Nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội 

Hai năm liền (2021, 2022) Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Kết quả này có sự đóng góp thiết thực từ đội ngũ cán bộ Hội cơ sở tâm huyết; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để xây dựng các phong trào thiết thực. Qua đó, tạo sự tin tưởng, ủng hộ từ hội viên, các tầng lớp phụ nữ.

Lãnh đạo Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ thăm hỏi tình hình sản xuất của hội viên, phụ nữ tại HTX Làng nghề Cờ Đỏ.

Trước đây, đời sống phụ nữ Khmer tại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Ðỏ, gặp nhiều khó khăn. Từ thực trạng nhiều chị em thiếu việc làm, chị Lý Thị Nhanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cờ Ðỏ cùng Ban Chấp hành Hội bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Và Hội đã hỗ trợ hội viên phụ nữ Khmer phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức. Hiện nay, Hội LHPN thị trấn Cờ Ðỏ đang duy trì hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã (HTX) Làng nghề Cờ Ðỏ tại ấp Thới Hòa B (tiền thân là Tổ hợp tác (THT) Ðan đát ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Ðỏ). Theo chị Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX Làng nghề Cờ Ðỏ, HTX chuyên gia công đan giỏ, sọt từ lục bình. Những năm qua, Hội LHPN thị trấn đã nỗ lực vận động chị em tham gia học nghề, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Khi tham gia mô hình, chị em được học nghề, nhận nguyên liệu và gia công sản phẩm cho doanh nghiệp Kim Hưng. Ðến nay, hầu hết thành viên tham gia HTX đều thạo nghề, thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Dành nhiều tâm huyết trong việc giúp đỡ hội viên phụ nữ dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, chị Nhanh còn thành lập THT Quết cốm dẹp, Tổ dưa môn tại ấp Thới Hòa B. Ðồng thời, tích cực hỗ trợ chị em vay vốn từ các nguồn vay ưu đãi; truyền thông nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ… Chị Nhanh bộc bạch: “Thông qua các hoạt động, tôi mong muốn được đồng hành, hỗ trợ hội viên vay vốn, liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm…”. 

Tại Ðông Thắng, nhắc đến chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã, nhiều hội viên dành tình cảm quý mến. Tham gia công tác Hội năm 2016, chị Luyến luôn trăn trở tìm việc làm cho hội viên. Từ việc rà soát tình hình đời sống, nhu cầu phát triển sản xuất, những năm qua, chị đã duy trì, thành lập mới nhiều mô hình hiệu quả. Nổi bật như THT Ðan dây nhựa với 30 chị em tham gia; THT Ðan lục bình với 10 thành viên; mô hình phụ nữ dân tộc Khmer duy trì, phát huy nghề làm bánh truyền thống… Bản thân chị Luyến đã đi học nghề may và khởi xướng thành lập THT May gia công vào năm 2017. THT hiện đang tạo việc làm cho 10 hội viên. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, các thành viên nhận đơn hàng về may gia công, thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng/người. Bên cạnh đó, chị Luyến còn tích cực vận động hội viên tham gia thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; xây dựng mô hình phân loại rác thải ủ phân compost… góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chị Nhanh, chị Luyến là những cán bộ Hội nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ từ hội viên. Cả 2 chị đều quan niệm rằng, muốn làm tốt công tác Hội, cán bộ phải gương mẫu, “miệng nói, tay làm”, thường xuyên quan tâm, sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hội viên. Từ đó, triển khai được những phong trào phù hợp, thu hút nhiều chị em tham gia.

Toàn huyện Cờ Ðỏ hiện có 74 chi hội, 122 tổ hội với 24.181 hội viên. Theo chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Ðỏ, để củng cố tổ chức Hội vững mạnh, Hội LHPN huyện đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ Hội tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực; thường xuyên tổ chức các hội thi giúp cán bộ Hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và bổ sung kiến thức, kỹ năng hoạt động… Ðến nay, 100% chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở đều đạt chuẩn theo yêu cầu; đội ngũ ngày càng trẻ hóa, có tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức phong trào hiệu quả trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung thực hiện những vấn đề sát sườn liên quan đến phụ nữ, như: khởi nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng mô hình kinh tế tập thể phù hợp với đặc thù của địa phương, hỗ trợ cây, con giống, vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm… Từ đó, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội. 

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Kiến Quốc

All in one
Lên đầu trang