Mở cửa hàng nông sản sạch, sản phẩm đặc trưng OCOP đang là hướng đi của không ít HTX hiện nay. Vậy nhưng, việc mở cửa hàng đã khó, để các cửa hàng này hoạt động hiệu quả lại càng khó hơn.
Thực tế, nhu cầu về thực phẩm sạch, sản phẩm đặc trưng như OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, là không hề nhỏ. Điềm thuận lợi của các cửa hàng OCOP là quay vòng vốn nhanh hơn khi đưa sản phẩm vào siêu thị. Nếu như nhiều siêu thị cho HTX bán hàng theo hình thức ký gửi, 30-40 ngày mới thanh toán thì với mô hình này, trong thời gian ngắn, HTX có thể biết tình hình kinh doanh ra sao, nguồn thu thế nào.
Người mua "nhạt" dần
Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP của các HTX vào siêu thị hiện vẫn còn khiêm tốn nên tự mở các cửa hàng hay liên kết để đưa sản phẩm vào các cửa hàng ở địa phương khác để tiêu thụ nông sản cũng là hướng đi phù hợp.
Bà Kim Thị Tân, Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết: HTX vẫn chưa thực hiện được việc đưa các sản phẩm chế biến từ sữa vào siêu thị. Điều này một phần là do hầu hết sản phẩm của HTX có hạn sử dụng ngắn, không thực sự phù hợp để đưa vào kênh phân phối này. Trong khi các cửa hàng do HTX mở ra được đánh giá là phù hợp hơn vì rút ngắn quá trình vận chuyển, giảm chi phí.
Tuy nhiên, để mở cửa hàng OCOP hoặc đưa sản phẩm vào các cửa hàng tương tự cũng là cả một quá trình. Vì ngoài cần vốn, HTX phải tìm hiểu, chọn địa điểm. Dù nhiều HTX chọn đặt cửa hàng ở những vị trí trung tâm, đông người qua lại, giao thông thuận tiện nhưng hoạt động của nhiều cửa hàng vẫn không được như kỳ vọng. Lượng khách đến mua sắm chỉ nhiều thời gian đầu, sau đó thì èo uột.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm đặc sản không phải là mặt hàng dễ kinh doanh vì tính cạnh tranh rất lớn. Hiện nay, số lượng các cửa hàng, điểm trưng bày, kinh doanh đặc sản vùng miền mọc lên ngày càng nhiều. Nếu không có sự đầu tư kỹ lưỡng, các cửa hàng này khó có thể trụ vững.
Những điểm yếu được nhiều nhà phân tích đưa ra, đó là các HTX có sản phẩm đặc trưng đang thiếu sự phối hợp với kênh tiêu thụ nên số lượng và chất lượng sản phẩm chưa có sự cải thiện. HTX cũng thiếu khảo sát nhu cầu người tiêu dùng nên dù sản phẩm đặt được lên các kệ hàng nhưng lượng tiêu thụ không nhiều.
Bên cạnh đó, vẫn còn những HTX sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lượng hàng hóa không được cung cấp liên tục, nghèo nàn. Đặc biệt, các chủ thể của các cửa hàng bán sản phẩm OCOP còn phân tán nên chưa tập trung được sức mạnh và vô tình tự triệt tiêu lẫn nhau. Trong khi nếu so sánh với các sản phẩm khác thì rõ ràng sản phẩm OCOP hiện có nhiều lợi thế hơn nhưng lại chưa tận dụng được.
Chẳng hạn như nhiều chủ cửa hàng tuy đã nhập các sản phẩm ở các địa phương khác về để bán nhưng có nhiều sản phẩm lại cùng chủng loại, hao hao giống nhau nên vô tình khiến các HTX tự dẫm chân nhau. Lúc này, việc HTX cạnh tranh nhau không dừng ở thương hiệu mà còn cạnh tranh bằng giá.
Đa dạng sản phẩm, đảm bảo dòng hàng
Từng rơi vào cảnh khó bán hàng, bà Vũ Huyền Trang, đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Đồng (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm của HTX thấy nếu mở cửa hàng mà chỉ bán riêng sản phẩm OCOP thì sẽ khó thu hút khách. Do đó, cần thêm một số sản phẩm khác để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nhưng vẫn ưu tiên sản phẩm OCOP sẽ giúp khách đến cửa hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó phải làm nổi bật nhận diện sản phẩm và bố trí cả nhân viên tư vấn, giới thiệu sản phẩm một cách cụ thể.
Còn ông Bùi Văn Thành, Giám đốc HTX nông lâm ngư nghiệp Việt Hưng (Quảng Ninh), cho rằng dù là sản phẩm OCOP nhưng nhiều người tiêu dùng hiện vẫn chưa biết đến sản phẩm này. Đi liền với đó là việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm của các HTX còn chưa đủ mạnh nên đầu ra còn khó khăn là chuyện đương nhiên.
“Hiện, người Nhật Bản đã có những quả dưa vài trăm triệu, người Trung Quốc có một kg trà trị giá vài chục tỷ đồng thì tại sao người nông dân, HTX ở Việt Nam không mơ về những quả ổi vài trăm nghìn, những quả cam Vinh tiền triệu hay những quả sầu riêng nghìn đô?”, ông Thành đặt vấn đề và cho rằng, để nâng tầm được sản phẩm, đưa giá sản phẩm OCOP lên được cao như vậy thì HTX phải có câu chuyện đặc sắc về sản phẩm, quy trình sản xuất đỉnh cao, bao bì phải “sang xịn mịn”, chất lượng có một không hai, số lượng trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, ít HTX làm được điều này. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương nhưng không còn mang giá trị “đặc trưng” nên bị phủ bụi trên kệ hàng.
Thực tế cho thấy, vẫn có nhiều địa điểm, cửa hàng kinh doanh sản phẩm đặc trưng hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu tốt cho HTX. Như HTX Hợp Đồng đang có 3 cửa hàng kinh doanh hiệu quả và dự định trong thời gian tới sẽ mở thêm 2-3 cửa hàng.
Có ý kiến cho rằng, muốn giải quyết những khó khăn nội tại, các HTX cần hiểu rằng mỗi cửa hàng sản phẩm đặc trưng cũng giống như một siêu thị mini thu nhỏ, nên ngay từ phần trưng bày, nhập sản phẩm cũng phải theo cùng một kiểu dáng, cùng nhận diện. Đặc biệt, các HTX có thể liên thông hệ thống với nhau tạo thành các chuỗi cửa hàng bán lẻ thì mới có thể phát huy hết thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của từng HTX.
Ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập và CEO hãng gia vị Dh Foods cho biết, để thu hút được các đối tác và khách hàng, đơn vị này ngoài kiên định đi theo lối sản xuất xanh còn chú trọng đến khâu bao bì. Từ các loại hũ, nắp cũng được thống nhất theo thiết kế khuôn mẫu riêng và chọn màu xanh làm chủ đạo để phù hợp với định hướng làm nông nghiệp xanh (trước đó, Dh Foods đã có ý định sử dụng màu đỏ và màu vàng để nổi bật sản phẩm ở các kệ hàng).
Ông Dũng cũng chia sẻ, những sản phẩm sản xuất theo quy trình sạch có giá bán luôn cao hơn 10-15% so với các sản phẩm thông thường. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khó thu hút các nhà phân phối và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, Dh Foods đã nhận ra rằng, giá cả sản phẩm không phải là vấn đề mấu chốt, mà sự đa dạng của sản phẩm mới là vấn đề cần quan tâm nhằm đáp ứng phong phú nhu cầu thị trường và bảo đảm dòng hàng.
Dù có cách thức hoạt động giống như các cửa hàng đặc sản của các HTX, nhưng một siêu thị mini Việt Trì (Phú Thọ) đã có hướng đi mới mẻ là tiếp cận các doanh nghiệp lữ hành. Chính vì vậy mà đơn vị này đã liên kết được với Vietravel xây dựng các đoàn du khách từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam đến tham quan mua sắm các sản phẩm OCOP. Cách làm này được đánh giá là hiệu quả về đầu ra khi giúp thay đổi “khẩu vị” của khách du lịch và tăng lượng người mua sản phẩm đặc trưng thay vì chỉ bán cho khách tại địa phương.