HTX lo ‘đứt gánh giữa đường’ trong hành trình OCOP

Chăm chút để sản phẩm đạt tiêu chí và trở thành sản phẩm OCOP đã là cả một quá trình nỗ lực của các HTX. Nhưng để giữ được chứng nhận, thậm chí nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP thì HTX và địa phương cần có kế hoạch cụ thể.

Các HTX và tổ hợp tác đang chiếm khoảng 40% chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Các HTX cũng đang giúp những đặc sản địa phương khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa và bắt đầu vươn ra xuất khẩu như sản phẩm chè của HTX Phìn Hồ (Hà Giang), HTX Suối Giàng (Yên Bái)…

Nhiều rào cản

Tuy nhiên, sự việc HTX Quýt hồng Lai Vung, HTX Xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) và một số HTX ở các tỉnh thành khác bị thu hồi chứng nhận OCOP trong thời gian gần đây là một điều đáng tiếc và cũng là bài học không chỉ cho HTX mà còn cho cả địa phương và ngành nông nghiệp.

Bởi những sản phẩm của các HTX từng là những nông sản chủ lực, đặc trưng, từng tạo được tiếng vang ở thị trường trong nước và nước ngoài. Việc bị rút chứng nhận OCOP sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thương hiệu sản phẩm của HTX trên thị trường.

Việc các HTX bị rút chứng nhận OCOP có thể do yếu tố chủ quan như xin rút tham gia, chưa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng… Nhưng bên cạnh đó, nhiều HTX đang gặp phải những yếu tố khách quan nên rất cần có những định hướng, hỗ trợ kịp thời để hạn chế tình trạng bị rút chứng nhận trong tiếc nuối.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát (Hà Tĩnh) có sản phẩm xúc xích đạt tiêu chuẩn OCOP. Để quy trì và tiếp tục nâng hạng sao, các thành viên sẵn sàng bỏ ra gần 2 tỷ đồng đề trang bị máy móc, xây dựng nhà xưởng theo quy trình khép kín.

Cần hỗ trợ cho các chủ thể, trong đó có các HTX trong quá trình sản xuất và phát triển sản phẩm OCOP.

Vậy nhưng, do gặp khó khăn trong chọn vị trí đặt nhà xưởng đi liền với việc nguồn điện không bảo đảm cho sản xuất và chế biến công suất lớn, HTX rơi vào cảnh sản phẩm bị hỏng, giảm chất lượng vì điện yếu. Máy móc cũng bị hư hỏng nên không thể đảm bảo các đơn hàng.

Hiện, trong quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh tuy không quy định về thời hạn cần nâng sao cho các sản phẩm OCOP nhưng quy định rõ: trong thời gian 3 năm, các chủ thể phải tham gia đánh giá lại sản phẩm OCOP.

Tuy quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP không bắt buộc với các chủ thể nhưng là tất yếu trong xây dựng phát triển sản phẩm OCOP. Muốn nâng từ 3 sao lên 4 sao, HTX phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ. HTX cũng phải hoàn thiện các tiêu chí về chất lượng sản phẩm.

Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên hạng 5 sao, HTX phải xuất khẩu ra nước ngoài và đảm bảo các quy định của Nhà nước về môi trường về nhãn mác…

Để HTX không phải rời "sân chơi" OCOP

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến các HTX và một số chủ thể khác bị rút chứng nhận OCOP chính là sự khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn đánh giá.

Để đầu tư mới hoặc nâng cấp máy móc phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP, HTX cần nguồn kinh phí tương đối lớn. Trong khi hầu hết các HTX sản xuất sản phẩm OCOP đang có quy mô nhỏ, gặp khó khăn trong huy động vốn và vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Chính vậy mà hầu hết các HTX dù hiểu được vai trò, lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP hoặc nâng sao cho sản phẩm nhưng vì chưa đảm bảo về nguồn vốn nên không ít HTX không giữ vững được các tiêu chí đánh giá duy trì hoặc nâng hạng.

Cùng với đó, không ít HTX gặp khó khăn do biến đổi khí hậu nên không thể hoàn thiện tiêu chí về liên kết vùng nguyên liệu, không có nguyên liệu để bán hàng. Có HTX vướng trong việc đầu tư cho thương mại điện tử, mở rộng thị trường nên không thể mở rộng quy mô, nâng cấp quy trình sản xuất.

Chẳng hạn như HTX muốn đăng ký tem truy xuất, chứng nhận tiêu chuẩn ISO, phát triển website thương mại điện tử… để nâng cấp sao nhưng những việc này đều đòi hỏi kinh phí khá lớn, ước tính hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, thị trường có nhiều biến động. Nhất là sau dịch COVID-19, các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn nên khó đầu tư cho phát triển sản xuất, vì thế dễ bị huỷ các đơn hàng lớn. Đi liền với đó là nhiều sản phẩm OCOP khó tiêu thụ nên nhiều HTX phải chấp nhận bị thu hồi chứng nhận OCOP.

Để hạn chế tình trạng này và tạo điều kiện cho các HTX tham gia phát triển sản phẩm OCOP, điều cần nhất lúc này là sự hỗ trợ kịp thời về chính sách, vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho các HTX.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét giảm bớt các thủ tục công nhận, đánh giá lại sản phẩm OCOP để giảm chi phí trong sản xuất và gia nhập thị trường, vận chuyển sản phẩm,… Bởi đa phần các HTX sản xuất sản phẩm OCOP đều có nguồn lực mỏng. HTX cũng giống như doanh nghiệp nhỏ nên có những hạn chế nhất định về tiềm lực để phát triển và nâng hạng các sản phẩm OCOP.

Tại Quyết định 781/QĐ-TTg năm 2020 có quy định, sản phẩm đạt 4 – 5 sao phải đảm bảo: Quy mô sản xuất lớn, chủ thể sản xuất hoạt động hiệu quả (riêng HTX phải xếp loại khá), có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam… Nhưng trên cả nước hiện nay, chỉ có rất ít HTX đạt tiêu chuẩn chế biến tiên tiến (ISO, GMP), và càng hiếm HTX đạt tiêu chuẩn HACCP, Hala.

Rõ ràng, việc cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên với sự tham gia của không ít chủ thể là các HTX, tổ hợp tác đang là niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng không phải sản phẩm OCOP nào cũng có thể duy trì, nâng hạng một cách thuận lợi. Vì vậy, nếu các ngành chức năng không xác định được rõ những khó khăn, thiếu thốn từ đó đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời thì việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ khó đi vào chiều sâu. Và, các chủ thể, trong đó có các HTX cũng sẽ dễ gặp thất bại hoặc rủi ro trong sản xuất kinh doanh mặt hàng này.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Lên đầu trang