Tọa lạc tại xã Kim Sơn, phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình, làng nghề truyền thống Kim Sơn từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất những món hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói. Những người nghệ nhân nơi đây đã luôn sắt son bền bỉ theo đuổi nghề của cha ông để lại suốt hơn 200 năm nay, để rồi giờ đây tạo tiền đề vững chắc cho HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng.
Nằm tại một thôn xóm nhỏ yên bình bên cạnh nhà thờ Phát Diệm, HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu hiện trở thành đơn vị tạo việc làm cho 25 người lao động thường xuyên làm trực tiếp tại xưởng và hàng ngàn người lao động ‘tại gia’ lành nghề khác.
Theo như chia sẻ của các thành viên của HTX với Vnbusiness, cây cói đã có ở vùng đất Kim Sơn gần hai thế kỷ. Trải qua hàng trăm năm quai đê lấn biển, người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Sống trong cái nôi của làng nghề cói truyền thống, những người thợ cói Kim Sơn nói chung và các thành viên của HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu nói riêng với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cùng tình yêu với cói tha thiết đã tạo ra rất nhiều sản phẩm từ cói đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương
Với khẩu hiệu ‘lúa lấn cói’, ‘cói lấn sú vẹt’, ‘sú vẹt lấn biển’ cây cói đã theo bước chân những người lấn biển trở thành cây công nghiệp tiên phong, mang đến giá trị kinh tế cao trên mảnh đất Kim Sơn này. Ở nơi đây, cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ; giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la.
Cây cói có chu kỳ sinh trưởng và được chăm sóc như cây lúa. Người trồng cói cũng phải làm đất, nhổ cỏ, bón phân… Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng 5, cói mùa thu hoạch vào dịp tháng 10 âm lịch. Chất lượng cói trồng phụ thuộc vào việc điều phối để nước mặn và nước ngọt vào ruộng theo tỷ lệ thích hợp cho cây phát triển. Kim Sơn xưa nay nổi tiếng với các sản phẩm từ cói, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến chiếu cói đã làm nên tên tuổi của làng nghề truyền thống này.
Nhận thấy những lợi thế trong việc phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, chị Nguyễn Thị Hoàng Mai – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu bằng tổng số vốn góp được là 900 triệu đồng, cùng sự đồng thuận của 25 thành viên đã chính thức thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thủ công mỹ nghệ sản phẩm từ tre nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện; sản xuất sản phẩm từ cói và bèo bồng.
Chị Mai chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự hào vì Kim Sơn là một làng nghề truyền thống lâu đời với các sản phẩm làm từ cói có thể nói là ‘độc nhất vô nhị’ tại Ninh Bình. Những sản phẩm cói của làng nghề luôn mang những nét đặc sắc và độc đáo riêng, song cũng bởi chính tính chất làng nghề nên chủ yếu các sản phẩm được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, làm ra nhiều nhưng không có người thu gom. Vì vậy việc thành lập HTX là một điều tất yếu và quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm của làng nghề. HTX sẽ là nơi để tập hợp hàng hóa của các nghệ nhân, quy về một mối và tìm kiếm các đơn vị cung ứng ra thị trường phù hợp với tính chất của sản phẩm, giúp khả năng tiêu thụ hàng hóa có đầu ra rõ ràng hơn”.
Cái nôi tạo việc làm cho ‘hàng ngàn’ người lao động
Được biết, hiện nay HTX có 25 thành viên chính thức, thêm vào đó là khoảng 2.000-3.000 người lao động phân bố tại các hộ gia đình, rải rác tại các huyện lân cận của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định.
Trao đổi với Vnbusiness, các thành viên trong HTX cho biết, bình quân thu nhập hằng tháng của người lao động tham gia HTX là 4-10 triệu đồng; với những người lao động nhận sản phẩm làm tại nhà là 4-6 triệu đồng/tháng, và những lao động người làm trực tiếp tại xưởng là 8-10 triệu đồng/tháng.
Các sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ Minh Châu được đánh giá cao khi phát huy được nét riêng biệt của làng nghề làm cói truyền thống Kim Sơn, nhưng cũng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe đối với các sản phẩm thủ công trong thời đại mới.
Sản phẩm của HTX nổi tiếng với tính chất thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy, vì làm thủ công ‘handmade’ hoàn toàn nên đòi hỏi những nghệ nhân phải có độ tỉ mỉ cao, chau chuốt từng chi tiết của sản phẩm.
Cũng chính bởi lẽ đó, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá vô cùng cao, đặc biệt được ưa chuộng và xuất khẩu liên tiếp sang các nước Châu Âu như Anh, Pháp, Mỹ, Canada…
Từ số vốn 900 triệu đồng những ngày đầu thành lập, giờ đây doanh thu của HTX hằng năm đã rơi vào khoảng 30 tỷ/năm, gấp hàng chục lần so với kỳ vọng ban đầu khi quyết định xây dựng một đơn vị có đầy đủ cơ chế pháp lý rõ ràng, giúp tìm được đường ra thuận lợi nhất cho sản phẩm của một làng nghề truyền thống lâu đời.
Tuy có những khởi đầu thuận lợi là thế, song HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu vẫn đang loay hoay tìm một con đường ‘thoáng hơn nữa’ cho các sản phẩm của HTX giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đại chúng ngày nay. Bởi kênh tiêu thụ sản phẩm chính của HTX vẫn chỉ loanh quanh cung cấp cho các đơn vị trung gian mua số lượng lớn hoặc các chợ đầu mối nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được với việc bán hàng trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử.
Không ngừng kỳ vọng vào sự phát triển
Bên cạnh vấn đề về kênh tiêu thụ, HTX cũng đang vướng mắc trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng. Hiện nay HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu đang duy trì một nhà xưởng có diện tích trên 2.000 mét vuông, chủ yếu là nơi tập kết lại sản phẩm của những người lao động để làm những khâu chuốt lại cuối cùng, sau đó đóng gói và gửi hàng đi đến các đơn vị thu mua.
Đối với tình hình lượng khách và lượng hàng ngày một lớn mạnh hiện tại, chị Mai bộc bạch: “Việc diện tích sử dụng, kho xưởng chật hẹp cũng là một nút thắt không nhỏ cần tháo gỡ của chúng tôi trong việc lên kế hoạch phát triển và mở rộng quy mô của HTX trong tương lai. Vì vậy, cá nhân tôi mong muốn được các cấp chính quyền của huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung hỗ trợ về vấn đề cho mượn hoặc cho thuê quỹ đất để nhân rộng quy mô xưởng, giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc thu hút thêm nhân công lao động và nhận được thêm nhiều nguồn hàng. Bởi lẽ ngành hàng truyền thống làm cói này đang trên đà phát triển tốt, bản thân tôi và các thành viên không muốn để sản phẩm đặc trưng của làng nghề bị mai một đi”.
Song song với đó, HTX cũng đang thực hiện việc phát triển ngành nghề của Kim Sơn sang các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định… Bởi những địa phương này cũng là nơi có nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng, cùng đội ngũ lao động dồi dào. Vì vậy HTX thường xuyên mở những lớp đào tạo trực tiếp tại các tỉnh để chiêu mộ thêm nhân công sản xuất thạo nghề, cũng như đáp ứng được nhu cầu cung ứng hàng hóa ngày một tăng cao.
Trong thời gian tới, HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu vẫn tâm niệm tiếp tục phát huy thế mạnh hàng hóa chủ lực của mình, cũng như hoàn thiện các hồ sơ để đăng ký tham gia chương trình chứng nhận OCOP, giúp tạo bệ phóng cho các sản phẩm thủ công độc đáo của HTX được biết đến rộng rãi và có chỗ đứng vững trãi hơn trên thị trường.