Sơn La

Tiên phong trồng cây dược liệu, HTX Long Hiếu, bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên và nhiều lao động địa phương.
 
Khu nhà xưởng và khu trồng thử nghiệm cây dược liệu của HTX Long Hiếu.
Thành lập vào tháng 11/2016, ngành nghề chính của HTX Long Hiếu là sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu. Sau hơn 6 năm hoạt động, đến nay HTX có 20 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương. Hàng năm, thu mua từ 75 – 80 tấn dược liệu các loại, 2.800 – 3.000 tấn ngô, sắn, quả tươi các loại cho nhân dân trong huyện.
Đầu năm 2023, HTX đã ươm 400 nghìn cây giống phục vụ trồng 20 ha cây đẳng sâm từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, đã cung ứng hơn 100 nghìn cây giống cho trên 50 hộ ở các xã giáp trung tâm huyện.
Anh Lại Đình Hiến, Giám đốc HTX Long Hiếu, cho biết: Năm 2020, HTX trồng 1 ha cây hà thủ ô tại bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp. 2 năm sau cho thu hoạch, sản lượng đạt 6 tấn củ tươi, thu trên 350 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, HTX đã đầu tư cho 11 thành viên trồng gần 30 ha cây dược liệu, gồm các loại cây sa nhân tím, khôi nhung, cây cát sâm, gừng tại xã Nậm Lạnh, Mường Lèo. Trong đó, 20 ha gừng trồng tại xã Mường Lèo đã cho thu hoạch; còn các loại cây khác đang phát triển tốt.
Tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX đã hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm “Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, đã bán ra thị trường gần 3.000 hộp, giá bán trung bình là 300 nghìn đồng/hộp cho các cửa hàng, siêu thị trong tỉnh và các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội. 
Tham gia HTX từ những ngày đầu, anh Lò Văn Nam, bản Phỏng, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Tôi được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, quy trình chăm sóc an toàn; cách sử dụng thuốc, phân bón. Từ đó, áp dụng vào thực tế sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. Gia đình tôi trồng hơn 2 ha cây sa nhân tím dưới tán rừng và gần 1 ha cây ăn quả, năm 2022, thu gần 2 tấn quả sa nhân tươi, bán được hơn 70 triệu đồng, 3 tấn quả các loại, thu trên 30 triệu đồng. Thu nhập từ trồng dược liệu và cây ăn quả hiệu quả cao nhiều lần so với trồng ngô, sắn.
Bên cạnh đó, HTX còn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hàng năm, ủng hộ 30 triệu đồng vào các quỹ từ thiện. Đồng thời, cung cấp giống, phân bón trả chậm cho 20 hộ dân các xã Nậm Lạnh, Mường Lèo, Dồm Cang, Mường Và đầu tư trồng cây dược liệu, cây ăn quả, trị giá trên 300 triệu đồng, giúp bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
HTX Long Hiếu được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giỏi. Đồng thời, được huyện Sốp Cộp vinh danh là một trong những HTX tiêu biểu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dược liệu.

Theo vca.org.vn··

Ở nơi rẻo cao bản Yên Thi, xã Lóng Phiềng, người nông dân chỉ cần chiếc smartphone có thể thay trời “làm mưa” bất cứ lúc nào. Cũng bởi vậy, vụ nào cũng trúng mùa, cho thu cả chục tỷ đồng.

Kết thúc mùa thu hoạch mận gần một tuần nay, các thành viên của HTX Tiến Đạt ở bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La), quay lại công việc cắt tán tỉa cành, chuẩn bị cho một mùa mận mới.

Một cái chạm tay phá tan màn sương muối

Ông Trần Văn Hồng, Giám đốc HTX Tiến Đạt, cho biết, cả HTX có 8 thành viên, diện tích trồng mận khoảng 30ha. So với những HTX khác ở Yên Châu, diện tích mận tại HTX Tiến Đại không lớn, nhưng vài năm trở lại đây, năm nào cũng trúng mùa. Thu nhập của người dân ổn định, hộ trồng nhiều thu tiền tỷ mỗi năm. Mận cũng trở thành cây có thể làm giàu ở nơi rẻo cao này.

“Bí kíp để được như vậy là người nông dân có thể thay trời ‘làm mưa’ bất cứ lúc nào mình muốn bằng chiếc smartphone”, ông tiết lộ.

Theo ông Hồng, ở xã Lóng Phiêng mận hậu là cây trồng truyền thống. Thế nhưng, người nông dân trồng mận nhiều năm trước thường chịu cảnh vụ được vụ mất vì sương muối.

Hệ thống phun tưới tự động giúp phá tan sương muối ở HTX Tiến Đạt.

Bởi ở vùng núi cao này, hằng năm cứ vào thời điểm tháng 11 Dương lịch kéo dài cho tới tháng 1 năm sau, sương muối thường xuất hiện. Càng là những vườn mận được trồng trên vùng đất bằng phẳng càng bị ảnh hưởng nặng của sương muối.

“Sương chỉ xuất hiện vài tiếng đồng hồ vào thời điểm sáng sớm tinh mơ rồi tan. Nhưng như thế cũng đủ làm quả mận non bị cháy, thối rụng. Hoa và lá mận cũng không thể trụ được nếu sương muối quá dày”, ông nói.

Sương muối thường xuất hiện vào 3-4 giờ sáng. Thời tiết mùa đông giá rét, không ai có thể dậy lúc đó để tưới cây phá sương (tưới nước rửa trôi sương muối). Thế nên, nông dân chỉ biết trông chờ trời mưa cứu vườn mận.

Cách đây 3-4 năm, các thành viên của HTX xem một số chương trình nông nghiệp công nghệ cao trên mạng. Mọi người thấy mô hình tưới nước tự động nên học tập làm theo. 

Theo đó, hộ nào có kinh tế khá giả đầu tư làm hệ thống phun tưới tự động cho toàn bộ diện tích mận của mình. Những hộ ít vốn thì làm dần, tiền có đến đâu làm đến đó.

Nguồn nước được lấy từ các giếng đào trên đồi. Đường ống dây dẫn nước vắt lên thân cây, đầu phun được bố trí phù hợp với từng tán cây mận. Hệ thống tưới này được điều khiển thông qua app trên điện thoại thông minh.

Chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống này cho 1ha lên tới 50-70 triệu đồng, dùng được liên tục trong 10 năm. Đổi lại, người nông dân như ông ngồi ở đâu cũng có thể cầm điện thoại đặt lệnh tưới nước cho cả vườn rộng hàng vài ha. 

“Có hệ thống phun tưới tự động này thì nhàn. Mùa đông rét buốt, nằm trong chăn ấm người nông dân cũng có thể điều khiển hệ thống phun tưới phá đi lớp sương muối trên cây mận. Hệ thống hoạt động không khác ông trời đang trút mưa xuống”, ông khoe. 

Đến nay, 90% diện tích mận của HTX đã được lắp đặt hệ thống phun tưới tự động này. Dự kiến năm nay sẽ tiến tới lắp đặt 100%.

Mận lên 'sàn', nông dân livestream bán hàng khắp nơi

Ở HTX Tiến Đạt, không chỉ trang bị hệ thống phun tưới tự động để phá sương muối, anh Đỗ Văn Hoàng còn áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bón phân hữu cơ, cắt tỉa cành tạo tán thông thoáng. Thế nên, ngay đầu vụ, 4ha mận của gia đình anh cho thu 20 tấn mận chín sớm, giá bán từ 70.000-100.000 đồng/kg, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng. Đó là chưa tính tới lượng mận chính vụ.

Anh Hà Đức Thương, thành viên HTX Tiến Đạt cũng chọn hướng nâng cao chất lượng bằng cách chăm sóc và cắt tỉa bớt cành, bớt quả trên cây để dồn dinh dưỡng cho những quả còn lại phát triển to đều, mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn của mận hậu Ruby.

Mận thu hoạch xong được phân loại để đưa lên sàn thương mại điện tử, chợ, siêu thị tiêu thụ (Ảnh: NVCC)

Đây là loại mận có kích cỡ lớn, dao động từ 18-20 quả/kg, vỏ có màu đỏ tím, vị ngọt. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, mận này được thị trường ưa chuộng, giá bán cao gấp 2-3 lần so mận hậu thông thường, anh chia sẻ.

Theo ông Hồng, mận của HTX hiện một năm cho thu 2 vụ. Trong đó, mận trái vụ (mận sớm) cho thu hoạch từ Rằm tháng Giêng đến đầu tháng 4 Âm lịch. Tuy sản lượng mận trái vụ không cao như chính vụ nhưng giá bán tại vườn lên tới 90.000-120.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. 

“Hệ thống phun tưới tự động phá được sương muối cũng giúp vụ mận sớm có năng suất và chất lượng trái tốt hơn”, ông nói. 

Sau khi kết thúc mận sớm, nông dân sẽ chuyển qua thu hoạch mận chính vụ. Bởi, mận trái vụ ra quả từ thân (cành già), còn mận chính vụ ra ở cành non đầu ngọn nên cùng một vườn, có thể cho thu cả mận trái vụ và mận chính vụ.

Giá bán mận chính vụ tuỳ loại và tuỳ thời điểm. Với loại mận hậu Vip giá 70.000-80.000 đồng/kg, song tỷ lệ mận loại này chỉ chiếm 10-15% sản lượng. Còn mận xô từ 15.000-20.000 đồng/kg, có lúc giá chỉ 7.000 đồng/kg.

Sản lượng mận của HTX năm nay khoảng gần 600 tấn, doanh thu ước khoảng chục tỷ đồng. Trong đó, hộ gia đình nào trồng ít cũng thu được vài trăm triệu, hộ trồng nhiều cho thu tiền tỷ.

Chia sẻ về thị trường tiêu thụ, ông Hồng cho biết, năm ngoái khoảng 35% sản lượng mận của HTX được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, còn lại cung cấp cho các chợ, siêu thị… Năm nay, lượng mận tiêu thụ trên sàn giảm, nhưng các thành viên lại livestream bán hàng khắp nơi nên đầu ra tương đối ổn định. 

Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để rải vụ trong thu hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ông cho hay.

Theo vca.org.vn

Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Sơn La đã chủ động, linh hoạt, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với khai thác các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Nhiều mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trên địa bàn huyện Phù Yên ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại cánh đồng xã Huy Hạ, thật ấn tượng với hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc đang sử dụng để phục vụ các loại rau, quả, dưa lưới, dưa chuột, cà chua…

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc thành lập năm 2016, có 12 thành viên, trồng 10 ha các loại rau, củ, quả. Năm 2018, HTX triển khai mô hình sản xuất an toàn và đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng để trồng dưa lưới, đến nay đã nâng diện tích nhà màng lên 3.800 m2 trồng dưa lưới chất lượng thơm ngon được thị trường rất ưa chuộng.

Ông Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX, thông tin: Sản lượng dưa lưới của HTX đạt 60 tấn/năm, giá bình quân 45 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX  trồng 2 ha dưa KICHI 207, mướp, bắp cải, bí đao, bí thơm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Ngoài ra, còn liên kết gần 50 hộ các xã Huy Tân, Suối Bau, Kim Bon và Mường Thải trồng 40 ha rau màu. Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất, bao tiêu hơn 200 tấn rau, củ, quả… doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm.

Tại HTX Tân Thịnh Phát, bản Puôi, xã Huy Tân, vườn chuối xanh mướt trải dài tít tắp, được lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, kéo đến từng gốc chuối và béc phun hoàn toàn tự động. Trồng theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, nên mỗi cây chuối có sổ nhật ký canh tác riêng theo dõi thời gian trồng, quá trình sinh trưởng và phát triển; thời điểm bón phân, lượng phân cho từng cây, từng loại giống.

Ông Tòng Văn Đôi, Giám đốc HTX, cho biết: Cuối năm 2020, HTX nhận thầu toàn bộ 12 ha đất của bà con để trồng chuối xuất khẩu. Xác định sản xuất theo hướng bền vững, HTX đầu tư 2 tỷ đồng để ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP vào trồng chuối và đã chọn giống chuối tây Thái Lan F1, chuối già Nam Mỹ và chuối Tiêu Hồng để trồng. Sản lượng gần 800 tấn quả/năm, toàn bộ sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg, cho thu nhập 4,8 tỷ đồng/năm. Ưu điểm của ứng dụng công nghệ cao vào trồng chuối, các giống chuối nuôi cấy mô nên 5 năm mới phải thay gốc trồng lại.

Thành viên HTX Tân Thịnh Phát ghi nhật ký quy trình chăm sóc chuối theo hướng hữu cơ.

Tại HTX Tân Thịnh Phát, bản Puôi, xã Huy Tân, vườn chuối xanh mướt trải dài tít tắp, được lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, kéo đến từng gốc chuối và béc phun hoàn toàn tự động. Trồng theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, nên mỗi cây chuối có sổ nhật ký canh tác riêng theo dõi thời gian trồng, quá trình sinh trưởng và phát triển; thời điểm bón phân, lượng phân cho từng cây, từng loại giống.

Ông Tòng Văn Đôi, Giám đốc HTX, cho biết: Cuối năm 2020, HTX nhận thầu toàn bộ 12 ha đất của bà con để trồng chuối xuất khẩu. Xác định sản xuất theo hướng bền vững, HTX đầu tư 2 tỷ đồng để ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP vào trồng chuối và đã chọn giống chuối tây Thái Lan F1, chuối già Nam Mỹ và chuối Tiêu Hồng để trồng. Sản lượng gần 800 tấn quả/năm, toàn bộ sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg, cho thu nhập 4,8 tỷ đồng/năm. Ưu điểm của ứng dụng công nghệ cao vào trồng chuối, các giống chuối nuôi cấy mô nên 5 năm mới phải thay gốc trồng lại.

Ngoài chuối thành phẩm được xuất bán, các phụ phẩm thân, lá chuối được HTX tận dụng chế biến làm thức ăn cho gần 10 con bò. Chất thải chăn nuôi được quay vòng lại để bón cho cây chuối, trở thành mô hình tuần hoàn xanh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phù Yên có tổng diện tích 7.319 m2 nhà màng tại HTX Đồng Tiến, xã Mường Do; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc, xã Huy Hạ; HTX nông nghiệp Bích Hà, xã Huy Tường. Duy trì 19 ha tưới tiết kiệm cho cây ăn quả, gồm hệ thống tưới nhỏ giọt cho mô hình trồng 12 ha chuối liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Huy Tân; 2 ha mít Thái, bản Tường Quang, xã Quang Huy; 5 ha trồng cam đường canh, bản Vường, xã Tân Lang và HTX trồng cam Văn Yên, xã Mường Thải; 3 ha bưởi da xanh, xã Tân Lang và xã Mường Thải…

Phát huy vai trò của các HTX

Huyện Thuận Châu có 49 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với trên 1.000 thành viên. Nhiều hợp tác xã đã chủ động, linh hoạt, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với khai thác các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Những ngày này, tại HTX Dịch vụ tổng hợp cây ăn quả xã Liệp Tè, các thành viên đang khẩn trương thu hoạch xoài để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xoài được chọn là giống xoài tượng da xanh, trọng lượng từ 1-1,2 kg/quả, mẫu mã đẹp. Ông Lò Văn Kiểm, bản Tát Ướt, thành viên HTX, cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 ha xoài. Năm nay, thời tiết thuận lợi, xoài được mùa, dự kiến sản lượng đạt khoảng 12 tấn, được HTX đứng ra liên kết thu mua với giá 7.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái; trừ chi phí thu lãi 60 triệu đồng.

HTX Dịch vụ tổng hợp cây ăn quả xã Liệp Tè thu hoạch xoài tượng da xanh xuất khẩu.

Thành lập năm 2019, đến nay, HTX Dịch vụ tổng hợp cây ăn quả xã Liệp Tè có 70 thành viên, quy mô sản xuất là 80 ha xoài tượng da xanh, trong đó 50 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 500 tấn/vụ. Ngoài ra, các thành viên còn trồng 100 ha nhãn. Để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, HTX đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung ứng phân bón hữu cơ cho các thành viên; hướng dẫn thành viên tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ; cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên.

Anh Quàng Văn Thiên, Giám đốc HTX cho biết: Đây là năm đầu tiên, sản phẩm quả xoài của HTX được Công ty thương mại và sản xuất Khánh Thìn, huyện Mai Sơn, liên kết thu mua toàn bộ sản phẩm xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, 100 ha nhãn cũng bắt đầu cho thu hoạch; HTX sẽ liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong tỉnh khảo sát, đánh giá chất lượng quả nhãn để liên kết tiêu thụ cho các thành viên.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là thu hoạch thanh long ruột đỏ của HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha. Thời điểm này, các thành viên HTX đang tập trung chăm sóc thanh long ra hoa. Tiến hành tỉa cành chồi, tỉa hoa, mỗi cành chỉ để 1-2 hoa để hoa to, khỏe; phun thuốc chế phẩm sinh học, bón phân chùn quế hạn chế sâu bệnh 1 lần/tháng…

Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX, thông tin: HTX có 13 ha thanh long ruột đỏ trồng theo quy trình VietGAP, đã được cấp mã số vùng trồng. Sản lượng dự kiến năm nay ước đạt trên 200 tấn quả. Được Liên minh HTX tỉnh và huyện Thuận Châu quan tâm, chúng tôi đã kết nối với HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn để được hướng dẫn các quy trình chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, thành viên HTX yên tâm phát triển sản xuất.

Những năm gần đây, nông nghiệp huyện Thuận Châu có bước phát triển mạnh, chất lượng sản phẩm và thu nhập nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 4.302 ha cây ăn quả các loại; sản lượng trên 21.450 tấn quả/năm. Có 25 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 400 ha; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó 2 mã vùng trồng cây xoài, với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Dubai, Nhật Bản; 8 mã vùng trồng xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích 220 ha; 10 ha bưởi được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam; trên 300 ha chè; 17 ha cà phê; 7 ha cây ăn quả; 1 ha cây sa nhân được áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel…

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn; hỗ trợ bao bì, tem, nhãn truy xuất nguồn gốc cho các HTX, tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Triển khai hiệu quả các chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn, tổng số vốn đã giải ngân cho các HTX vay hàng tỷ đồng… Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng năng lực quản lý, kỹ năng quản trị cho đội ngũ quản lý HTX, các thành viên HTX, tổ hợp tác và những người có nhu cầu về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Bên cạnh đó, các HTX đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm quả, như: Chuỗi liên kết trồng chăm sóc và tiêu thụ chè của HTX sản xuất, kinh doanh và tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thanh long ở HTX Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha; chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm quả an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La, bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài của HTX bản Bon, xã Mường Khiêng, HTX Dịch vụ tổng hợp cây ăn quả xã Liệp Tè; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cá của HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ tổng hợp Liệp Tè; chuỗi sản phẩm an toàn cam cara ruột đỏ, nhãn ghép, mận hậu, khoai lang, khoai sọ của HTX Hưng Thịnh, xã Muổi Nọi…, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, nhiều diện tích cho thu nhập trên 100-300 triệu đồng/ha.

Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại HTX đã gắn trách nhiệm, lợi ích của doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển quy mô sản xuất lớn, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Các hộ nông dân tiếp tục đầu tư cơ giới hóa, nâng cao trình độ sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX có chính sách hỗ trợ sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm, đồng hành với nông dân trong việc chuyển giao khoa học công nghệ; đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Theo vca.org.vn

All in one
Scroll to Top