Ninh Bình

Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến thuộc xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình là một trong những Hợp tác xã Nông nghiệp thành lập từ năm 1959 của phong trào kinh tế hợp tác, có bề dày truyền thống trong phong trào sản xuất nông nghiệp và xây dựng kinh tế tập thể. Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế, Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến đã từng bước đổi mới, phát huy vai trò quản lý điều hành góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của thành viên tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.

Toàn HTX Nông nghiệp Hợp Tiến có 331,1 ha đất canh tác, trong đó có 322,5 ha đất 2 lúa. Hầu hết các hộ nông dân trên địa bàn đều có đại diện tham gia là thành viên HTX, góp vốn điều lệ và sử dụng các dịch vụ của HTX.
Trụ sở làm việc HTX Nông nghiệp Hợp Tiến
Từ khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đến nay, HTX Nông nghiệp Hợp Tiến đã tạo ra được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên trong và ngoài HTX. Với 1.161 thành viên tham gia, doanh thu của HTX duy trì từ 5 đến 6 tỷ đồng/năm; duy trì tốt hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao giúp cho thành viên đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. HTX nằm trong top đầu trong tỉnh, huyện về năng suất, giá trị ha gieo trồng, sản xuất vụ đông đến năm 2022 đạt 25% diện tích gieo trồng trên đất hai lúa được trồng cây hàng hóa có giá trị cao.
 
Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến đang duy trì và thực hiện 10 khâu dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. Sản xuất lúa của các thành viên trong HTX đã đạt tới trình độ nhất định như: Làm đất tập trung, gieo thăng, gieo mạ khay cấy máy, chủ động cả tưới và tiêu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, sấy khô nông sản, sử dụng máy thu gom rơm tận dụng nông sản phụ làm nguyên liệu sản xuất nấm. HTX cũng đưa vào áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, giống cây con mới vào sản xuất, như chuyển đổi 100% diện tích từ cấy truyền thống sang gieo vãi; chế tạo máy phun thuốc trừ sâu, áp dụng máy rải phân bón, máy gặt, lò sấy lúa…
Việc tập trung cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch bằng cơ giới hóa giúp giảm chi phí lao động, đạt hiệu quả kinh tế cao. HTX đã cải tiến 3 máy phun thuốc trừ sâu giúp cho các thành viên không có điều kiện phun thuốc vẫn đảm bảo phun khử đúng thời vụ, không xảy ra thiệt hại do sâu bệnh.
 
Năm 2012, Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiến hành dồn điền đổi thửa, kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng, vận động các hộ thành viên đóng góp trên 4 tỷ đồng để quy hoạch lại đồng ruộng, làm lại hệ thống giao thông, thủy lợi trước khi giao lại ruộng cho nhân dân. Nhờ đó, đã tạo ra sự thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và đã được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhân rộng ra các đơn vị trong Tỉnh. Cùng với dồn điền đổi thửa, từ năm 2018, HTX đã thực hiện tích tụ ruộng đất dồn đổi 50 ha đất nông nghiệp thuê của các hộ không có lao động sản xuất thành ô thửa lớn để sản xuất lúa hàng hóa. Từ đó, HTX cho các hộ có điều kiện sản xuất tham gia cấy với diện tích từ 1 ha trở lên. Việc sản xuất với diện tích lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của các hộ tham gia sản xuất được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, Hợp tác xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua thóc hàng hóa cho các hộ thành viên từ 300-500 tấn lúa tươi đảm bảo đầu ra cho các hộ yên tâm sản xuất.
Để giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp trong lúc nông nhàn, HTX cũng liên kết với các doanh nghiệp tìm một số mặt hàng về cho xã viên làm. HTX làm tốt các khâu dịch vụ, cho vay vốn, mượn mặt bằng dạy nghề, sản xuất, chế biến hàng cói, bèo bồng khô xuất khẩu tạo việc làm cho cho 500 lao động nông nhàn.
 
Về chăn nuôi, do ảnh hưởng của dịch Tả lợn châu Phi bùng phát và lan rộng gây thiệt hại ở các gia trại nuôi, HTX cùng với cán bộ thú y xã tham mưu cho UBND xã chuyển sang chăn nuôi gia cầm, gà thả vườn, vịt súp bơ, nuôi bò thịt, bò sinh sản. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, gia trại, an toàn sinh học. Diện tích nuôi trồng thủy sản được tận dụng triệt để. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo, cán bộ xã viên phối hợp với cán bộ thú y làm tốt công tác tiêm phòng, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường nguồn nước nuôi trồng thủy sản.
 
Không chỉ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh HTX còn đống góp tích cực vào phong trào Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của các hộ thành viên ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vượt mức các chỉ tiêu đề ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến là đơn vị dẫn đầu khối thi đua các HTX Nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình năm 2022, đủ điều kiện được tặng Cờ thi đua của Chính phủ./.

Theo vca.org.vn

Để phát triển theo chiều sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh, các HTX phải dựa trên cơ sở tăng cường áp dụng khoa học công nghệ. Trong đó, việc đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) là yêu cầu cấp thiết trong điều kiện hiện nay.

Ngoài nhu cầu về nguồn nhân lực kế toán, cán bộ tổ nông nghiệp thì nhân viên, trưởng bộ phận R&D cũng đang được HTX Sinh Dược (Ninh Bình) tìm kiếm nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Đầu tư còn gián đoạn

Thực tế, vấn đề nghiên cứu và phát triển sản phẩm và dịch vụ đã được những người đứng đầu HTX Sinh Dược quan tâm. Nhờ thế, HTX luôn đổi mới, có đa dạng sản phẩm độc đáo, sản xuất theo công nghệ phù hợp nhằm cạnh tranh bền vững trên thị trường và đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn.

Còn tại Lâm Đồng, HTX Bò sữa Đơn Dương đã có đội ngũ kỹ thuật cùng phòng Lab để nghiên cứu, phân tích các thành phần trong sữa bò nhằm phục vụ cho quy trình sản xuất khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn mà phía doanh nghiệp liên kết theo hợp đồng.

Có thể thấy, đã có những HTX đầu tư cho hoạt động R&D, từ đó giúp tăng cường năng lực công nghệ, tăng vị thế và giúp HTX tăng trưởng, phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, những HTX quan tâm và đầu tư cho R&D như HTX Sinh Dược, HTX Bò sữa Đơn Dương chưa nhiều. Đa số HTX sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm ra thị trường vẫn theo kinh nghiệm, “bản năng”, chưa có kế hoạch cụ thể trong từng bước. Hoặc đã có HTX đầu tư cho R&D nhưng mới chỉ dừng lại ở một khâu nào đó nên chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

Bà Trương Thị Luận, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số – Đại học Tây Bắc, cho biết có nhiều thành viên HTX tự nghiên cứu, tự sáng tạo, tự phát triển sản phẩm và thị trường, dịch vụ, thậm chí tự nghiên cứu ra máy móc để cho những sản phẩm độc đáo, nâng cấp quy trình. Nhưng do thiếu kỹ năng chuyên môn, thiếu nguồn vốn… nên những đổi mới này chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Cũng có những nghiên cứu và phát triển của HTX hiện nay là do liên kết với các dự án, các tổ chức nên có thể việc ứng dụng công nghệ, máy móc, kỹ thuật chỉ dừng ở một lĩnh vực, một sản phẩm nào đó và trong một thời gian nhất định.

Chẳng hạn như một HTX ở Thuận Châu (Sơn La) đã được các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Phòng nông nghiệp huyện phối hợp, hỗ trợ trong khâu nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật làm dấm táo mèo lên men tự nhiên. Điều này cho thấy, khi chính quyền, nhà khoa học, chuyên gia… vào cuộc, HTX sẽ có những bước đi nhất định trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở bước sản xuất, còn các bước tiếp theo như bao bì, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng dịch vụ, ngành hàng… cũng cần phải có yếu tố R&D thì mới tạo thành chuỗi hoàn chỉnh và mang lại hiệu quả cao cho HTX.

Theo bà Luận, HTX cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn khó khăn nhất định nên chưa tập trung nhiều vào vấn đề R&D. Trong đó, nhiều HTX vẫn chỉ tập trung vào khâu sản xuất canh tác, chưa có điều kiện phát triển sang công đoạn sơ chế, chế biến, phân phối nên hoạt động R&D vẫn diễn ra một cách riêng lẻ mà chưa mang tính hệ thống.

Trong khi đó, các khâu như sơ chế, chế biến… lại mang lại giá trị gia tăng tới 30-40% cho HTX nên rất cần đầu tư cho R&D. Vì thế, nếu không đầu tư cho R&D, HTX khó có thể phát triển và tham gia chuỗi giá trị gia tăng, xuất khẩu sản phẩm.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, tỷ lệ áp dụng R&D đối với các HTX, làng nghề trong ngành thủ công mỹ nghệ vẫn ở mức thấp. Vì vậy nên mẫu mã sản phẩm không có nhiều đổi mới, sáng tạo bởi thiếu vắng những thiết kế chuyên nghiệp.

Đầu tư cho R&D là điều cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho người dân, HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điều này có thể do HTX còn thiếu tính sáng tạo, thiếu thông tin về khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Có HTX thiếu thông tin về thị trường hoặc do nguồn nhân lực hạn chế nên khó kiểm soát chi phí, từ đó gặp hạn chế cho đầu tư vào R&D. Để đầu tư cho R&D bài bản, HTX cần phải có nguồn vốn khá lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại quá dài.

Ông Hứa Văn Hướng, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đà Vị (Tuyên Quang) cho biết, bún khô của HTX mặc dù được thị trường quan tâm nhưng để có thêm các sản phẩm khác, đổi mới trong khâu chế biến có được thị trường đón nhận hay không thì cần có sự nghiên cứu bài bản, cần thuê người có chuyên môn. Bên cạnh đó, để đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất liên tục theo quy trình hiện đại, HTX cần phải có vốn lớn. Những vấn đề này, HTX chưa thể đủ sức để tự làm.

Hóa giải khó khăn về công nghệ

Có thể thấy, nông nghiệp vốn là lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực lớn trong các HTX. Và nông nghiệp, HTX cũng được coi là những thành tố quan trọng của nền kinh tế đất nước. Vấn đề đặt ra là làm sao để các HTX trong lĩnh vực này quan tâm và đầu tư cho đổi mới công nghệ nhiều hơn nhằm tránh tình trạng người dân, HTX phải tốn thêm nhiều chi phí trong sử dụng các vật tư đầu vào như phân, giống, máy móc… từ nước ngoài?

Ông Ngô Đức Thọ, Cố vấn canh nông tại CTCP Nông nghiệp sạch (Hà Nội) cho biết, dù làm bất kỳ ngành nghề nào, kể cả là trong nông nghiệp thì vấn đề đầu tư cho R&D đều rất quan trọng.

Ông Thọ lấy ví dụ về vấn đề này: Hiện nay, măng trúc ở núi Quan Âm (Đài Loan) được coi là ngon nhất thế giới, một phần từ điều kiện tự nhiên và một phần là do người dân ở đây đầu tư nghiên cứu rất kỹ về sản phẩm để từ đó rút ra các nguyên tắc trong thu hoạch và chế biến. Đó là phải đào măng từ khi chưa nhú lên khỏi mặt đất. Ngay khi thấy đất nứt là họ bới đất và cắt măng vì nếu măng chui lên khỏi mặt đất sẽ bị đắng. Cùng với đó, việc rửa măng và làm sạch cũng được thực hiện trong 2 giờ đầu cắt măng với nhiệt độ nước là 2 độ C, sau đó cũng bảo quản ở 2 độ C. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu rất kỹ về vấn phát triển giống, tiếp thị, ngay cả trong việc làm các hình ảnh biểu tượng để đưa sản phẩm măng làm du lịch cũng được quan tâm…

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng nhất hiện nay đối với các HTX chính là công nghệ, quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, nhiều HTX chưa thể tự đầu tư nhưng cũng chưa thể liên kết được với các đơn vị nghiên cứu để giải quyết khó khăn.

Ngay như các HTX trồng hoa lan ở TPHCM hiện có nhu cầu rất lớn trong mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng lại gặp khó khăn trong nhập khẩu giống vì chưa được bảo hộ. Tuy nhiên, khi các HTX liên kết với ngành nông nghiệp, các trường, viện để giải quyết vấn đề giống thì các đơn vị lại yếu trong cung cấp giống hoa lan cấy mô. Do đó, các HTX không thể mở rộng sản xuất.

Vì vậy, cần xây dựng và vận hành tốt hệ thống đổi mới sáng tạo và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các HTX, doanh nghiệp, trường, viện nhằm giải quyết những nút thắt hiện nay trong nghiên cứu và phát triển ở lĩnh vực nông nghiệp, từ đó mới có thể giúp các HTX đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, mỗi HTX thay vì đầu tư một khoản nhỏ cho R&D thì có thể liên kết cùng nhau để xây dựng các quỹ đầu tư cho khoa học, công nghệ. Theo đó, mỗi HTX sẽ lần lượt sử dụng quỹ để đầu tư tập trung cho R&D, đồng thời hỗ trợ nhau để tìm ra phương án ứng dụng công nghệ phù hợp thì sẽ hiệu quả hơn.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Cánh đồng sâm Bố Chính do HTX Sâm Cúc Phương Bochi làm chủ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn mở ra triển vọng phát triển đa dạng các loại cây trồng giá trị ở vùng đồi núi của huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Được thành lập từ tháng 8/2022, HTX sâm Cúc Phương Bochi thuộc thôn Đồng Quân, xã Cúc Phương, huyện Nho quan (Ninh Bình) hiện có 8 thành viên, với hơn 6 ha diện tích trồng sâm tại địa bàn xã Yên Quang và Cúc Phương, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

“Hồi sinh” giống sâm quý trên đất Ninh Bình

Nhiều năm về trước, thầy giáo Nguyễn Đức Tuấn chuyển công tác đến xã Cúc Phương, huyện Nho quan (Ninh Bình). Nhận thấy khu vực này phù hợp để canh tác nông nghiệp, đặc biệt là dược liệu, ông Tuấn nung nấu ý định tìm kiếm một loại cây trồng tiêu biểu cho vùng, giúp bản thân cũng như bà con địa phương làm giàu.

Ban đầu, ông Tuấn chọn làm tinh dầu bạc hà, húng quế. Tuy nhiên, việc chăm sóc các loại cây trên rất vất vả, sản lượng và doanh thu mang lại cũng không cao.

Năm 2019, qua bạn bè giới thiệu, ông Tuấn biết đến cây sâm Bố Chính, có nguồn gốc từ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong lịch sử, đây từng được xem là một sản vật quý dùng để dâng lên các vị vua, nhưng gần như đã bị thất truyền theo thời gian.

Nhận thấy sâm Bố Chính chứa nhiều chất có lợi như saponin, omega 3-6-9, histidine taurin; các khoáng chất như sắt, canxi …ông Tuấn quyết định đem loại cây này đến khu vực bìa rừng Cúc Phương để trồng thử. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, nguồn nước suối khoáng tự nhiên cũng như thổ nhưỡng rất phù hợp cho sinh trưởng và giá trị trong y dược của sâm Bố Chính.

Đúng như mong đợi, cây sâm không những phát triển tốt tại vùng đất này mà còn tích lũy được lượng canxi và sắt cao hơn so với cây giống, lên tới 17.000 mg/kg và 800 mg/kg. Từ đây, ông Tuấn quyết định nhân rộng mô hình, đưa cây sâm Bố Chính trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp bà con làm giàu.

Tháng 8/2022, được sự ủng hộ của người dân địa phương, chính quyền xã Cúc Phương và Liên minh HTX Ninh Bình, ông Nguyễn Đức Tuấn cùng một số hộ trồng sâm trong xã đã liên kết thành lập HTX sâm Cúc Phương Bochi do ông Quách Văn Kỳ làm giám đốc và ông Tuấn làm cố vấn kỹ thuật.

Sau hơn một năm thành lập, HTX sâm Cúc Phương Bochi hiện là nơi tề tựu của 8 thành viên với hơn 6 ha diện tích trồng sâm tại địa bàn xã Yên Quang và Cúc Phương, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho bà con, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Sâm chưa ra củ đã “hái” ra tiền

Theo ông Tuấn, trong 21 loại sâm, sâm Bố Chính là loại duy nhất có khả năng chịu nóng, sống được ở nhiều vùng đất khác nhau. Sâm cũng tích lũy được hàm lượng dinh dưỡng cao trong mùa lạnh và sau tối thiểu 1 năm là có thể thu hoạch. Đặc biệt, toàn bộ cây sâm từ hoa, lá, cành và củ đều có thể chế biến thành các sản phẩm có ích.

Tuy nhiên, để tạo nên sản phẩm sâm Bố Chính tiêu biểu của vùng Cúc Phương với giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, người dân nơi đây phải vô cùng kiên nhẫn và tỉ mỉ từ quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và cả chế biến.

Cây sâm Bố Chính có giá trị kinh tế cao, từ hoa, lá, cành và củ đều có thể chế biến thành các sản phẩm có ích.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Quách Văn Kỳ – giám đốc HTX sâm Cúc Phương Bochi cho biết: “Cây sâm Bố Chính tại đây phải đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Từ bón lót, bón thúc đều dùng phân hữu cơ, công tác phòng trừ sâu bệnh cũng hoàn toàn thủ công, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể đến việc phải chăm bón cây thường xuyên từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, nhằm tạo ra môi trường tối ưu để cây sâm phát triển”.

Sâm Bố Chính được gieo hạt vào mùa Xuân. Trước đó, đất vườn ươm phải được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống… và bón lót bằng phân chuồng ủ hoai. Sau 5-6 tháng, sâm sẽ trổ hoa. Hoa sâm từ 3-9 tháng tuổi là có thể thu hoạch.

Việc thu hoạch hoa thường diễn ra vào lúc sáng sớm để tránh nắng gắt. Đặc biệt, trong tối đa 4 tiếng kể từ thời điểm hái, hoa phải được đưa về nhà máy để chế biến, nhằm giữ được độ tươi. Hoa sâm có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như bột dinh dưỡng, mỹ phẩm và trà, mang lại nguồn lợi đáng kể cho người trồng dù chưa thu hoạch củ.

Sâm từ 3-5 tháng tuổi sẽ được tỉa cành với tỷ lệ từ 30-35%, giúp cây tập trung phát triển phần củ. Với các cành đã được tỉa, bà con sẽ loại bỏ cành sâu bệnh và chia thành 2 phần: phần thân lá non dùng để chế biến thành trà, phần thân lá già được sấy khô, nghiền nhỏ để làm thức ăn gia súc.

Trong suốt quá trình từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, HTX còn áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, nhằm cung cấp dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây. Cụ thể, các loại phân vi sinh được ủ từ trùn quế, rong biển… sẽ được nghiền nhỏ, hòa vào nước và tưới nhỏ giọt, giúp cây sâm dễ dàng hấp thụ dưỡng chất.

Việc đào sâm cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng. Bà con sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng cắm xuống đất khoảng 30 cm, đào mở xung quanh và lấy đất dần dần, sau đó nhổ nhẹ nhàng, tránh làm xước vỏ hoặc đứt gãy rễ sâm.

Nhờ được chăm bón tỉ mỉ bằng các phương pháp canh tác hữu cơ, hầu hết sâm Bố Chính do các thành viên HTX ươm trồng đều có củ to, đảm bảo độ tươi sạch và có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trung bình mỗi cũ nặng từ 200-300g, có những củ đột biến nặng tới 500g.

Mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 10 tấn/ha sâm tươi. Với 250 nghìn -400 nghìn/kg củ tươi, sau khi trừ hết chi phí, người dân thu lời từ 250-300 triệu/ha/năm. HTX cũng tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu/người/tháng.

Khát vọng tạo ra “sâm Việt cho người Việt”

Theo ông Tuấn, để tạo ra phương pháp gieo trồng và chăm sóc phù hợp nhất dành cho cây sâm Bố Chính tại xã Cúc Phương, ông đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia uy tín về Nông nghiệp như GS Tăng Thị Chính, GS Lê Xuân Quế đến từ Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; cùng một số tiến sĩ khác…

Ngoài ra, HTX còn được Liên Minh HTX tỉnh Ninh Bình hỗ trợ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng và mua sắm, lắp đặt hệ thống móc, quảng bá sản phẩm, xây dựng tem mác, giúp cho thương hiệu “sâm Cúc Phương Bochi” nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Bên cạnh việc bán củ tươi, HTX đã chế biến sâm Bố Chính thành các sản phẩm đa dạng như trà sâm, tinh bột nhân sâm nano, rượu sâm… Tuy ra mắt chưa lâu, các sản phẩm của HTX đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng,

Nhận thấy nhu cầu thị trường tăng, HTX có kế hoạch mở rộng mô hình và triển khai trồng sâm theo phương pháp gối vụ: cứ đào lên 1 ha sẽ trồng bổ sung 1,5 ha. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này cũng đòi hỏi sự gia tăng về nguồn vốn cũng như số lượng thành viên. Đây là vấn đề khiến ban lãnh đạo HTX trăn trở.

Trước mắt, HTX đã tiến hành nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu, hệ sinh vật của các vùng lân cận, nhằm mở rộng diện tích trồng sâm Bố Chính, sau đó tìm cách chuyển giao phương thức canh tác đến bà con tại từng khu vực cụ thể.

Trong thời gian tới, ban lãnh đạo HTX mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa cây sâm Bố Chính của địa phương trở thành sản phẩm tiêu biểu giúp nâng cao sức khỏe cho người Việt. Để làm được điều đó, ông Tuấn và các thành viên HTX hy vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành…

“Tương tự sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh nổi tiếng như vậy phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Do đó, tôi mong muốn các cấp, các ngành sẽ đồng hành cùng HTX, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa cây sâm Bố Chính Cúc Phương đến gần với nhiều người tiêu dùng hơn nữa và đây sẽ là sản phẩm sâm Việt dành cho người Việt”, ông Tuấn chia sẻ.

Chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị đang là hướng đi đúng đắn và lâu dài của ngành nông nghiệp. Thời gian tới, với việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm, mô hình trồng sâm Bố Chính của HTX Sâm Cúc Phương Bochi sẽ được mở rộng và phát triển mạnh hơn nữa tại các địa phương, qua đó góp phần phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Tọa lạc tại xã Kim Sơn, phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình, làng nghề truyền thống Kim Sơn từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất những món hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói. Những người nghệ nhân nơi đây đã luôn sắt son bền bỉ theo đuổi nghề của cha ông để lại suốt hơn 200 năm nay, để rồi giờ đây tạo tiền đề vững chắc cho HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng.

Nằm tại một thôn xóm nhỏ yên bình bên cạnh nhà thờ Phát Diệm, HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu hiện trở thành đơn vị tạo việc làm cho 25 người lao động thường xuyên làm trực tiếp tại xưởng và hàng ngàn người lao động ‘tại gia’ lành nghề khác.

Theo như chia sẻ của các thành viên của HTX với Vnbusiness, cây cói đã có ở vùng đất Kim Sơn gần hai thế kỷ. Trải qua hàng trăm năm quai đê lấn biển, người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Sống trong cái nôi của làng nghề cói truyền thống, những người thợ cói Kim Sơn nói chung và các thành viên của HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu nói riêng với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cùng tình yêu với cói tha thiết đã tạo ra rất nhiều sản phẩm từ cói đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương

Với khẩu hiệu ‘lúa lấn cói’, ‘cói lấn sú vẹt’, ‘sú vẹt lấn biển’ cây cói đã theo bước chân những người lấn biển trở thành cây công nghiệp tiên phong, mang đến giá trị kinh tế cao trên mảnh đất Kim Sơn này. Ở nơi đây, cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ; giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la.

Cây cói có chu kỳ sinh trưởng và được chăm sóc như cây lúa. Người trồng cói cũng phải làm đất, nhổ cỏ, bón phân… Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng 5, cói mùa thu hoạch vào dịp tháng 10 âm lịch. Chất lượng cói trồng phụ thuộc vào việc điều phối để nước mặn và nước ngọt vào ruộng theo tỷ lệ thích hợp cho cây phát triển. Kim Sơn xưa nay nổi tiếng với các sản phẩm từ cói, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến chiếu cói đã làm nên tên tuổi của làng nghề truyền thống này.

Nhận thấy những lợi thế trong việc phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, chị Nguyễn Thị Hoàng Mai – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu bằng tổng số vốn góp được là 900 triệu đồng, cùng sự đồng thuận của 25 thành viên đã chính thức thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thủ công mỹ nghệ sản phẩm từ tre nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện; sản xuất sản phẩm từ cói và bèo bồng.

Chị Mai chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự hào vì Kim Sơn là một làng nghề truyền thống lâu đời với các sản phẩm làm từ cói có thể nói là ‘độc nhất vô nhị’ tại Ninh Bình. Những sản phẩm cói của làng nghề luôn mang những nét đặc sắc và độc đáo riêng, song cũng bởi chính tính chất làng nghề nên chủ yếu các sản phẩm được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, làm ra nhiều nhưng không có người thu gom. Vì vậy việc thành lập HTX là một điều tất yếu và quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm của làng nghề. HTX sẽ là nơi để tập hợp hàng hóa của các nghệ nhân, quy về một mối và tìm kiếm các đơn vị cung ứng ra thị trường phù hợp với tính chất của sản phẩm, giúp khả năng tiêu thụ hàng hóa có đầu ra rõ ràng hơn”.

Cái nôi tạo việc làm cho ‘hàng ngàn’ người lao động

Được biết, hiện nay HTX có 25 thành viên chính thức, thêm vào đó là khoảng 2.000-3.000 người lao động phân bố tại các hộ gia đình, rải rác tại các huyện lân cận của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định.

Trao đổi với Vnbusiness, các thành viên trong HTX cho biết, bình quân thu nhập hằng tháng của người lao động tham gia HTX là 4-10 triệu đồng; với những người lao động nhận sản phẩm làm tại nhà là 4-6 triệu đồng/tháng, và những lao động người làm trực tiếp tại xưởng là 8-10 triệu đồng/tháng.

Các sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ Minh Châu được đánh giá cao khi phát huy được nét riêng biệt của làng nghề làm cói truyền thống Kim Sơn, nhưng cũng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe đối với các sản phẩm thủ công trong thời đại mới.

Sản phẩm của HTX được làm thủ công hoàn toàn, đảm bảo được tính chất thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy.

Sản phẩm của HTX nổi tiếng với tính chất thân thiện với môi trường, dễ tiêu hủy, vì làm thủ công ‘handmade’ hoàn toàn nên đòi hỏi những nghệ nhân phải có độ tỉ mỉ cao, chau chuốt từng chi tiết của sản phẩm.

Cũng chính bởi lẽ đó, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá vô cùng cao, đặc biệt được ưa chuộng và xuất khẩu liên tiếp sang các nước Châu Âu như Anh, Pháp, Mỹ, Canada…

Từ số vốn 900 triệu đồng những ngày đầu thành lập, giờ đây doanh thu của HTX hằng năm đã rơi vào khoảng 30 tỷ/năm, gấp hàng chục lần so với kỳ vọng ban đầu khi quyết định xây dựng một đơn vị có đầy đủ cơ chế pháp lý rõ ràng, giúp tìm được đường ra thuận lợi nhất cho sản phẩm của một làng nghề truyền thống lâu đời.

Tuy có những khởi đầu thuận lợi là thế, song HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu vẫn đang loay hoay tìm một con đường ‘thoáng hơn nữa’ cho các sản phẩm của HTX giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đại chúng ngày nay. Bởi kênh tiêu thụ sản phẩm chính của HTX vẫn chỉ loanh quanh cung cấp cho các đơn vị trung gian mua số lượng lớn hoặc các chợ đầu mối nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được với việc bán hàng trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử.

Không ngừng kỳ vọng vào sự phát triển

Bên cạnh vấn đề về kênh tiêu thụ, HTX cũng đang vướng mắc trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng. Hiện nay HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu đang duy trì một nhà xưởng có diện tích trên 2.000 mét vuông, chủ yếu là nơi tập kết lại sản phẩm của những người lao động để làm những khâu chuốt lại cuối cùng, sau đó đóng gói và gửi hàng đi đến các đơn vị thu mua.

Đối với tình hình lượng khách và lượng hàng ngày một lớn mạnh hiện tại, chị Mai bộc bạch: “Việc diện tích sử dụng, kho xưởng chật hẹp cũng là một nút thắt không nhỏ cần tháo gỡ của chúng tôi trong việc lên kế hoạch phát triển và mở rộng quy mô của HTX trong tương lai. Vì vậy, cá nhân tôi mong muốn được các cấp chính quyền của huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung hỗ trợ về vấn đề cho mượn hoặc cho thuê quỹ đất để nhân rộng quy mô xưởng, giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc thu hút thêm nhân công lao động và nhận được thêm nhiều nguồn hàng. Bởi lẽ ngành hàng truyền thống làm cói này đang trên đà phát triển tốt, bản thân tôi và các thành viên không muốn để sản phẩm đặc trưng của làng nghề bị mai một đi”.

Song song với đó, HTX cũng đang thực hiện việc phát triển ngành nghề của Kim Sơn sang các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định… Bởi những địa phương này cũng là nơi có nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng, cùng đội ngũ lao động dồi dào. Vì vậy HTX thường xuyên mở những lớp đào tạo trực tiếp tại các tỉnh để chiêu mộ thêm nhân công sản xuất thạo nghề, cũng như đáp ứng được nhu cầu cung ứng hàng hóa ngày một tăng cao.

Trong thời gian tới, HTX Thủ công mỹ nghệ Minh Châu vẫn tâm niệm tiếp tục phát huy thế mạnh hàng hóa chủ lực của mình, cũng như hoàn thiện các hồ sơ để đăng ký tham gia chương trình chứng nhận OCOP, giúp tạo bệ phóng cho các sản phẩm thủ công độc đáo của HTX được biết đến rộng rãi và có chỗ đứng vững trãi hơn trên thị trường.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Tận dụng lợi thế ở ven rừng Cúc Phương – nơi có hệ sinh thái đa dạng, một HTX ở tỉnh Ninh Bình đang nuôi khoảng 3.300 đàn ong, mỗi năm cung ứng gần 50.000 lít mật ra thị trường. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên, đưa mô hình kinh tế tập thể ngày một lớn mạnh, bền vững.

Rừng quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) được biết đến là khu rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam với thảm thực vật vô cùng phong phú. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, người dân xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật và đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ nghề nuôi ong lấy mật, người dân dần ổn định cuộc sống, góp phần đưa “tiếng thơm” của sản vật quê hương bay xa.

Ong “rót” mật giúp người dân làm giàu

Trước đây, hoạt động nuôi ong và thu hoạch mật chủ yếu được tiến hành với quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát trong từng hộ dân. Do đó, trong giai đoạn đầu phát triển nghề, hiệu quả kinh tế đem lại còn chưa cao.

Trước thực trạng đó, tháng 4/2021, HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương (thôn Nga 3, xã Cúc Phương) đã được thành lập với 42 thành viên. Nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các hộ nuôi ong đã liên kết với nhau nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển hơn nữa nghề nuôi ong lấy mật.

Trao đổi với VnBusiness, Giám đốc Bùi Văn Thuận cho biết, HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương hoạt động trên cơ sở các thành viên tự nguyện cùng góp vốn, góp sức, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tuy mới thành lập hơn 2 năm, nhưng các hoạt động của HTX đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, trung bình HTX thu hoạch gần 50.000 lít mật mỗi năm, ước tính doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng. 

“Mỗi hộ có thể nuôi từ 50 – 70 đàn ong, hộ nuôi nhiều có thể lên đến 100 đàn. Năm nay, quy mô nuôi ong của HTX đã đạt khoảng 3.300 đàn, tăng gần 1.000 đàn so với năm ngoái. Trong một năm, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ có thể khai thác mật tới 12 lần. Bình quân mỗi đàn ong cho thu hoạch từ 13 – 14 lít mật/năm”, ông Thuận cho hay.

Theo đó, giá bán mật ong chưa chiết khấu khoảng 380.000 đồng/lít, sau khi chiết khấu còn khoảng 290.000 đồng/lít. Các sản phẩm của HTX chủ yếu vẫn tiêu thụ theo cách thức truyền thống là bán trực tiếp cho khách quen hoặc liên kết với thương lái để bán với số lượng lớn.

Bên cạnh mật ong rừng truyền thống, một số sản phẩm tiêu biểu khác của HTX được người tiêu dùng trên thị trường tích cực đón nhận có thể kể đến như tỏi đen ngâm mật ong và hoa đu đủ ngâm mật ong. Ngoài ra, mật ong Cúc Phương cũng được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp như mặt nạ, kem dưỡng da, tinh dầu,… 

Tinh hoa núi rừng Cố đô

Nhờ đặc thù vị trí địa lý nằm trên vùng núi huyện Nho Quan mà ong của HTX được nuôi xen kẽ trong môi trường rừng nguyên sinh Cúc Phương, vì vậy nguồn thức ăn tự nhiên cho ong luôn dồi dào. Đây cũng chính là điều làm nên sự khác biệt về chất lượng mật so với nhiều địa phương khác.

Ông Đinh Quang Phú, chủ hộ nuôi ong ở xã Cúc Phương chia sẻ: “Nhờ thiên nhiên ưu đãi, nguồn hoa dồi dào mà việc nuôi ong trên rừng Cúc Phương vô cùng thuận lợi. Năm ngoái, tôi nuôi 37 đàn, đến nay đã phát triển lên gần 50 đàn”.

Mật ong của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và vượt qua nhiều cuộc kiểm định về chất lượng. Theo Giám đốc Bùi Văn Thuận, tỷ lệ tổng hợp axit amin trong mật ong của HTX vượt trội hơn hẳn so với mật ong ở một số địa phương khác. Đồng thời, hợp chất vi lượng trong mật ong cũng đa dạng hơn.  

Mỗi hộ thành viên có thể nuôi từ 50 - 70 đàn ong, thậm chí có hộ nuôi lên đến 100 đàn.

Nhờ đó, mật ong Cúc Phương có hương vị thơm ngon đặc trưng cùng màu sắc đậm đà, bắt mắt. Đây được xem là một trong những loại mật ong tốt nhất tại Việt Nam với nhiều giá trị dinh dưỡng cùng tác dụng lành mạnh cho sức khỏe người sử dụng.

Bên cạnh đó, một điểm khác biệt của mật ong so với các nông sản khác là hoạt động thu hoạch không được tính theo vụ cố định, mà phụ thuộc vào các mùa hoa rừng được thiên nhiên ưu ái, được ví như “lộc trời” trong năm.

Cụ thể, quy trình khai thác mật chủ yếu diễn ra từ cuối tháng 4 đến tháng 6 dương lịch, khoảng thời gian này có thể thu hoạch mật tới 10 lần. Còn từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau, ong cho mật kém năng suất hơn.

“Vào mùa Đông, khi qua tháng 11 có thể lấy được từ 1 – 2 lần mật, năm nào thời tiết ủng hộ, không bị rét đậm, rét hại thì có thể lấy được 3 lần. Những tháng trái mùa hoa, do ngoài thiên nhiên khan hiếm thức ăn tự nhiên, nên người nuôi sẽ cho ong ăn bổ sung đường và phấn hoa để duy trì đàn”, ông Phú tiết lộ.

Khoảng thời gian mới thành lập HTX, các hộ thành viên chủ yếu vẫn nuôi ong theo phương pháp truyền thống. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, bên cạnh những hỗ trợ về thành lập HTX, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình còn hỗ trợ các thành viên sản xuất mật theo quy trình khép kín. Qua đó, giúp gia tăng số hộ nuôi ong, gia tăng năng suất mật và nguồn thu nhập cho thành viên.

“Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ HTX đưa vào sử dụng máy tách thủy phần. Giá trị chiếc máy khoảng hơn 300 triệu đồng thì HTX được Liên minh hỗ trợ 200 triệu đồng. Đây là thiết bị giúp cải thiện đáng kể chất lượng mật ong khi giảm lượng thủy phần xuống mức thấp, giúp mật thơm ngon, đặc sánh hơn nhiều lần so với thông thường”, Giám đốc Bùi Văn Thuận thông tin.

Cụ thể, mật sau khi quay xong sẽ được cho vào máy tách thủy phần. Cách thức hoạt động của máy là giúp chiết xuất bớt lượng nước và chỉ giữ lại thành phần mật. Các hộ thành viên cho biết từ ngày đưa máy vào hoạt động, nhiều đơn vị đã đặt vấn đề thu mua ổn định với số lượng lớn, mật ong tiêu thụ gia tăng đáng kể so với trước kia.

Ông Đinh Văn Bộ (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi nuôi 50 đàn ong, mật quay đến đâu là bán hết đến đấy. Nhiều người sau khi sử dụng thấy sản phẩm chất lượng lại tiếp tục giới thiệu cho người quen, bạn bè. Thậm chí có những khách ở các tỉnh xa như Hà Nội, Nghệ An cũng lặn lội tìm về tận vườn để đặt mua”.

Đau đáu “bài toán” chuyển đổi số

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động và đưa thương hiệu mật ong Cúc Phương tìm được chỗ đứng trên thị trường thì hiện nay, khó khăn lớn nhất HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mật ong Cúc Phương phải đối mặt là việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Giám đốc Bùi Văn Thuận, HTX gặp nhiều thách thức trong vấn đề thương mại khi đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường: “Do đặc thù thành viên tham gia HTX và trực tiếp nuôi ong đa phần đều là người cao tuổi nên rất khó áp dụng công nghệ trong những vấn đề như chuyển đổi số, quảng bá hình ảnh rộng rãi, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thực hiện marketing… Tuy đã được địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhưng vẫn chưa thể thực hiện nhuần nhuyễn”. 

Trước thực trạng trên, Ban lãnh đạo HTX đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường các hoạt động quản trị, nâng cao năng lực cán bộ. Đồng thời cố gắng tiếp cận với các kênh bán hàng thương mại điện tử để nhanh chóng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Song song với đó là gia tăng hoạt động mở rộng liên kết với các hộ nuôi ong địa phương và các huyện trên địa bàn tỉnh, tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, qua đó tìm kiếm cơ hội để đưa thương hiệu mật ong Cúc Phương đến với thị trường trong và ngoài nước.

“Có tiêu thụ được sản phẩm thì thương hiệu mới tồn tại, trang trại mới phát triển, hộ nuôi ong mới có thêm những đàn lớn. Do đặc thù sản phẩm nên để có thể khẳng định được chất lượng mật ong thì cần có chuyên môn cùng sự nghiên cứu, thử nghiệm mới có thể kết luận chính xác mật ong từ thiên nhiên 100%. Vì vậy, chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn làm sao để đại đa số người tiêu dùng có sự am hiểu hơn nữa về mật ong, từ đó chắc chắn họ sẽ tin tưởng và ủng hộ sản phẩm mật ong Cúc Phương”, Giám đốc Bùi Văn Thuận bày tỏ. 

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Kể từ khi “bén duyên” với nghề trồng na trái vụ, thu nhập của bà con nông dân tại xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) được nâng cao đáng kể, nhiều hộ trở thành triệu phú chỉ sau một thời gian ngắn.

HTX Sản xuất Na trái vụ, Tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long từ lâu đã nổi tiếng là đơn vị sản xuất các giống na sạch, na ngon của tỉnh Ninh Bình. Sau 3 năm thành lập, HTX hiện đã có 40 thành viên với tổng diện tích trồng na lên tới gần 200 ha. Mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 3 tấn na, mang về doanh thu lên tới 350-400 triệu đồng/ha.

Bắt đất cằn cho “trái vàng”

Phú Long là một xã vùng cao nằm ở phía nam huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây chủ yếu là đất đá lộ đầu, cằn cỗi, khiến việc trồng các cây lương thực rất vất vả mà không năng suất.

Nhận thấy việc canh tác cây màu không mang lại hiệu quả kinh tế cao, khoảng năm 2013, người dân trong xã bắt đầu thử trồng na. May mắn thay, cây na không chỉ trụ lại được ở vùng đất cằn cỗi này mà còn phát triển tốt, mang lại năng suất cao. Từ đây, nhiều người mạnh dạn bỏ hẳn lúa, ngô, toàn bộ diện tích đất vun vén cho na.

Gắn bó với cây na được ít lâu, bà con địa phương bắt đầu hướng tới việc trồng na trái vụ nhằm khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Lâu dần, những quả na ngon ngọt nổi lên như một loại đặc sản của vùng đất Phú Long.

Với mong muốn gìn giữ và nâng cao chất lượng của sản vật quê hương, năm 2020, HTX Sản xuất Na trái vụ, Tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long chính thức được thành lập. Đến nay, HTX đã có 40 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng na lên tới gần 200 ha.

Theo người dân địa phương, na dai là loại na phù hợp nhất với điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây. Na được trồng từ khoảng tháng Giêng hằng năm, khi mưa xuân xuống, sau 3-4 năm đã có thể cho thu hoạch. Việc thu hoạch diễn ra vào giữa tháng 6 âm lịch và kéo dài cho đến cuối tháng 11 âm lịch.

Na Phú Long được người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi yêu thích bởi quả to, cùi dày, ít hạt, vị ngọt sắc và mùi thơm đặc trưng. Mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 3 tấn na, với giá bán ổn định khoảng 30.000 đồng/kg tùy loại, mang về doanh thu lên tới 350-400 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Văn Thuật, giám đốc HTX San xuất Na trái vụ, Tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long, rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã ăn nên làm ra nhờ việc trồng na. Nếu được mùa, một gia đình có thể đạt doanh thu 35 triệu đồng/ngày là chuyện bình thường.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Thuật không giấu nổi niềm tự hào về nghề trồng na chất lượng cao tại địa phương.

“Cả xã Phú Long chỉ có thôn 4 chúng tôi và một thôn nữa là trồng được na chất lượng cao thế này. Không chỉ cây sinh trưởng tốt mà quả cũng vô cùng to đẹp, vị lại ngon. Một số thôn khác cũng thử trồng nhưng cây thường bị chết, có ra quả thì chất lượng cũng thấp”, ông Thuật cho biết.

Kỹ thuật chăm sóc na độc đáo

Để tạo ra những quả na đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, na tại HTX đều được trồng theo quy trình VietGAP loại bỏ hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai (được xử lý vi sinh đúng quy trình kỹ thuật).

Nhưng chỉ bấy nhiêu là chưa đủ, theo ông Thuật, muốn na Phú Long có chỗ đứng trên thị trường thì sản phẩm làm ra phải ngon và mang hương vị đặc trưng của vùng miền, điều này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật chăm sóc. Nhờ sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ, ông Thuật đã thành công xây dựng  phương pháp chăm sóc phù hợp nhất dành cho na Phú Long.

Cụ thể, theo ông Thuật, điểm mấu chốt để na ra quả được to đều, thơm ngon là phải cắt tỉa cành sao cho hợp lý. Hầu hết cành cao sẽ bị cắt bỏ, chỉ để lại những cành ngang tầm với, vị trí các cành cần được phân bố đều. Ông Thuật giải thích, quả na mọc ở cành cao thường không ngọt và nhỏ. Hơn nữa, để cành vừa tầm với cũng giúp người nông dân dễ dàng thụ phấn cho cây.

Tương tự, đối với hoa na, những đóa to nhất sẽ được giữ lại, khoảng cách giữa các hoa cũng cần được căn chỉnh đều đặn. Khi na bắt đầu ra trái, người nông dân lại tiếp tục chọn những quả to, đẹp để giữ lại, những quả nhỏ hoặc cản trợ sự phát triển của quả khác đều phải cắt đi. Nhờ đó, mỗi quả sẽ có đủ không gian để phát triển và nhận được nhiều dinh dưỡng từ cây, quả na sẽ có kích thước lớn và thơm ngon hơn.

Nhờ trồng na trái vụ, nhiều hộ dân ở xã Phú Long thu lãi khoảng vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Hoa na vừa nở sẽ được thụ phấn nhân tạo hoàn toàn, cứ 2 người sẽ thụ phấn được khoảng từ 300-500 hoa mỗi ngày. Nhờ phương pháp độc đáo, bình quân mỗi cây na sẽ cho khoảng 15 kg/vụ, mỗi quả nặng từ 6-7 lạng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của HTX Phú Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cơ sở vật chất và hệ thống tưới tiêu cho các thành viên HTX. Cứ 3 hộ trồng na sẽ được xây dựng 1 giếng khoan trị giá hơn 30 triệu đồng.

Nhờ sự ủng hộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX Ninh Bình, cùng các cấp các ngành địa phương, thương hiệu na dai Phú Long nhanh chóng được lan tỏa, hiện có mặt tại nhiều điểm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng và siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc cũng như nhiều kênh bán hàng online. Theo đó, nghề trồng na trái vụ đã góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Chị Phạm Thị Hiền, thôn 4 – xã Phú Long, thành viên HTX sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long, tham gia HTX từ những ngày đầu thành lập cho biết: “Trước đó gia đình tôi trồng ngô, mất nhiều công chăm sóc mà năng suất vẫn thấp, cả năm chỉ thu về được vài chục triệu. Từ ngày chuyển sang trồng na và tham gia vào HTX, chúng tôi được đảm bảo đầu ra và được hỗ trợ trang thiết bị, vật tư. Thu nhập cũng cao hơn hẳn, mỗi năm thu lãi khoảng vài trăm triệu đồng”.

Nghĩ lớn để đi xa

Nhận được sự tin tưởng của bà con địa phương cùng những chỉ đạo sát sao từ Đảng ủy, UBND xã Phúc Long, kế hoạch hoạt động của HTX Sản xuất Na trái vụ, Tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long đều được định hướng rõ ràng và gặp nhiều thuận lợi trên con đường phát triển. Tuy nhiên, do thành lập chưa lâu, HTX còn gặp vướng mắc trong khâu quản lý các thành viên.

“Để duy trì được danh tiếng và độ uy tín cho thương hiệu, các thành viên trong HTX phải thật đoàn kết để hướng đến mục tiêu chung. Chỉ cần một người đi chệch hướng, không chỉ chất lượng sản phẩm giảm sút, mà danh tiếng của thương hiệu cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đó cũng là lý do dù có nhiều hộ xin gia nhập, chúng tôi chưa thể vội vàng kết nạp ngay”, ông Thuật chia sẻ với VnBusiness.

Trong tương lai, các thành viên HTX sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long mong muốn mở rộng diện tích nhằm phát triển các giống na với chất lượng cao hơn. Ngoài ra, HTX cũng hướng tới việc xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm. Được biết, có nhiều khu du lịch tại Ninh Bình đã tìm đến với mong muốn hợp tác nhưng hiện cơ sở vật chất tại HTX vẫn chưa đáp ứng được.

Đặc biệt, các thành viên HTX đang ấp ủ kế hoạch phát triển giống na tím cực hiếm, chỉ có ở vùng đất Phú Long. Đây vốn là giống na đột biến với màu tím lạ mắt, dù sản lượng không cao nhưng chất lượng không thua gì nhiều giống na dai khác. Hy vọng, kế hoạch của HTX sẽ sớm thành công để người tiêu dùng có thể thưởng thức thêm một loại na mới từ vùng đất này.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng tảo xoắn – hướng đi mà cả nước chỉ có vài đơn vị thực hiện thành công – HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tảo Việt đã đạt được nhiều kết quả khả quan và cho ra đời những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Qua đó, chấm một nét vẽ rực rỡ cho “bức tranh” nông nghiệp tỉnh Ninh Bình.

Được nhen nhóm ý tưởng từ năm 2018 khi nghiên cứu thành công đề tài khoa học cấp tỉnh về giải pháp nuôi trồng, thu sinh khối tảo xoắn Spirulina trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao. Sau 2 năm “thai nghén”, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tảo Việt (thôn 3, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã chính thức được vợ chồng anh Nguyễn Văn Biên và chị Nguyễn Thị Dung thành lập vào tháng 3/2020.

Tuy là một HTX “trẻ” mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm nhưng đến nay, HTX Tảo Việt đã mở ra hướng đi mới cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Thực phẩm “vàng” của thế kỷ 21

Tảo xoắn (tên khoa học là tảo Spirulina) được phát hiện từ năm 1960 và nhanh chóng được đánh giá là loại thực phẩm hoàn hảo khi có nguồn gốc từ thiên nhiên cùng nhiều giá trị tuyệt vời.

Theo đó, đây là loại cây tự dưỡng, sinh sản vô tính theo cấp số nhân. Giống tảo này sinh trưởng chủ yếu trong đại dương và các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Tuy nhiên, chúng cũng có thể sống trong môi trường nước ngọt.

Bên cạnh thành phần chủ yếu là đạm thực vật giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, tảo xoắn còn chứa nhiều vitamin E và các khoáng chất, không chứa đường, chất béo nên được xem là thực phẩm tối ưu giúp chống oxy hóa, tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và phòng chống ung thư cùng nhiều bệnh khác.

Chia sẻ với VnBusiness về công dụng đặc biệt của loại thực phẩm này, chị Nguyễn Thị Dung – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tảo Việt cho biết, tảo xoắn có khả năng cung cấp tổng hợp những chất cần thiết cho cơ thể.

“Đơn cử như khi mình ăn rau, có loại bổ sung sắt, có loại bổ sung canxi, nhưng tảo lại bổ sung đồng thời tất cả các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm… Cơ thể con người cần tới 18 axit amin, trong đó có 9 loại không thể tổng hợp được phải lấy từ bên ngoài. Những cây trồng khác, chỉ có thể lấy được từ 1 đến 2 loại axit amin, trong khi tảo xoắn lại có thể cung cấp đồng thời cả 9 loại axit amin mà cơ thể không thể tổng hợp được”, chị Dung cho hay.

Là một sản phẩm cực kỳ giàu dinh dưỡng, tảo xoắn Spirulina đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Bộ Y tế của nhiều quốc gia công nhận là nguồn thực phẩm sạch. Thêm vào đó, sản phẩm này còn được coi là giải pháp cho phòng và điều trị nhiều bệnh trong thế kỷ 21. Ngoài ra, quá trình nuôi tảo cũng giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí khi cung cấp ra môi trường một lượng lớn oxy.

Nghĩ lớn để thành công

Tuy là thực phẩm quý báu và giàu tiềm năng như vậy nhưng điều đáng buồn là ở Việt Nam, dường như tảo xoắn vẫn còn khá mới lạ đối với người tiêu dùng. Đến nay, số lượng các HTX hay doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tảo của người Việt mới chỉ… đếm trên đầu ngón tay.

Đặt vào bối cảnh ở năm 2020 – thời điểm dịch Covid-19 còn đang diễn biến căng thẳng, có thể thấy quyết định khởi nghiệp của vợ chồng anh Biên, chị Dung khi ấy chẳng khác nào đi trên “cầu độc mộc”.

Được biết, ban đầu 2 vợ chồng chỉ nuôi trồng thử trên diện tích nhỏ và chủ yếu phục vụ gia đình. Tuy nhiên sau khi nhận thấy sản phẩm được người thân, bạn bè dùng thử và ưa thích, chị Dung cùng chồng đã quyết định thành lập HTX Tảo Việt, đầu tư thêm thiết bị, máy móc và xây dựng nhà xưởng để mở rộng quy mô nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn. Xa hơn nữa là giúp người Việt Nam có thể dùng hàng Việt Nam, thay vì phải dùng sản phẩm tảo nhập khẩu từ Mỹ, Nhật với giá thành gấp nhiều lần trong khi chất lượng tương đương.

HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt đã và đang duy trì hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Hiện nay, HTX bao gồm 7 thành viên, đều liên kết sản xuất tảo xoắn. Quy mô diện tích nuôi trồng lên đến 1.400 m2. Đến nay, HTX có thể tiến hành thu hoạch 1 lần/tháng, thời gian bắt đầu từ khi thả giống đến khi thu hoạch khoảng 20 ngày. Với tổng cộng 40 bể nuôi, mỗi bể có dung tích 10m3, tổng lượng tảo thu được có thể lên tới 400kg tươi/tháng.

Lượng tảo tươi này sẽ được dùng để sản xuất ra các sản phẩm tảo xoắn Spirulina tươi nguyên chất hoặc để dạng bột nhão và đem đi sấy lạnh. Theo chị Dung, sở dĩ phải sử dụng phương pháp sấy lạnh tiên tiến vì trong tảo có rất nhiều vitamin, nếu sấy nóng sẽ bị bay hơi lượng lớn dưỡng chất này.

Tảo sau khi được sấy lạnh sẽ được mang đi đóng gói ra các sản phẩm như tảo xoắn Spirulina nguyên chất dạng bột, tảo xoắn Spirulina nguyên chất dạng viên nén. Đặc biệt, với dạng viên nén 100% nguyên chất, HTX không dùng các chất kết dính hay chất phụ gia để ép thành viên.

Tất cả sản phẩm đều được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện test đầy đủ các chỉ số theo quy định của Bộ Y tế. Với mô hình sản xuất, chế biến tảo xoắn khép kín như hiện nay, HTX Tảo Việt giúp ngành nông nghiệp Ninh Bình có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa thể hiện tính đặc trưng của địa phương.

Khởi nghiệp thành công từ 2 bàn tay trắng, đến nay HTX đã và đang duy trì hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Qua đó, giúp người dân địa phương đảm bảo kế sinh nhai và ổn định cuộc sống.

Giấc mơ đưa sản phẩm Việt “cất cánh” đến trời Âu

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan và đưa các sản phẩm tảo ghi dấu ấn trên thị trường nhưng cũng như nhiều đơn vị khác trên cả nước, câu chuyện về vốn vẫn là “bài toán” nan giải nhất mà HTX chưa tìm được lời giải triệt để. Bà Nguyễn Thị Dung cho biết, sở dĩ HTX vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về vốn là bởi sản xuất tảo xoắn cần phải trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tốn rất nhiều chi phí.

“Thêm vào đó, chúng tôi cũng đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến thương mại. Tảo xoắn là một sản phẩm mới, ở Việt Nam mới chỉ có vài đơn vị nuôi trồng. Để sản phẩm này trở nên phổ biến và tạo thành xu thế tiêu dùng trong xã hội, cần rất nhiều sự giúp sức, chung tay từ các cơ quan chức năng. HTX rất mong nhận được sự giúp đỡ từ quý cơ quan về hỗ trợ máy móc, thiết bị để có thể hoàn thiện chất lượng sản phẩm hơn nữa và nâng cao năng suất”, chị Dung bày tỏ.

Về đầu ra của sản phẩm, hiện HTX Tảo Việt vẫn duy trì hoạt động bán hàng theo cả 2 cách thức là bán trực tiếp và bán online. Tuy nhiên, nắm bắt xu thế thời đại mới với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số, đơn vị cho biết đang đẩy mạnh công tác phủ sóng hình ảnh trên các nền tảng như tiktok, facebook,…

Chia sẻ về những dự định ấp ủ trong tương lai, chị Nguyễn Thị Dung cho biết HTX mong muốn có thể đưa sản phẩm của mình đến bày bán nhiều hơn trên các kệ hàng ở siêu thị lớn để tăng khả năng tiếp cận với người tiêu dùng nội địa.

Song song với đó, có thể mở rộng quy mô sản xuất bằng cách liên kết thêm với nhiều đơn vị sản xuất khác. Qua đó, đơn vị sẽ tạo ra được nhiều loại tảo hơn, sản phẩm cung ứng ra thị trường trở nên đa dạng hơn nữa.

“Làm được điều đó, HTX sẽ có thể xuất khẩu nguyên liệu sang thị trường châu Âu. HTX đã đạt được chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nên với các sản phẩm tảo hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu và tiêu thụ được ở trời Âu”, Phó Giám đốc HTX Tảo Việt cho hay.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top