Bắc Giang

Các HTX phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đang góp phần gia tăng khả năng tích tụ đất, gia tăng giá trị cho nông nghiệp, sản phẩm nông thôn… Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch cụ thể, chưa có sự đồng hành của địa phương nên tính liên kết trong của các mô hình du lịch chưa cao, từ đó chưa đưa mô hình này phát triển đúng xu thế.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 40 HTX du lịch cộng đồng, trong đó riêng huyện Yên Thế có 32 HTX du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện HTX, mô hình này vẫn chưa phát huy được tiềm năng và vẫn còn những mặt hạn chế nhất định.

Mới chỉ là điểm đến, chưa là điểm ‘dừng chân’

Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao (Bắc Giang) cho biết, ngoài 15ha cây ăn quả, HTX còn có 100ha hồ phục vụ du lịch. Tuy nhiên, nhìn chung đường giao thông đến các điểm du lịch vẫn còn bất cập, nhất là vào mùa thu hoạch vải thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường, gây khó cho các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ.

Bên cạnh đó, địa phương chưa có các cơ sở lưu trú chất lượng, các HTX chưa có các khu nhà nghỉ tại vườn. Hoạt động vui chơi giải trí vẫn bị bó hẹp, chưa đa dạng, sáng tạo nên chưa giữ chân khách ở nhiều ngày.

Có thể thấy, Bắc Giang là một tỉnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm thông qua HTX khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, những khó khăn của các HTX ở địa phương này cũng là khó khăn mà HTX ở nhiều địa phương khác đang gặp phải.

PGS TS Đặng Văn Đông (Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu rau quả), cho biết thực tế hiện nay du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm ở nhiều địa phương phát triển tự phát. Nhiều mô hình có sự tham gia của các HTX nhưng phần lớn các HTX phải “tự bơi”. Bởi pháp luật hiện nay về phát triển du lịch nông nghiệp đã có nhưng còn mờ nhạt, chưa rõ ràng.

Trong một số trường hợp, nếu HTX tự đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thì có khi lại bị vi phạm pháp luật. Còn nếu địa phương cho phép cho các chủ trang trại, HTX xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, ứng dụng công nghệ, hoặc cho phép phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm nhưng trên đất nông nghiệp lại thành buông lỏng quản lý, vi phạm về quản lý đất đai, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Bên cạnh đó, để phát triển được du lịch nông nghiệp, cần có sự quy hoạch bài bản vì du lịch còn liên quan mật thiết đến cơ sở hạ tầng, bất động sản du lịch, giao thông, quy hoạch làng nghề, diện tích sản xuất… Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch nông nghiệp từ trung ương đến địa phương. Chính vì vậy mà nhiều HTX gặp khó khăn trong thích ứng với thị trường, thu hút khách. Và ngay cán bộ cũng rơi vào tình trạng lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp ở địa phương.

Điều này không khuyến khích được các HTX đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp. Chính vì lẽ đó mà nhiều HTX tuy phát triển du lịch nông nghiệp nhưng mới chỉ là điểm đến chứ chưa phải là điểm dừng chân của du khách.

Cần sự đồng hành của cơ quan quản lý để cùng người dân, HTX phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

TS Nguyễn Tất Thắng, Khoa du lịch và ngoại ngữ (Học Viện nông nghiệp Việt Nam), cho biết một lực cản trong phát triển du lịch nông thôn là thiếu quy hoạch, hoặc quy hoạch chậm được triển khai.

Nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa có khái niệm về du lịch nông thôn nên chưa có kế hoạch, chưa xây dựng được quy hoạch cụ thể cho lĩnh vực này phát triển. Từ đó buộc người dân, HTX tự tìm hướng đi nên dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Sản phẩm du lịch nông thôn cũng vì lẽ đó là chưa tạo được dấu ấn địa phương.

Tạo bàn đạp cho du lịch nông nghiệp

Theo các chuyên gia, ngoài các quy định pháp luật, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần tháo gỡ vấn đề quy hoạch thì nông dân, HTX mới có bàn đạp để phát triển du lịch nông nghiệp.

Để làm được điều này, việc thực hiện quy hoạch du lịch nông nghiệp phải trên cơ sở của quy hoạch tỉnh. Sau đó, các huyện rà soát thực hiện quy hoạch của huyện gắn với đặc điểm, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng xã, từ đó, các xã bổ sung, rà soát quy hoạch xã một cách phù hợp. Có như vậy mới giúp người dân, HTX mới có chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp một cách phù hợp, theo từng giai đoạn phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Lộ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà (Thái Bình), cho biết trong thời gian xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong huyện cũng đã rà soát, thực hiện quy hoạch cho phát triển du lịch nông nghiệp nhưng việc sử dụng và áp dụng ở thực tiễn các quy hoạch đó như thế nào thì vẫn bị bỏ ngỏ ở nhiều địa phương.

Nhiều địa phương cũng chưa kiểm tra, đôn đốc, cùng các HTX, người dân tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch do những vướng mắc trong vấn đề quy hoạch nên các mô hình HTX du lịch nông nghiệp trong cùng một địa phương không có sự liên kết với nhau. Hoặc giữa các xã, các huyện, các vùng có chung lợi thế chưa có sự liên kết nên chưa tạo được chuỗi du lịch bền vững về cả chất lượng và quy mô.

PGS TS Đặng Văn Đông, cho rằng du lịch nông nghiệp phải có tính đặc trưng, có sự liên kết giống như việc người Hà Lan thành công trong du lịch từ những cánh đồng hoa tulip, người Bulgaria thành công từ cánh đồng hoa hồng, người Hàn Quốc thành công từ những cánh đồng sâm.

Để phát triển được du lịch nông nghiệp, các nước này thực hiện quy hoạch tổng thể một cách bài bản để gìn giữ tài nguyên thiên nhiên lâu dài cũng như có kế hoạch rõ ràng trong xây dựng những mô hình du lịch bền vững, có tính kết nối cao. Việc đón khách cũng có kế hoạch rõ ràng, không đón khách quá so với khả năng. Vì thế, nhiều khách muốn đến tham quan các điểm du lịch nông nghiệp này phải đợi đến hôm sau. Điều này không những tăng sức hút, đảm bảo sức tải để phát triển bền vững mà còn tăng thời gian lưu trú của du khách.

Thực tế ở Việt Nam đã có địa phương quan tâm đến quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân, HTX làm du lịch nông nghiệp nên đã bước đầu gặt hái được những thành công.

Tiêu biểu như các vùng trồng sen ở Đồng Tháp đã từng bước có sự liên kết nhờ địa phương này triển khai khẩu hiệu “Đất sen Hồng”. Hay mô hình du lịch từ cánh đồng mai ở Thừa Thiên Huế đã tạo tiếng vang nhờ sự liên kết nhất định giữa các địa phương và nhờ triển khai thông điệp “Mai vàng trước ngõ”.

PGS TS Đặng Văn Đông, cho rằng để phát triển được các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch như Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế… chính quyền các cấp cần vào cuộc cùng với người dân, HTX trong việc lên kế hoạch, xây dựng quy hoạch, hoàn thiện chính sách pháp lý đến xây dựng chiến dịch quảng bá…thì mới khơi dậy và phát triển tiềm năng nông nghiệp du lịch.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

HTX thể hiện tốt vai trò cầu nối cho nông dân

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết các hộ nông dân với nhau để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế, tuy nhiên với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân , trong quý 3/2022, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục duy trì đà phục hồi và bứt phá mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, báo cáo tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt ở mức cao, quý III đạt 23,74%. Để đạt mức tăng trưởng ấn tượng này có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực kinh tế tập thể nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình HTX hình thành và phát triển theo chuỗi liên kết, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân.

Cụ thể, trong quý toàn tỉnh thành lập mới được 36 HTX lũy kế từ đầu năm đến 31/8/2022 là 75 HTX (đạt 150% kế hoạch đề ra của cả năm) nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 1.023 HTX và 4 Liên hiệp HTX.

Qua thực tế cho thấy, nhiều HTX phát huy được vai trò của mình về tập hợp, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều HTX nông nghiệp ở Bắc Giang đã phát huy vai trò là cầu nối liên doanh, liên kết các hộ nông dân với nhau

Tiêu biểu như HTX nông nghiệp thanh niên Lục Nam; HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, Hiệp Hòa; HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, Việt Yên; HTX nông nghiệp Thanh Hải, Lục Ngạn; HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, Tân Yên; HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú, Yên Thế…

Nhiều HTX đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết các hộ nông dân với nhau để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.

Trong số các HTX làm tốt vai trò cầu nối này không thể không nhắc đến HTX Công nghệ cao Trí Yên. Với tổng diện tích đất canh tác gần 5 ha tại thôn Đức Thành, xã Trí Yên (Yên Dũng), trong đó 3,5 ha nhà màng.

Hiện HTX sản xuất các loại dưa có giá trị kinh tế cao (dưa leo, dưa lê, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc), các loại rau và dâu tây. Sản lượng rau, quả các loại của HTX đạt hơn 80 tấn/năm, doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, HTX liên kết trồng các loại dưa, rau với 20 HTX ở huyện Yên Dũng để cung ứng cho Công ty cổ phần Lotus Farm bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc mỗi ngày 1 tấn rau, quả các loại.

Năm nay, HTX trồng thêm 2 ha chuối tiêu hồng tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) và 3 ha rau, quả tại xã Đồng Việt (Yên Dũng).

Ông Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX Công nghệ cao Trí Yên cho biết, để có sản phẩm an toàn, đơn vị yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP. Nguồn nước tưới cho cây trồng bảo đảm sạch; diện tích sản xuất không nằm cạnh khu giết mổ động vật; ưu tiên bón phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học, nếu dùng phân hóa học phải rõ nguồn gốc và chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.

Không chỉ làm tốt vai trò liên doanh, liên kết các hộ nông dân với nhau, tại Bắc Giang các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ thành viên (giống, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn…), tạo điều kiện cho kinh tế hộ, kinh tế tư nhân phát triển.

Một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, giúp người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá mà lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là những hộ nghèo thiếu kinh nghiệm và vốn đầu tư.

Có thể thấy, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Bắc Giang.

Được biết, địa phương này đặt mục tiêu trong thời gian tới hoàn thành phát triển 10 mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Bắc Giang cũng đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến 2025, tối thiểu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới có ít nhất 01 HTX là những mô hình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

vca.org.vn

All in one
Scroll to Top