Là thị trường không hạn chế quốc gia và vùng lãnh thổ để nhập khẩu, nhưng Singapore rất quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Vì vậy, HTX, doanh nghiệp nhỏ trong ngành thực phẩm cần chú trọng hoàn thiện quy trình sản xuất, tạo sản phẩm đặc trưng mới có thể thể cạnh tranh ở thị trường này.
Đã xuất khẩu sachi sang một số nước, HTX thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (Hà Nội) vẫn muốn tìm cơ hội xuất khẩu loại nông sản này sang quốc đảo sư tử. Tuy nhiên, HTX chưa hiểu rõ, cặn kẽ về quy trình, phương thức, quy định trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Singapore vì đây mà một thị trường mới với HTX.
Canh tranh cao
Theo các chuyên gia, xuất khẩu thực phẩm sang quốc đảo sư tử có rất nhiều tiềm năng, vì doanh thu từ ngành thực phẩm của quốc gia này tăng liên tục trong những năm gần đây và ước đạt 452.59 tỷ USD vào 2023, dự báo sẽ đạt 564.67 tỷ USD vào năm 2024.
TS Đinh Bảo Linh, chuyên gia Viện kinh tế và pháp luật quốc tế, dẫn chứng về mặt hàng rau ăn lá, mỗi người dân Singapore đang tiêu thụ trung bình 16kg/năm và cá tiêu thụ 17kg/năm. Vì thế, nhu cầu nhập khẩu tương ứng của mỗi thực phẩm của Singapore là 81,5 triệu kg/năm và 98,5 triệu kg/năm.
Nếu xuất khẩu thuận lợi, cơ hội cho các HTX, doanh nghiệp ngành nông sản, thực phẩm là không nhỏ. “Bởi hiện nay, xuất khẩu thực phẩm không còn là cuộc chơi của những doanh nghiệp lớn. Các HTX, doanh nghiệp nhỏ có thể tự tin xuất khẩu sản phẩm ra thế giới nhờ hợp tác với những đối tác tiềm năng và thị trường trung gian”, TS Đinh Bảo Linh nói.
Tuy nhiên, việc các HTX, các doanh nghiệp nhỏ có xuất khẩu sang Singapore được và bền vững hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Một điều dễ nhận thấy nhất là ngoài Việt Nam, Singapore đang nhập khẩu nông sản, thực phẩm của một số nước trong ASEAN, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc.
Điều cần quan tâm là cơ cấu nông sản, thực phẩm của nước này nhập từ Việt Nam cũng giống với nhập từ Thái Lan (gạo, thủy sản, rau quả, bánh kẹo…). Từ đó, dẫn đến áp lực cạnh tranh lớn từ các sản phẩm của Thái Lan, trong khi nông sản của Thái Lan, Trung Quốc luôn được đánh giá cao hơn nông sản của Việt Nam từ chất lượng, mẫu mã, chế biến sâu, các chứng nhận….
So sánh về các lợi thế khi xuất sang Singapore, hiện Malaysia có lợi thế về khoảng cách địa lý hơn so với Việt Nam. Còn Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines lại có lợi thế về ngôn ngữ nên dễ thuyết phục, dễ giới thiệu sản phẩm và dễ tiếp cận thông tin thị trường hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Singapore thường ưu tiên làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, nhất là sản xuất gia công sản phẩm theo nhãn mác của họ. Nếu các HTX muốn bán hàng theo nhãn hiệu Việt thì phải tự trả các chi phí marketing cao, đòi hỏi HTX phải có kế hoạch và nguồn vốn thì mới đáp ứng được thị trường và giữ được thương hiệu.
Ngoài ra, việc Singapore tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) từ 7% lên 8% được thực hiện từ ngày 1/1/2023 cũng sẽ tác động làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến sức mua các mặt hàng thực thực phẩm, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao.
Tận dụng cơ hội
Nhìn nhận những thách thức nhưng không đồng nghĩa với việc các HTX, doanh nghiệp nhỏ sẽ đánh mất cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Ngược lại, các HTX có rất nhiều lợi thế về sản xuất nông sản, thực phẩm đa dạng trong khi Singapore là nước chưa chủ động được về nông sản, thực phẩm.
Xét trên tổng thể, vị trí địa lý vẫn là yếu tố thuận lợi nên thời gian HTX vận chuyển hàng hóa sang Singapore chỉ mất 1-2 ngày bằng đường thủy quốc tế. Điều này vừa bảo đảm giá trị kinh tế và chất lượng nông sản hơn so với xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Phi…
Để tận dụng được những điều này, việc cần lưu ý, chính là các HTX, doanh nghiệp nhỏ cần chú trọng nghiên cứu thị trường, đầu tư cho chế biến để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, đánh đúng vào gu của người dân Singapore thay vì những sản phẩm có tính tương đồng cao. Điều này sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp nhỏ giảm áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng.
Tiêu biểu như quả vải của các HTX đã được xuất khẩu sang Singapore thông qua doanh nghiệp nhưng mới là sản phẩm tươi, số lượng xuất khẩu ít, khâu đóng gói, bảo quản, tiệt trùng còn gặp một số bất cập. Trong khi những năm gần đây, không chỉ Thái Lan mà Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang phát triển diện tích trồng vải.
Vì vậy, các HTX, doanh nghiệp Việt sản xuất mặt hàng này cần chủ động đa dạng mặt hàng từ quả vải, đồng thời cần liên kết các doanh nghiệp để không “dẫm chân” nhau về thị trường, tiến tới chuyên nghiệp trong xuất khẩu.
Để đưa hàng vào Singapore, các sản phẩm phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, nhất là về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đi liền với đó, thị trường này đòi hỏi hầu hết các mặt hàng phải có chứng chỉ Halal. Tuy nhiên, hầu hết các HTX, doanh nghiệp nhỏ đều đang gặp khó khăn về vốn để hoàn thiện quy trình sản xuất, xin chứng nhận sản phẩm.
Theo các HTX, vấn đề chi phí thẩm định cơ sở sản xuất Halal, chi phí chứng nhận từng sản phẩm Halal và thời gian thẩm định cấp phép kéo dài đang là những rào cản khiến các HTX khó cạnh tranh khi thâm nhập thị trường Singapore.
Trước vấn đề này, TS Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện hỗ trợ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp cho biết, các HTX, doanh nghiệp nhỏ có thể tìm kiếm các tổ chức, các dự án hỗ trợ về sản xuất theo chuỗi, các dự án hỗ trợ phụ nữ-nhóm yếu thế, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp xã hội hay các hệ sinh thái quỹ đầu tư Việt Nam- Singapore để củng cố về quy trình và nguồn lực.
Cũng cần nhìn nhận, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Singapore đều là các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại được Chính phủ khuyến khích đầu tư rất lớn từ đào tạo, kết nối, tìm kiếm thị trường đến chỉ dẫn về ngôn ngữ, làm bao bì, phát triển sản phẩm Halal… Trong khi, đây còn là điều mới mẻ đối với các HTX, doanh nghiệp Việt,
Chính vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù cho HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal. Bởi, ngay như việc tìm kiếm các đơn vị chứng nhận Halal ở Việt Nam cũng rất khó với HTX, doanh nghiệp.