Nhờ duy trì sản xuất ổn định, liên kết với doanh nghiệp nên ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều HTX đã tiếp cận được các đơn hàng giá trị cao, thậm chí có nhiều đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoài đáp ứng về chất lượng thì quy mô và năng lực sản xuất còn hạn chế đang khiến các HTX ngậm ngùi nhìn nhiều đơn hàng lớn có thể vuột mất do không đáp ứng được số lượng hàng hóa xuất khẩu.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 20 -26/1/2023), đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết 285 tờ khai hải quan thông quan qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành).Trong đó, 183 tờ khai hàng xuất khẩu với khối lượng 6.452 tấn hoa quả (thanh long, dưa hấu, chuối, mít…).
Đơn lớn nhưng thiếu hàng
Cùng với đó, 5 cửa khẩu có hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, ga quốc tế Đồng Đăng, Cốc Nam) đều hoạt động hết công suất.
Không chỉ trong Tết Nguyên đán mà ngay sau Tết, hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn đang diễn ra sôi động. Dẫn chứng cho cơ hội này, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, từ Tết Nguyên đán đến nay, các nhà nhập khẩu cũng ồ ạt đặt hàng nên giá thanh long luôn ở mức tốt, dao động trong khoảng 20.000- 30.000 đồng/kg tùy từng loại. Dù đã kết thúc Tết Nguyên đán nhưng theo ông An, nhu cầu của thị trường Trung Quốc, Thái Lan… vẫn còn lớn. Vì vậy, HTX vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thu mua loại nông sản này.
Nhờ chú trọng đầu tư máy móc cho chế biến các loại nông sản mà ngay những ngày đầu năm, HTX Nông Phong (Nam Định) đã ký được đơn hàng xuất khẩu chuối sứ sấy dẻo sang Nga với số lượng lên đến 12 tấn.
Việc ký được hợp đồng xuất khẩu những ngày đầu năm là do các HTX đảm bảo được chất lượng sản phẩm và mức giá cạnh tranh. Ngoài ra, các HTX còn có sự chuẩn bị nguồn lực tài chính, chủ động kết nối để xây dựng các đơn hàng.
Đặc biệt, việc mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc cùng với nền tảng trong liên kết với doanh nghiệp khi xuất khẩu thành công một số loại nông sản sang các thị trường khác như Anh, Mỹ, EU, Nhật Bản… trong thời gian gần đây chính là điểm sáng và cũng là nền tảng cho các HTX xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Hơn nữa, nhu cầu lương thực thực phẩm của thế giới được đánh giá là vẫn đang rất cao trong tình trạng khan hiếm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chiến tranh… nên đầu ra của nông sản trong nước sẽ có nhiều cơ hội.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sang năm 2023, ngành rau quả được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, vượt xa năm 2022. Điều này báo hiệu các HTX, bà con nông dân cũng có một năm làm việc không ngừng nghỉ để cùng các doanh nghiệp hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu. Việc nhận được các đơn hàng đầu năm cũng là động lực để các HTX tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Niềm vui là vậy nhưng đi liền với đó là không ít thách thức. Theo ông Trương Quang An, không chỉ thị trường Trung Quốc mà khách hàng từ Thái Lan, EU cũng có nhu cầu rất lớn nên ngoài thanh long của các thành viên, HTX còn đang phải tích cực liên kết với các HTX khác để đảm bảo số lượng, nhưng hàng để xuất khẩu vẫn thiếu.
Cùng chung cảnh ngộ, dù thời gian trả đơn hàng xuất khẩu lô chuối sấy dẻo sang Nga của HTX Nông Phong không phải ngay thời điểm này mà rơi vào đầu tháng 4 nhưng do công suất sản xuất của HTX không đủ nên các thành viên đang phải tích cực tìm kiếm thêm các tổ hợp tác, HTX… cùng sản xuất nhóm hàng này để hợp tác xuất khẩu.
Cùng nhìn về một phía
Trước thực trạng trên, một số ý kiến cho rằng việc sản xuất nông sản của các HTX vẫn còn tồn tại một số hạn chế như quy mô vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Cũng chưa nhiều HTX xây dựng được vùng sản xuất tập trung và chưa tạo được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, năng suất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm của HTX còn thấp, khâu bảo quản chế biến còn yếu… làm hạn chế quá trình xuất khẩu của các HTX. Nhiều HTX thậm chí còn nhận được các lời mua hàng, ký hợp đồng từ các đối tác nước ngoài nhưng do năng lực còn hạn chế, sản xuất còn nhỏ lẻ nên chưa dám nhận lời đối tác hay chỉ mới dừng lại ở mức thăm dò thị trường.
Ông Nguyễn Phê, Giám đốc HTX nông nghiệp Lệ Bắc (Quảng Nam) cho biết dù liên kết được với doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Trung Quốc, Đài Loan,Singapore, Nhật Bản và bình quân mỗi mùa, doanh nghiệp thu mua cần 3.000-4.000 tấn ớt tươi xuất khẩu nhưng HTX luôn trong tình trạng không đủ nguồn để cung ứng.
Nguyên nhân là do HTX gặp khó khăn trong việc tập trung đất đai để sản xuất trên quy mô lớn. Trong khi đó, vào mùa nông dân thu hoạch ớt rộ, lực lượng lao động tại địa phương thiếu hụt trầm trọng khiến quá trình thu mua, sơ chế sản bị chậm trễ, dẫn đến không đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng của đối tác.
Để đáp ứng những đơn hàng lớn, hiện nay, nhiều HTX phải liên kết với các HTX, đơn vị sản xuất cùng mặt hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình liên kết này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì bên liên kết đầu tư dây chuyền, máy móc, sản xuất theo quy trình khác nên có thể xảy ra tình trạng không đồng nhất về chất lượng sản phẩm cũng như bao bì mẫu mã. Trong khi đây là điều tối kỵ trong xuất khẩu, từ đó không tạo được thiện cảm với khách hàng quốc tế.
Để tận dụng cơ hội lớn từ nhu cầu thị trường thế giới cũng như các hiệp định thương mại tự do trong xuất khẩu, việc tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, củng cố uy tín sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của các HTX hiện nay.
Việc các HTX liên kết cùng nhau và liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm số lượng lớn cho đơn hàng xuất khẩu được đánh giá là hướng đi đúng nhằm tiết kiệm chi phí và hình thành các chuỗi giá trị lớn. Tuy nhiên, các HTX cũng cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cơ quan quản lý trong vấn đề đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết những khó khăn về tập trung tích tụ ruộng đất, mở rộng và ổn định vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, nhiều HTX đang gặp vấn đề trong việc đảm bảo đáp ứng các điều kiện hợp tác cùng với người dân. Dù nhiều HTX đã thỏa thuận mua-bán nguyên liệu với người dân theo hợp đồng nhưng nhiều khi nông dân bỏ cam kết, bán nông sản cho tư thương khiến HTX không đủ nguồn cung xuất khẩu.
“Xuất khẩu nông sản, HTX và nông dân liên kết đều thu được lợi nhuận lớn, có hợp đồng mua bán, nhưng nhiều khi do giá nông sản tăng đột biến nên người dân “quên” đã ký hợp đồng với HTX. Chính vì vậy, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi cả hai cùng nhìn về một phía”, ông Nguyễn Phê bày tỏ.