Những vựa cây ăn trái tiền tỷ ở huyện cửa ngõ Bến Tre

Những năm gần đây, xã Tân Phú đang nổi lên như một trong những địa phương đi đầu trong phát triển các loại cây ăn trái cho giá trị cao ở Châu Thành, trong đó có cây chủ lực sầu riêng. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, nhiều hộ sản xuất đã “phất lên” nhanh chóng.

Liên kết để thành công

Một trong những lá cờ đầu trong phát triển vùng trồng cây ăn quả cho giá trị cao ở Tân Phú là HTX nông nghiệp Tân Phú, hiện có 253 thành viên với diện tích trồng sầu riêng trên 800ha, trong đó có trên 500ha đang cho trái với năng suất bình quân 25 – 30 tấn/ha/năm.

Hiện nay, HTX này đã xây dựng thành công và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, với diện tích 200ha. Sẩn phẩm sầu riêng của HTX hiện cũng được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, bước đầu khẳng định chất lượng và xây dựng niềm tin cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Không chỉ phát triển vùng trồng sầu riêng chất lượng cao, cho thu nhập bình quân 250-300 triệu đồng/ha/năm, HTX Tân Phú đang tích cực thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái, mang lại nguồn thu không nhỏ cho các thành viên, nhà vườn liên kết.

Bà Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc HTX Tân Phú, cho hay với thế mạnh vùng trồng sầu riêng quy mô lớn, HTX đang chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ đó tạo ra những sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng cao, xanh, sạch, an toàn.

“Từ trái sầu riêng tươi, HTX nghiên cứu chế biến các món ăn cho du khách thưởng thức như sầu riêng chiên giòn, chả giò sầu riêng, cà ri nấu sầu riêng, nấu lẩu gà nòi, sầu riêng xào thập cẩm… Cùng với đó, nhiều hoạt động trải nghiệm như trồng, chăm sóc, thu hái trái cây cũng được chúng tôi đưa vào để đáp ứng nhu cầu của khách tới tham quan”, bà Thinh chia sẻ.

Cùng với HTX nông nghiệp Tân Phú, ở xã Tân Phú còn có Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông, hiện có khoảng 23ha trồng sầu riêng, với 50 thành viên tham gia. Nhờ thị trường ổn định, trung bình mỗi năm, các thành viên HTX thu về lợi nhuận khoảng 75 triệu đồng/1.000m2.

Những tiến bộ vượt bậc

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, bên cạnh yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, các sản phẩm nông nghiệp còn phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng. Vì thế, Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông đã chủ động xây dựng và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của đơn vị.

Bà Cao Thị Chiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông cho biết: “Hiện nay, sầu riêng được xem là cây chủ lực của bà con nông dân. Sầu riêng của Tổ hợp tác hiện nay cung không đủ cầu. Sắp tới, chúng tôi sẽ không ngừng học hỏi từ các ngành chuyên môn, nhà khoa học, sản xuất sầu riêng đúng quy trình, đưa trái sầu riêng đạt chuẩn nhất, ngon nhất”.

Nếu ở Tân Phú có cây sầu riêng thì ở An Khánh lại nổi bật với cây dừa. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Người Giữ Dừa ở ấp An Phú đang thu hút 100 thành viên tham gia, với hơn 10ha đất trồng dừa. HTX vận hành theo cách: Ai có vườn dừa sẽ cho thu mật, ai có công lao động sẽ làm thợ thu mật và đơn vị thu mật là phía doanh nghiệp liên kết.

Trung bình mỗi tháng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Người Giữ Dừa cung ứng cho thị trường khoảng 3 tấn mật. Sản phẩm của HTX được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử nên được rất nhiều người biết đến.

Anh Tô Chí Hải, Giám đốc HTX cho biết, thành viên là những nông dân có đất trồng dừa góp đất. Riêng lực lượng lao động thu hoạch mật thì phải qua đào tạo nắm vững nghề và không ngại khó, len lỏi vào đám dừa nước hay leo lên cây dừa để lấy nước dịch hoa. Điểm khá thú vị là các thành viên HTX được ăn chia lợi nhuận hàng tháng.

Nói đến thành công của các mô hình kinh tế hợp tác, không thể không nhắc tới HTX Nông nghiệp dịch vụ Phú Đức ở xã Phú Đức cũng đang là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, HTX đang liên kết với doanh nghiệp để cấp mã số vùng trồng cho dừa lấy trái uống nước với diện tích 50ha. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp địa phương.

HTX hiện có 109 thành viên, hoạt động theo phương thức kết nối với các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp cho các thành viên và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định. Ngoài ra, HTX cũng đã xây dựng thành công mã số vùng trồng trên bưởi da xanh với 31 hộ, diện tích 12,9ha. Hiện nay, HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích và số lượng hộ tham gia mã số vùng trồng cho cả hai loại cây ăn quả này.

Thêm giải pháp thúc đẩy

Cùng với những đóng góp của các HTX, tổ hợp tác, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành đã có những tiến bộ vượt bậc, phát triển theo hướng cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả và giá trị trên cùng một đơn vị diện tích.

Trong nửa thập kỷ qua, giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 247 triệu đồng/ha/năm, tăng thêm 97 triệu đồng/ha so với giai đoạn 2015-2020.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn huyện cũng định hướng phát triển theo hướng tập trung chuyên canh, an toàn phù hợp với lợi thế của từng vùng, diện tích trồng cây ăn trái chất lượng cao tăng.

Để có được những thành công trên, thời gian quan, Châu Thành đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học – kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; hình thành mô hình nông nghiệp gắn với du lịch và thị trường tiêu thụ; từng bước hoàn thiện và nâng cao chuỗi giá trị chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện (bưởi da xanh, chôm chôm, cây dừa và con heo).

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP cho thị trường xuất khẩu như: dừa, bưởi, sầu riêng, chôm chôm. Đồng thời, phối hợp thực hiện phương án quy hoạch Khu đô thị nông nghiệp thông minh – công nghiệp sạch và dịch vụ du lịch tổng hợp trên địa bàn với diện tích 5.300ha.

Huyện cũng sẽ tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, công ty đầu tư chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giải quyết việc làm; thực hiện tốt quản lý nhà nước mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ…

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top