Hậu Giang

Du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP không chỉ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới mà còn hạn chế sự di chuyển của lao động trẻ ra đô thị. Nhưng để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP thì việc chung tay cùng các địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn sẽ giúp ngành kinh tế tích hợp này phát triển theo hướng xanh và sinh thái hơn.

Là tỉnh thuần nông nên tập trung phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang. Chính vì vậy mà tỉnh đã có 175 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 68 sản phẩm 4 sao và đang chờ Nhà nước xem xét 5 sản phẩm được công nhận 5 sao.

Khó hạ tầng, nghẽn chính sách

Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp-nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP ” diễn ra ngày 22/9, ông Trương Cảnh Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cho biết tuy Nhà nước và địa phương đã có những chính sách cho phát triển du lịch nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP nhưng có điều là hạ tầng giao thông tại địa phương chưa phát triển đến khắp các điểm du lịch. Đây là một trong những lực cản khiến các điểm du lịch nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Không chỉ Hậu Giang mà nhiều địa phương khác cũng cho rằng khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng chính là yếu tố khiến du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP chưa thực sự rộng mở.

Ông Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM cho rằng nhiều vùng, nhiều địa phương đã thu hút được lượng lớn khách du lịch chỉ nhờ xây xong một cây cầu, hoàn thiện xong một con đường. Chính vì vậy, giao thông nói riêng, cơ sở hạ tầng nói chung rất quan trọng trong đối với du lịch nông nghiệp. Trong khi đa số các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP nằm ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này không chỉ cần có sự vào cuộc của Nhà nước, các bộ ngành như Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL mà cần có cả Bộ GTVT, sự vào cuộc của các địa phương để thiết kế những quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết, từ đó tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để thu hút khách du lịch cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP.

Du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP đang giải quyết việc làm cho nhiều người dân, trong đó mở ra cơ hội việc làm cho các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, băn khoăn làm sao để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP theo hướng bền vững cũng là vấn đề được hầu hết các địa phương và chuyên gia nhắc đến. Chẳng hạn như vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất nông nghiệp vẫn còn khó khăn do quy định pháp luật về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch của Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phục vụ cho du lịch. Cụ thể hơn là đất du lịch, nông nghiệp cũng chưa được định danh chính thức trong Luật Đất đai năm 2013,p trong khi Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi nên chưa thực sự tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển du lịch nông nghiệp.

Ông Trương Cảnh Tuyên cho biết mô hình HTX phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đang được tỉnh tập trung phát triển theo Nghị quyết 20-NQ/TW. Và trong Nghị quyết này, Nhà nước cũng thống nhất là tạo điều kiện và có cơ chế cho các HTX tiếp cận đất đai. Nhưng thực tế đến nay, các HTX đầu tư kho sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn. Điều này cho thấy cơ chế chính sách vẫn rất khó đi vào thực tế.

“Nhà nước ban hành chính sách rồi nhưng HTX tiếp cận chính sách rất khó”, ông Trương Cảnh Tuyên chia sẻ và cho rằng các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ TN&MT cần nhanh chóng xem xét về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để chính sách đất đai đi vào thực tiễn thông qua việc cụ thể hóa Nghị quyết 20 và sửa đổi Nghị định 57 về phát triển du lịch nông thôn.

Nâng năng lực nội sinh

Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP có mối liên quan mật thiết và mang lại nhiều giá trị cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố cốt lõi của du lịch nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP chính là nâng cao thu nhập cho người dân, thành viên HTX. Nông dân, thành viên HTX có thể có nhiều kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm địa phương và tạo nên những giá trị cốt lõi thu hút khách du lịch.

Ông Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM, cho rằng sâm Ngọc Linh vốn nổi tiếng về thương hiệu quốc gia, những vùng trồng sâm cũng thu hút nhiều khách du lịch nhưng nếu chỉ bán sâm tươi thì giá trị mang lại rất thấp. Thay vào đó, việc thông qua những cách dùng sâm, những bài thuốc của người dân địa phương như cách ngậm sâm, uống trà sâm… sẽ mang lại giá trị về dinh dưỡng, kinh tế cao hơn. Chính vì vậy, không nên bán thuốc-dược liệu đơn thuần trong quá trình làm du lịch mà nên bán những câu chuyện văn hóa về dược liệu (kể những cách làm thuốc cổ truyền, cách chăm sóc sức khỏe, thực dưỡng bằng dược liệu…) thì giá trị mà người dân, HTX, doanh nghiệp làm du lịch thu được sẽ cao hơn.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP vẫn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm OCOP có nhiều nhưng chưa có tính đặc trưng cao nên khó tạo điểm nhấn thực sự trong thu hút khách.

Trước thực trạng này, ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty du lịch CBT Travel, cho rằng người dân, thành viên HTX có kinh nghiệm nhưng khó có thể thể tự nghĩ ra và hoàn thiện các dịch vụ trải nghiệm, ứng dụng marketing, xây dựng thương hiệu được mà cần có các doanh nghiệp liên kết để hỗ trợ. CBT Travel đang chú trọng điều này, trong đó có hỗ trợ người dân xây dựng các chương trình du lịch bằng tiếng Anh, tiếng Pháp để mở rộng khách hàng và hướng đến du lịch chuyên nghiệp hơn.

Còn ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), cho rằng người dân, thành viên HTX đã có kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất phong phú, đa dạng các nông đặc sản. Nhưng điều cần làm là tiếp tục nâng cao hơn nữa, bằng cách xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu lớn phục vụ xuất khẩu.

“Trong 10.000 sản phẩm OCOP thì cần chọn 1.000 sản phẩm có thể đưa ra thị trường trong nước, xa hơn là quốc tế thì giá trị và thu nhập của người dân mới gia tăng. Bên cạnh đó, cần giúp người nông dân, HTX tạo ra vùng sản xuất có chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch thay vì nghĩ rằng chỉ doanh nghiệp du lịch mới hỗ trợ người dân, HTX tiếp cận với khách du lịch”, ông Liên chia sẻ.

Khẳng định vai trò và mối quan hệ mật thiết giữa du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng cần nâng cao năng lực nội sinh và tính liên kết cho người dân, HTX trong phát triển sản phẩm OCOP bằng việc phân chia từng công đoạn, dịch vụ cụ thể cho mỗi hộ dân, mỗi thành viên HTX để tránh tạo sự trùng lặp trong phát triển dịch vụ, sản phẩm.

Để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu lại vấn đề đất đai cho HTX, đất làm trang trại. Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng Nghị định làm trang trại, nhưng sẽ có tỷ lệ nhất định để giữ đất nông nghiệp.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ kết cấu hạ tầng để HTX phát triển… là sự nỗ lực của thị xã Long Mỹ thời gian qua. Nhờ vậy, các mô hình sản xuất hiệu quả được ra đời và lớn mạnh, từ đó nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong trong xây dựng xã nông thôn mới ở địa phương.

Nông dân chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Đa dạng mô hình

Đến thăm HTX nông sản an toàn Long Trị A, ở thị xã Long Mỹ, không khó để nhận thấy sự nhạy bén trong cách nghĩ, cách làm nông nghiệp của bà con nông dân nơi đây. Cũng là trồng rau nhưng vật tư đầu vào được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ. Sản phẩm làm ra theo tiêu chuẩn an toàn. Nông dân khỏe re, khỏi lo chuyện đầu ra. HTX hiện có hơn 20 thành viên, canh tác gần 34ha, trong đó có hơn phân nửa chuyên sản xuất rau ăn lá các loại cung cấp cho các mối lái gần xa.

Theo bà con xã viên, nếu như trước đây, đa số nông dân trồng rau đều quan tâm đến số lượng để nhanh quay đồng vốn thì nay chất lượng rau và hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học được bà con coi là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của việc làm ăn. Bởi với họ, để giữ chân và tạo lòng tin của khách hàng thì uy tín và chất lượng là phương pháp tốt nhất. Năm 2021, rau ăn lá của HTX này được chứng nhận VietGAP.

Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc HTX Nông sản an toàn xã Long Trị A, cho biết: “Gia đình tôi và bà con luôn quan tâm thực hiện sản xuất an toàn. Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ mở rộng hoạt động, hình thành làng rau chứ không chỉ dừng lại ở quy mô HTX. Sản phẩm được đến tay của nhiều người tiêu dùng hơn nữa”.

Bên cạnh phát triển mạnh các mô hình làm ăn tập thể thì việc mạnh dạn thay đổi cách thức sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng đa canh cũng là điểm nhấn khi nói về nông nghiệp ở thị xã Long Mỹ. Điển hình như câu chuyện của chị Trần Ngọc Linh, ở phường Thuận An. Nhìn 12 công vườn cây ăn trái với nhiều loại như: nhãn, sầu riêng, tắc (hạnh) xoài phát triển xanh tốt, mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, ít ai biết rằng, trước đây gia đình chị cũng từng loay hoay với bài toán chung của nhiều nông dân hiện nay là “trồng cây gì? Nuôi con gì?”.

“Hồi trước, gia đình nuôi heo nhưng do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi không có lời nên tôi chuyển sang nuôi lươn không bùn. Bởi việc nuôi lươn không cần nhiều diện tích, dễ nuôi. Bây giờ, có thêm vườn cây ăn trái, gia đình phấn đấu làm ăn, nuôi dạy con cái học hành”, chị Trần Ngọc Linh phấn khởi cho biết.

Kinh tế tập thể là nòng cốt

Hiện nay, toàn thị xã Long Mỹ có 30 HTX (26 HTX nông nghiệp, 4 HTX phi nông nghiệp) với 398 thành viên, vốn điều lệ hơn 12 tỉ đồng; 70 tổ hợp tác với 625 thành viên, tổng số vốn góp hơn 3 tỉ đồng. Năm 2022, có 14 HTX đánh giá tốt, còn lại loại khá theo quy định tại Thông tư số 01 ngày 19-2-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX. Tất cả HTX trên địa bàn các xã đều hoạt động đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

 Ông Đoàn Quốc Thật, Bí thư Thị ủy Long Mỹ, cho biết: “Kinh tế tập thể mà trọng tâm là HTX được thị xã quan tâm chú trọng. Chỉ tiêu phát triển mới hợp tác xã đều được đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết kinh tế – xã hội của thị xã giai đoạn 5 năm và hàng năm. Chúng tôi chỉ đạo ngành chuyên môn hỗ trợ các HTX thành lập mới thủ tục đăng ký, hướng dẫn lập phương án sản xuất và một số thủ tục theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Thị xã cũng thường xuyên rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX”.

Để từng bước xây dựng đội ngũ nhà nông chuyên nghiệp, phát triển trong thời đại công nghệ số, thị xã Long Mỹ luôn quan tâm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề, quản lý sản xuất kinh doanh cho bà con nông dân, đặc biệt là xã viên.

Thị xã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh đào tạo trình độ Giám đốc Hợp tác xã cho 5 HTX. Hỗ trợ HTX tham gia phát triển sản phẩm OCOP (2 sản phẩm), hỗ trợ kết cấu hạ tầng như giao thông nội đồng, trạm bơm điện, nhà kho, lò sấy, cửa hàng vật tư… với số tiền 30 tỉ đồng (HTX nông nghiệp Toàn Tâm, HTX dịch vụ nông nghiệp 2 Tháng 9 thuộc xã Long Trị, HTX nông nghiệp Long Trị A, HTX Bình Hòa Phú, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Đan Anh, HTX 26 tháng 3 thuộc xã Long Phú…).

Năm 2023, thị xã tiếp tục được UBND tỉnh chọn HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Đạt tham gia đề án phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh. Qua đó, HTX được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị với tổng kinh phí dự kiến hơn 13 tỉ đồng (HTX đối ứng 1,375 tỉ đồng). Bên cạnh đó, năm nay thị xã cũng hỗ trợ 4 HTX  xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ và quy trình GAP 363ha, thông qua mô hình thị xã hỗ trợ lúa giống cấp xác nhận 1, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học và đào tạo đánh giá chứng nhận VietGAP kinh phí 1,8 tỉ đồng.

“Thời gian tới, thị xã tiếp tục phát triển mới HTX theo kế hoạch đề ra, triển khai hỗ trợ HTX về đào tạo, tập huấn, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các HTX, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường theo chính sách của tỉnh và Trung ương. Triển khai tối đa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khuyến khích phát triển HTX, nhất là các HTX nông nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 09-11-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang về thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, ông Đoàn Quốc Thật nhấn mạnh.

Theo vca.org.vn

All in one
Scroll to Top