Quảng Ninh

Đầm Hà là một trong những địa phương của Quảng Ninh đi đầu trong việc tạo điều kiện phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Mặc dù huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) từng nằm trong danh sách những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ninh, thế nhưng với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể, hợp tác xã giúp người dân thoát nghèo, nhiều mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi đã giúp đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Chả mực giã tay- đặc sản Quảng Ninh
Là một trong những hợp tác xã tiêu biểu của huyện Đầm Hà, ông Hà Thanh Tiêu- Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Chế biến thực phẩm Khánh Đan cho biết, trước đây nghề chả mực chỉ xuất phát từ mô hình quy mô nhỏ theo hình thức gia đình. Tuy nhiê, sau một thời gian thử nghiệm và nhận được nhu cầu từ thị trường, gia đình đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng để sản xuất và chế biến chả cá, chả mực theo dây chuyền hiện đại.
Cùng đó, chuẩn hoá quy trình nhập nguyên liệu đến vận chuyển, bán hàng, bỏ vốn mua lại công thức chế biến nhiều sản phẩm; trong đó, sản phẩm chủ lực là chả cá, chả mực các loại từ những đầu bếp hàng đầu trong nước. Cũng chính từ việc để chuẩn hóa việc sản xuất, kinh doanh, ông Hà Thanh Tiêu đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Thương mại và Chế biến thực phẩm Khánh Đan.
Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã đã đạt sản lượng hàng chục tấn/tháng và đầu ra là mối hàng tại các chợ truyền thống; bếp ăn công nghiệp trong doanh nghiệp, trường học, hệ thống cửa hàng tại nhiều huyện, thị trong tỉnh Quảng Ninh và hệ thống thương mại điện tử trong toàn quốc. Đặc biệt, việc thành lập hợp tác xã và nâng cấp nhà xưởng sản xuất đã tạo việc làm cho hàng chục lao động; trong đó, có nhiều lao động trước đây nghề nghiệp không ổn định, thuộc hộ nghèo, nay có cuộc sống đảm bảo, kinh tế phát triển bền vững.
Ông Hà Thanh Tiêu chia sẻ thêm, mới đây, sản phẩm của hợp tác xã đã tham gia “Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Hà Nội năm 2023” được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã thu hút đông đảo người dân Thủ đô tìm hiểu và mua sắm bởi chất lượng và giá cả hợp lý.
Hơn nữa, chả mực và chả cá các loại được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cá, mực của Đầm Hà được đánh giá là rất dồi dào và tươi ngon là ưu thế lớn để có thể tạo ra sản phẩm sau chế biến đạt chất lượng nên được người tiêu dùng Quảng Ninh và các tỉnh, thành ưa chuộng.
Tương tự, trên địa bàn còn có giống gà bản địa của huyện Đầm Hà nổi tiếng thơm, ngon và được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao của địa phương. Tháng 6/2019, sản phẩm gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Tuyền Hiền đã phục tráng và nhân giống thành công trong nhiều năm qua cho hay,gà bản Đầm Hà được bà con dân tộc Hoa nuôi giữ giống từ nhiều đời, là sản vật nổi tiếng của địa phương. Để có được gà giống bố mẹ, ông phải lên tận các xã vùng cao như Quảng Lâm, Quảng An của huyện Đầm Hà, thậm chí vào tận các bản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thu gom. Hơn nữa, nhiều hộ không dám nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa vì sợ không bán được.
Tuy nhiên, kể từ khi có nhãn hiệu gà bản Đầm Hà đã thực sự giải tỏa nỗi lo của nhiều người chăn nuôi. Cùng đó, hợp tác xã đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương và liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, thời gian đầu khi mới thành lập, hợp tác xã luôn gặp khó khăn bởi giao thông, điện lưới phục vụ nuôi gà chưa được ổn định. Hơn nữa, mặt bằng để phục vụ cho việc chăn thả gà tự nhiên khi đó còn khá hạn hẹp. Tuy nhiên, sau 1 năm đi vào hoạt động, những khó khăn này đã dần được giải toả và tạo điều kiện thuận lợi để bà con 
Hiện tại, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Tuyền Hiền cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 – 250.000 con gà bản Đầm Hà giống gồm gà hoa mơ, gà râu và gà mũ. Đây đều là các giống gà đặc sản. Không chỉ cung cấp gà giống trong huyện, HTX đã mở rộng thị trường sang các địa phương khác như Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ…
Ngoài ra, gà thịt thương phẩm bán ra thị trường ước đạt 60 – 70 tấn một năm nhưng có lúc vẫn thiếu hàng. Đặc biệt, khi gà bản Đầm Hà được công nhận thương hiệu tập thể, số người đăng ký mua gà giống rất đông, đến nay đã có khoảng 200 hộ nuôi từ 1.000 – 3.000 con/hộ.

Cùng chung quan điểm vươn lên thoát nghèo, đầu năm 2019, anh Trương Thế Đô đã đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000m2 trồng dưa lưới, sau khoảng 3 tháng dưa cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5kg/quả. Mô hình thành công đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.

Với mong muốn mở rộng quy mô phát triển kinh doanh đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, tháng 9/2021 anh Đô đã cùng 6 hộ nông dân trong vùng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt. 

Đáng lưu ý, từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đã có gần 4ha diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp; trong đó, đã xây dựng 4 nhà màng, với diện tích 7.000m2. Các sản phẩm nông nghiệp đang trồng là dưa lưới, dưa baby, cà chua… theo công nghệ Israel, cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…

Đại diện UBND huyện Đầm Hà- Quảng Ninh cho biết, huyện Đầm Hà luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định của Trung ương và tỉnh.

Cụ thể như hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục đối với con hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, tiền điện và chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nhờ vậy, hiện nay toàn huyện Đầm Hà chỉ còn 18 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,16%; 126 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,13% tổng số hộ dân của địa phương.
Năm 2023, huyện phấn đấu không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,68% trở lên, hộ cận nghèo còn lại 0,45%; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% trở lên; giải quyết việc làm cho trên 1.200 lao động; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 56%; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm xuống còn 44%…

Có thể thấy, huyện Đầm Hà đã và đang phát huy thế mạnh sản phẩm nông thủy sản địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; trong đó, việc đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã rất đáng ghi nhận. Hướng đi này đã và đang giúp Đầm Hà nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, tỷ lệ giảm nghèo ngày càng thu hẹp, tiến tới trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh./.

Theo vca.org.vn

Hợp tác xã nông nghiệp Liên Hoà 3 là đơn vị kinh tế tập thể quy mô lớn, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển với nhiều bước thăng trầm. Những năm gần đây, trước thách thức lớn, HTX đã tìm ra hướng đi mới, vượt khó vươn lên, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hợp tác xã nông nghiệp Liên Hoà 3 (gọi tắt là HTX) có trụ sở chính tại thôn 8 xã Liên Hoà, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 1998, đăng ký lần 2 năm 2008 và lần 3 được cấp vào năm 2016. Hợp tác xã có trên 2.600 thành viên, quản lý 130ha (gồm 93 ha đất nông nghiệp và 27 ha đất nuôi trồng thủy sản).

Cánh đồng lúa của HTX đạt 2,5 tạ/sào

Giai đoạn đầu mới thành lập, HTX có bước phát triển vững mạnh, hoạt động hiệu quả đã góp phần vào phát triển kinh tế –  xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn xã viên, giúp xóa đói, giảm nghèo và đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, cũng như các quỹ bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động xã hội từ thiện…

Những thăng trầm đã và đang trải qua

Khi mới thành lập, HTX Liên Hòa 3 có 184ha đất nông nghiệp và khoảng 157ha đầm nuôi trồng thủy sản với hệ thống thủy lợi nội đồng, ao đầm được đầu tư đồng bộ phù hợp để phát triển canh tác lúa, trồng các loại cây rau, hoa, củ, quả và nuôi tôm, cua, cá các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2016, thị xã Quảng Yên triển khai đầu tư, xây dựng khu công nghiệp Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phong; Hợp tác xã bị thu hồi 91ha đất nông nghiệp và 128,6ha đất ao đầm (số còn lại tương ứng 93ha và 27ha).

Các khu công nghiệp hình thành đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển rực rỡ, việc làm và đời sống người dân cải thiện; tuy nhiên đối với HTX lại chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quá trình công nghiệp hóa, đất canh tác bị chia cắt, công trình thủy lợi bị phá vỡ, nhiều thửa ruộng không còn nước tưới hay đường tiêu thoát nước. Hậu quả là 61/91ha ruộng bị bỏ hoang, chỉ có 30/91ha ruộng có thể canh tác nhưng với hiệu quả thấp.

Đầm nuôi cá mới được cải tạo.

Việc nuôi thủy sản cũng trở nên khó khăn hơn do ao đầm bị xé nhỏ, môi trường nuôi thủy sản bị ô nhiễm, bà con phải dành nhiều công sức và tiền bạc để đầu tư cải tạo ao đầm, đắp bờ, xử lý môi trường…, điều này đã làm tăng cao chi phí và giảm mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX.

Giai đoạn 2016-2020, HTX nhận được khoản tiền lớn (55 tỷ đồng) từ việc đền bù đất bị thu hồi để phục vụ xây dựng các khu công nghiệp. Những tưởng số tiền này sẽ giúp đầu tư thâm canh, chuyển đổi ngành nghề nhằm nâng cao đời sống cho bà con xã viên; vậy nhưng, do năng lực quản lý của Ban lãnh đạo HTX nhiệm kỳ cũ còn hạn chế, không được đào tạo quản lý tài chính nên đã xảy ra tiêu cực, làm thất thoát nguồn vốn; đến nay vẫn chưa thu hồi được, một số lãnh đạo lâm vào vòng lao lý, khó khăn càng thêm khó khăn.

Hướng đi mới trong vượt khó cần được khuyến khích

Trước tình thế khó khăn do diện tích ruộng đầm bị thu hẹp, điều kiện canh tác không thuận tiện; Ban Giám đốc HTX đã nhiều lần họp bàn cùng các thành viên chủ chốt nhằm tìm hướng đi trong điều kiện mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho xã viên. HTX đã tiến hành tổng rà soát, đánh giá lại toàn bộ ruộng, đầm còn lại và lập kế hoạch, triển khai đầu tư, trong đó ưu tiên nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực HTX có thế mạnh.

Khu đầm đất (rộng 5,68ha) nằm sát khu công nghiệp Nam Tiền Phong, vị trí được cho là “Đắc địa”, đất trũng, một mặt giáp biển, nước biển ra vào tự nhiên đem theo nhiều phù du sinh vật, rất thuận tiện nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên do ảnh hưởng các công trình xây dựng khu công nghiệp, nhiều năm khu vực này phải bỏ hoang hoặc nuôi thủy sản kém hiệu quả. HTX đã tiến hành cải tạo đầm, đắp bờ để nuôi trồng và sơ chế thủy sản.

Do nhu cầu cấp bách về phát triển sản xuất, việc làm và được xã viên ủng hộ nên công việc đầu tư diễn ra rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, khu đầm 5,8ha tại đây đã được cải tạo theo hướng hiện đại gồm các đầm, hệ thống cống lấy nước và bờ đầm đắp cao đảm bảo phòng chống lụt bão cùng các nhà tạm phục vụ quản lý, sân tập kết thức ăn, khu sơ chế hàu…

Ông Vũ Văn Quỵnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Liên Hòa 3 cho biết: Chúng tôi đã tập trung nguồn vốn tự có của xã viên và vay mượn thêm để đầu tư 2 khu đầm này. Do là vùng đất trũng lại nằm ngay khu cửa biển, chịu tác động dữ dội của triều cường và bão tố nên phải tính toán đắp bờ lớn, xây dựng nhà tạm chắc chắn, với nguồn vốn đổ vào cũng rất nhiều.

Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên và UBND xã Tiền Phong cũng đã chấp thuận cho chúng tôi cải tạo đầm, đắp bờ ngăn, làm mái tôn cạnh nhà chòi trông đầm để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Vì đây là khu vực thuộc quy hoạch làm khu công nghiệp, nên trước khi xây dựng, cải tạo đầm, HTX đã ký cam kết về không đòi tiền đền bù công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định.

Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh thâm canh, canh tác, phát tiển nuôi cua trong thùng nhựa thả đầm và phát triển dịch vụ sơ chế thủy sản (trước mắt là bóc tách vỏ hàu) để giải quyết việc làm và thu nhập cho bà con mỗi tháng đạt khoảng 10 triệu đồng/người như hiện nay.

Đến thăm, khu vực đầm của HTX, dù các công trình xây dựng còn rất mới, kè đầm vừa mới cải tạo, nhưng dưới đầm đã có rất nhiều các loại cá, cua tung tăng bơi lội, chen chúc nhau trên mặt nước đón nhận thức ăn của của người nuôi trồng thả xuống.

Ông Đào Văn Bình xã viên HTX, quản lý 2 đầm cá không giấu nổi xúc động, cho biết: Do diện tích đầm hạn hẹp nên chúng tôi đã áp dụng nuôi xen canh, kết hợp các loại cá như: cá tráp vây vàng, cá dìa, tôm, cua… ở cả 3 tầng nước đảm bảo phù hợp với sinh tồn và phát triển của từng loại. Mô hình này đang phát huy hiệu quả, cua cá cộng sinh phát triển rất nhanh, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động với thu nhập bước đầu đạt 9 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế, điều kiện sản xuất kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn do đất đai bị thu hẹp, người lao động (xã viên HTX) đa phần tuổi cao, không có bằng cấp hay nghề nghiệp khác (chủ yếu là lao động phổ thông), tài chính eo hẹp…, phần lớn đất đai bị thu hồi để phục vụ phát triển công nghiệp địa phương… việc Ban Giám đốc HTX cùng bà con xã viên đầu tư sản xuất (đúng mục đích sử dụng đất) trên những thửa đất được giao là việc làm cần khuyến khích; các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa để người dân yên tâm sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Theo vca.org.vn

All in one
Scroll to Top