Hòa Bình

Thời gian qua, Hợp tác xã Dịch vụ và Phát triển nông lâm nghiệp nông thôn Tùng Dương, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (HTX Tùng Dương) triển khai hiệu quả mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
 
Người dân xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) nâng cao thu nhập từ mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Ông Đinh Long Dương, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX hiện có 30 thành viên, trong đó 25 thành viên trong hệ thống và 5 thành viên liên kết. HTX thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao hơn; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu, đặc biệt là vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của HTX và các hộ dân tham gia hợp tác. HTX đã xây dựng mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” từ năm 2019.
 
Đến nay, HTX Tùng Dương đã xây dựng thành công 3 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với với các đối tác. Trong đó có “Chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối”. Nắm bắt nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, vụ ngô 2019 – 2020, HTX đã ký kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối với Công ty T&T 159. Diện tích sản xuất thí điểm ở vụ ngô này là 16 ha tại xã Mỹ Hòa. Kết quả, tổng sản lượng đã đạt 560 tấn/vụ, tổng doanh thu đạt 672 triệu đồng; trung bình đạt 42 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế tăng 1,5 lần so với trồng ngô truyền thống nhưng thời gia thu hoạch giảm 1/3. Sản phẩm của HTX đã được các công ty chăn nuôi và các trại bò trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận biết đến.
 
Từ sự thành công của mô hình, từ năm 2021 đến nay, HTX đã ký hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối thường xuyên với Công ty T&T 159; Công ty Cổ phần Fai Group Lạc Thủy; Công ty Cổ phần Bò sữa Mộc Châu – Sơn La… Năm 2021 đã sản xuất, tiêu thụ trên 3.000 tấn, doanh thu đạt 3 tỷ đồng; năm 2022 sản xuất, tiêu thụ trên 4.500 tấn, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng và 6 tháng năm 2023 sản xuất, tiêu thụ trên 1.300 tấn, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng. Mô hình tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho các hộ tham gia vào chuỗi liên kết.
 
Đối với chuỗi liên kết sản xuất mía, năm 2022, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Tiến Ngân và Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA xuất khẩu 49 tấn mía trắng đã qua sơ chế sang thị trường EU. Năm 2023, HTX xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô khoảng 20 ha. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ thông tin tỉnh, HTX xây dựng 2 vùng bảo tồn gen mía tím và mía trắng F1-34 bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đến năm 2023 có 15 ha mía giống F1 cho vùng nguyên liệu 150 ha của huyện Tân Lạc.
 
Với những kết quả đã đạt được, năm 2020 HTX được Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh tặng giấy khen và đạt danh hiệu HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh. Năm 2021, HTX được tặng giấy khen của Sở NN&PTNT với thành tích xuất sắc trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện thành công mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, đặc biệt là chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối đã giúp hàng trăm hộ dân chuyển từ ngô lấy hạt sang ngô sinh khối đem lại doanh thu 3 – 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt từ 2 – 3 tỷ đồng. Mô hình của HTX đã góp phần bảo tồn gen mía tím, mía trắng F1-34 và cung cấp giống chất lượng cao cho vùng mía nguyên liệu xuất khẩu của huyện Tân Lạc nói riêng và tỉnh nói chung. Từ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định 4 – 5 triệu đồng/tháng cho hàng trăm lao động, trong đó lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm 30%. Hiện nay, chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối đã lan tỏa ra các huyện Cao Phong 100 ha, Lạc Sơn 40 ha, Yên Thủy 28 ha, Kim Bôi 10 ha,.. góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
 

Theo vca.org.vn

Tận dụng lợi thế của địa bàn xã Đoàn Kết (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) có diện tích rừng lớn với nhiều loại hoa đa dạng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương, HTX Dịch vụ và xây dựng nông nghiệp Đại Lợi đã và đang thu được những thành quả “ngọt ngào” từ nghề nuôi ong lấy mật.

Trời đã gần trưa, tại trụ sở HTX Đại Lợi ở xóm Cửa Lũy, một số thành viên HTX vẫn cẩn thận đong rót hàng chục lít mật ong vào các hũ thủy tinh xinh xắn, chuẩn bị cho chuyến hàng giao cho một đại lý ở Hà Nội.

Một thành viên cho biết, bên cạnh lượng mật ong lớn đóng can hàng chục lít, sản phẩm mật ong của HTX cũng được chia nhỏ vào những hũ thủy tinh có gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc đầy đủ, mang thương hiệu Đại Lợi – Mật ong Đoàn Kết.

Chi phí thấp, lợi nhuận cao

Theo Giám đốc Bùi Văn Nhiện, vụ vừa qua, toàn HTX với 700 đàn ong thu được khoảng 3.000 lít mật, giá bán buôn 170.000 đồng/lít, bán lẻ 260.000 đồng/lít. Năm 2022, HTX thu được khoảng gần 650 triệu đồng tiền bán mật ong, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng.

HTX Đại Lợi có quy mô nuôi 700 đàn ong, mang lại thu nhập đáng kể cho các thành viên, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Tất cả các thành viên HTX đều phấn khởi, bởi từ khi tham gia hoạt động sản xuất theo mô hình HTX, họ đã đạt được nhiều lợi ích từ việc được hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật nuôi ong giúp nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi.  

“Chúng tôi được hỗ trợ tập huấn, học hỏi trao đổi kinh nghiệm nuôi ong, thống nhất cách nuôi ong đạt chất lượng mật ngon, hiệu quả nuôi tốt hơn trước. Nhà tôi có 100 đàn ong, mỗi năm cho 800 lít mật, trừ chi phí đầu tư thùng gỗ, cầu, trang thiết bị bảo hộ…, mỗi năm thu gần 100 triệu đồng”, ông Bùi Văn Quỳnh, xóm Đồng Lạc, vào HTX ngay từ ngày đầu thành lập, chia sẻ.

Tên tuổi sản phẩm mật ong của HTX Đại Lợi được khẳng định, có nhãn mác rõ ràng, tem truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm mật ong của HTX được chứng nhận đạt OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, nhờ đó giá trị tăng lên, giá bán buôn cũng như bán lẻ mật ong được cải thiện rõ rệt.

“Nếu như trước đây chưa vào HTX, gia đình tôi bán lẻ mật ong cho khách có lúc thuận song cũng có lúc chật vật, bởi khách quen thì biết rõ chất lượng, khách lạ đôi khi còn nghi ngại sản phẩm không biết có chuẩn hay không.

Nay thì sản phẩm của các thành viên HTX được sản xuất đồng loạt cùng một tiêu chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, nhờ thế giá bán cũng tăng cao hơn. Trước, thương lái mua buôn mật ong nhà tôi với giá chỉ 150.000 đồng/lít, nay nhờ có thương hiệu nên họ chấp nhận mua với giá 170.000 đồng”, ông Quỳnh vui vẻ nói.

Tại khu vườn nhà ở xóm Nam Thái có 50 thùng nuôi ong, Phó Giám đốc HTX Bùi Văn Phụ nhẹ nhàng mở nắp thùng để kiểm tra “sức khỏe” đàn ong. Ông Phụ bảo, nghề nuôi ong không khó, chỉ khó với người không hiểu đặc điểm sinh học, tập quán của con ong. Nuôi ong cũng không phải đầu tư quá nhiều, chỉ cần khoảng 200.000 đồng là có thể sở hữu một “ngôi nhà” cho đàn ong, bên trong là hệ thống các chân tầng được thiết kế nhân tạo, thuận lợi cho bầy ong tạo mật, làm tổ. Các thùng ong được đặt ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, các cửa lỗ ra vào được thiết kế nhỏ gọn chỉ để ong chui vừa, phòng thiên địch xâm nhập.

Tất cả 700 đàn ong của HTX được nuôi hoàn toàn theo phương pháp tự nhiên, nương theo quy luật sinh trưởng của ong mà hỗ trợ ong sinh tồn, thu mật. Thời kỳ nghỉ đông, thức ăn tự nhiên khan hiếm, lượng phấn hoa và mật ong – sản phẩm của bầy ong dự trữ, quay ngược trở lại nuôi chính đàn ong.

Tại HTX Đại Lợi, người nuôi ong chỉ hỗ trợ pha loãng mật với nước sạch theo một tỷ lệ nhất định để tránh trường hợp mật đặc sánh quá làm dính cánh ong, ngoài ra người nuôi không cho ong ăn thêm bất cứ thức ăn nào khác.

Quá trình nuôi ong tự nhiên cùng với việc khai thác thận trọng, mật ong sau khi thu hoạch được lọc sạch và sử dụng máy hạ thủy phần để tách bớt nước ra khỏi mật. Chính vì vậy, sản phẩm mật ong do HTX cung ứng luôn vàng óng, sánh và có vị ngọt thanh, để lâu không bị chuyển màu thâm đen.

“Cứ nói là nuôi ong lấy mật nhưng thực chất có phải nuôi đâu, mà ong tự làm ra mật lại quay vòng nuôi chính nó trong những tháng nghỉ đông đấy chứ. Đúng ra là con ong đang cho “mật ngọt” nuôi lại người chăm ong!”, ông Nhiện đùa vui.

Ông Nhiện cho hay, nếu nuôi ong mà nói lợi nhuận không cao thì không biết nuôi con gì có thể cao hơn nữa? Bình quân lợi nhuận đem lại từ nuôi ong có thể đạt tới 50-60% sau khi đã trừ hết các khoản chi.

Thành công nhờ “ăn ngủ” với con ong

Tuy nhiên, cũng theo ông Nhiện, làm nghề này muốn thành công, người nuôi ong phải “ăn ngủ” với con ong. Mùa hè thì phải để ý che chắn giữ cho “nhà” của ong không bị nóng quá, phải thoáng mát sạch sẽ. Đông đến thì phải che kín gió không để ong nhiễm lạnh. Các cửa ra vào phải được thiết kế phù hợp, tránh bị thiên địch xâm nhập. Đặc biệt, phải chú ý canh chừng ong rừng thâm nhập vào “gây chiến”, phá đàn.

“Nói chung cũng phải bỏ tâm huyết để chăm chút mới thu được “mật ngọt”, ông Nhiện chia sẻ.

Kinh nghiệm nuôi ong gần chục năm của ông Phụ cho thấy, lượng mật nhiều hay ít, chất lượng ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào con ong chúa. Con ong chúa to khỏe, sáng màu thường sinh sản tốt. Ong chúa khỏe sẽ tạo đàn ong khỏe, từ đó cho sản lượng, chất lượng mật tốt. Một người nuôi ong giỏi được đánh giá là người nhân bản được đàn ong với số lượng lớn hoặc gây đàn nhỏ nhưng sản lượng mật thu lại được nhiểu.

Ông Bùi Văn Chung, xóm Mền Liên Kết, thành viên nuôi nhiều ong nhất HTX cho biết, nhà ông có 200 đàn ong, bình quân mỗi năm cho sản lượng 1.700 lít mật, doanh thu đạt 300 triệu đồng. Trong một năm, số lượng ong biến động tương đối lớn tùy theo sức khỏe, tỷ lệ chết của ong hết vòng đời và tỷ lệ sinh ra của ong mới. Trung bình tuổi thọ – tức một vòng đời của một con ong chúa là 4 năm, với ong thợ là 2 tháng.

Ông Chung chia sẻ kinh nghiệm nuôi: “Với phương thức nuôi ong lấy mật, người nuôi ong phải biết chọn lọc con ong chúa tốt, cứ 6 tháng thay con chúa một lần để đảm bảo chất lượng sinh sản đạt hiệu suất cao”.

Nói về kỹ thuật khai thác mật, ông Phụ cho biết, con ong có tính bảo vệ mật rất cao, nên đến thời kỳ mật vít nắp, muốn khai thác, người nuôi ong phải khéo léo, nhẹ nhàng, tránh gây va chạm mạnh, gây sốc cho đàn ong.  

Lượng mật khai thác phụ thuộc vào chất lượng đàn ong và thời điểm khai thác. Vào mùa cao điểm, khi đàn khỏe, trong mỗi thùng, người nuôi để 5-6 chân tầng. Trung bình, sau khoảng 10 ngày sẽ cho một lượt quay mật, lượng mật khoảng 1,5 – 2 lít. Mùa ít hoa, ong được nghỉ dưỡng, mỗi thùng chỉ để 1-2 chân tầng và không khai thác mật.

Những năm qua, nhờ được tập huấn tốt về kỹ thuật chăm sóc cộng với kinh nghiệm nuôi ong nhiều năm nên đàn ong của các thành viên HTX đều đạt chất lượng tốt, không bị dịch bệnh nghiêm trọng, nhờ đó lượng hao hụt rất ít.

Ông Nhiện chia sẻ, thời gian tới, HTX tiếp tục quan tâm phát triển đàn, chú trọng phát triển thương hiệu, tiến tới mở rộng thị trường. Mới đây, một doanh nghiệp dược tại Hải Dương đã về thăm vườn nuôi ong của HTX và có dự định sẽ ký hợp đồng thu mua mật làm nguyên liệu chế biến thuốc. Kỳ vọng đây là một kênh tốt cho HTX trong việc hỗ trợ các thành viên bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, HTX cũng cử người đi chào hàng, mở rộng kênh bán lẻ tại các tỉnh thành. Đặc biệt, kênh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Tiktok… được HTX ưu tiên, nhiều bạn trẻ trong các hộ thành viên đang hỗ trợ đắc lực trong việc bán sản phẩm của gia đình thông qua những kênh này.

“Quan điểm của HTX là cứ làm đúng, làm thật, chất lượng tốt thì người tiêu dùng sẽ đón nhận, từ đó tạo đà mở rộng quy mô hơn cho HTX, tăng thành viên, cũng tạo điều kiện tăng thu nhập và lợi nhuận lớn cho người nuôi ong đúng như kỳ vọng ngay trong tên gọi của HTX”, ông Nhiện bày tỏ.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Những chuỗi liên kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú và các doanh nghiệp đã góp phần giúp hàng nghìn người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Mường, Thái sinh sống trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Có được thành công này là do Giám đốc HTX Nguyễn Thị Bảy chủ động tìm kiếm đối tác, bắt tay với các doanh nghiệp tạo hàng loạt chuỗi liên kết. Chị Bảy đã đứng ra làm cầu nối, từ đó người nông dân và doanh nghiệp có “tiếng nói chung”, an tâm hợp tác mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Thoát nghèo nhờ nghề “tay trái”

Tại tổ mây tre đan thuộc xã Thanh Hối, gần 20 chị em phụ nữ, người cao tuổi đang mải miết đan những chiếc giỏ, lồng đèn bằng cỏ tranh để kịp chuyến hàng xuất đi Nhật.

Chị Bùi Thị Thanh, nhà tại xóm Bảo, là thành viên HTX, từng là hộ nghèo cho biết, chị tham gia HTX được hơn 5 năm. Trước kia, gia đình chị thuần túy làm nông nghiệp, bản thân chị là lao động chính, năm thì được mùa nhưng giá rẻ, có năm gặp thời tiết khắc nghiệt bị mất mùa, cuộc sống bấp bênh, gia đình chẳng lúc nào được dư dả.

“Từ ngày tham gia tổ đan lát, nhà tôi có đồng ra đồng vào, cuộc sống cũng đỡ cơ cực. Bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Tháng cao điểm, làm nhiều có khi được 7-8 triệu. Tôi làm chậm, chứ tổ này có người làm nhanh, giỏi có tháng thu nhập được chục triệu”, chị Thanh kể.

HTX Lương Phú được thành lập từ năm 2013, đến nay có 13 thành viên. HTX chuyên cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào, dịch vụ dự báo dịch bệnh trên cây trồng, dịch vụ bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm nông sản của thành viên và các hộ liên kết…, nhưng thế mạnh của HTX là mảng đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để xuất bán đi thị trường nước ngoài.

Người có công đưa nghề thủ công mỹ nghệ về cho các thành viên cũng như người dân ở huyện Tân Lạc chính là chị Nguyễn Thị Bảy – Giám đốc HTX Lương Phú.

Mặc dù HTX thành lập mới được 10 năm nhưng gần 20 năm qua, chị Bảy đã tự nhận khoán các sản phẩm của công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ về giao việc cho bà con nông dân.

Đau đáu với những nỗi vất vả của người nông dân tại địa phương, chị Bảy luôn vận động, mày mò tìm sản phẩm phù hợp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho các thành viên và hộ liên kết.

Cùng thời điểm này năm ngoái, hàng mây tre đan xuất khẩu sang Nhật bán rất chạy. Có tháng cao điểm, HTX xuất bán tới 40.000 sản phẩm, doanh số đạt 900 triệu đồng, lợi nhuận đạt 240 triệu đồng.

Quy trình tham gia đan lát cho HTX rất đơn giản, người dân nếu có nhu cầu có thể tham gia làm thành viên HTX, được HTX giao việc theo đó hưởng theo năng suất lao động. Hoặc những hộ dân không thuộc tổ chức HTX muốn đan thuê lấy công có thể nhận hàng về tự làm tại nhà.

Nhiều người không biết nghề, sau một thời gian được HTX hướng dẫn đã làm thành thục. Một số người ban đầu đến với đan lát chỉ là nghề tay trái, nhưng tháng thu nhập cũng được 6-8 triệu đồng, từ nghề phụ trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình.

Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động

Nhiều hộ khấm khá lên từ đan lát. Ai có nhu cầu làm được HTX cũng cấp khung, vật tư đầu vào và chỉ bảo kỹ lưỡng cách thức tạo ra một sản phẩm

Cùng với các thành viên, các hộ nông dân trong vùng cũng muốn tham gia công việc. Thời điểm hàng hóa bán chạy, có tới hơn 1.000 lao động trên địa bàn huyện Tân Lạc tham gia làm thuê cho HTX.

Hoạt động đan lát vừa giúp các hộ dân phát triển kinh tế, cũng góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình bà Bùi Thị Nhịn, xóm Nen xã Thanh Hối, hoàn cảnh éo leo, con bà mất sớm để lại hai cháu nhỏ đang tuổi ăn học. Dù tuổi cao sức yếu, hàng ngày bà vẫn nhận thêm việc về đan lát, bình quân mỗi tháng có thu nhập khoảng 3,5 – 4 triệu đồng.

Trước đây, HTX thường dùng mây, tre, nứa, giang, bèo, song, guột… làm nguyên liệu đan hàng, hiệu quả kinh tế cũng cao. Để tăng độ bền cho thành phẩm, sau khi hoàn tất mọi công đoạn thường đưa vào lò sấy bằng diêm sinh. Sản phẩm bền, đẹp nhưng diêm sinh là chất độc hại, làm lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Sau này, qua quá trình tìm kiếm, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Bảy đã gặp đối tác có nhu cầu xuất khẩu hàng đan lát bằng cỏ tranh và chị đã liên kết với doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất thân thiện với môi trường. Sản phẩm làm bằng cỏ tranh sau khi hoàn thiện chỉ cần sấy ở nhiệt độ trên 50 độ C, không cần dùng diêm sinh xử lý.

Chị Bảy cho biết, năm 2020, HTX bắt đầu đan lát bằng vật liệu mới – cỏ tranh. Hành trình này khá gian nan, nguyên liệu mới phải đào tạo lại cho người dân, nhiều người không biết làm sản phẩm, tỷ lệ loại bỏ rất cao.

“Thời điểm đó, 10 sản phẩm hỏng tới 6-7 cái, những vật dụng đan bằng cỏ tranh lỗi hỏng chẳng bán được cho ai, tôi buộc lòng phải chất đống đem đốt. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, số hàng bị thiêu hủy quy ra tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Nhìn ngọn lửa cháy rừng rực mà lòng dạ xót xa, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, mà động viên, hướng dẫn kỹ lưỡng cho bà con. Sau một thời gian vượt khó, công việc cũng vào khuôn khổ, sản xuất hàng hóa bắt đầu ổn định, hàng hỏng lỗi chỉ chiếm tỷ lệ 3-5%”, chị Bảy kể.

Bình quân mỗi năm, doanh số do nghề đan lát xuất khẩu mang lại khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy thoái, ngành nghề xuất khẩu bị ảnh hưởng, xuất bán chậm hơn hẳn.

Tháng 9 năm ngoái, đơn hàng đạt cao điểm, chỉ trong vòng một tháng, HTX xuất đi 3 container hàng, giá trị 900 triệu đồng. Tháng 9 năm nay, doanh thu chỉ đạt khoảng 250 triệu đồng, chưa bằng 1/3.

Tiên phong đưa cây nha đam về Hòa Bình

Sự khó khăn của thị trường khiến chị Bảy cùng ban quản trị HTX luôn trăn trở trong việc tính toán tạo việc làm cho thành viên. Tiếp tục mày mò nghiên cứu thị trường, chị phát hiện cây nha đam có rất nhiều công dụng có thể dùng làm dược liệu, thực phẩm, làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm… Hơn nữa, cây nha đam thích hợp với khí hậu miền núi, đất đồi có dộ dốc thoải. Một lần nữa, chị lại lặn lội đi tìm đối tác chất lượng.

“Ban đầu, khi chuẩn bị làm, rất nhiều người gàn tôi rằng nha đam chưa ai trồng, cẩn thận không bỏ bao tiền vào thất bại là mất hết. Nhưng tôi đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng về tính năng công dụng, cách thức chăm bón và trồng cây nha đam. Đặc biệt tiềm năng kinh tế của loại cây này rất lớn”, chị cho biết.

Công ty BIOBIEE Việt Pháp – đơn vị ký liên kết với HTX đã sản xuất ra rất nhiều loại sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường như: thạch nha đam, nước sát khuẩn, sữa tắm trẻ em, nước giặt, nước lau sàn, nước rửa chén, nước rửa bồn cầu, xịt nội thất ô tô…, nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu của công ty rất lớn.

Từ cuối năm 2022 đến nay, chị Bảy quyết định “bắt tay” với doanh nghiệp trở thành người đầu tiên đem cây nha đam về trồng trên đất Hòa Bình. Công ty cam kết hỗ trợ 60% giá trị cây giống cho bà con và ký hợp đồng bao tiêu ổn định trong 4 năm.

“Tôi xác định, bất cứ ngành hàng nào trong thời gian đầu mới đưa vào thử nghiệm cũng không tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn tính rủi ro cao, nhưng nếu cứ sợ mạo hiểm không thử thì làm sao biết được”, chị Bảy nói.

Sau gần một năm trồng thử và xuất bán cây nha đam, hiệu quả kinh tế thu được tương đối khả quan. Các thành viên và hộ liên kết tích cực tham gia trồng. Theo chị Bảy, cái hay của việc trồng cây nha đam chính ở chỗ đây là loại cây có sức kháng bệnh khá tốt. Một cây trồng mới khoảng một năm bắt đầu cho thu hoạch. HTX nhập cây nhỡ về trồng để rút ngắn giai đoạn.

Bình quân khoảng 30-35 ngày, cây cho thu hoạch một lượt, một năm có thể cho 6-8 lượt thu, liên tục trong vòng 4 năm. Ban đầu, thân cây là dạng thảo mộc, sau 4 năm thân chuyển sang thể gỗ.

Hiện, HTX có 10 ha thử nghiệm chuyên canh cây nha đam, 20 hộ tham gia trồng. Các hộ tham gia trồng nha đam được hướng dẫn về kỹ thuật chăm bón, cách phòng trừ dịch bệnh, trừ sâu hại nên hoạt động trồng thử nghiệm diễn ra tương đối thuận lợi, bước đầu tạo nguồn thu cho nông dân.

Tính đến thời điểm này, nha đam đã cho thu hoạch 4 lượt với lượt sau tăng cao hơn lượt trước. Bình quân mỗi ha đợt 1 thu được 20 tấn, đợt 2 thu 25 tấn, đợt 3 thu 40 tấn, đợt 4 thu 55 tấn. Với giá thu mua cho bà con 2.400 đồng/kg như hiện tại, qua 4 đợt tổng số tiền thu được khoảng 27 triệu đồng trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 7-8 triệu đồng.

Chị Bủi Thị Lý – thành viên HTX cho biết: “Tôi tham gia trồng thử nghiệm cây nha đam ngay từ những ngày đầu tiên. Quy trình trồng không quá phức tạp, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về cách thức chăm sóc”.

Điểm đặc biệt của cây nha đam là giống khỏe, kháng bệnh tốt không cần dùng thuốc trừ sâu. Phân bón được bà con dùng tới 90% tỷ lệ phân chuồng ủ hoai mục được xử lý thông qua chế phẩm sinh học để kích bộ rễ khỏe.

Để diệt nấm, bà con cũng được hướng dẫn dùng loại thuốc sinh học. So với các loại cây trồng khác, cây nha đam khiến các thành viên HTX yên tâm vì hiệu quả kinh tế cũng như cách chăm sóc, không lo độc hại đến sức khỏe người trồng.

Thử nghiệm bước đầu thành công, hiện HTX được công ty ủy quyền ký kết với các cộng tác viên phát triển vùng trồng tại Hòa Bình.

Trong tương lai, HTX xác định cây nha đam sẽ là hướng đi mới, một trong những loại cây chủ lực phát triển kinh tế của HTX. Nếu thuận lợi, năm tới HTX sẽ mở rộng 30 ha trồng nha đam tại huyện Tân Lạc và mong muốn xây dựng nhà máy chế biến để tăng giá trị sản phẩm, tạo thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân.

Việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho các thành viên, mà còn với cả các hộ liên kết, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Những hướng đi đúng đắn đã mang về doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/năm cho HTX, năm nay doanh số ước đạt khoảng 3 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân đạt khoảng 150- 200 triệu đồng, tạo thu nhập cho các thành viên đạt khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Việc chủ động bắt tay với doanh nghiệp đã góp phần giải quyết nỗi lo bao năm của các thành viên và nông dân trên địa bàn huyện Tân Lạc về vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai, giá thế nào? Đây là hướng đi tất yếu, tạo thành quả vững chắc, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp nâng cao đời sống cho thành viên HTX, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số Mường, Thái ngay tại địa phương.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Cách nghĩ, cách làm của của nữ “thuyền trưởng” Nguyễn Thị Bình đã góp phần đưa HTX nông nghiệp Bản Dao (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) tiếp cận với hướng đi mới trong lao động sản xuất, giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số người Mường, Dao, Thái.

Ở cái tuổi được quyền nghỉ ngơi, bà Bình vẫn “ép” mình lăn lộn với thương trường, càng làm càng đam mê. Bà không làm cho bản thân, cho gia đình mà lo sinh kế cho gần 90 thành viên HTX trên địa bàn TP Hòa Bình.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Bản Dao Nguyễn Thị Bình đam mê với HTX, làm nông nghiệp sạch.

Các tính năng của Zalo, Fabook, TikTok, email…, chẳng thứ gì lớp trẻ sử dụng thành thạo mà bà “chịu đầu hàng”. Luôn học hỏi, sáng tạo, cập nhật thông tin tri thức khiến bà trông trẻ hơn tới hàng chục tuổi so với thực tế.

Chính tư duy nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng công nghệ đã giúp vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc “gừng càng già càng cay” sau 18 năm dẫn dắt thành công HTX.

Giải cứu cây sả – cứu nguy cho thành viên

Bà Bình tham gia HTX với vai trò kế toán viên từ thời làm việc theo hiệu lệnh “gõ kẻng”, chấm công nhật, vắt qua thời kỳ đổi mới với mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX 2012.

Theo đó, năm 2015, bà đã áp dụng Luật HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật 2012 vào HTX Nông nghiệp Bản Dao. Tuy vậy, với bản tính thận trọng, tỷ mỉ của một người từng làm kế toán, bà bỏ ra 2 năm chỉ để nghiên cứu thị trường, mày mò phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, sẵn sàng tâm thế trở thành người dẫn dắt HTX sao cho xứng đáng.

Thời điểm này cũng là lúc TP Hòa Bình đang có phong trào trồng sả. Diện tích sả trên địa bàn khoảng 200 ha, và xã Thống Nhất là địa phương phát triển khá mạnh. Hưởng ứng phong trào, các thành viên trong HTX nô nức rủ nhau cùng trồng. Mỗi cân sả có giá bán 12.000 – 14.000 đồng/kg, những tưởng mức giá này sẽ mang lại sự giàu có bền lâu cho mọi nhà.

Tuy nhiên, cung cầu thị trường luôn có quy luật khách quan, cái giá sả cao ngất ngưởng đó chỉ kéo dài được vài ba năm. Năm 2017- 2018, giá sả tụt dốc không phanh chỉ còn 2.000 đồng/kg, mà có lúc chẳng ai ngó ngàng thu mua.

Như bao người trồng sả khác tại thành phố, các thành viên HTX Bản Dao hoàn toàn “sốc” tâm lý, mất niềm tin vào thị trường, không ít người “thối chí”, muốn bỏ cuộc.

Trước những áp lực lớn, bà Bình cùng Ban quản trị HTX phải loay hoay tính phương án giải quyết bài toán làm sao tiêu thụ hết hàng ngàn tấn sả/vụ cho bà con?

Sau bao đêm trăn trở, thao thức vắt óc suy nghĩ, bà đi thực tế nhiều nơi tìm hiểu mô hình kinh tế phát triển cây sả tại nhiều địa phương, tìm hiểu phương thức vận hành.

Cuối cùng, bà cũng tìm ra lối thoát cho HTX: Để thu gom tiêu thụ hết cây sả cho thành viên, chỉ còn một cách duy nhất đó là tìm cách bảo quản hàng hóa rồi tiêu thụ bằng mọi hình thức, biến mặt hàng tươi thành hàng qua chế biến để được lâu dài với công dụng đa năng

Theo đó, bà đến thị trấn Xuân Mai (Hà Nội), huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình) tìm hiểu hệ thống dây chuyền chuyên chiết xuất tinh dầu sả.

Tính toán, lựa chọn, bà quyết định đem nguyên liệu của HTX đi thuê cơ sở chiết xuất tinh dầu. Trừ chi phí vận chuyển, chi phí thuê chiết xuất, lợi nhuận còn lại rất thấp nhưng lại giải quyết hết hàng tồn đọng cho các thành viên, nên bà chấp nhận giải pháp trước mắt này.

Cân gom xe hàng sả đầu tiên, thành viên ai nấy vui phát khóc bởi đã “bán hết hàng” và mừng là HTX đã kịp thời “ló ra” phương án giải quyết đầu ra hay.

Trong hơn một năm trời, bà Bình luôn áp tải xe chở sả đến cơ sở chiết xuất. Rồi, bà chia sẻ với Chủ tịch Hội phụ nữ: “Cứ mãi thế này sẽ không ổn”.

Vậy là bà thiết kế ý tưởng cũng là phương pháp giải cứu: trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường.

Ý tưởng này sau đó đã đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, được nhận thưởng 150 triệu đồng từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trực tiếp được Hội phụ nữ các cấp tỉnh Hòa Bình chỉ đạo triển khai.

Từ thành công đó, năm 2019-2020, bà bắt tay xây xưởng chiết xuất tinh dầu sả của chính HTX, đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây sả, in nhãn, làm bao bì sản phẩm…

Các thương lái thấy HTX Bản Dao có dây chuyền chưng cất tinh dầu, ngay lập tức tăng giá thu mua nguyên liệu thô, theo đó giá sả của các thành viên cũng được nâng lên.

Năm 2020, Ban quản trị HTX cùng các thành viên hoạt động hết công suất. Sản phẩm tinh dầu xả của HTX đạt giải “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”.  

Năm 2021, HTX Bản Dao tiếp tục sản xuất tinh dầu sả, đầu tư thêm dây chuyền, sản xuất mạnh hơn, cho ra đời sản phẩm tinh túy hơn. Chính vì vậy, sản phẩm tinh dầu sả của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Trên đà phát triển, năm 2022, sản phẩm tinh dầu sả của HTX Bản Dao được tỉnh Hòa Bình đem đi dự thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh phía Bắc”.

Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục xem xét, đánh giá nâng sao cho sản phẩm tinh dầu lên OCOP 4 sao. Nếu mọi việc thuận lợi, tinh dầu sả được cấp chứng nhận OCOP 4 sao sẽ là điều kiện cần để HTX có cơ hội xuất khẩu không những tinh dầu sả mà cả củ sả đi khắp các thị trường thế giới.

Bình quân mỗi ngày, HTX đưa vào 1,5 – 1,6 tấn sả nguyên liệu và chiết xuất, tương đương lượng tinh dầu sả chiết được khoảng 2,5 – 3 lít tinh dầu thành phẩm. Với giá bán từ 2,2 – 2,5 triệu đồng/lít như hiện tại, mỗi tháng doanh thu đạt khoảng gần 200 triệu đồng.

Việc chiết xuất tinh dầu sả góp phần tận dụng hết những củ nhỏ không bán được, cùng vỏ, lá và rễ tận thu mua cho thành viên để nấu tinh dầu… Bã của sả sau khi chiết xuất được ủ thành phân hữu cơ, hoặc ủ rải chống mối mọt chăm cây, tái sản xuất hiệu quả. Việc tận dụng triệt để phế phẩm trong quá trình chiết tinh dầu đã giúp HTX tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi tháng.

Luôn chỉn chu trong công việc

Không chỉ chuyên sâu phát triển mảng tinh dầu sả, HTX Bản Dao còn tiêu thụ măng cho các thành viên. Bình quân mỗi năm, HTX với diện tích trên 12 ha đất đồi trồng măng để chống xói mòn, sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 350-400 tấn. Hiện tại, 1kg măng có giá bán khoảng 75.000-80.000 đồng. Bà con yên tâm sản xuất vì có HTX bao tiêu, thu nhập ổn định nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện.

Các sản phẩm nông nghiệp làm ra từ bàn tay các thành viên HTX như: măng, rau, mật ong, tinh dầu… đều có tem truy xuất nguồn gốc, được phân phối đi các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và xa hơn như miền Nam… HTX cũng chủ trương tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số mặt hàng này hướng tới xuất khẩu.

Năm 2020, sản phẩm củ sả thô của HTX đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, khẳng định giá trị của cây sả trồng trên đất Hòa Bình. Mỗi cân sả xuất khẩu thời điểm đó được HTX bán với giá 12.000 đồng, cao hơn trong nội địa cũng như nấu tinh dầu 4.000 đồng/kg.

Dịch Covid-19 diễn ra, kinh tế khó khăn nên việc xuất khẩu củ sả hơi chững lại, bà Bình quyết định chuyên tâm vào chiết xuất tinh dầu và thị trường nội địa, chờ thời cơ tiếp tục xuất khẩu.

Một thành viên của HTX, cô Nguyễn Thị Núi cho biết: “Giám đốc của chúng tôi làm việc chỉn chu lắm, các chuyến giao hàng không chuyến nào thiếu giám đốc đi theo áp tải. Chị làm như vậy vừa kiểm soát hàng hóa, vừa tiện chăm sóc khách hàng. Tôi được đi với chị vài lần, thấy chị luôn khiêm tốn lắng nghe ý kiến đóng góp, những phản hồi của khách hàng kịp thời điều chỉnh hoạt động để hoàn thiện dịch vụ”.

“Đặc biệt, chị Bình rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt kịp thời điều chỉnh giá cả hợp lý với thị trường. Không những hoạt động điều hành tốt mảng thị trường, chị còn rất quan tâm đến người lao động, thường xuyên trực tiếp lao động cùng chị em ngoài đồng áng… Gắn bó với HTX, được làm việc với chị Bình, chúng tôi rất yên tâm sản xuất”, cô Núi hào hứng chia sẻ.

Bên cạnh việc tập trung hỗ trợ, động viên bà con nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh như sả, măng, phát triển đàn ong mật như hiện nay, HTX Bản Dao còn hỗ trợ bao tiêu nhiều sản phẩm mà các thành viên tăng gia sản xuất như rau các loại, mía tím, mía trắng, sắn, ngô…

Mặt hàng mía cũng từng được HTX xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc, mặc dù chỉ là qua đầu mối thương lái, nhưng cũng là một cánh cửa để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.

Với những nỗ lực của Giám đốc HTX, Ban quản trị và các thành viên, HTX đạt doanh thu bình quân 1,8 – 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 250 – 300 triệu đồng/năm, thu nhập của các thành viên đạt 5-7 triệu đồng/tháng, giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên là người dân tộc thiểu số như: Dao, Mường, Thái…

Phương châm của bà Bình là: “Những sản vật của địa phương, bà con thành viên sản xuất gì, HTX bao tiêu hết với điều kiện sản phẩm thực sự chất lượng tốt, sản xuất đúng quy trình sạch, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sản phẩm có chất lượng vượt trội sẽ được HTX thu mua với giá cao”.

Thành công hay không là ở tư duy

“Để hỗ trợ thành viên làm được sản phẩm tốt, chúng tôi thường xuyên đón nhận hỗ trợ từ các sở ngành của tỉnh, thành phố mở những lớp tập huấn kỹ thuật chuyên môn cho bà con. HTX cũng động viên, khuyến khích bà con tiếp cận để vận dụng kiến thức vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó có thu nhập ổn định” bà Bình cho hay.

Hàng năm, HTX đầu tư cung ứng vật liệu phục vụ cho sản xuất cho kịp mùa vụ như: đầu tư phân bón, cây, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, khi thu hoạch thì người vay mới phải hoàn lại vốn cho HTX.

Chính vì thế, các thành viên luôn gắn kết và yên tâm sản xuất. Cũng từ nguồn này, nhiều thành viên trước là hộ nghèo nay đã thoát nghèo, làm kinh tế tốt, đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Điển hình như hộ gia đình thành viên Triệu Thị Tâm, bị tàn tật do di chứng chất độc màu da cam từ bố truyền sang. Một nách nuôi 2 con thơ ăn học, hoàn cảnh gia đình chị vô cùng khó khăn. Sau khi vào HTX vài năm đã xây được nhà cấp 4, thu nhập bình quân mỗi tháng 6 triệu đồng, từ hộ thuộc diện nghèo, chị Tâm đã không ngừng nỗ lực vươn lên thoát nghèo thành công.

Cô Nguyễn Thị Núi chia sẻ: “Vào HTX hơn chục năm nay, gia đình tôi yên tâm sản xuất bởi trước mùa vụ, chúng tôi được HTX tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư các khoản chi cho sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn trồng để đạt chất lượng tươi ngon, năng suất tăng, tránh được mầm bệnh cho cây.

Khi thu hoạch, chúng cũng tôi yên tâm vì HTX trực tiếp thu mua, không còn lo sợ sự bấp bênh giá cả thị trường. Từ khi gắn bó với HTX, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà cấp 4, các tiện nghi sinh hoạt, có khoản tiền dự phòng trong nhà, cuộc sống có chất lượng hơn hẳn”.

Từng bước chắc chắn vào thương trường, HTX Nông nghiệp Bản Dao ngày càng khẳng định thương hiệu, đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm đặc trưng của mình nói riêng, quê hương Hòa Bình nói chung.

Bà Bình cho biết, HTX đang xây dựng mở rộng xưởng sản xuất, nâng cao năng suất chế biến tinh dầu sả. Đồng thời, HTX cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu thị trường định hướng hỗ trợ các thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt chứng nhận mã vùng trồng trong năm tới.

Đặc biệt, HTX tiếp tục liên kết với một số doanh nghiệp, làm các chuỗi bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp những mặt hàng nông sản có tiềm năng để đưa sản vật quý của Hòa Bình xuất khẩu vươn ra các thị trường trên thế giới.

Câu chuyện vị nữ giám đốc người Mường làm việc năng động, hăng say quên đi tuổi tác là minh chứng cho thấy cách dẫn dắt HTX thành công hay không không nằm ở vấn đề tuổi tác mà ở tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Bà Bình đã góp phần đưa HTX Nông nghiệp Bản Dao tiếp cận với hướng đi mới trong lao động sản xuất, giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên người dân tộc thiểu số.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Là cô gái Mường được gả cho người Dao, chị Bùi Thị Ngọc từng có 14 năm theo chân bà nội chồng lên núi hái thuốc. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy từng dầm mưa dãi nắng, nhịn đói, nhịn khát, mang trên mình đầy vết sứt sẹo do bị ngã, bị vắt rừng, rắn rết cắn… vẫn kiên cường “săn tìm” những vị thuốc quý mang về chữa bệnh cứu người chỉ vì say mê, muốn gìn giữ nghề thuốc “bí truyền” do các cụ để lại.

Đó là chị Bùi Thị Ngọc – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thuốc nam Ngọc Sáng (xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Chị Ngọc đã mang lại cái nghề giúp giảm nghèo cho hàng chục hộ dân trong vùng.

“Phiêu bạt” để giới thiệu thuốc quý

Xóm Tiến Lâm, một chiều thu đầu tháng 9 rộn rã tiếng nói cười hân hoan của chị em phụ nữ dân tộc Dao. Nhóm 6 người đi ủng, quần áo mặc kín như bưng, trên vai địu những bó cây rừng nặng trĩu hoặc đeo gùi đựng đầy lá, quả, rễ cây rừng…

Chị Ngọc cho hay, đây là các thành viên HTX vừa hái thuốc trở về. Hôm nay, các chị em phấn khởi bởi ai cũng thu được nhiều “chiến lợi phẩm”.

“Mình là con gái gốc dân tộc Mường, được gả về làm dâu người Dao có truyền thống 5 đời bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Ngay từ những ngày mới về nhà chồng, mình đã theo chân bà nội lên núi hái thuốc, được bà chỉ bảo rất tỉ mỉ về từng loại lá, rễ, thân cây, vỏ cây, quả… có thể đem về làm thuốc.

Chị Ngọc mong muốn gìn giữ và phát triển các bài thuốc quý của dân tộc Dao.

Dân tộc Dao có truyền thống nghề thuốc “bí truyền” trong gia đình được “bật mí” hết cho con dâu, còn con trai trong nhà tuy cũng biết nghề nhưng chỉ mang tính phụ giúp. Theo bà nội riết 14 năm, mình mê nghề thuốc lúc nào không hay”, chị Ngọc kể.

Lợi thế của người Dao xưa nay sinh sống gắn bó với những núi đá hiểm trở. Thiên nhiên nơi đây đã ban cho con người không ít loại dược liệu quý hiếm. Quá trình sinh tồn, ốm đau, tự tìm kiếm cây rừng trị bệnh đã khiến đồng bào dân tộc Dao có một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú về y học và dược liệu.

Từ những kiến thức thực tế, chị Ngọc quyết tâm giữ nghề gia truyền. Chị đã về Hà Nội theo học và tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Trung ương hệ chính quy.

Năm 2018, sau khi bà nội mất, hai vợ chồng chị phải tự bươn chải giữ nghề. Hàng ngày, anh chị lên núi hái thuốc, đóng gói rồi chất lên xe, rong ruổi trên khắp các nẻo đường để giới thiệu, phân phối các bài thuốc quý cứu người.

Chị Ngọc kể, mỗi chuyến đi, vợ chồng chị chở hai bên xe 2 tải thuốc, chăn gối đeo sau lưng, mang theo nồi và gạo, tiện đâu nấu cơm ăn, trải chăn gối ngủ ở đấy, bán hết thuốc thì về.

“Vợ chồng mình mang thuốc đi bán tại khắp các chợ phiên khắp các tỉnh thành, khi lên Sơn La, Quảng Ninh, lúc qua Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định… Mỗi chuyến đi cũng thu được 5-7 triệu”, chị Ngọc cho biết.

Thời gian đó đã tạo cho vợ chồng chị Ngọc một lượng khách hàng quen, có cả người bệnh lẫn khách mua về để kinh doanh. Họ giữ liên lạc, hết thuốc lại gọi điện để chị Ngọc chuyển.

Khi dịch Covid-19 lên đỉnh điểm, việc đi lại bị hạn chế, vợ chồng chị Ngọc quay về quê hương hái thuốc và phân phối qua kênh vận chuyển online.

Thấy rõ giá trị cây thuốc của người Dao, muốn mở rộng quy mô, tạo thương hiệu, tạo công ăn việc làm, thoát nghèo cho bà con cùng xóm, hai vợ chồng chị bàn nhau vận động một số người dân thành lập HTX.

Cây thuốc giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thành lập từ năm 2020, đến nay, HTX Thuốc nam Ngọc Sáng mới có tuổi đời gần 3 năm, với 7 thành viên tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, giúp một số hộ giảm nghèo.

Điển hình như chị Bùi Thị Hoa – thành viên HTX. “Mấy năm trước, nhà em có vài sào ruộng, năng suất thấp, thu nhập cả năm chỉ vỏn vẹn 25-30 triệu đồng. Chồng em phụ xây, công việc tắc bọp, lúc có lúc không, mỗi năm đưa cho em chỉ khoảng 5-7 triệu đồng. Từ khi tham gia HTX, chị em bảo ban nhau cùng hái thuốc, trồng dược liệu, thu nhập bình quân cũng được tới 5-6 triệu đồng/tháng. HTX đã giúp gia đình em thoát nghèo”, chị Hoa chia sẻ.

Theo chị Ngọc, dược liệu thu hái được trên rừng toàn loại quý như cây B1, cây trầm kha, cây dào mia, bách niên kiện, khôi nhung, xạ đen, cà gai leo… Mỗi bộ phận của cây rừng tạo nên sự phong phú trong thế giới thuốc quý hiếm của người Dao như: lá tắm tăng cường sức khỏe, thuốc chữa bệnh xương khớp, đường ruột, dạ dày, tim mạch, mát gan, bồi bổ cơ thể, thuốc chữa bệnh nan y, bệnh ngứa ngáy, lở loét, bệnh yếu sinh lý, vô sinh…

Thuốc quý được người Dao hái lượm trên những triền núi, những vách đá tai mèo sắc nhọn, cheo leo, bên khe suối, ghềnh thác… với địa hình rất hiểm trở, hành trình lấy thuốc vô cùng gian nan.

Chị Ngọc cho hay, sáng nào, các thành viên HTX cũng tập hợp tại nhà chị – cũng chính là trụ sở của HTX. Từ 4-5 giờ sáng, sau khi đã ăn cơm, mỗi người mang theo chai 1,5 lít nước lọc, chia nhau ra các nhánh đi lên các dãy núi đá cao để hái lượm thuốc mang về.

Ngày nắng, đi một lúc thì mồ hôi mướt mát nhưng người hái thuốc vẫn phải mặc kín để phòng sâu bọ, côn trùng đốt, ong châm, rắn rết cắn… Ngày mưa phùn, vắt nhiều, phải tẩm xăng dầu vào quần áo, bôi thêm lớp dầu rửa bát ở ngoài, phòng vắt cắn. Mặc kín bưng nhưng đầu không mũ nón vì vướng víu, người hái thuốc không thể luồn dưới những tán cây thu hái được.

Một điểm đặc biệt là người Dao lên núi hái thuốc không bao giờ mặc áo mưa, chuyện dầm mưa dãi nắng, nhịn đói nhịn khát trên núi thành quen.

Sương gió, gian nan vậy mà chẳng mấy ai ốm đau, cảm cúm vì có lẽ một phần do thích nghi hoàn cảnh, mặt khác ngày nào họ cũng được tắm lá thuốc gia truyền.

“Một số cây thuốc thuộc hàng quý hiếm chỉ mọc ở nơi hiểm trở, buộc người hái phải cất công leo lên những đỉnh núi đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn, chỉ sơ sẩy chút là ngã như chơi! Chuyện người hái thuốc nay bị thương, mai ngã sứt tay, đứt chân là bình thường”, một thành viên HTX chia sẻ.

“Góp đất” để phát triển vùng nguyên liệu

Gian truân là vậy, nhưng các thành viên không ai nản lòng, ai cũng yêu nghề, luôn động viên nhau vượt khó, cùng nhau làm ăn.

Ba năm qua, HTX đã từng bước khắc phục khó khăn, bảo tồn các loại thuốc quý. Bên cạnh việc khai thác từ thiên nhiên. HTX đã thử nghiệm trồng các nguyên liệu thuốc như xạ đen, nghệ đen, thiên niên kiện, khôi nhung… trên diện tích 1 ha. Mỗi năm, 1 ha diện tích trồng dược liệu bình quân cho sản lượng 6-10 tấn nguyên liệu thô

Theo chị Ngọc, ban đầu, HTX bán thuốc theo thang, nguyên liệu thô qua công đoạn sơ chế băm, chặt rồi sấy khô, giá bán tùy theo chủng loại dược liệu, có loại 40 ngàn đồng/cân, loại 50 ngàn/cân, loại 70 ngàn đồng/cân. Quá trình làm cho thấy xuất bán thô giá trị thấp, nên chị Ngọc đã quyết định chiết xuất một số thành phẩm đóng gói dạng cao vừa tiện ích cho người dùng mà giá trị sản phẩm cũng được nâng lên.

Mỗi năm, HTX bán ra khoảng 300-400 cân cao các loại, như cao dạ dày, cao xương khớp, cao lá tắm… giá bán khoảng 3 triệu đồng/cân. Bình quân mỗi năm, doanh thu của HTX khoảng hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300- 400 triệu đồng.

Việc chiết xuất dược liệu thành phẩm dưới dạng cao góp phần đảm bảo thu nhập tốt hơn, giúp thay đổi cuộc sống của từng hộ gia đình.

Chị Bùi Thị Tình – một thành viên HTX cho biết: “Trước kia, nhà tôi từng hái thuốc đem về tự phân phối, bán lẻ tại các phiên chợ nhưng giá rất bèo bọt. Có lần dược liệu hái về chưa tiêu thụ hết, để trong kho 1-2 tháng gặp trời nồm ẩm, dược liệu bị nấm mốc hết, đành bỏ đi.

Từ khi tham gia HTX, gia đình tôi yên tâm hái bao nhiêu đều được HTX thu mua hết, giá ổn định, khi nào cũng cao hơn thị trường từ 2 – 3 ngàn đồng/cân. Đi hái thuốc trước lủi thủi một mình, nay có mấy chị em cùng làm đông vui, hiệu quả hơn hẳn”.

Với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sạch, mở rộng quy mô hoạt động, tăng thu nhập cho các thành viên, HTX đã kêu gọi các thành viên tham gia hiến đất để làm vườn trồng dược liệu.

Chương trình được tất cả thành viên nhiệt tình hưởng ứng. Bình quân mỗi nhà tình nguyện hiến 1-2 ha, có nhà hiến tới 3 ha đất. Tới đây, HTX sẽ triển khai trồng trên 10 ha đất do các thành viên hiến tặng.

Không chỉ tạo việc làm cho các thành viên, HTX còn liên kết với một số bà con ở xóm Môn, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong tham gia hái thuốc với thù lao bình quân khoảng 20 ngàn đồng/cân nguyên liệu thô.

Chị Bùi Thị Hồng – người xóm Môn cho hay: “Nhà tôi quanh năm làm nông nghiệp, lúc nông nhàn, tôi tham gia đi hái thuốc cùng các thành viên HTX. Việc hái thuốc thuê đã tăng thêm thu nhập cho gia đình một tháng khoảng 3-3,5 triệu đồng”.

Theo chị Ngọc, hiện HTX đang đầu tư mở rộng xưởng sản xuất để có khu chế biến nguyên liệu, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm, sân phơi, kho chứa….

Tuy tuổi đời của HTX còn non trẻ, nhưng những nỗ lực của Ban quản trị và các thành viên HTX trong việc phát triển hệ thống chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm cho thấy tương lai phát triển đầy tiềm năng của HTX.

Chị Ngọc nhận định, thành công bước đầu của HTX, ngoài chính sự nỗ lực của các thành viên, còn có sự quan tâm của các cấp ban ngành, từ UBND các cấp các tổ chức chính trị xã hội- đoàn thể, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng cho cán bộ HTX.

HTX được hỗ trợ miễn phí đăng ký gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, đặc biệt được tạo điều kiện tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại tại một số tỉnh thành.

Mới đây, HTX đã được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong Chương trình “Biểu dương cán bộ hội cơ sở giỏi, các mô hình tiêu biểu tại cộng đồng năm 2023”.

Những nỗ lực của chị Ngọc và HTX thời gian qua rất đáng trân trọng, rất cần sự hỗ trợ của các cấp ban ngành để HTX đứng vững. Chính những HTX non trẻ này đã và đang từng bước giữ gìn truyền thống làm thuốc, vốn quý của người Dao nhiều đời nay, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ngay trên chính quê hương. mình.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

All in one
Scroll to Top