Các ngành, các cấp TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình hành động hỗ trợ nâng chất hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển cả chất và lượng, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết:
– Thời gian qua, các ngành, các cấp TP Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách hỗ trợ, củng cố và nâng chất hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Nổi bật là việc đẩy mạnh các chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20) với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 2.000 tổ hợp tác, 400 HTX và 5 liên hiệp HTX. Trong đó, có trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá; có từ 80-100 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, đối với các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thủy sản và trái cây, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển cả chất và lượng, nâng cao vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường.
► Việc triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn thành phố những năm qua đã đạt được những kết quả ra sao, thưa ông?
– Liên minh HTX thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tích cực triển khai công tác tuyên truyền chính sách về phát triển HTX kiểu mới; đồng thời, tích cực phát huy vai trò cầu nối, tạo mối liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp, từng bước giúp HTX vận hành tốt các dịch vụ đầu vào và đầu ra, hỗ trợ hiệu quả cho thành viên; tạo điều kiện cho các HTX tham gia nhiều lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý điều hành, gắn với yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh mới… Hiện toàn thành phố có 309 HTX và 1.450 tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, có trên 30% HTX được xếp loại tốt, hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Một trong những công tác thể hiện rõ vai trò trợ lực được Liên minh HTX thành phố tích cực triển khai, đó là việc đẩy mạnh công tác vận động phát triển HTX, kết hợp thực hiện tốt công tác tư vấn giúp các HTX nâng chất hoạt động, đáp ứng bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; đồng thời, hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP của thành phố và đến nay đã có 12 sản phẩm của HTX được công nhận sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Ðáng chú ý thành phố đã có nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới tiêu biểu như HTX Khiết Tâm và HTX nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh; HTX nông nghiệp Thân Thiện, quận Thốt Nốt… hoạt động với quy mô lớn, thu hút trên 100 thành viên, có vốn điều lệ từ 1-6 tỉ đồng, với tổng diện tích sản xuất từ 500-1.000ha, phát triển liên kết sản xuất, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh đã tạo bước chuyển tích cực trong công cuộc chuyển đổi số ở khu vực kinh tế tập thể như thế nào?
– Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số. Nổi bật là phối hợp với Công ty MobiFone hỗ trợ cho các HTX sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, khai báo thuế qua mạng… đúng quy định. Ðến nay, hầu hết các HTX đã sử dụng chữ ký số, kê khai thuế và sử dụng hóa đơn điện tử. Ðáng chú ý có 43 HTX đã ứng dụng website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng và đối tác; có trên 50 HTX tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, nhiều HTX còn tăng cường ứng dụng phần mềm quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng thanh toán – chuyển tiền điện tử; tận dụng các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook để trao đổi thông tin, tham gia nhóm giới thiệu, mua bán hàng hóa… Qua đó, thành phố đã có nhiều HTX chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên vào HTX.
► Ðể kinh tế tập thể, HTX phát triển hiệu quả, bền vững trong bối cảnh mới, cần giải pháp trợ lực nào, thưa ông?
– Ðể HTX phát triển nhanh và bền vững, các ngành, các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong bối cảnh mới; tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho HTX về quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đồng thời, tạo điều kiện để HTX tiếp cận thụ hưởng được các chính sách về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng… đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, đưa hàng hóa, sản phẩm, nông sản của các HTX vào các hệ thống siêu thị, các sàn thương mại điện tử trên toàn quốc… Từ đó, thúc đẩy hình thành các mô hình HTX kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị nông sản địa phương, từng bước khẳng định vai trò của HTX là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương trong bối cảnh mới.
► Xin cảm ơn ông!l