Thủ tướng kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW: cần nghiên cứu các quy định nhằm xác định rõ bản chất HTX

Thủ tướng kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW: cần nghiên cứu các quy định nhằm xác định rõ bản chất HTX

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt HTX là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước khuyến khích, phát triển. Thời gian qua, trải qua từng thời kỳ lịch sử, khu vực KTTT, HTX đã vượt qua những khó khăn, thử thách, đóng góp to lớn vào việc xây dựng và phát triển đất nước.

Năm 1954, sau khi chiến thắng thực dân cũ, đất nước ta chia cắt thành 2 miền. Miền Nam tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với vai trò là hậu phương cho tiền tuyến miền Nam. Lúc bấy giờ nền kinh tế của chúng ta nhỏ lẻ, phụ thuộc viện trợ bên ngoài, vì vậy khi đó KTTT, HTX vó vai trò quan trọng, trụ đỡ cho miền Nam thực hiện cách mạng bảo vệ đất nước. Sau đó, chúng ta tiếp tục phát triển HTX lên một nấc nữa, trước đây lấy thôn bản làm trung tâm phát triển HTX. Sau giải phóng miền Nam, lấy xã, phường để phát triển HTX. 

Dẫn chứng điều này, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của KTTT, HTX trong từng thời kỳ lịch sử là rất quan trọng. Khu vực KTTT làm hậu phương cho tiền tuyến lớn. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, chúng ta đều chọn ra mô hình KTTT, HTX phù hợp để đóng góp vào phát triển đất nước. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 sáng ngày 15.2.2022.

Thủ tướng cho rằng cần thống nhất việc thực hiện Nghị quyết 13 – NQ/CP đã được các cấp triển khai nghiêm túc, 100% tỉnh thành ban hành đề án tuyên truyền, hành động về kế hoạch phát triển KTTT; nhận thức của người dân được nâng lên, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; rà soát bổ sung thêm quy định phù hợp cho từng thời kỳ. 

Khu vực KTTT, HTX bước đầu có chuyển biến về chất, về lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Đồng thời, khu vực KTTT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. 

“Khu vực KTTT, HTX khẳng định được dư địa, không gian, tiềm năng phát triển là rất lớn, phù hợp phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, Người đứng đầu Chính phủ đánh giá. 

Đồng thời, Thủ tướng cho biết 20 năm qua, số HTX được thành lập mới tăng lên. Đồng thời, xuất hiện thêm nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các thành viên. Trong đó, mô hình hoạt động hiệu quả là quỹ tín dụng nhân dân. 

Thủ tướng phê bình một số lãnh đạo địa phương không dự hội nghị, thiếu quan tâm khu vực KTTT, HTX

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về KTTT, HTX kiểu mới đã được nâng lên nhưng vẫn còn tâm lý e ngại tham gia KTTT, HTX. 

Tốc độ tăng trưởng còn thấp, tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, chưa phát triển tương xứng tiềm năng. Đồng thời, đầu mối quản lý khu vực KTTT, HTX còn nhiều vấn đề, thiếu thống nhất. 

Chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, phân tán, chủ yếu lồng ghép. 

Về nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng chủ yếu do yếu tố chủ quan như công tác tổ chức thực hiện còn yếu, nhận thức của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối bởi định kiến mô hình HTX kiểu cũ. Một số lãnh đạo địa phương không quan tâm tới khu vực KTTT, còn nghi ngờ về các mô hình HTX thành công. 

Ngay trong hội nghị hôm nay, Thủ tướng phê bình một số tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy không dự như Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh. “Chưa kể, một số đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dự một lúc bỏ về là thiếu nghiêm túc. Trong khi đây là hội nghị quan trọng, ban tổ chức đã thông báo lịch trước một tuần vì vậy khen thưởng, kỷ luật cần nghiêm minh”, Thủ tướng phê bình đồng thời nhấn mạnh “Ở đâu Cấp ủy quan tâm thì mọi việc tốt, còn cấp ủy lơ là, xem việc chính là việc phụ thì hiệu quả sẽ thấp”. 

Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết còn chậm; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX nhiều nhưng còn manh mún, dàn trải; xây dựng chính sách thu hút nguồn lực còn chậm; Đánh giá hiệu quả của khu vực KTTT, HTX chưa đầy đủ nên dẫn đến hạ thấp vai trò của khu vực KTTT. 

Trong hệ thống thống kê của chúng ta còn thiếu dữ liệu khu vực KTTT là thực tế cần nhìn ra“, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xem trọng công tác thống kê, xây dựng dữ liệu lớn. 

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ nhiều HTX còn yếu, chưa được bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức kinh tế thị trường. Con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu của sự phát triển. 

Thủ tướng nhấn mạnh cần đúc rút bài học kinh nghiệm từ các mô hình thành công. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải có sự quan tâm của cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp trong phát triển KTTT, HTX. “Có thể chính sách, luật pháp chưa sát thực tiễn nhưng nếu chúng ta lăn lộn với thực tế thì mới tìm ra được sáng kiến”, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng. 

Việc tham gia hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra cơ hội và thách thức đối với khu vực KTTT, HTX. Trong bối cảnh này, Người đứng đầu Chính phủ đánh giá tiềm năng phát triển của khu vực KTTT, HTX (đặc biệt là HTX nông nghiệp) còn rất lớn. Một số HTX đã xuất khẩu hàng đi nhiều thị trường. Do vậy, chính sách cần phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình

Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình, vượt qua trì trệ ngay trong bản thân mình, bởi cơ hội có nhưng thách thức sẽ không nhỏ.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách cho khu vực KTTT, HTX phù hợp diễn biến mới, thực tiễn Việt Nam. 

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Vận dụng sáng tạo khoa học, công nghệ cao, công nghệ số trong chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế xanh; Huy động nguồn lực; mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến kết hợp với mô hình KTTT, HTX truyền thống phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Tạo cạnh tranh lành mạnh, gắn với phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý; Nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ…. 

“Trong những lúc khó khăn, nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế nước ta. HTX trong nông nghiệp rất quan trọng, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, đi bằng đường chính ngạch”, Thủ tướng nêu nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới. 

Về sửa đổi Luật HTX, mục tiêu là xóa bỏ rào cản, điểm nghẽn, tạo môi trường thể chế thuận lợi cho khu vực HTX phát triển trong giai đoạn hiện nay. “Quan trọng là cái gì cần phải sửa để phù hợp thực tiễn thì chúng ta phải sửa, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của đường lối, chính sách, lợi ích của các chủ thể tham gia, phấn đấu vì lợi ích người dân, năm sau phải hơn năm trước; phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam, nguồn lực của đất nước”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu các quy định nhằm xác định rõ bản chất HTX; quy định loại hình hợp tác xã; không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ của các HTX; nâng cao tính minh bạch trong điều hành quản lý HTX; Hoàn thiện quy định về quản lý HTX, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng… 

Theo vnbusiness.vn

All in one
Lên đầu trang