Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) TP Cần Thơ, hiện thành phố có 155 HTX nông nghiệp, với tổng vốn điều lệ trên 179,5 tỉ đồng, có 2.947 thành viên và 10.692 lao động thường xuyên. Trong đó, có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.
TP Cần Thơ có 155 HTX nông nghiệp, trong đó có 14 HTX thành lập mới, gồm 5 HTX trồng cây ăn trái, 4 HTX lúa gạo, 1 HTX nuôi lươn, 1 HTX chăn nuôi heo, 1 HTX nuôi ếch, 1 HTX trồng mai và 1 HTX dịch vụ sau thu hoạch. Ða phần các HTX thành lập mới đều được tổ chức và hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012, từng bước nâng cao năng lực nội tại, tổ chức kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của thành viên. Hiện, thành phố còn có nhiều HTX điển hình như HTX Khiết Tâm và HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi ở huyện Vĩnh Thạnh, HTX Thuận Phát ở huyện Thới Lai, HTX Nông nghiệp Thân Thiện ở quận Thốt Nốt… đã thực hiện tốt dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào, kết hợp tổ chức chuyển giao quy trình kỹ thuật cho thành viên; tạo mối liên kết giữa các hộ thành viên với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt chứng nhận VietGAP, OCOP… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Năm 2023, Liên minh HTX thành phố tiếp tục phối hợp cùng các ngành, các cấp thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, từ khâu sản xuất, đến thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm cho HTX. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ HTX nông nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực, như lúa gạo, thủy sản và trái cây tiếp cận các chương trình, dự án phát triển quy mô sản xuất, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của thành phố. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cho các hộ sản xuất với các HTX và giữa các HTX với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản trong và ngoài thành phố… Từ đó, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của các địa phương.