Để gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản

Để gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết nhằm phát triển sản xuất nông sản hàng hóa lớn, với chi phí thấp và chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, liên kết, hợp tác giữa nông dân với nhau và với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết vẫn còn gặp không ít trở ngại.

Yêu cầu liên kết, hợp tác

Trái cây được một vựa trái cây ở huyện Cờ Đỏ thu mua, đóng gói để chở đi các nơi tiêu thụ.

Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp hơn 114.250ha, trong đó có 78.000ha canh tác lúa, 1.915ha đất trồng cây hằng năm khác và 30.872ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có hơn 23.500ha cây ăn trái. Thời gian qua, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại thành phố đã liên kết được với  các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ để đưa nhiều loại nông sản đi xuất khẩu và bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều loại nông sản vẫn còn được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi thô thông qua thương lái, giá trị chưa cao. Do vậy, các nông hộ và HTX cần tiếp tục tăng cường liên kết với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp để phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ bền vững, giúp mang lại giá trị gia tăng cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thời gian qua đơn vị đã tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm phối hợp với các sở ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong hỗ trợ kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa các tổ chức nông dân (HTX, tổ hợp tác) với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết. Kết quả, những năm qua có trung bình từ 44-50 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 29% trên tổng số HTX. Lĩnh vực trồng trọt có số lượng HTX liên kết với doanh nghiệp nhiều nhất, bình quân khoảng 33 HTX/năm, chiếm 75% số HTX có liên kết. Đối với trồng lúa, hằng năm có khoảng 20 HTX lúa gạo tham gia liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ lúa gạo đạt diện tích hơn 1.856ha, sản lượng hơn 24.131 tấn, giá trị hơn 115 tỉ đồng. Cây ăn trái có 7 HTX tham gia liên kết sản xuất 194ha cây ăn trái cây các loại (như xoài, nhãn, vú sữa, chanh không hạt…), với sản lượng tiêu thụ 2.910 tấn, giá trị 55,9 tỉ đồng. Rau màu có 3 HTX tham gia liên kết, với diện tích 13,5ha, sản lượng 108 tấn, giá trị hơn 2,1 tỉ đồng…

Theo ông Nguyễn Minh Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Kiểm lâm thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, liên kết đã mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với nông dân, qua liên kết giúp sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và hạn chế tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, khó bán sản phẩm và bị thương lái “ép giá”. Còn doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu ổn định, thuận lợi trong quản lý chất lượng sản phẩm và giảm bớt các khâu trung gian.

Cần tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, việc liên kết giữa nông dân với nhau và với các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại nên chưa hình thành và phát triển được nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đáng chú ý, số lượng các HTX nông nghiệp còn ít và quy mô, năng lực hoạt động của HTX còn hạn chế. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX chưa chặt và còn gặp bất cập trong việc xử lý tình trạng phá vỡ hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp chủ yếu tham gia liên kết với nông dân và các HTX theo kiểu ngắn hạn trong vụ hoặc trong năm, chưa thực hiện được dài hạn nên việc liên kết còn thiếu tính bền vững. Tâm lý của người dân khi bán sản phẩm muốn nhận tiền ngay, trong khi các doanh nghiệp thường khó đáp ứng yêu cầu này…

Theo nhiều HTX và doanh nghiệp, để tháo gỡ các khó khăn ngành chức năng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của nông dân, doanh nghiệp về lợi ích của việc tham gia liên kết, hướng việc liên kết lâu dài, ổn định, với sự hài hòa lợi ích của các bên. Kết nối, hỗ trợ nông dân, HTX và doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực hiện liên kết. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các hợp đồng liên kết, có các chế tài, biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Bà Trần Thị Tường Vi, Phó Giám đốc HTX Hiệp Mỹ Phát ở huyện Cờ Đỏ, kiến nghị: “Ngành chức năng cần tuyên truyền về lợi ích và yêu cầu thiết yếu của liên kết, qua đó thay đổi nhận thức của người dân và các bên liên quan về tuân thủ hợp đồng liên kết. Hỗ trợ củng cố, nâng chất HTX và nâng cao năng lực đội ngũ quản lý HTX, giúp HTX tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp có quy mô lớn và uy tín để liên kết, hợp tác”.

Theo ông Trần Thiện Khanh, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Trường Phát ở quận Ô Môn, xã viên và những người quản lý HTX  xuất phát điểm từ nông dân nên rất cần ngành chức năng hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ và khả năng thương lượng, xây dựng hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa lợi ích lâu dài cho đôi bên. Đồng thời, HTX cũng mong ngành chức năng giám sát chặt chẽ việc thực thi các hợp đồng để tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho nông dân, cũng như tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. HĐND TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 và UBND TP Cần Thơ cũng đã ban hành Kế hoạch số 245/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố… Theo đó, thành phố dành nguồn vốn 67,5 tỉ đồng để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp và HTX trong xây dựng liên kết và phát triển hạ tầng phục vụ liên kết. Do vậy, bên cạnh quan tâm cập nhật thông tin thường xuyên về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở và địa phương kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong xây dựng các dự án, chuỗi liên kết và thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được tiếp cận các hỗ trợ về vốn…

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Khánh Trung

All in one
Scroll to Top