Anh Trần Minh Quan cũng là người đứng đầu Hợp tác xã cua đinh Quan Tiến với 20 thành viên, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng nghìn con cua đinh giống, cua đinh thịt.
Trước năm 2011, anh Trần Minh Quan nuôi ba ba. Tuy nhiên, sau vài năm nuôi, giá ba ba rẻ, hơn nữa ba ba nuôi thường xuyên gặp bệnh, nhất là lúc còn nhỏ.
Do nuôi ba ba hay gặp dịch bệnh, rủi ro cao, anh Minh Quan không còn mặn mà với loài vật nuôi này nữa.
Sau khi được người thân giới thiệu, anh Quan thử nuôi cua đinh.
Cua đinh là động vật hoang dã, một loại bò sát thuộc họ rùa sống chủ yếu tại các vùng sông nước ở Nam Bộ.
Con đặc sản-con cua đinh có hình dáng khá giống con ba ba nên còn gọi là ba ba Nam Bộ.
Tuy nhiên, ba ba Nam Bộ có đặc điểm khác biệt là có 2 “chiếc đinh” hai bên đầu.
Cua đinh là động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Cá nhân, tổ chức muốn nuôi con động vật hoang dã quý hiếm này phải có giấy phép.
Chia sẻ về thời điểm khởi nghiệp với nghề nuôi cua đinh, anh Quan bộc bạch: “Hồi đó, kinh tế gia đình khó khăn, hai vợ chồng phải vay mượn được 50 triệu đồng để mua 100 con cua đinh giống về nuôi.
Để có thức ăn cho cua đinh và tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng anh Quan đi bắt ốc, bắt cá làm thức ăn cho cua đinh”.
Nhờ kinh nghiệm nuôi ba ba trước đó, anh Quan thấy nuôi cua đinh dễ hơn, ít chi phí thức ăn nên anh Quan mạnh dạn gầy dựng thêm con giống để nuôi.
Giờ đây, gia đình anh Trần Minh Quan đã có 200 con cua đinh bố mẹ.
Nuôi cua đinh sinh sản trong bể xi măng, anh Quan chia ra từng hộc nhỏ, trong mỗi hộc thả 4 con cua đinh cái và 1 con cua đinh đực và làm chỗ cho cua đinh đẻ trứng.
Mùa sinh sản của cua đinh thường bắt đầu từ tháng Chạp đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Mỗi năm, cua đinh mẹ đẻ từ 3 – 4 ổ trứng và mỗi ổ từ 8 – 15 trứng.
Sau khi thu trứng, anh Quan đem cho ấp từ 100 – 105 ngày sẽ nở. Cua đinh con sau đó được nuôi hơn 60 ngày tuổi và xuất bán làm con giống.
Theo anh Quan, cua đinh giống hơn 60 ngày tuổi mới bán vì như vậy sẽ hạn chế được bệnh, tránh hao hụt cho người nuôi. Mỗi năm, anh Quan bán ra thị trường 2.000 con cua đinh giống với giá khoảng 350.000 đồng/con. Khách hàng mua đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ngoài nuôi cua đinh sinh sản trong bể xi măng và bán cua đinh giống, anh Quan còn đầu tư ao nuôi cua đinh thịt để cung ứng cho thị trường.
Hiện, mỗi ngày trong ao của anh Quan luôn có sẵn từ 300 – 400 con cua đinh thịt để bán cho khách hàng. Bình quân mỗi năm anh Quan thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ bán con giống và cua đinh thịt.
Nhận thấy anh Quan nuôi cua đinh đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ lân cận cũng mua con giống về nuôi và được anh Quan nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Đồng thời anh Quan cũng bao tiêu đầu ra cho người nuôi cua đinh.
Nhờ có khối lượng lớn và giá bán cao nên khi nuôi thành công, cua đinh có thể cho lợi nhuận cao, nhất là khi người nuôi tự sản xuất được con giống. Nuôi cua đinh vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa nâng cao thu nhập cho người nuôi.
Nhận thấy nuôi cua đinh ít tốn chi phí, thức ăn, lợi nhuận cao nên ngoài trồng sầu riêng anh Trần Văn Sáu, xã Nhơn Nghĩa nuôi thêm cua đinh để tăng thu nhập.
Nuôi cua đinh được 3,5 năm với 150 con giống, anh Sáu cho biết, vài ngày nữa sẽ xuất bán khoảng 50 con cua đinh trọng lượng từ 4 – 7kg để lấy chi phí mở rộng ao nuôi cua đinh sinh sản.
Với số cua đinh sắp bán với giá 400.000 đông/kg, anh Sáu tính toán thu về khoảng hơn 100 triệu đồng. Số tiền bán cua đinh đợt này anh đã thu được tiền vốn mua cua đinh giống và thức ăn nuôi cua trong 3,5 năm qua.
“100 con cua thịt còn lại là số lợi nhuận thu được. Số cua đinh này sẽ nuôi làm bố mẹ cho sinh sản lấy con giống nuôi tiếp hoặc bán”, anh Sáu cho biết.
Theo anh Sáu, cua đinh chỉ cần cho ăn 2 lần/ngày (sáng, chiều) với thức ăn là ốc, ruột vịt, cá rô phi. Lúc cua đinh còn nhỏ (khoảng 2cm) thì phải thay nước mỗi ngày.
Cua đinh nuôi được 2 tháng trở lên thì 2 – 3 ngày mới thay nước một lần. Đến khi cua đinh lớn thì 1 tuần – 2 tuần mới thay nước.
Năm đầu cua đinh chậm lớn nhưng những năm tiếp theo nhanh lớn. Cua đinh giống sau khi nuôi khoảng 2 năm, đạt trọng lượng khoảng 3kg/con là bán được giá 400.000 đồng/kg. Nếu cua đinh giống nuôi làm bố mẹ thì 3 năm là bắt đầu sinh sản.
Từ hiệu quả nhân rộng của mô hình nuôi cua đinh, năm 2023, Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa đã vận động 20 hộ nuôi cua đinh thành lập Hợp tác xã cua đinh Quan Tiến.
Với tổng quy mô diện tích nuôi khoảng 5.000m2, hiện Hợp tác xã cua đinh Quan Tiến cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 con cua đinh giống và 4 tấn cua đinh thịt.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Trần Minh Quan, hiện tại số lượng cua đinh giống và thịt của hợp tác xã vẫn không cung ứng đủ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là Hà Nội.
Thịt cua đinh giàu dinh dưỡng và chế biến được nhiều món ăn ngon: xào lăn, nấu cơm mẻ, hấp gừng… Nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, Hợp tác xã còn làm thịt cua đinh cấp đông để phục vụ khách hàng nhỏ, lẻ với giá bán 800.000 đồng/kg.
Ngoài ra, Giám đốc Hợp tác xã còn đầu tư ao “trữ” cua đinh thương phẩm thu gom từ các thành viên Hợp tác xã để kịp đơn hàng giao khách.
Đến thời điểm này, thành phố Cần Thơ có 170 hợp tác xã nông nghiệp, riêng chỉ có Nhơn Nghĩa có hợp tác xã nuôi cua đinh.
Nhận xét về hiệu quả kinh tế mà con cua đinh đem lại cho nông dân, theo ông Trần Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) nuôi cua đinh không đòi hỏi nhiều diện tích và thời gian, chi phí lại rẻ, dễ nuôi.
Đối với những hộ có diện tích đất ít vẫn có thể nuôi được cua đinh-con đặc sản kinh tế cao.
Theo đánh giá hiện thị trường còn nhiều tiềm năng đối với con cua đinh. Vì thế, Hội Nông dân sẽ tiếp tục vận động nhân rộng số hội viên nuôi cua đinh nhằm tăng sản lượng cua đinh để đáp ứng nhu cầu thị trường.