ quan quản lý an ninh đê điều không cho phép dựng nhà màng, nếu có thì chỉ cho phép làm rất thấp, rất bé, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kích thước mô hình. Nếu dựng nhà màng như vậy thì không thể trồng dưa, không thể mang lại hiệu quả khi làm nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, nhà màng không phải công trình kiên cố trên đất và cũng chỉ là nhà tạm dựng nên để người dân phát triển kinh tế mà thôi”.

Nhận thấy quả dưa lưới là giống cây có thể đem lại hiệu quả cao, cải thiện đáng kể đời sống cho bà con nên HTX Đức Phát rất mong muốn các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn được tiến hành sản xuất, mở rộng quy mô. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế địa phương.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Sử dụng thiết bị bay, máy cấy không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân trong sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, hiện việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại này vẫn còn nhiều khó khăn.

Với vai trò kết nối các thành viên, trực tiếp tổ chức sản xuất, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang phát huy vai trò của mình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, gỡ khó cho tình trạng trên…

Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên (huyện Phú Xuyên) trình diễn máy cấy, máy bay không người lái phục vụ sản xuất.

Hỗ trợ phát triển mô hình nông nghiệp thông minh

Vụ mùa năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung ở các địa phương: Phú Xuyên, Chương Mỹ… Hoạt động này của khuyến nông Hà Nội gắn với việc hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với những thiết bị hỗ trợ sản xuất hiệu quả, như: Máy bay không người lái thực hiện nhiệm vụ phun thuốc, bón phân, gieo sạ một cách đơn giản và tiết kiệm; máy bay viễn thám, trạm giám sát thời tiết…, giúp khảo sát, lập bản đồ, ứng dụng trong trắc địa. Qua đó, hỗ trợ phát triển mô hình nông nghiệp thông minh toàn diện, nắm rõ tình hình sâu bệnh, yếu tố thời tiết, đất, nước để lên kế hoạch chăm sóc và bảo vệ cây trồng tốt nhất.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên (huyện Phú Xuyên) Vũ Văn Đình, muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hợp tác xã phải thực hiện nhiều khâu, trong đó việc số hóa, sắp xếp lại mặt bằng đồng ruộng có ý nghĩa quyết định. Bởi, trong thực tiễn, khi cánh đồng có tới gần trăm hộ dân, chỉ chục hộ không đồng ý xóa ranh giới bờ thửa để áp dụng máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón là gặp nhiều khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tá, Đội trưởng đội sản xuất thôn Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, khi hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, làm tốt các dịch vụ nông nghiệp, nông dân chỉ cần làm mỗi khâu kiểm tra đồng ruộng, xác nhận dịch vụ, cuối vụ mang thóc về nhà, dành thời gian đi làm nghề. Nhờ đó, địa phương vẫn giữ được những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, không để ruộng hoang, giúp đời sống nông dân ngày một khấm khá hơn.

Ông Dương Đình Giót ở thôn Đồng Vinh, xã Chuyên Mỹ chia sẻ: “Qua thực tế tham quan trình diễn trên đồng ruộng, tôi thấy việc ứng dụng máy cấy, máy bón vật tư không người lái, đến các việc kiểm tra, dự báo sâu bệnh hại, thời tiết… giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân. Nông dân chúng tôi rất mong ứng dụng này được triển khai trên 100% diện tích của địa phương”.

Gỡ khó cho các hợp tác xã phát triển

Để đảm nhận được toàn bộ dịch vụ cho nông dân, từ tưới tiêu, thủy lợi nội đồng, phòng trừ dịch bệnh hại, đến cấy gặt cơ giới hóa liên hoàn, đòi hỏi các hợp tác xã nông nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, không phải hợp tác xã nào cũng có đủ nhân lực, nguồn vốn để áp dụng công nghệ cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Chuyên Vũ Văn Đình cho biết, với thực tế hiện nay, để làm chủ công nghệ cao, tiên tiến, các hợp tác xã nông nghiệp rất cần có nguồn vốn để mua máy móc, trang thiết bị gắn với mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, xã viên. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, để ứng dụng công nghệ tiên tiến trên diện rộng, nguồn nhân lực là rất quan trọng đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

Tổng Giám đốc Công ty Đại Thành Nguyễn Đức Trường, một đơn vị chuyên cung ứng thiết bị, máy móc công nghệ phục vụ nông nghiệp chia sẻ, một điều quan trọng để ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên đồng ruộng hiệu quả là cơ sở hạ tầng phải phát triển song song. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng hiện nay của nhiều vùng sản xuất của Hà Nội, như giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống tiêu thoát nước… chưa thực sự phát triển.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì phải bắt đầu từ nông dân và các công nghệ số phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của người nông dân. Nhận thức rõ được điều này, khi đưa các mô hình áp dụng công nghệ vào đồng ruộng, ngành khuyến nông Hà Nội đều kết nối cả 3 bên: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp cung ứng công nghệ và hợp tác xã…

Về phía chính quyền địa phương, nhằm gỡ khó cho các hợp tác xã nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho hay, thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp từng bước số hóa các ô, thửa ruộng, vừa làm dữ liệu quản lý đất đai, vừa làm cơ sở để ứng dụng trong phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, trong khi lao động cho nông nghiệp ngày càng khó khăn do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ, dẫn tới diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày một gia tăng. Do vậy, cần hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hợp tác xã không chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ trên đồng ruộng, mà còn được hỗ trợ, tạo điều kiện cùng tham gia vào quá trình chuyển toàn bộ cơ sở dữ liệu, tích hợp được cơ sở dữ liệu về nông nghiệp.

Theo Baomoi.com

Ghé thăm xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) đúng dịp đầu mùa sớm của vụ ổi găng giữa tháng 6, đâu đâu cũng thoang thoảng một mùi thơm dịu nhè nhẹ. Người Đông Dư vẫn luôn tự hào về thương hiệu ổi thơm, ổi sạch đất Hà Thành của quê hương mình. Tuy nhiên, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, người nông dân phải đối diện với câu chuyện “bờ xôi ruộng mật” bị thu hẹp dần, và bà con của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Dư cũng không phải ngoại lệ…

Đưa quả ổi “vươn” khỏi lũy tre làng

Với đặc thù vị trí địa lý của xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) có dải đê Sông Hồng chạy qua, HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Đông Dư hiện có 60% diện tích đất ở trong đê và 40% diện tích ở ngoài đê. Tổng diện tích hiện tại khoảng 130 ha; bao gồm 105 ha trồng ổi, 12 ha trồng rau, còn lại là diện tích đất không thành vùng nên được bà con tiến hành canh tác một số cây trồng khác.

Trong đó, ổi Đông Dư vẫn luôn được nhiều người biết đến là giống ổi thơm ngon, quả nhỏ chứ không to như nhiều giống ổi mới trên thị trường. Bù lại vỏ mỏng, cùi dày, vừa giòn vừa ngọt, hạt lại mềm. Điểm đặt biệt là quả có vỏ sáng, hơi sần sùi và có những đường gân chạy dọc.

Chia sẻ với VnBusiness, bà Hoàng Thị Nhinh – Phó Giám đốc HTX – người phụ nữ đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với quả ổi Đông Dư cho biết, sản lượng bình quân 1 ha đất canh tác sẽ cho khoảng 25 tấn ổi/năm, toàn HTX sẽ thu hoạch khoảng 2.625 tấn ổi/năm. Tuy nhiên, năng suất sẽ có sự chênh lệch giữa các thành viên với nhau vì còn tùy thuộc vào trình độ thâm canh của mỗi hộ nông dân. Cụ thể, gia đình nào có nhiều lao động, có sự đầu tư cùng trình độ thâm canh tốt sẽ có thể cho năng suất 1,2 – 1,5 tấn/sào. Còn gia đình nào thiếu lao động, không có nhiều sự đầu tư canh tác sẽ chỉ thu được 7 – 8 tạ/sào.

Về giá bán, trung bình cả năm sẽ dao động từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Có thời điểm lên đến 20.000/kg nhưng cũng có lúc bị xuống giá chỉ còn 5.000 – 6.000đồng/kg. Đây là giá bán buôn cho thương lái ở tại ruộng.

Theo bà Nhinh, giá quả ổi sẽ dao động tùy theo mỗi năm, lý do là bởi khi cây mới trồng được khoảng từ 3 – 5 năm hoặc 5 – 10 năm sẽ cho trái rất năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, sau khoảng 15 – 20 năm, khi cây đã già cỗi thì chất lượng quả sẽ kém hơn, ruột sẽ nhiều hơn, vỏ sẽ mỏng hơn, giá bán theo đó cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, giá còn phụ thuộc vào sự biến động của thị trường. Trước đây, khi hoa quả ngoại nhập khẩu vào Việt Nam còn ít thì quả ổi trong nước sẽ được giá hơn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhiều loại hoa quả chất lượng cao ngày càng được trồng nhiều và đa dạng, phong phú. Giá ổi vì vậy cũng không được tăng lên mà chỉ duy trì ở mức ổn định.

Vị trí ở ngay ngoại thành Hà Nội đã giúp không chỉ quả ổi mà nhiều loại nông sản khác của bà con đều gần nơi tiêu thụ. Lãnh đạo HTX cho biết, thị trường tiêu thụ gồm 2 phần, người nông dân tự bán lẻ và tiêu thụ qua bên thứ 3, hay còn gọi là thương lái.

Đặc thù của quả ổi là phải thu tươi chứ không bảo quản được. Thương lái có thể đến tận vườn thu mua hết từ 4 giờ sáng, đến 6 giờ đã lên đường tỏa ra phân phối khắp các chợ bán lẻ trên địa bàn Thủ đô. Còn lại có thể đóng thùng xốp kèm đá lạnh để xuất đi nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa,… ngay trong ngày.

Được biết, năm 2022, ổi Đông Dư đã vinh dự được đánh giá là sản phẩm ổi OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Theo bà Nhinh, từ đây, người tiêu dùng trên thị trường cũng tin tưởng vào sản phẩm của HTX hơn. Quả ổi “vươn” ra khỏi lũy tre làng, được quảng bá rộng rãi hơn, nhiều người biết đến hơn, giá bán ổn định hơn, qua đó có nhiều tác động tích cực đến đời sống và tạo điều kiện cho người nông dân phát triển kinh tế.

Hơn nửa thế kỷ phụng sự người nông dân

Từ lâu, ổi Đông Dư đã nức tiếng gần xa và dần trở thành sản phẩm kinh tế “trụ cột” của HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Đông Dư.

Bà Nhinh cho biết, HTX được thành lập từ năm 1960, khoảng 20 năm đầu, HTX quản lý, điều hành, phân phối công việc cho các hộ nông dân cùng tham gia làm tập trung. Tuy nhiên, từ sau năm 1980, HTX đã tiến hành giao khoán cho các hộ nông dân tự canh tác trên thửa ruộng của mình.

Toàn HTX Đông Dư hiện có tổng diện tích khoảng 130 ha; trong đó có 105 ha trồng ổi, 12 ha trồng rau, còn lại là một số cây trồng khác.

Đến nay, trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, giờ đây nhiệm vụ chính của HTX chủ yếu là làm công tác dịch vụ nhằm phục vụ nông nghiệp, giúp đỡ các hộ nông dân phát triển kinh tế.

HTX hiện có 250 thành viên, đều là các hộ nông dân trên địa bàn xã. Bộ máy đầu não của HTX gồm có Hội đồng Quản trị với 3 thành viên, Ban kiểm soát với 2 thành viên. Ngoài ra, dưới 6 thôn có 6 Tổ trưởng tổ dịch vụ, là cầu nối giữa Hội đồng Quản trị, Ban giám đốc với các thành viên.

Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc HTX không giấu khỏi niềm tự hào khi tâm sự điều thuận lợi nhất trong quá trình hoạt động của HTX đến từ việc bà con rất ủng hộ cách làm của HTX.

Theo đó, vai trò chính của HTX hiện nay bao gồm nhiều nhiệm vụ, nổi bật nhất là việc HTX tư vấn khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cho các hộ thành viên. Bên cạnh đó, HTX tư vấn và làm dịch vụ các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất cây trồng. Cụ thể là HTX cung ứng các vật tư nông nghiệp như đạm, lân, kali, thuốc trừ sâu,…

“Đây cũng là điểm “độc nhất vô nhị” của HTX Đông Dư. Bên cạnh việc đã có tuổi đời thâm niên, hoạt động liên tục thì HTX còn duy trì được việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho các thành viên trong nhiều năm. Nếu như ở các HTX khác, đa phần đều có nhiều chủ cùng bán vật tư nông nghiệp cho người dân thì riêng ở Đông Dư, chỉ có duy nhất một mình HTX bán cho nông dân và cũng không có hộ tư nhân nào cạnh tranh.

Qua đó, đầu vào về vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo và quản lý rất tốt. HTX chỉ bán những loại thuốc chăm sóc cây trồng trong danh mục được Nhà nước cho phép, không bán vật tư ngoài luồng và người dân cũng tin tưởng chỉ mua của HTX. Điều này được duy trì từ năm 1998 đến nay”, ông Nguyễn Quang Huy cho hay.

Ngoài ra, HTX tiêu thụ, đưa một phần sản phẩm của các hộ gia đình thành viên ra thị trường. Bên cạnh đó, còn làm nhiệm vụ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để ổi, rau gia vị Đông Dư ngày càng chất lượng, trở thành thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng trên thị trường.

Hàng năm HTX đều tiến hành tổ chức đại hội thành viên và đại hội nhiệm kỳ, qua đó vừa thông qua phương án sản xuất kinh doanh, vừa thông báo kết quả hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong cả một năm với các thành viên.

Đi qua hơn nửa thế kỷ phụng sự người nông dân, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Dư đã nhiều năm liền nhận bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và UBND TP. Hà Nội. Ngoài ra, HTX còn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2003.

Kinh tế ổn định nhưng lo... “đói” ruộng

Tuy nhiên, theo dòng xu hướng phát triển của thời đại, đô thị hóa dần trở thành nỗi lo canh cánh của bà con nơi thôn quê. Ông Nguyễn Quang Huy đã nêu lên những trăn trở của người đứng đầu HTX: “Theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay mà hầu như tất cả các HTX đều đã và đang phải đối mặt là thực trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm đang chuẩn bị lên quận, vì vậy diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp dần. Đây cũng chính là cái khó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới diện tích đất sản xuất của bà con nông dân thành viên HTX”.

HTX Đông Dư đã duy trì được việc “độc quyền” cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con thành viên từ năm 1998 đến nay. Qua đó, đảm bảo được đầu vào cho thành viên.

Có thể nói trong những năm qua, nhờ quả ổi Đông Dư vươn mình đi xa, nhờ tham gia HTX, nhờ chăm chỉ làm ăn mà đời sống bà con thành viên cũng đều ấm no hơn. Do đó, việc nông dân loay hoay vì thiếu đất sản xuất chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy và cần có hướng giải quyết phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ông Nguyễn Hữu Vượng – Nông dân tiêu biểu xã Đông Dư năm 2022 cho biết, nhờ tham gia HTX nông nghiệp mà trong một năm, các thành viên được tập huấn 1 – 2 lần các kiến thức về kỹ thuật chăm bón cho cây trồng. Thêm vào đó, được HTX hỗ trợ làm thí điểm thực hiện canh tác. Tất cả vật tư nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón,… thành viên đều tin tưởng mà mua của HTX để sử dụng.

“Như gia đình tôi, tập trung vào việc trồng cây ăn quả đem lại năng suất gấp vài ba lần so với trồng ngô, trồng lúa như trước đây. Qua đó, đời sống kinh tế của người nông dân cũng dần được cải thiện”, ông Vương nói.

Bà Nhinh cho biết, từ Liên minh Hợp tác xã Hà Nội cho đến Phòng Kinh tế huyện đều có sự hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ nông dân tham gia tập huấn. Một số nội dung tập huấn có thể kể đến như thời điểm nhận biết sâu bệnh phát triển; thời gian phun thuốc trừ sâu hiệu quả; hỗ trợ nâng cấp sản phẩm, ban đầu là sản xuất ổi an toàn, sau đó tiến tới trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, đến bây giờ tiến tới ổi OCOP.

Bên cạnh quả ổi đã làm nên thương hiệu, HTX còn dành khoảng 12 ha để trồng rau. Trong đó rau thơm gia vị chiếm khoảng 70% thị trường, chủ yếu là mùi tàu được trồng quanh năm. Ngoài ra còn một số loại rau khác được trồng theo mùa như cà chua, su hào, rau cải,…

Trước đây HTX cũng hỗ trợ được khoảng 10 – 15% sản lượng rau, ổi cho bà con khi tìm được kênh tiêu thụ ở một số siêu thị, đầu mối. Tuy nhiên, theo xu thế mới, thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ nên thanh niên địa phương hiện giờ có thể tự tìm tòi bán hàng online, nhiều hộ thành viên có thể tự chủ tiêu thụ bằng việc bán lẻ hoặc bán cho các thương lái.

Nói về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên nghị trường suốt những ngày qua, ông Nguyễn Quang Huy đã bày tỏ: “Tất cả các HTX đều có kỳ vọng và mong muốn Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong năm 2023 mà Quốc hội sắp thông qua tới đây sẽ được tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ nông dân, các hộ thành viên của HTX. Qua đó, giúp mọi người đều thấy được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên khi tham gia HTX”.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top