Phát huy vai trò liên kết tiêu thụ nông sản
Trong thời gian TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hợp tác xã (HTX) thương mại đã phát huy vai trò liên kết, hợp tác với các HTX nông nghiệp, tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và thành viên HTX… Cùng đó, ngành chức năng thành phố đã chủ động liên hệ với nhiều kênh phân phối, đơn vị thu mua tiêu thụ nông sản, góp phần tiếp sức cho các HTX duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID.
Liên kết tiêu thụ nông sản
Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Để tiếp sức cho các HTX duy trì ổn định hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID, Liên minh HTX thành phố đã tư vấn, hỗ trợ các HTX, đăng ký tài khoản, cập nhật thông tin sản phẩm, hàng hóa lên Cổng thông tin điện tử kết nối cung – cầu sản phẩm tại địa chỉ: lmhtxvnmart.com.vn của Liên minh HTX Việt Nam. Đồng thời, triển khai nhóm Zalo HTX của thành phố, nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX với nhau và giữa các HTX với đơn vị thu mua. Thông qua nhóm Zalo này, các HTX cũng như các đơn vị thu mua dễ dàng trao đổi các thông tin, nhu cầu về sản lượng hàng hóa cần tiêu thụ, hình thức vận chuyển nông sản… đảm bảo đáp ứng đúng các yêu cầu phòng, chống dịch. Cùng với đó, Liên minh còn làm cầu nối, hỗ trợ cho các HTX tiếp cận và liên kết với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành Đoàn Cần Thơ, Sở Công Thương và Hội Phụ nữ TP Cần Thơ tiêu thụ nông sản cho nông dân và thành viên HTX… Với nhiều chương trình tiếp sức từ các ngành, các cấp, qua 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, toàn thành phố có 10 HTX được hỗ trợ tiêu thụ nông sản, với tổng sản lượng trên 2.000 tấn. Trong đó, có nhiều HTX được hỗ trợ tiêu thụ với sản lượng lớn, như HTX dịch vụ nông nghiệp Thân Thiện, quận Thốt Nốt đã tiêu thụ được hơn 1.080 tấn bắp; HTX nông nghiệp Thuận Phát, huyện Thới Lai tiêu thụ được trên 330 tấn thanh nhãn, mận và ổi; HTX nông nghiệp Thới Trinh, quận Ô Môn tiêu thụ trên 113 tấn nhãn, mận… giúp nông dân và thành viên HTX tiêu thụ được sản phẩm làm ra, góp phần ổn định thu nhập và đời sống trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với sự trợ lực của thành phố, nhiều HTX có nền tảng sản xuất theo quy trình sạch, an toàn đã chủ động liên hệ với nhiều kênh phân phối và nhất là đẩy mạnh hợp tác với các HTX thương mại tổ chức tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho thành viên. Điển hình là HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu (HTX My Hậu), huyện Vĩnh Thạnh không chỉ áp dụng tốt quy trình canh tác lúa an toàn và sản xuất gạo sạch mang thương hiệu My Hậu, mà còn liên kết với HTX Thuận Tiến, HTX nông sản xanh Cần Thơ ở quận Ninh Kiều để cung cấp gạo sạch ra thị trường. Theo ông Dương Đình Vũ, Giám đốc HTX My Hậu, nhờ duy trì canh tác giống lúa ST24 hay Đài Thơm 8 theo hướng an toàn, bảo đảm hạt gạo đạt chất lượng, với hương vị thơm ngon, nên gạo My Hậu từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn. Cùng đó, HTX còn nỗ lực tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, nhất là tranh thủ sự hỗ trợ của Liên minh HTX thành phố tham gia chương trình kết nối cung – cầu, để tìm kiếm thêm kênh tiêu thụ gạo sạch… Với nỗ lực này, HTX My Hậu đã duy trì được chuỗi sản xuất, với năng lực cung ứng trên 3 tấn gạo sạch/tháng cho các HTX thương mại và một số cửa hàng kinh doanh gạo trên địa bàn thành phố, góp phần ổn định diện tích sản xuất lúa sạch với hơn 80ha, giúp thành viên và nông dân yên tâm trồng lúa trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo ông Vũ, thời gian qua, HTX My Hậu nhận được sự quan tâm cũng như ngỏ ý liên kết tiêu thụ từ các đối tác ở tỉnh Long An hay TP Hồ Chí Minh, nhưng do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, HTX chỉ giao thương được trong nội thành. Do đó, HTX mong muốn thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện cho HTX bắt tay hợp tác được với các đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như thu hút nông dân vào HTX phát triển diện tích sản xuất lúa sạch, hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Đinh, Phó Giám đốc HTX Thuận Tiến, quận Ninh Kiều, cho biết: Trong thời điểm giãn cách xã hội, lượng khách hàng đến mua hàng trực tiếp tại cửa hàng đã giảm hơn 80% và chủ yếu là liên hệ mua hàng qua điện thoại hay Zalo. Các mặt hàng, như: nước mắm, gạo sạch, mắm cá tra,… được khách hàng chọn mua nhiều. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, gạo sạch My Hậu là mặt hàng bán khá chạy, sản lượng gạo bán ra mỗi ngày tăng gấp 2-3 lần so với trước. Theo ông Đinh, yếu tố để khách hàng chọn mua gạo sạch của HTX My Hậu là do gạo được làm từ giống lúa ST24, nên có đặc tính dẻo, mềm, thơm ngon, có chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, lại đầu tư bao bì bắt mắt và có in thông tin về xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá cả phải chăng,… Để ổn định doanh thu, vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, ngoài liên kết với các HTX sản xuất gạo sạch hay làm hàng đặc sản, HTX Thuận Tiến còn liên kết với các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: HTX Hữu Thiên, HTX Giọt Phù Sa ở huyện Phong Điền để cung ứng thêm các mặt hàng, như nấm linh chi sấy khô, đông trùng hạ thảo sấy khô,… được sản xuất theo tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, có tác dụng tăng sức đề kháng, tốt cho sức khỏe cho người dùng trong mùa dịch.
Gỡ khó và ổn định hoạt động HTX
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, việc các HTX thương mại và các HTX nông nghiệp bắt tay hợp tác để tổ chức tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân, thành viên HTX đã phát huy được vai trò liên kết của HTX. Song, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hầu hết các HTX nông nghiệp, nhất là các HTX sản xuất rau củ, trái cây và thủy sản đều gặp khó trong khâu tiêu thụ và giá cả nông sản xuống thấp do nhiều chuỗi cung ứng, tiêu thụ bị đứt gãy, thương lái hạn chế thu mua; tình hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa tốn nhiều chi phí, từ việc test nhanh COVID-19 đến giá thuê nhân công lao động khâu bốc xếp, vận chuyển đều tăng cao so với bình thường. Thêm vào đó, nhiều HTX và người dân còn gặp phải tình trạng tăng giá các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và các dịch vụ trong nông nghiệp… dẫn tới những khó khăn cho nông dân và HTX là không thể thu hồi vốn, tái sản xuất.
Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX ở các lĩnh vực nông nghiệp, trong những tháng cuối năm, Liên minh HTX TP Cần Thơ đề xuất các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương xem xét, thực hiện giảm 50% thuế thu nhập cho HTX trong năm 2021 và năm 2022; miễn thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu, vật tư nông nghiệp cho HTX và người dân từ tháng 9-2021 đến hết năm 2022. Đồng thời, xem xét hỗ trợ 60% giá cây giống, hạt giống, con giống cho thành viên HTX, tổ hợp tác và nông dân vùng bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội; xem xét hỗ trợ lãi các khoản vay mới để thành viên HTX, tổ hợp tác tiếp tục sản xuất kinh doanh; hỗ trợ HTX tiếp cận được các chính sách, các nguồn lực đầu tư để HTX có điều kiện xây dựng nhà kho, hệ thống sơ chế, đóng gói bảo quản nông sản; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng quản lý, điều hành chuyển đổi số cho hội đồng quản trị, giám đốc các HTX;… Từ đó, giúp các HTX có điều kiện tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ, để tái đầu tư, từng bước ổn định hoạt động, khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.