Hỗ trợ nông dân sử dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ
Với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cùng các ngành chức năng, nông dân thành phố đã nhân rộng và phát triển ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ðáng chú ý, việc sử dụng rơm rạ và các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho trồng lúa, các loại cây trồng đang được nông dân thực hiện. Giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa góp phần tránh tình trạng ô nhiễm môi trường do người dân đốt bỏ rơm rạ trên đồng…
Hình thành sản phẩm
Hiện nay, Tổ hợp tác Nông trại xanh (tên tiếng Anh là New Green Farm) ở khu vực Tân phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã sử dụng rơm rạ kết hợp cùng các phế phụ phẩm khác trong trồng trọt và chăn nuôi để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ. Sản phẩm này không chỉ có thể phục vụ cho sản xuất lúa mà còn rất tốt cho nhiều loại cây trồng khác như rau màu và cây ăn trái. Tổ hợp tác New Green Farm cũng đã đóng gói sản phẩm thành dạng bao 20kg và gói 2,5kg với thương hiệu, địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng để cung ứng ra thị trường phục vụ nông dân. Sản phẩm đang được bán lẻ ở mức 80.000 đồng/bao và khoảng 12.000 đồng/gói.
Anh Ðồng Văn Cảnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nông trại xanh ở khu vực Tân phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, phấn khởi, cho biết: “Thành công trong sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ của chúng tôi là nhờ hỗ trợ, hướng dẫn quy trình sản xuất từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Trường Ðại học Nông Lâm (TP Hồ Chí Minh) và các đơn vị có liên quan. Phân bón hữu cơ của Tổ hợp tác đã được nhiều nông dân đánh giá cao về chất lượng, dinh dưỡng cao do có sự kết hợp nhiều loại phụ phẩm như rơm rạ, tro trấu, mụn dừa, phân bò… Các nguồn nguyên liệu này đều được chúng tôi thu mua tại Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL nên cũng giúp nông dân trong vùng có thu nhập tăng thêm từ phế phụ phẩm và góp phần bảo vệ môi trường”. Theo anh Cảnh, với điều kiện mặt bằng rộng khoảng 450m2 và quy trình sản xuất trải qua nhiều công đoạn ủ trộn kéo dài trong khoảng 45 ngày, Tổ hợp tác sẽ cho ra đời một mẻ phân bón hữu cơ với sản lượng khoảng 18 tấn. Ðể đạt được lượng phân thành phẩm đó, cần sử dụng các nguyên liệu sản xuất đầu vào gồm có khoảng 15 tấn rơm, 6,5 tấn mụn dừa, 3 tấn phân bò, 3 tấn tro trấu… Tới đây, Tổ hợp tác dự kiến sẽ mở rộng quy mô để nâng cao sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm, tập huấn cho nông dân về cách xử lý rơm rạ để làm phân bón hữu cơ, sử dụng rơm để sản xuất nấm rơm và phục vụ chăn nuôi. Ðến nay, nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã quan tâm thu gom và khai thác khá tốt nguồn rơm rạ sau các mùa thu hoạch lúa để kiếm thêm thu nhập chứ không đốt bỏ lãng phí. Ðặc biệt, nông dân đã sử dụng rơm để trồng nấm rơm và rơm sau khi trồng nấm lại tiếp tục tái sử dụng làm phân bón hữu cơ phục vụ nhiều loại cây trồng.
Phát triển, nhân rộng
Hiện nay, nông dân đã quen sử dụng các loại phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất rau màu, cây ăn trái. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất lúa vẫn còn chưa nhiều. Do vậy, cùng với việc hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đang tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất lúa. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong vụ lúa đông xuân 2022-2023, Chi cục đã quan tâm hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa nhằm làm điểm nhân rộng. Chi cục hỗ trợ phân bón hữu cơ cho nông dân một số hợp tác xã và tổ hợp tác tại các quận, huyện như Thốt Nốt, Thới Lai và Cờ Ðỏ để tiến hành bón cho ruộng lúa ngay từ đầu vụ.
Ông Lưu Văn Ðình, Thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp An Phú ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Vụ đông xuân 2022-2023 này, tôi có 1 héc-ta lúa được ngành Nông nghiệp Cần Thơ và IRRI hỗ trợ 1 tấn phân bón hữu cơ để thực hiện mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa. Ðây là loại phân bón được sản xuất bởi Tổ hợp tác Nông trại xanh ở quận Thốt Nốt. Ðược sự hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp, tôi đã tiến hành bón lót phân hữu cơ cho ruộng lúa trước khi sạ. Ðến nay, ruộng lúa sạ giống Ðài Thơm 8 của tôi đã được gần 20 ngày tuổi, lúa xanh mượt và phát triển tốt hơn rất nhiều so với ruộng lúa không xài phân bón hữu cơ”. Theo ông Trần Văn Ðào, thành viên Tổ hợp tác Nông trại xanh ở quận Thốt Nốt, hiện tổ hợp tác có 7 thành viên, với diện tích canh tác lúa gần 5ha. Vụ đông xuân 2022-2023 ông cũng có 1ha lúa tham gia mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa để làm điểm nhân rộng. Ruộng lúa đã sạ được hơn 20 ngày, lúa lên rất đều, xanh mướt. Ông Ðào đánh giá rất cao về hiệu quả và sự cần thiết phải tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ cho lúa, đồng thời giảm sử dụng phân bón hóa học, nhất là khi giá các loại phân bón hóa học đang tăng cao. Ðặc biệt, sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ là nguồn nguyên liệu dễ tìm và cũng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, việc sử dụng rơm rạ và các phế phụ phẩm thải ra từ các quá trình trồng trọt và chăn nuôi để làm nguyên liệu cho các quá trình sản xuất mới là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ðây cũng là giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cần quan tâm thực hiện.