Cồn Sơn sáng tạo trong lưu giữ văn hóa sông nước miệt vườn

Cồn Sơn (quận Bình Thủy) nổi tiếng với mô hình du lịch cộng đồng nhiều năm qua tại TP Cần Thơ. Sức hút của cồn Sơn đến từ những sản phẩm du lịch độc đáo, liên tục sáng tạo trên nền tảng văn hóa bản địa đậm chất miệt vườn sông nước Nam Bộ.

Không gian trưng bày sản phẩm OCOP tại cồn Sơn.

Bà Cao Thiên Lý, Giám đốc Công ty Fabulous Mekong Eco-Tours, chia sẻ: “Mục tiêu của công ty chúng tôi là đưa khách quốc tế về miền Tây, đặc biệt là những trải nghiệm độc đáo như ở cồn Sơn. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa khách đến bởi những đặc trưng và câu chuyện đặc biệt ở nơi đây. Trong lần khảo sát trở lại này, tôi thấy cồn Sơn lại có thêm nhiều điểm mới để chúng tôi có thể xây dựng thêm những hành trình tour kéo dài thời gian trải nghiệm hơn”. Theo bà Cao Thiên Lý, cồn Sơn luôn có những sản phẩm mới với những câu chuyện rất hấp dẫn, đủ để làm nên sự khác biệt và thu hút khách quốc tế. Ví như Phòng thông tin về các loài cá tại bè cá Bảy Bon. Đây là dữ liệu rất cần thiết để truyền tải cho du khách hiểu hơn về những loài cá trên sông Hậu và Mekong. Những câu chuyện này trở nên sinh động hơn khi du khách không chỉ thấy ở trên mô hình mà còn là thực tế ở bên ngoài, ngay bên dưới các lồng bè cá được nuôi tự nhiên trên sông Hậu.

Một điểm nhấn đặc biệt khác được Fabulous Mekong Eco-Tours đánh giá phù hợp khách quốc tế là những trải nghiệm cùng người dân bản địa. Đó là việc tìm hiểu những nghề thủ công, những sản phẩm OCOP được trưng bày trong không gian đậm chất miệt vườn sông nước Nam Bộ tại khu nhà chung của Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp cồn Sơn. Tại đây có 13 chiếc ghe, được đóng theo mẫu các ghe Nam Bộ hồi đó, như: ghe tam bản (mũi trái bần) thường dùng ở Cái Răng, xuồng Ô Môn, xuồng cui An Giang, ghe tam bản (mũi lá sen) thường dùng ở Vĩnh Long và Đồng Tháp, xuồng mỏ cá trạch… Trên những chiếc ghe này là những sản phẩm OCOP địa phương giới thiệu đến du khách.

Bà Lê Thị Bé Bảy, thành viên của Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp cồn Sơn, nói: “Chúng tôi có ý tưởng thực hiện các tiêu bản ghe để du khách có thể tham quan và tìm hiểu. Đây vừa là câu chuyện văn hóa bản địa trên sông nước của người ĐBSCL vừa là điểm nhấn để kết nối sản phẩm OCOP địa phương”. Bà Lê Thị Bé Bảy cho biết thêm, qua 3 năm nghiên cứu và tìm hiểu từ nhiều nguồn và hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… các nhà văn hóa, nghệ nhân trong dân gian, thì tìm được 7 mẫu ghe xuồng thường sử dụng ở ĐBSCL. Đa phần các mẫu ghe xuồng này là phương tiện di chuyển trên ao hồ, kênh rạch. Việc đưa những mẫu ghe này vào không gian trưng bày thay cho những kệ hàng thông thường là nhằm kết nối để du khách có thể nghe được những câu chuyện về nếp sinh hoạt xưa của người dân đồng bằng, vừa có thể tham khảo, tìm hiểu những sản phẩm OCOP (những sản phẩm chọn lọc gắn với sức khỏe). Đây cũng là khu vực để du khách có thể trải nghiệm các nghề truyền thống xưa như: đan giỏ, đánh võng…

Cồn Sơn vì vậy là điểm du lịch mang đậm văn hóa sông nước miền Tây. Những trải nghiệm ở đây rất đa dạng vừa kết  hợp gìn giữ văn hóa bản địa, hướng đến sự bền vững vừa năng động, sáng tạo thay đổi phù hợp thị hiếu du khách.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Ái Lam

All in one
Lên đầu trang