Sức sống mới trên quê hương anh hùng 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Ðịnh Môn (huyện Thới Lai) và phường Trường Lạc (quận Ô Môn) là những địa bàn đối đầu ác liệt giữa ta với địch, từng bị bom cày, đạn xới tan hoang. Sau 48 năm giải phóng, diện mạo của 2 địa phương đã đổi mới toàn diện, đời sống của nhân dân được nâng lên, nhịp sống mới sôi động từng ngày.

Xã Ðịnh Môn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tháng 4-2023.

1. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phường Trường Lạc là nơi đứng chân, bàn đạp, cửa ngõ để lực lượng cách mạng tiếp cận, tấn công vào nội ô TP Cần Thơ. Nơi đây, địch lập nhiều đồn địch để đàn áp phong trào cách mạng. Nhân dân Trường Lạc đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát để che chở lực lượng cách mạng và tham gia chiến đấu. Trường Lạc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1996.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hầu hết các gia đình ở Trường Lạc bắt tay gầy dựng cuộc sống mới trên mảnh đất hoang tàn, nhà cửa tạm bợ; điện, đường, trường, trạm gần như con số không. Hôm nay, đất anh hùng Trường Lạc có sự đổi thay rõ nét. Các tuyến đường từ trung tâm phường về các khu dân cư đều được trải nhựa, bê tông rộng rãi. Hai bên đường, nhà tường san sát, ruộng lúa xanh rờn, vườn cây trĩu quả.

Gần cả cuộc đời sinh sống tại “vùng đất thép” này, ông Trần Văn Hai ở khu vực Tân Bình đã chứng kiến quê hương Trường Lạc phát triển, đổi mới từng ngày. Ông Hai kể: “Trong kháng chiến, Trường Lạc bị bom cày, đạn xới. Hôm nay, đường sá được trải nhựa, bê tông; các công trình trạm y tế, trường học, hệ thống điện và nước sinh hoạt cũng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Ðời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên. Ngay cả tuyến đường trước cửa nhà tôi xưa kia là đường nhỏ, sình lầy, đi lại khó khăn. Giờ đây, với sự góp sức của gia đình tôi và nhiều hộ, tuyến đường đã được mở rộng 4m, tráng bê tông sạch đẹp, đi lại rất thuận tiện”.

Ông Huỳnh Văn Phú, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường, cho biết: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua các nhiệm kỳ đại hội, Ðảng bộ phường đã đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ðến nay, phường có 4/5 trường học và Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia. Hầu hết đường giao thông được mở rộng từ 3,5m trở lên, tráng bê tông, trải nhựa. Toàn phường có trên 99,95% hộ dân sử dụng điện an toàn và nước sạch hợp vệ sinh. Ông Huỳnh Văn Phú nói: “Trường Lạc hôm nay được “thay áo mới”. Phường đạt chuẩn văn minh đô thị từ năm 2018 và hiện đang phấn đấu đến năm 2024 đạt chuẩn đô thị văn minh”.

Theo lãnh đạo phường Trường Lạc, nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, Ðảng bộ, chính quyền phường tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tận dụng tiềm năng, lợi thế để sản xuất kinh doanh. Ðến nay, kinh tế phường có bước phát triển khá toàn diện, đặc biệt là phường đã hình thành mô hình trồng sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, nhãn Ido, thanh nhãn với tổng diện tích 514ha; vùng chuyên canh dưa hấu 65ha.

Ông Dương Văn Sơn ngụ khu vực Trường Hưng, có 1.000m2 trồng 15 gốc sầu riêng, phấn khởi nói: “Vườn cây tôi đã trồng được 5 năm nay, tháng tới là vụ thu hoạch đầu tiên, dự kiến huê lợi được hơn 100 triệu đồng. Những năm tới, vườn cây trưởng thành thì chắc chắn huê lợi cao hơn nhiều”. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân phường, ở phường Trường Lạc, số gia đình có mức thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ kinh tế vườn không ít. Ðiển hình như ông Lưu Văn Thương ở khu vực Trường Trung có 2,6ha sầu riêng, mỗi năm thu hơn 2 tỉ đồng; ông Nguyễn Văn Thanh ở khu vực Trường Trung, có 1,5ha sầu riêng, mỗi năm thu hơn 1 tỉ đồng; ông Ngô Tôn Bảo ở khu vực Tân Thạnh, có 1,1ha vú sữa, mỗi năm thu hơn 700 triệu đồng…

Ông Huỳnh Văn Phú, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường, khẳng định: Với sự năng động, nhạy bén của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, kinh tế – xã hội phường Trường Lạc đã và đang phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, phường chỉ còn 21 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,47%

2. Chúng tôi trở lại xã Ðịnh Môn vào những ngày tháng Tư, nhận thấy sự đổi mới, phát triển nhanh chóng của vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Ðịnh Môn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” từ năm 1996.

Theo lời kể của cán bộ, người dân cố cựu ở Ðịnh Môn, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Ðịnh Môn phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu là tháng 3-1960, nhân dân đã nổi dậy bao vây đồn Mã Tiền, buộc binh lính trong đồn bỏ súng chạy trốn. Ngày 6-6-1960, du kích xã phối hợp Tiểu đoàn Tây Ðô chặn đánh cuộc càn quét lớn 4 tiểu đoàn Bảo an của địch tại Ông Ðưa, đã tiêu diệt hơn 200 tên địch, thu nhiều vũ khí…

Sau ngày miền Nam giải phóng, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân xã Ðịnh Môn đã vượt lên khó khăn, xây dựng lại quê hương trở thành vùng quê trù phú, giàu đẹp. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã, những thập niên đầu mới giải phóng, đa số nhân dân xã Ðịnh Môn rơi vào cảnh nghèo khó; nhà ở chủ yếu bằng tre, lá tạm bợ; điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn; trình độ dân trí thấp… Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ và chính quyền, nhân dân xã Ðịnh Môn đã quyết tâm, nỗ lực vượt qua đói nghèo, đưa kinh tế – xã hội phát triển.

Nhiều hộ gia đình ở phường Trường Lạc trồng sầu riêng có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chính quyền xã hỗ trợ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, cải tạo vườn và chuyển ruộng kém hiệu quả lên vườn được 383ha trồng các loại cây ăn trái như nhãn Ido, sầu riêng, mít ruột đỏ, na Thái; chuyển 2,5ha ruộng kém hiệu quả sang trồng rau sạch; xây dựng mô hình cánh đồng lớn 350ha trồng lúa xuất khẩu. Ðồng thời, hỗ trợ nhân dân thành lập 2 hợp tác xã, 27 tổ hợp tác sản xuất; hỗ trợ đưa nhãn Ido của nhân dân xuất khẩu sang các nước Nhật, Úc và Mỹ; hỗ trợ nhân dân xây dựng sản phẩm nhãn Ido đạt OCOP 4 sao…

Chúng tôi ghé gia đình ông Nguyễn Văn Triều ở ấp Ðịnh Khánh A. Ðứng giữa vườn nhãn xanh tốt, trái oằn cành, ông Triều tươi cười: “Trước kia, 5 công đất này tôi trồng lúa, cố gắng lắm mới đủ ăn. Ðược sự hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật của địa phương, tôi lên bờ, trồng nhãn Ido. Những năm qua, mỗi năm trừ chi phí sản xuất, gia đình tôi thu huê lợi 300-400 triệu đồng”. Còn ông Nguyễn Văn Thanh ở ấp Ðịnh Yên, có 5 công đất vườn trồng xen canh kết hợp nuôi cá dưới mương. Nhờ cần cù lao động, mỗi năm lời trên 300 triệu đồng. Ông Thanh chia sẻ: “Không riêng gia đình tôi, với sự hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong sản xuất, bây giờ nhiều gia đình trong xã có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống ngày khấm khá”. Theo lãnh đạo xã, đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người xã Ðịnh Môn đạt 71,65 triệu đồng, xã không còn hộ nghèo.

Những ngày tháng Tư lịch sử, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân xã Ðịnh Môn đang tập trung nâng cấp mở rộng tuyến đường ở ấp Ðịnh Khánh A dài 2.500m, mặt đường mở rộng từ 2m ra 4m theo phương châm dân hiến đất, Nhà nước đầu tư mặt cứng. Bà Nguyễn Thị Bé, người dân trong ấp, chia sẻ: “Ðể mở rộng tuyến đường, gia đình tôi di dời vật kiến trúc, cây cối, tình nguyện hiến hơn 100m2 đất. Thời kháng chiến, bao gia đình đã tháo dỡ nhà cửa góp cho cách mạng, sẵn sàng hy sinh xương máu để giải phóng quê hương. Bây giờ, đóng góp làm đường sá cho quê hương phát triển thì đâu có sá gì”. Với sự đồng lòng ủng hộ, tích cực đóng góp của nhân dân, đến nay, 100% đường giao thông trên địa bàn xã đều bê tông hóa và nhựa hóa; tất cả 4 trường học và Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia; hầu hết hộ dân sử dụng điện an toàn và nước sạch hợp vệ sinh… Tháng 4-2023, xã Ðịnh Môn đã được UBND TP Cần Thơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

*   *   *

Cũng như Trường Lạc và Ðịnh Môn, các vùng quê khác trên tuyến lộ và ven tuyến lộ Vòng Cung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được các nhà quân sự ví là địa bàn “vành đai lửa”, đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, như: phường An Bình (quận Ninh Kiều), xã Mỹ Khánh, xã Nhơn Nghĩa, xã Tân Thới, xã Nhơn Ái, xã Trường Long (huyện Phong Ðiền), xã Trường Thành (huyện Thới Lai), phường Long Tuyền (quận Bình Thủy)… hôm nay đã đổi mới, phát triển, tạo nên nhịp sống mới. Với truyền thống cách mạng vẻ vang, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các vùng quê anh hùng này sẽ tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Anh Dũng

All in one
Lên đầu trang