Làng nghề mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) không chỉ là một làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng, mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn. Khi ghé thăm làng nghề này, du khách sẽ được trải nghiệm nghệ thuật đan mây tre và cảm nhận được “cái hồn” chất chứa trong từng sản phẩm vô cùng độc đáo và sinh động.
Mùa du lịch năm nay, HTX Mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và mua sắm. Đến từ tỉnh Quảng Ngãi, đoàn du khách trải nghiệm thuộc Công ty Earth Corporation Việt Nam đã có một buổi team building đáng nhớ khi được các nghệ nhân giới thiệu về làng nghề và tự tay đan những sản phẩm bằng mây tre hoàn chỉnh.
Chị Đặng Thị Bích Ngọc chia sẻ, lần đầu tiên được đến với làng nghề mây tre đan truyền thống của Việt Nam, thành viên trong đoàn được các thợ thủ công, nghệ nhân hướng dẫn chu đáo, tận tình nhiều công đoạn để hoàn thành sản phẩm từ tre. Đến đây, du khách như được hòa mình vào vai những thợ thủ công thực thụ và có những trải nghiệm đáng nhớ với những món quà lưu niệm do tự tay mình làm. Với cách làm này sẽ giúp giới thiệu làng nghề đến nhiều du khách trong và ngoài nước, giúp họ hiểu hơn về làng nghề truyền thống của Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Earth Corporation Việt Nam cho biết, khi nhận được đơn hàng đặt tour, đơn vị cử đoàn đi tiền trạm khảo sát các tuyến du lịch để chọn lọc lộ trình tham quan hợp lý cho du khách. Sau đó, đơn vị thiết kế tour cụ thể rồi giới thiệu đến từng đoàn khách và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Nhìn chung, với sự chuẩn bị chu đáo của đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ của HTX, phần lớn các đoàn được đơn vị tổ chức tham quan ở Huế kết hợp với trải nghiệm làng nghề đều tỏ ra rất thích thú.
“Khi ghé thăm làng nghề này, du khách được trải nghiệm nghệ thuật đan mây tre đỉnh cao và cảm nhận được “cái hồn” chất chứa trong từng sản phẩm vô cùng độc đáo và sinh động. Du khách có cơ hội được khám phá quy trình sản xuất mây tre đan và tìm hiểu về lịch sử và phát triển của làng nghề này. Tại khu vực trải nghiệm, HTX bố trí các thuyết minh viên, hướng dẫn cho khách; có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch và bố trí khu vực dịch vụ giải khát, ăn uống trong khuôn viên HTX để phục vụ nhu cầu của khách tham quan rất chuyên nghiệp” – chị Loan chia sẻ.
Trong dịp hè, HTX Mây tre đan Bao La còn đón tiếp các đoàn học sinh, sinh viên tại địa phương đến tham quan. Các em được trực tiếp trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm và được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân hoàn thiện sản phẩm từ khâu: Vót nan, gầy, đan, đát, lận, nứt để hoàn thành một sản phẩm thủ công trọn vẹn. Nhờ vậy, các em có những trải nghiệm thú vị cũng như hiểu hơn về làng nghề mây tre đan Bao La có truyền thống hơn 600 năm.
Điểm du lịch HTX Mây tre đan Bao La chỉ cách trung tâm thành phố Huế hơn 12km. Với đôi bàn tay khéo léo, những người con làng nghề đã tạo nên hàng loạt tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, công phu từ chính những cây mây, cây tre mộc mạc và gần gũi. Trước đây, sản phẩm chủ yếu của làng là những món đồ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như dần, sàng, thúng mủng, rổ, rá, nơm…
Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, làng Bao La cũng có nhiều biến đổi. Nhiều mẫu mã, chủng loại mới đã ra đời không những được dùng làm đồ trang trí nội thất, thời trang, mỹ thuật mà còn là nguyên liệu ứng dụng trong thiết kế công trình nhà ở, khách sạn, resort. Người dân đã kết hợp kỹ thuật truyền thống với kiến thức khoa học hiện đại để mang lại những nét rất riêng cho dòng sản phẩm, hướng tới khách du lịch và thị trường xuất khẩu.
Từ những cây tre, cây mây thân thuộc, người dân làng Bao La đã chế tác thành những sản phẩm độc đáo phục vụ cuộc sống, phục vụ khách du lịch, đưa hình ảnh Việt Nam đi ra thế giới. Hiện điểm du lịch Mây tre đan Bao La có khu trưng bày bán hơn 500 loại sản phẩm khác nhau.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX chia sẻ, sau những năm dịch bệnh, việc HTX kết hợp sản xuất, cải tiến mẫu mã mới với mở cửa cho khách tham quan du lịch trải nghiệm được xem là cách làm mới, có hiệu quả. Năm nay đã có hàng chục lượt khách với hơn 2.000 khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Khách đến tham quan được trực tiếp trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm, được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân hoàn thiện sản phẩm. Nhờ vậy, khách du lịch có những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ. HTX tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức tour, tuyến nhằm đưa khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Với cách làm này, HTX có thể quảng bá sản phẩm đến rất nhiều khách hàng, vừa có thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch vừa có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.
“Cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của các ban ngành, chính quyền địa phương, hoạt động của HTX Mây tre đan Bao La ngày càng có hiệu quả, thị trường ngày càng được mở rộng, thương hiệu, uy tín của HTX ngày càng được nâng lên, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên. Làng nghề có ưu thế về phát triển du lịch do có thể kết nối thành các tour du lịch chuyên sâu về làng nghề. Phát triển, quảng bá du lịch làng nghề mây tre đan Bao La cũng là cách giới thiệu sinh động về quê hương và con người Cố đô Huế giàu truyền thống, thân thiện và mến khách” – Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Lê Ngọc Bảo nhấn mạnh.