Nếu như nhanh chóng tháo gỡ được những khó khăn về hướng dẫn thành lập, hoạt động, tổ chức của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thì mô hình này sẽ phát huy được hết vai trò tiếp sức cho khu vực kinh tế tập thể, từ đó góp phần đưa kinh tế tập thể phát triển như kỳ vọng.
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2022, cả nước có 51 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Tổng vốn điều lệ của các quỹ là trên 1.200 tỷ đồng, tổng vốn hoạt động gần 2.400 tỷ đồng; doanh số cho vay ước cả năm đạt trên 2.300 tỷ đồng.
Vướng tài sản thế chấp
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hiện là một kênh tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ tích cực nhiều HTX và thành viên vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, tăng số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên.
Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX vẫn còn những khó khăn nhất định với một số HTX. Trong đó, muốn tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ, các HTX vẫn cần đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp.
Giám đốc HTX nông nghiệp Tâm Tính (Sơn La), ông Cần Hoài Anh cho biết, HTX muốn vay vốn để phát triển chuỗi giá trị măng tre Bát Độ trên 11.000 ha kết hợp sơ chế, chế biến nhưng do vướng quy định về tài sản thế chấp nên việc tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX chưa thành công.
Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc HTX rau củ quả Hòa Vang Đà Nẵng cũng cho rằng, nếu vay vốn với tư cách cá nhân từ các ngân hàng thương mại thì lãi suất cao, còn vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thì HTX lại đang không có tài sản thế chấp để thỏa mãn yêu cầu.
Có thể thấy, điều kiện vay là một trong những khó khăn của không ít HTX khi muốn làm hồ sơ vay vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Bởi theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, muốn tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ, các HTX phải đảm bảo các điều kiện như: tài sản thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, định giá tài sản theo giá đất của UBND tỉnh-thành phố, giấy chứng nhận thành viên, thành viên từ 50 người trở lên, có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả…
Thống kê cho thấy, đến nay, cả nước có 29.021 HTX. Vậy nhưng, theo ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), chỉ có khoảng 20% HTX có thể tự chủ về vốn. Trong đó, chưa đến 1% trong tổng số HTX đáp ứng đủ một hoặc nhiều điều kiện để vay vốn của các tổ chức tín dụng cũng như Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Điều này cũng khiến HTX gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Thống nhất cơ chế hoạt động
Nghị định số 45/2021/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX là tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX , thành viên tổ hợp tác, HTX (trừ đối tượng thành viên của HTX là doanh nghiệp).
Tuy nhiên, điều băn khoăn của không ít cán bộ thuộc hệ thống Liên minh HTX tại các địa phương là tuy đối tượng tổ hợp tác đã được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhưng theo các quy định hiện hành thì đối tượng này đến nay vẫn chưa có tư cách pháp nhân cụ thể nên không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ. Chính vì vậy mà trong 51 Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã được thành lập ở các tỉnh thành hiện nay, các tổ hợp tác vẫn chưa thể vay vốn từ Quỹ này.
Bên cạnh đó, quy định đưa ra đối với HTX thì chỉ khi có tài sản hình thành từ vốn góp của thành viên mới đủ điều kiện để thế chấp vay vốn. Vậy nhưng phần lớn các HTX hiện nay đều không có tài sản, nhất là các HTX nông nghiệp, nên không thể tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Quỹ.
Điều cần tháo gỡ lúc này là các cơ quan quản lý cần quan tâm ban hành các quyết định sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cụ thể một số điều về tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hiện hành nhằm tạo điều kiện để mở rộng đối tượng cho vay cũng như tạo thuận lợi để các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ.
Cụ thể là cần xem xét ban hành quy định cho phép Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được áp dụng cơ chế cho vay không đảm bảo bằng tài sản với HTX nông nghiệp và thành viên theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có như vậy mới tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận vốn của các mô hình kinh tế tập thể trong khi khả năng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng của các HTX hiện rất khó và thấp.
Từ thực tế của nhiều địa phương cũng cho thấy, Quỹ chỉ cho HTX vay để phục vụ đầu tư các dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, trong khi phần lớn HTX hiện nay lại cần vốn để thu mua nông sản, giống, phân bón cho nông dân chứ không phải vay để mua đất, máy móc. Nhiều HTX hiện đã có sẵn phương tiện sản xuất và đất nhưng lại cần vay vốn để mua vật tư đầu vào cũng như nông sản để đảm bảo đầu ra cho thành viên, nông dân. Chính vì vậy, cần xem lại điều này và có hướng dẫn cụ thể để tránh tạo thêm rào cản cho HTX phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, để mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thể hiện đúng là kênh tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ tích cực cho khu vực kinh tế tập thể, trong quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật HTX năm 2012, cơ quan soạn thảo cần có những quy định cụ thể về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương và Quỹ trung ương phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Các ngành chức năng cũng cần xem xét quy định vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam do Liên minh HTX Việt Nam quản lý nhằm tạo thuận lợi hơn cho các HTX trong quá trình tiếp cận vốn, vì đây là kênh tín dụng dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể. Hiện nay, một số quỹ ở địa phương do Sở KH&ĐT quản lý nên chưa tạo được sự thống nhất trong cơ chế hoạt động, điều hành của Quỹ.