Phát triển “nóng” diện tích sầu riêng. Cảnh báo nguy cơ nhiều rủi ro

Những năm qua, diện tích trồng cây sầu riêng ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành trong nước không ngừng tăng và trở thành một trong những loại cây trồng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt, gần đây khi trái sầu riêng bán được giá cao nhờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cây sầu riêng trở thành loại cây được nhiều người ưu tiên chọn trồng, dẫn đến phát triển “nóng” diện tích trồng sầu riêng. Ðiều này rất dễ tạo ra rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sầu riêng được trồng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Diện tích tăng mạnh

Trong suốt năm 2022 và bước sang những tháng đầu năm 2023, giá trái sầu riêng liên tục duy trì ở mức khá cao, giúp người trồng sầu riêng đạt mức lợi nhuận rất hấp dẫn. Vào những tháng sầu riêng chính vụ trong năm 2022, thời điểm tháng 4 và tháng 5, giá sầu riêng hạt lép như Ri 6, 6 Hữu, Mỏn Thon vẫn duy trì ở mức khá cao, với từ 40.000-60.000 đồng/kg trở lên, tùy loại… Ðặc biệt, từ tháng 7-2022 sầu riêng nước ta xuất khẩu chính ngạch vào thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc cũng đã “mở cửa” biên giới sau thời gian thực hiện chính sách zero COVID, đã tạo điều kiện cho sầu riêng tăng giá mạnh nhờ xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong tháng 2-2023, sầu riêng hạt lép Mỏn thon và 6 Hữu nghịch vụ được nông dân tại nhiều tỉnh ÐBSCL bán với giá 150.000-170.000 đồng/kg, thậm chí có một số thời điểm lên đến 180.000-200.000 đồng/kg. Còn sầu riêng hạt lép Ri 6 có giá 130.000-140.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn gấp đôi so với thời điểm tháng 11-2022 và cao hơn gấp hơn 3 lần so với lúc sầu riêng đang trong thời điểm thuận mùa thu hoạch vào khoảng tháng 4 và tháng 5-2022.

Theo nông dân, với các vườn sầu riêng 6-7 năm tuổi chăm sóc tốt có thể cho năng suất trái từ 2,5-3 tấn/công trở lên. Chỉ cần sầu riêng bán được giá từ 40.000-60.000 đồng/kg như thời gian qua, người trồng sầu riêng có thể thu được lợi nhuận từ 50-80 triệu đồng/công, thậm chí cao hơn, còn khi giá bán cao hơn thì lợi nhận càng cao. Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Thới 1 ở huyện Phong Ðiền, sầu riêng đang có đầu ra khá tốt nhưng nông dân cũng lo tới đây giá bán có thể bị giảm do nhiều địa phương tăng diện tích trồng. Ðể ổn định đầu ra trái sầu riêng, nông dân cần liên kết với nhau và với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sầu riêng đang được người dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển trồng. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng tại tỉnh đã đạt 17.653ha, tăng mạnh so với 14.510ha vào năm 2020. Còn tại TP Cần Thơ, diện tích trồng sầu riêng hiện ở mức 2.500ha, tăng gần 2.000ha so với thời điểm năm 2015. Tỉnh Ðồng Tháp có hơn 2.380ha sầu riêng. Các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang… có diện tích trồng sầu riêng khá lớn. Không chỉ tại vùng ÐBSCL nông dân nhiều tỉnh, thành vùng Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên cũng đã và đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Theo Ðề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) định hướng cả nước phát triển trồng sầu riêng khoảng 65.000-75.000ha tại các vùng ÐBSCL, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên, với sản lượng 830.000-950.000 tấn. Tuy nhiên đến nay, diện tích sầu riêng cả nước đạt hơn 110.000 ha, vượt cao hơn nhiều so với định hướng.

Tiềm ẩn rủi ro

Trước tình trạng phát triển “nóng” diện tích trồng sầu riêng, ngày 23-2-2023, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT đã ban hành công văn về việc chỉ đạo phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành phía Nam. Công văn nêu rõ ngày 30-11-2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương thuộc vùng ÐBSCL, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên cây sầu riêng vẫn đang phát triển nóng, mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng… Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

Ðể phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý; thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng….

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian qua đã có tình trạng nhiều loại trái cây bị rớt giá do phát triển “nóng” diện tích trồng như cam sành, xoài Ðài Loan… Ðối với sầu riêng hiện chưa xuất hiện tình trạng rớt giá nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro về giá cả đầu ra trong tương lai, nhất là khi diện tích trồng đang tăng mạnh và khâu bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn yếu. Hiện việc xuất khẩu sầu riêng của nước ta vào thị trường chính là Trung Quốc cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và Malaysia, đồng thời Trung Quốc cũng đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về quản lý xuất xứ và chất lượng, an toàn của sản phẩm, cũng như thị trường này luôn có những thay đổi về thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng. Nông dân không nên phát triển trồng sầu riêng tự phát, chạy theo phong trào và theo giá. Ðể phát triển trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái bền vững, từ nhiều năm qua TP Cần Thơ cũng đã khuyến cáo nông dân không chạy theo phong trào mà chú ý chọn trồng loại cây theo các vùng có lợi thế và có điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng phù hợp. Ðồng thời, trồng cây theo định hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung, đảm bảo điều kiện cấp mã số vùng trồng. Nông dân quan tâm liên kết với nhau và với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra. Ðối với cây sầu riêng, hiện thành phố có 2.500ha, đây là diện tích chưa phải quá lớn. Ðể phát triển xuất khẩu và tiêu thụ tốt trái sầu riêng, ngành Nông nghiệp thành phố tích cực hỗ trợ, hướng dẫn trồng sầu riêng theo hướng chất lượng, an toàn và hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng để phát triển xuất khẩu, cũng như phát triển các mô hình trồng cây ăn trái gắn với du lịch và khai thác đa giá trị. Ngành cũng tích cực mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, cây sầu riêng tại Cần Thơ chủ yếu phát triển trồng tại huyện Phong Ðiền và một phần của các quận, huyện như Ô Môn, Thới Lai…

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Lên đầu trang