Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Hoa Kỳ
Trên thế giới nhiều nước có phong trào Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) phát triển mạnh như Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Canada. Tại Hoa Kỳ, HTXNN chiếm thị phần quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho xã hội, hỗ trợ nông dân cạnh tranh với doanh nghiệp, nhiều HTXNN có doanh thu hàng tỷ đô la và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. HTXNN ở Hoa Kỳ là tổ chức tự nguyện của những người nông dân sản xuất các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (USDA, 2013). Dưới tác động của toàn cầu hóa kinh tế, sự phát triển của khoa học công nghệ, tại Hoa Kỳ đã và đang diễn ra quá trình chuyển đổi mạnh về mô hình tổ chức và thay đổi về môi trường pháp lý cho HTXNN hoạt động. Bài viết này tổng kết lại quá trình phát triển HTXNN ở Hoa Kỳ từ khi có HTXNN đầu tiên đến nay; tổng quan môi trường pháp lý cho HTXNN phát triển; từ đó, đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
1. Sự phát triển của HTXNN Hoa Kỳ
HTXNN đầu tiên của Hoa Kỳ được thành lập năm 1810. Đó là hợp tác xã sữa ở Goshen (bang Connecticut) và hợp tác xã sản xuất pho mát ở South Trenton (bang New Jersey). Sau đó, các hợp tác xã (HTX) trong các ngành khác cũng được thành lập ở các địa bàn khác. Tuy nhiên, do thiếu sự lãnh đạo có tổ chức và chỉ giới hạn hoạt động trong phạm vi cộng đồng của mình nên phần lớn các HTX trong giai đoạn đầu này không thành công.
HTX có tổ chức đầu tiên là Hiệp hội chủ trang trại Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1867 như một hội kín với mục đích là phục hồi lại mối quan hệ giữa các trang trại ở miền Nam và miền Bắc sau Nội chiến. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế nghèo nàn của những chủ trang trại, Hiệp hội tin rằng, HTX là một trong các giải pháp hỗ trợ các trang trại và từ đó đã hỗ trợ tổ chức hàng trăm HTX thu mua và thương mại nông nghiệp trong giai đoạn 1870-1890. Năm 1875, Hiệp hội đã chấp nhận nguyên tắc Rochdale. Sau đó, nguyên tắc này đã trở nên quen thuộc với nhiều nông dân trên khắp đất nước.
HTX ở Hoa Kỳ phát triển bùng nổ trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX do khung pháp lý cho hoạt động của HTX đã được ban hành. Nhiều HTX thành lập trong thời kỳ đó vẫn hoạt động đến nay. Để bảo vệ mình, các HTXNN đã thành lập các Hiệp hội ở cấp bang và liên bang như Liên đoàn HTX Hoa Kỳ, Liên hiệp người sản xuất sữa quốc gia Viện Nghiên cứu Hợp tác Hoa Kỳ, Hội đồng Quốc gia HTXNN. Các hiệp hội cung cấp thông tin về sản phẩm, đào tạo thành viên, cũng như gây ảnh hưởng đến quá trình lập pháp có liên quan đến HTX.
Số lượng HTXNN ở Hoa Kỳ đạt đỉnh vào năm 1930 với khoảng 12 nghìn HTX, nhưng sau đó đã giảm dần. Từ những năm 1940, HTXNN Hoa Kỳ bước vào giai đoạn tái cấu trúc lớn và xu hướng đó tiếp tục cho đến ngày nay. Hợp nhất, củng cố và mở rộng của các HTX vùng là những xu hướng chung của HTXNN Hoa Kỳ. Đến năm 1960, số lượng HTXNN chỉ còn 9.163 nhưng số lượng thành viên HTX lại tăng từ 3,1 triệu lên 7,2 triệu. Thị phần của HTXNN cũng tăng. Năm 1955, HTXNN thương mại có hơn 19% sản phẩm nông nghiệp và cung cấp hơn 13% đầu vào sản xuất nông nghiệp. HTXNN cũng trở nên đa dạng và liên kết dọc nhiều hơn. Trong những năm 1950, một số HTX hạt ngũ cốc đã vươn ra thị trường quốc tế. Từ sau năm 1960, số lượng thành viên HTX bắt đầu giảm cùng với xu hướng giảm số lượng HTX. Đến năm 1980, Hoa Kỳ chỉ còn 6.282 HTXNN với số lượng khoảng 5,4 triệu thành viên, tức là giảm gần 50% so với năm 1930.
Sự tăng trưởng nông nghiệp thuận lợi trong giai đoạn 1973-1979 đã dẫn đến tình trạng HTXNN vay quá nhiều vốn, trong khi lại rơi vào tình trạng xuất khẩu nông sản gặp khó khăn vào năm 1980. Sự giảm giá hạt ngũ cốc và hạt có dầu dẫn đến giá trị đất giảm, làm cho sản xuất nông nghiệp đình trệ. Tỷ lệ lãi suất cao ở mức hai con số cộng với giá trị đất giảm đã buộc các HTX phải tái đầu tư vốn và giảm quy mô hoạt động, và có HTX buộc phải tuyên bố phá sản.
Trong những năm 1990, sự tăng tốc của nền kinh tế và ngành nông nghiệp Hoa Kỳ cộng với sự ra đời Tổ chức Thương mại Thế giới và Hiệp định Thương mại Tự do Bấc Mỹ đã mở ra cơ hội cho các HTXNN Hoa Kỳ xâm nhập vào thị trường thế giới. Bối cảnh này thúc đẩy các HTX hợp nhất để hình thành nên các HTX lớn hơn, cạnh tranh hơn, và kết quả là số lượng HTX và số lượng thành viên tiếp tục suy giảm. Xu hướng giảm số lượng HTX và thành viên HTX tiếp tục cho đến hiện nay. Năm 2015, Hoa Kỳ chỉ còn 2.047 HTXNN với 1,92 triệu thành viên. Tuy nhiên, khối lượng và thị phần của các HTXNN lại tăng.
Đi ngược lại xu hướng số lượng HTX và số lượng thành viên giảm thì số lượng thành viên và doanh thu trung bình của một HTXNN Hoa Kỳ lại tăng lên. Năm 1930, trung bình một HTXNN có khoảng 258 thành viên, năm 1980 có khoảng 856 thành viên, và đến năm 2015 có 938 thành viên, về doanh thu, trung bình một HTXNN năm 1930 là 0,21 triệu USD, năm 1980 là 10,55 triệu USD, và năm 2015 là 87,88 triệu USD.
Tuy nhiên, người nông dân vẫn cảm thấy là lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp không thay đổi hoặc giảm đi. Những người nông dân trẻ, vốn thích đầu tư vào thị trường chứng khoán, đòi hỏi phải có lợi nhuận tăng lên và được trả ngay tức khắc cho các khoản đầu tư của họ vào HTX. Do vậy, các HTX phải xem xét các phương án sắp xếp vốn đầu tư và đó là môi trường cho sự ra đời của các HTX thế hệ mới.
2. Chuyển đổi mô hình tổ chức HTXNN ở Hoa Kỳ
Hiện tại, hợp tác xã nồng nghiệp Hoa Kỳ có ba loại hình tổ chức là: i) HTX truyền thống; ii) HTX thế hệ mới; Hi) HTX doanh nghiệp.
2.1. HTX truyền thống
HTX truyền thống là các HTX được tổ chức hoạt động theo các nguyên tắc: i) Tự chủ, tự chịu trách nhiệm; ii) Thành viên HTX là người sử dụng dịch vụ của HTX; iii) Chỉ thành viên mới có quyền góp vốn dưới dạng cổ phần và số lượng cổ phần nắm giữ bởi mỗi thành viên là hạn chế; iv) Quyền biểu quyết gắn với tư cách thành viên chứ không gắn với số tiền đầu tư; v) Mỗi thành viên là một phiếu bầu; vi) Lợi nhuận phân chia cho thành viên dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên và do HTX tự quyết định.
Mô hình HTX truyền thống không chấp nhận những trường hợp góp vốn mà không sử dụng dịch vụ của HTX. Các HTXNN áp dụng mô hình này từ buổi đầu phong trào HTX và cho đến nay, nhiều HTXNN Hoa Kỳ vẫn hoạt động theo mô hình này. Mô hình HTX truyền thống có một số hạn chế như: vấn đề đi xe miễn thuế, thành viên không muốn đóng góp vốn, vấn đề chủ nghĩa cơ hội giữa các thành viên.
2.2.Mô hình HTX thế hệ mới (New Generation Cooperative)
HTX thế hệ mới là tên gọi chi các HTXNN gắn liền với hoạt động chế biến nhàm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của thành viên HTX. Các HTX thế hệ mới đầu tiên được thành lập ở các bang North Dakota và Minnesota, Hoa Kỳ. Các HTX này được thành lập bởi người sản xuất của các sản phẩm có thị trường ngách mới nổi. HTX thế hệ mới đại diện cho thế hệ nông dân trẻ sẵn sàng giải quyết những thách thức như thiếu quy định cho hoạt động của thị trường, thị trường ngách chuyên môn hóa và việc gia tăng điều phối và liên kết dọc trong ngành hàng. HTX thế hệ mới đã trở thành một chiến lược thành công trong phát triển nông thôn như thủc đẩy tăng thu nhập, việc làm và dân cư nông thôn.
HTX thế hệ mới có bốn đặc trưng khác so với HTX truyền thống gồm:
Thứ nhất, là sự gắn kết chặt chẽ giữa lượng vốn góp của thành viên với quyền bán sản phẩm của thành viên cho HTX. Theo đó, tỷ lệ quyền bản sản phẩm cho HTX mà một thành viên có đúng bằng tỷ lệ vốn gộp của thành viên đó so với tổng vốn góp của tất cà thành viên HTX mà có quyền bán sản phẩm cho HTX. Ví dụ, nếu tổng nhu cầu nguyên liệu cho xưởng chế biến sữa là 100% thì một thành viên nắm giữ 5% tổng vốn góp của các thành viên sẽ có quyền bán lượng sữa cho HTX chiếm 5% tổng lượng sữa sử dụng của xưởng chế biến.
Ngoại trừ trường hợp rủi ro khách quan, thành viên HTX phải giao đúng, đủ số lượng sản phẩm với chất lượng cam kết cho HTX. Nếu thành viên không sản xuất đủ thì thành viên hoặc phải mua sản phẩm nơi khác để giao đủ số lượng theo hợp đồng cam kết với HTX, hoặc chịu chi phí tương ứng với lượng sản phẩm bàn giao thiếu mà HTX phải đi mua nơi khác. Ngược lại, HTX có trách nhiệm nhận số lượng sản phẩm của thành viên theo hợp đồng.
Thứ hai, số lượng thành viên của HTX thế hệ mới hạn chế và việc kết nạp thành viên là tương đối đóng, số lượng thành viên phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực hoạt động của HTX. Một thành viên mới chỉ có thể gia nhập HTX khi nhận được quyền bán sản phẩm từ thành viên cũ, hoặc HTX mở rộng công suất hoạt động và phát hành quyền bán sản phẩm cho thành viên mới.
Thứ ba, HTX thế hệ mới là vốn cổ phần góp của thành viên có thể được trao đổi mua bán. Tức là sau đợt phát hành cổ phần đầu tiên, một thành viên có thể bán vốn cổ phần của mình cho người khác (thành viên hiện tại của HTX thế hệ mới hoặc thành viên mới) với điều kiện có sự đồng ý của hội đồng quân trị (HĐQT).
Đặc trưng thứ tư là HTX thế hệ mới có quyền phát hành cổ phần ưu đãi ra ngoài thành viên. Tuy nhiên, cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết trong HTX và được nhận cổ tức hàng năm theo thỏa thuận của HTX nhưng mức tối đa không quá 8%/năm. Mức 8% được quy định trong luật HTX của các bang.
Ưu điểm của HTX thế hệ mới: i) Giải quyết được các vấn đề hạn chế gắn liền với HTX truyền thống, như đi xe miễn phí, đầu tư vốn của thành viên, cơ hội; ii) Tạo thuận lợi cho HTX huy động vốn; iii) Khuyến khích thành viên cùng làm việc cho thành công của xưởng chế biến và HTX; iv) Thành viên HTX có thể hưởng lợi từ ba nguồn: giá bán sản phẩm ổn định, được chia lợi nhuận của HTX, có thể nhận được giá trị cao hơn từ giá cổ phần khi bán lại. Giá mua bán cổ phần cao khi xưởng chế biến hoạt động hiệu quả và ngược lại, qua đó thành viên có thể có lợi hoặc lỗ. Từ đó khuyến khích thành viên hoạt động để HTX hoạt động hiệu quả; v) Thành viên trong HTX thế hệ mới khá đồng đều về mức độ sử dụng dịch vụ và hoạt động chế biến thường hạn chế ở một nhóm sản phẩm nên HTX thế hệ mới dễ đạt được một mục tiêu chung và tối thiểu hóa xung đột giữa các thành viên…
2.3. Mô hình HTX Wyoming (hay mô hình Doanh nghiệp HTX)
Sự thành công của HTX thế hệ mới và sự quan tâm ngày càng tăng về nâng cao giá trị gia tăng của nông nghiệp đã khuyến khích đổi mới HTX hơn nữa.
Nhằm khắc phục việc hạn chế thu hút vốn đầu tư vào HTX, của những người không phải là thành viên HTX, một nhóm nông dân chăn nuôi cừu ở Wyoming đã khởi xướng một đạo luật mới của bang về HTX và đã được thông qua vào năm 20011 Luật này hợp pháp hóa việc thành lập một tổ chức lai giữa HTX và công ty trách nhiệm hữu hạn, được gọi là mô hình HTX Wyoming.
HTX Wyoming gồm hai loại thành viên: (1) thành viên là người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX; và (2) thành viên là nhà đầu tư tức là thành viên nhưng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ HTX mà đầu tư cổ phần để thu lợi nhuận. Tất cả thành viên HTX (cả thành viên sử dụng dịch vụ và thành viên là nhà đầu tư) đều có quyền biểu quyết, mặc dù điều lệ HTX có thể quy định quyền bỏ phiếu phức tạp hơn. Luật không quy định bắt buộc phải cho nhà đầu tư quyền bỏ phiếu, do đó điều lệ HTX có thể quy định không cho thành viên là nhà đầu tư quyền bỏ phiếu.
Quyền bỏ phiếu của các thành viên là người sử dụng dịch vụ HTX được tính gộp. Ví dụ, giả thiết các thành viên sử dụng dịch vụ chiếm 60 trên 100 quyền biểu quyết của HTX, và đối với một quyết định nào đó của HTX chỉ có 40 thành viên sử dụng dịch vụ HTX biểu quyết ủng hộ quyết định đó. Trong trường hợp này, dù chỉ có 40 thành viên ủng hộ quyết định nhưng được tính là cả 60 thành viên sử dụng dịch vụ ủng hộ quyết định của HTX. Bất cứ thành viên nào của HTX (thành viên sử dụng dịch vụ và thành viên đầu tư) đều có thể được bầu vào hội đồng quản trị (HĐQT). Tuy nhiên, HĐQT phải có ít nhất một thành viên sử dụng dịch vụ HTX và các thành viên sử dụng dịch vụ phải chiếm ít nhất 50% quyền biểu quyết của HĐQT. Thông qua cơ chế này, luật cung cấp căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền kiểm soát HTX của các thành viên sử dụng dịch vụ.
Lợi nhuận ròng của HTX được chia làm hai phần: một phần chia theo mức độ sử dụng dịch vụ HTX và một phần chia theo vốn đầu tư. Việc phân bổ lợi nhuận ròng của HTX cho hai phần này như thế nào do HTX quy định, tuy nhiên, luật quy định phần tiền dành để chia theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên phải chiếm ít nhất 15% tổng lợi nhuận ròng phân chia.
HTX Wyoming có đủ tư cách cho việc thiết lập quan hệ đối tác, có tư cách của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc có tư cách của HTX. Việc lựa chọn tư cách nào phụ thuộc vào quyết định của HĐQT.
Ưu điểm nhất của mô hình HTX Wyoming là khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư bên ngoài như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm. Việc thu hút vốn từ nhà đầu tư bên ngoài vào HTX tạo thuận lợi cho các dự án mới trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mô hình HTX Wyoming cũng có hạn chế. Có thể hạn chế nhất là mô hình này không được “hưởng quyền miễn trừ chống độc quyền như quy định tại Luật Capper-Volstead. Ngoài ra, nó cũng không đủ điểu kiện để nhận vốn tín dụng từ ngân hàng HTX của Hoa Kỳ (CoBank).
3. Khung pháp lý và chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTXNN Hoa Kỳ
HTXNN ở Hoa Kỳ hoạt động dưới sự chi phối của cả luật bang và luật liên bang. Các bang quy định khung pháp lý cho hoạt động của HTX. Luật liên bang liên quan nhiều nhất đến HTX ở khía cạnh chống độc quyền và chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Năm 1865, đạo luật thương mại HTX đầu tiên được ra đời tại bang Michigan. Sau đó, hàng loạt bang đã ban hành các đạo luật điều chỉnh hoạt động của HTX. Năm 1911, có 12 bang ban hành luật HTX đặc biệt. Sau năm 1920, rất nhiều bang đã ban hành đạo luật HTX. Các quy định cơ bản của các luật này theo nguyên tắc Rochdale. Về cơ bản, nó gồm các quy định sau: (1) HTX có thể phát hành cổ phần nhưng số lượng cổ phần năm giữ bởi mỗi thành viên là hạn chế; (2) Quyền biểu quyết gắn với tư cách thành viên chứ không gắn với số tiền đầu tư; (3) Mỗi thành viên là một phiếu bầu; (4) Các HTX tự quyết định cách thức phân chia lợi nhuận ròng.
Năm 2001, bang Wyoming đã ban hành dạo luật mới về HTX cho phép mô hình HTX Wyoming. Sau đó một số bang khác cũng ban hành các đạo luật tương tự để cho phép áp dụng mô hình HTX Wyoming như bang Minnesota (2003), Wisconsin (2004).
Ở Cấp độ chính phủ liên bang, HTXNN là đối tượng chịu chi phối bởi luật chống độc quyền Sherman, ban hành năm 1890. Đen năm 1922, đạo luật Capper-Volstead cho quyền người nông dân được thống nhất và thưomg mại hoặc chế biến sản phẩm của họ trong các HTX được miễn trừ vi phạm đạo luật chống độc quyền. Tuy nhiên, sự miễn trừ này chỉ có được khi đáp ứng đủ ba điều kiện sau: (1) Thành viên HTX phải là người sản xuất nông nghiệp; (2) HTX tuân theo nguyên tắc một thành viên là một phiếu bầu và cổ tức trên vốn của thành viên được giới hạn ở mức tối đa 8%/năm; (3) Hoạt động kinh doanh với ngoài thành viên phải nhỏ hơn 50% tổng hoạt động của HTX.
Chính phủ Hoa Kỳ có nhiều hỗ trợ cho HTXNN thông qua việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu, thông tin và tín dụng; cấp đất để xây dựng hệ thống các trường đại học có các hoạt động nghiên cứu và khuyến nông giúp lập nên nhiều HTXNN vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Năm 1914, Chính phủ Hoa Kỳ đã phê duyệt chương trình khuyến nông cho HTXNN. Đạo luật thương mại HTX năm 1926 đã mở rộng và chính thức hóa vai trò của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ và khuyến khích phát triển HTXNN. Cục HTX và Kinh doanh Nông thôn (Rural business and Cooperative Service) cũng được thành lập để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và thông tin để thúc đẩynhận thức về HTX.
Đạo luật thương mại nông nghiệp năm 1929 đã thiết lập một ủy ban Tư vấn Sản phẩm cho HTX và thành lập ủy ban Nông trại Liên bang (Federal Farm Board) chịu ưách nhiệm phát triển phong trào HTX.
Năm 1916, Chính phủ Hoa Kỳ đã phê chuẩn Đạo luật Tín dụng Nông trại (Farm Loan Act). Từ đó, ngân hàng đất liên bang đã được thành lập để cung cấp tín dụng cho việc mua đất. Đạo luật Tín dụng Nông trại (Farm Credit Act) năm 1933 giúp xây dựng Hiệp hội tín dụng sản xuất. Hiệp hội Tín dụng Sản xuất đã thiết lập 13 ngân hàng HTX (hiện nay đã được hợp nhất thành một ngân hàng gọi là CoBank) để cung cấp tín dụng cho HTX và các hộ nông dân tham gia thành lập HTX.
Nhìn chung, HTX Hoa Kỳ chịu các loại thuế và mức thuế giống như các công ty khác, như thuế thu nhập, thuế doanh thu, bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, thuế sở hữu cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài, và bất cứ loại thuế nào mà các công ty phải trả. Tuy nhiên, cả chính quyền bang và liên bang đều có những quy định đặc biệt về ưu đãi thuế cho HTX.
Theo Bộ luật Liên bang về thu nhập nội địa, tất cà lợi nhuận của HTX được đánh thuế ở cấp độ HTX hoặc ở cấp dộ thành viên. Theo đó, nếu HTX phân chia lợi nhuận cho thành viên dựa trên cơ sở mức độ sử dụng dịch vụ HTX và có sự đồng ý của thành viên (gọi là lợi nhuận phân chia đủ điều kiện) thì HTX không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần lợi nhuận chia cho thành viên này. Theo luật thuế thu nhập nội bộ năm 1962 thì lợi nhuận phân chia đủ điều kiện đòi hỏi (a) có sự đồng ý của thành viên; và (b) ít nhất 20% số tiền lợi nhuận chia lại cho thành viên phải được trả bằng tiền mặt, và không nhiều hơn 80% còn lại được trả sau này. Từ đó, các thành viên phải ưả thuế thu nhập cá nhân cho 100% số tiền lãi được HTX chia cho. Mức 20% được giả thiết là thành viên cần ít nhất 20% tiền mặt để trả thuế.
Cơ quan thuế sẽ chấp nhận việc có sự đồng ý của thành viên khi rơi vào một trong ba trường hợp sau: (1) thành viên đồng ý bằng văn bản; (2) thành viên gia nhập, hoặc tiếp tục là thành viên của HTX có điều lệ quy định rằng tư cách thành viên gắn liền với sự đồng ý và thành viên đã nhận được một bản điều lệ; (3) thành viên tán thành và lĩnh séc tiền lợi nhuận phân chia với văn bản tuyên bố rõ ràng rằng việc tán thành và nhận séc là sự đồng ý chấp nhận tiền lợi nhuận phân chia này là thu nhập chịu thuế.
Nếu thành viên không đồng ý hoặc số tiền mặt trả cho thành viên không đủ 20%, thì số tiền lợi nhuận chia cho thành viên dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ HTX sẽ được xem là lợi nhuận phân chia không đủ điều kiện. Trong trường hợp này, HTX phải trả thuể thu nhập doanh thu cho phần lợi nhuận chia cho thành viên và thành viên phải trả thuế thu nhập câ nhân cho phần lợi nhuận nhận từ HTX.
Lợi nhuận của HTX mà không phân chia sẽ bị đánh thuế ở tỷ lệ thuế áp dụng cho công ty. Hơn nữa, bất cứ phần lợi nhuận nào được trả như cổ tức sẽ chịu hai lần thuế: HTX trả thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi trả cổ tức vả thành viên trả thuế thu nhập cá nhân khi nhận cổ tức.
Bộ luật Liên bang về Thu nhập Nội địa cho phép HTX thương mại sản phẩm và cung cấp vật tư đầu vào có thể được hưởng một số giảm trừ thuế bổ sung. Hai trường hợp được giảm trừ là: (1) thu nhập không đến từ dịch vụ cho thành viên (ví dụ như tiền lãi gửi ngân hàng, tiền cho thuê,…) và thu nhập này được phân phối lại cho thành viên dựa trên cơ sở mức độ sử dụng dịch vụ; (2) cổ tức được trả cho cổ phiếu. Tuy nhiên, điều kiện để được giảm trừ thuế rất khó khăn, nên hầu hết các HTX thương mại sản phẩm và cung cấp vật tư đầu vào không được giảm trừ. Ví dụ, một HTX thương mại nông sản phải thực hiện kinh doanh với khách hàng không phải thành viên ít hơn 50% tổng doanh thu HTX, hoặc HTX cung cấp vật tư đầu vào nông nghiệp không được chiếm hơn 15% doanh thu với không phải thành viên.
Tóm lại, mặc dù có một vài ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp cho HTX ở Hoa Kỳ, nhưng điều kiện để được hưởng ưu đãi khó khăn. Về cơ bản, HTX bình đẳng với doanh nghiệp về việc đóng thuế. HTX chủ yếu nhận được hỗ trợ từ nhà nước về đào tạo, khuyến nông, nghiên cứu, thông tin và tiếp cận tín dụng ưu đãi.
4. Bài học kinh nghiệm
Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam và nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ. Điều này được thể hiện qua nhiều văn kiện của Đảng, Chính phủ. Khung pháp lý cho hoạt động của HTX và chính sách ưu đãi, hỗ trợ thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phát triển HTXNN ở Việt Nam thời gian qua.
Việt Nam đã thông qua Luật HTX năm 2012 theo hướng tiếp cận với các nguyên tắc của Liên minh HTX Quốc tế. Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho HTXNN như: ưu đãi thuế, tín dụng, tiếp cận đất; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX và thành viên, hỗ trợ tiếp cận khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, áp dụng quy trình sản xuất bền vững, hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm,… Nhờ đó, thời gian qua HTXNN của Việt Nam đã có bước phát triền mới, như nhận thức về HTX thay đổi; số lượng HTXNN tăng từ 9.628 năm 2012 lên 10.026 năm 2016; nhiều mô hình HTX điển hình về tổ chức, hiệu quả hoạt động đã xuất hiện và ngày càng có xu hướng mở rộng. Tuy nhiên, HTXNN của Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế như nhiều HTXNN hoạt động yếu kém, quy mô HTX nhỏ (vốn, doanh thu, dịch vụ cung cấp, thành viên). Những hạn chế này có nguyên nhân từ bản thân nội tại của HTX, cũng như môi trường pháp lý cho tổ chức và hoạt động của HTXNN của Việt Nam.
Từ kết quả phân tích trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm từ phát triển HTXNN ở Hoa Kỳ cho Việt Nam là:
Thứ nhất, môi trường pháp lý tạo thuận lợi cho HTX lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế cùa người nông dân. Họ được tự do lựa chọn giữa loại hình HTX và doanh nghiệp cũng như thuận lợi trong việc chuyển đổi từ HTX thành doanh nghiệp. Môi trường pháp lý đảm bảo HTX được đối xử bình đẳng và phải cạnh tranh với các tác nhân thị trường khác.
Thứ hai, HTX thuận lợi trong việc thu hút vốn của nhà đầu tư và mở rộng phục vụ cho khách hàng không phải là thành viên. Điều này tạo thuận lợi cho HTX mở rộng hoạt động và tăng sức cạnh tranh với các tác nhân thị trường khác.
Thứ ba, việc cho phép nhà đầu tư tham gia HTX và phục vụ khách hàng không phải là thành viên nhưng khung pháp lý vẫn đảm bảo những nguyên tắc cơ bản của HTX là thành viên là chủ sở hữu, hưởng lợi ích của HTX và tự chủ.
Thứ tư, ưu đãi thuế của nhà nước chỉ dành cho phần lại nhuận phân chia cho thành viên theo mức độ sử dụng dịch vụ. Cách thức ưu đãi này khuyến khích HTX cung cấp dịch vụ vợi giá hợp lý cho thành viên hoặc chia phần lớn lợi nhuận cho thành viên.
Thứ năm, các quy định về ưu đãi thuế đòi hỏi HTX phải quản lý tài chính đầy đủ, công khai, minh bạch. Điều đó tạo tin tưởng cho thành viên và có căn cứ để nhà nước có thể hỗ trợ tiếp cận tín dụng.
Thứ sáu, việc cho phép thành viên chuyển nhượng cổ phần trong HTX khuyến khích thành viên phát triển HTX với mong muốn nhận được giá bán cao khi chuyển nhượng./.