Trao đổi về sửa đổi luật HTX: Hợp tác và kinh tế hợp tác (Bài 2)
Dự thảo mới nhất Luật HTX sửa đổi đã dùng rất nhiều khái niệm kinh tế hợp tác, các tổ chức kinh tế hợp tác, xuyên suốt toàn bộ Luật này. Do vậy, cũng không ngạc nhiên khi cơ quan soạn thảo đề xuất đổi tên Luật. Trong bài đăng kỳ trước, việc nên hay không nên đổi tên Luật cùng các lý do, phân tích đã được trao đổi. Trong bài tiếp theo này, xin được đề cập đến khái niệm đang dùng rất liên quan đến các nội dụng của Luật này là hợp tác và kinh tế hợp tác.
Từ “hợp tác” hay hành động “hợp tác” đều dễ hiểu và phổ biến, trong sách vở cũng như cuộc sống hàng ngày. Khái niệm “hợp tác” không chỉ có ở hợp tác xã hay tổ hợp tác, liên hiệp HTX,… mà còn có các loại hình doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH hai hay nhiều thành viên, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty hợp danh,…
Khái niệm “hợp tác” là một khái niệm chung khi các chủ thể khác nhau mong muốn và tự nguyện cùng nhau chung nhau kinh doanh, đầu tư,… chẳng hạn. Có thể nói trong trường hợp này một cách nôm na, dân dã là chung nhau “làm ăn” theo một cách thức, phương thức nào đó mà các bên cùng hài lòng, chấp thuận.
Hợp tác đối vốn
Hợp tác là việc những người có chung một nhu cầu, một mục đích hay lợi ích nào đó hợp tác với nhau theo phương thức hợp tác nhất định. Phương thức hợp tác khá phổ biến ở các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân như công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty liên doanh, công ty cổ phần,… chẳng hạn là phương thức hợp tác theo hình thức ĐỐI VỐN. Quan hệ giữa các thành viên góp vốn với nhau được xác lập và chi phối theo mức độ góp vốn của từng thành viên. Người góp vốn nhiều có quyền biểu quyết tương ứng lớn hơn so với người góp vốn ít. Và như vậy, người góp vốn nhiều có thể ảnh hưởng lớn, áp đảo người góp vốn nhỏ và thậm chí có thể chi phối hoàn toàn doanh nghiệp. Điều đó là hợp pháp và hợp lệ theo qui định pháp luật.
Có thể đưa ra một vài ví dụ. Ví dụ thứ nhất, ba người có thể hợp tác với nhau để lập công ty TNHH Ba Sao có ba thành viên theo tỷ lệ góp vốn 10 : 20 : 70. Tài sản của công ty TNHH Ba Sao là tài sản chung của 3 thành viên góp vốn. Quyền biểu quyết tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Ví dụ hai: 5 cá nhân hay tổ chức có thể góp vốn cùng nhau thành lập công ty cổ phần Năm Sao, theo tỷ lệ 1 : 3 : 10 : 20: 66. Tài sản của công ty Cổ phần Năm Sao là tài sản chung của 5 thành viên góp vốn (cổ đông). Quyền biểu quyết tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Trong các trường hợp trên, người góp vốn lớn nhất, tuy chỉ là một người, có thể chi phối hoàn toàn doanh nghiệp trong mọi khía cạnh nhân sự, chiến lược, cách thức kinh doanh,… bởi tỷ lệ biểu quyết áp đảo của họ. Hay như tại một công ty liên doanh, hai bên đối nước trong nước và nước ngoài cũng hợp tác với nhau để thành lập công ty, một bên giữ 55% vốn, bên kia 45% còn lại. Bên góp vốn nhiều sẽ có lợi thế khi biểu quyết, quyết định các hoạt động quan trọng, bao gồm cả bổ nhiệm nhân sự chủ chốt như tổng giám đốc, kế toán trưởng,…
Hợp tác đối nhân
Không như các loại hình doanh nghiệp khác như công ty TNHH hai hay nhiều thành viên, công ty cổ phần, công ty liên doanh, thì các HTX có phương thức hợp tác khác giữa các thành viên góp vốn. Đó là phương thức hợp tác có góp vốn, nhưng quan hệ ĐỐI NHÂN. Theo đó, các thành viên tuy có thể góp vốn nhiều ít khác nhau, hoàn toàn bình đẳng và dân chủ với nhau. Không có chuyện người góp vốn lớn áp đảo chi phối người góp vốn ít theo kiểu “cá lớn ép cá bé”. Tất cả mọi thành viên của HTX, dù góp vốn nhiều hay ít đều chỉ có một quyền biểu quyết như nhau.
Với phương thức hợp tác theo hình thức ĐỐI NHÂN như vậy, số đông các thành viên HTX dù góp vốn ít, thậm chí rất ít vẫn có quyền và có thể định hướng cho hoạt động của HTX mình nếu được các thành viên khác tin cậy. Việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo HTX, lựa chọn hình thức kinh doanh, chiến lược phát triển HTX,… là quyền của HTX cũng giống như quyền của các loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh khác. Tuy nhiên quyền đó của HTX không do một hay một số ít cá nhân góp vốn lớn định đoạt. Mà quyền đó lại thuộc về số đông thành viên HTX theo qui định của pháp luật và điều lệ HTX.
Ngoài ra, để đầy đủ hơn cũng cần nêu ra một trường hợp nữa. Đó là còn có một loại hình doanh nghiệp khác cũng hợp tác theo phương thức đối nhân là công ty hợp danh. Nhưng ở công ty hợp danh thành viên không có góp vốn. Còn ở HTX là có phương thức hợp tác góp vốn. Tất cả thành viên phải góp vốn, có thể nhiều ít khác nhau, nhưng biểu quyết không theo vốn mà theo theo đầu người. Mỗi thành viên HTX, không phụ thuộc vào số vốn góp vào HTX, đều có một quyền biểu quyết duy nhất giá trị như nhau. Đây là đặc trưng chính yếu, rất quan trọng mang lại đặc thù cho mô hình HTX với cả những lợi thế và bất lợi nhất định.
Như vậy, có thể dễ thấy rằng khái niệm kinh tế hợp tác hay tổ chức kinh tế hợp tác là khá chung chung, không dễ đương nhiên được hiểu là mô hình HTX hay các mô hình kinh doanh theo ý tưởng HTX. Để triển khai một ý tưởng kinh doanh sẽ có nhiều ý tưởng hợp tác kinh doanh, phương thức hợp tác kinh doanh. Và một trong các cách thức, phương thức hợp tác kinh doanh là ý tưởng hợp tác xã, với cách thức hợp tác khác các doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty TNHH. Mô hình HTX là ý tưởng hợp tác mang tính nhân văn, tính cộng đồng, tính xã hội rất cao. Ý tưởng HTX và mô hình HTX giúp nhiều người yếu thế, đặc biệt nông dân và bà con khu vực nông thôn có thể chủ động tham gia thị trường, để tồn tại trong thị trường với sự cạnh tranh quyết liệt. Mô hình HTX không thay thế kinh tế hộ, nhưng nhờ HTX, kinh tế hộ hiệu quả hơn và cuối cùng người dân sẽ cải thiện sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của mình.