Nâng chất hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp

Nâng chất hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, quận Bình Thủy tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đất canh tác manh mún, nhỏ lẻ do quá trình đô thị hóa. Đồng thời, quận từng bước định hướng hỗ trợ các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đầu tư vào chiều sâu, thắt chặt liên kết với thương lái, doanh nghiệp để ổn định đầu ra, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bắt tay hợp tác

Trên địa bàn quận Bình Thủy hiện có 40 THT thuộc lĩnh vực nông nghiệp với 400 thành viên, diện tích sản xuất 150ha và 8 HTX nông nghiệp với 130 thành viên, diện tích sản xuất 50ha. Các THT, HTX chủ yếu về sản xuất rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi…và tập trung ở 3 phường ven là Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông.

HTX rau màu Bình Phát ở phường Long Hòa được củng cố hoạt động từ năm 2016 với 16 xã viên, diện tích 7,8ha. HTX chuyên trồng các loại rau ăn trái như dưa hấu, dưa leo, bầu bí… nhưng chủ lực nhất vẫn là dưa hấu. Sản lượng sản xuất của HTX bình quân đạt khoảng 20 tấn rau màu các loại/năm. Ông Nguyễn Văn Đừng, Giám đốc HTX rau màu Bình Phát, chia sẻ: HTX trồng dưa hấu là chủ yếu vì có thương lái thu mua tận nơi. Các loại rau ăn trái khác chỉ chiếm diện tích rất nhỏ vì đầu ra không ổn định. Bà con xã viên cũng mong muốn canh tác nhiều chủng loại rau màu hơn nhưng nếu tự trồng sẽ rất khó tiêu thụ.

Với 16 thành viên, THT trồng nấm rơm phường Thới An Đông hoạt động khá hiệu quả và có đầu ra tương đối ổn định. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổ trưởng THT trồng nấm rơm phường Thới An Đông, chia sẻ: Các thành viên trong THT đều nắm vững kỹ thuật trồng nấm và thường xuyên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm. Để mở rộng quy mô sản xuất, các thành viên còn liên kết với nhau cùng thuê đất để chất nấm đồng loạt. Khi nấm rơm vào vụ, các thành viên còn hỗ trợ nhau thu hoạch “vần công” để kịp cung cấp cho bạn hàng.

THT trồng sầu riêng ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An Đông là một trong những THT được hình thành từ quá trình chuyển đổi từ các loại cây trồng lâu năm, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đặc sản. Theo ông Nguyễn Văn Kịp, Tổ trưởng THT trồng sầu riêng khu vực Thới Hòa, THT hiện có 9 thành viên với diện tích 37ha. Trước đây, các thành viên chủ yếu trồng vú sữa, nhưng qua nhiều năm, hiệu quả không cao nên quyết định chuyển sang trồng sầu riêng. Trong quá trình chuyển đổi, các thành viên được Hội nông dân phường hỗ trợ giới thiệu vay vốn tín chấp đầu tư vườn tược, hệ thống tưới tiêu. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm xen canh một số loại rau màu, cây ăn trái ngắn ngày hay nuôi cá, nuôi ốc trong mương dẫn nước để “lấy ngắn nuôi dài”; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, xử lý cho cây đậu trái…

Chung tay gỡ khó

Các THT, HTX trên địa bàn quận Bình Thủy đều có quá trình liên kết hợp tác lâu dài, hoạt động tương đối ổn định. Nông dân được tiêu thụ thông qua thương lái hoặc tự bán ở các chợ trên địa bàn quận. Một số ít HTX, THT có doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm nhưng sản lượng còn ít và chủng loại chưa phong phú. Việc mở rộng quy mô hoạt động gặp không ít khó khăn do diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Một số xã viên cũng băn khoăn trước những diễn biến thất thường của thời tiết làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao làm tăng chi phí sản xuất…

Theo ông Ngô Hoàng Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Thới An Đông, trên địa bàn phường có 2 HTX, 11 THT với quy mô nhỏ và vừa. Các THT trồng nấm rơm, nấm bào ngư hoạt động hiệu quả và có đầu ra ổn định trong khi các THT trồng cây ăn trái hoạt động mùa vụ và chủ yếu mỗi năm chỉ thu hoạch 1 lần nên hoạt động còn thiếu tập trung và đang trong giai đoạn tái cơ cấu lại. Thực tế, khó khăn của các THT, HTX vẫn là cân đối giữa kinh phí đầu tư và mối lo về ổn định đầu ra. Vì thế, phường sẽ tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận để giới thiệu các THT, HTX tiếp cận nguồn vốn vây ưu đãi để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời tìm cơ hội liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu để nông dân yên tâm về đầu ra và mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: Đặc điểm chung của các HTX, THT làm ăn hiệu quả, nông dân đều nắm kỹ thuật, hiểu biết thị trường, đầu vào đầu ra được quản lý chặt, có nơi tiêu thụ ổn định, lâu năm như HTX Bò sữa phường Long Hòa, THT trồng nấm rơm phường Thới An Đông… Tuy nhiên vẫn còn những THT, HTX có nơi tiêu thụ nhưng giá cả còn bấp bênh, khả năng nhận biết thị trường kém; nông dân có canh tác liên tục, không cho đất nghỉ ngơi, thậm chí việc trồng nhiều vụ trong năm khiến nông sản rơi vào cảnh dội chợ, trúng mùa, thất giá. Sản xuất nông nghiệp ở Bình Thủy có lợi thế là có thị trường tiêu thụ gần nhưng diện tích canh tác nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh với một số vùng khác. Do đó, quận thường xuyên tranh thủ sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương thành phố để kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để giải quyết đầu ra cho nông sản cho nông dân. Hướng đến sản xuất bền vững, quận định hướng Phòng Kinh tế và các phường hỗ trợ các THT, HTX liên kết để sản xuất đạt về số lượng và chất lượng, thay vì sản xuất riêng lẻ. Đặc biệt, cần bám sát định hướng sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững thân thiện với môi trường. Đối với phân khúc thị trường nhỏ hẹp phải tìm kiếm, chuyển đổi sản phẩm phù hợp, có giá trị cao mới mong tạo được lợi thế cạnh tranh và mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Theo Báo Cần Thơ
Tác giả: Minh Huyền

All in one
Lên đầu trang