Hợp tác xã

Mỗi năm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khoảng 1,7 tỉ USD. Theo Innovative Hub, thị trường thủ công mỹ nghệ được dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (Compound Annual Growth Rate – CAGR)  là 10,9% trong giai đoạn 2021-2026, ​​sẽ đạt 1.204,7 tỉ USD vào năm 2026.

200 chị em phụ nữ ở Hòa Tú có việc làm mỗi ngày tại các tổ hợp tác

Chuyện 1 năm ở Vĩnh Thuận

Chị Trần Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, nói: Năm ngoái, 213 chị em tham gia 9 lớp học nghề đan đát, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Phát Ðỉnh được thành lập – vốn 200 triệu đồng – 200 lao động có việc làm thường xuyên sau khi dự án Mekong Conservancy Foundation (MCF) dạy nghề trồng và đan giỏ từ năn tượng.

Lao động địa phương tạo ra 21 loại sản phẩm tiêu biểu, trong đó có sản phẩm của HTX Phát Ðỉnh. 105 gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo có việc làm; cuối năm, 35 gia đình trong số này thoát nghèo.

Mọi thứ diễn ra trong vòng một năm, thực sự là kỳ tích vì lâu nay, chị em ở đâu đó vẫn được học nghề đan lục bình, tre trúc… nhưng để thoát nghèo thì phải từ từ.

Trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, năn tượng (Scirpus littoralis Schrad) là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão, giúp giữ lại lớp phù sa. Còn trong hệ sinh thái ao nuôi tôm, năn tượng giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra. Thuận thiên là một quá trình rất là dài chúng ta nói nhiều về xung đột, mâu thuẫn. Tạm gác chuyện đó để tìm cho được giải pháp. Chưa dám nói năn tượng sẽ mang lại lợi ít kinh tế lớn cỡ nào, nhưng có vẻ như ở đây đã thuận ông Trời và thuận lòng người. TS Dương Văn Ni, Chủ tịch kiêm Giám đốc MCF, nói tiếp: “Bữa hổm mình đi là chỗ đất không đủ ngọt nữa nên mới chuyển qua cây năn tượng vì cây này nó chịu được mặn. Bữa nay, mình tới chỗ không đủ mặn nữa nên phải lựa chọn mô hình gì cho nó phù hợp. Ðó là mô hình trồng năn gắn với nuôi tôm càng xanh. Khi mình làm mô hình nào thì định hình thị trường – các sản phẩm tham gia cái rổ hàng hóa, lao động, việc làm. Năn tượng mà chỉ nghĩ nội địa thì không ổn, phải tính việc sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu, còn con tôm càng thì tiêu dùng nội địa là được rồi. Cũng có bạn muốn làm thành sản phẩm tôm kho tàu đóng hộp xuất khẩu khi quy mô đủ lớn, nhưng mọi việc cần đo lường cơ hội thị trường, năng lực cạnh tranh chứ không có gì phải vội vàng”.

“Khi báo chí nói nhiều về cỏ năn tượng như một phép mầu, mấy hôm nay người mua hàng đòi giảm giá” – TS Ni cho hay.

Giá mà ai cũng hiểu sự định hình, chuyển đổi và cái giá phải trả trong suốt thời gian dò tìm con đường sống cho năn tượng gắn với con tôm càng xanh và tạo việc làm lao động vùng này.

“Hiện nay hơn 14.000 chị em được tư vấn học nghề và dự án MCF có hình mẫu là HTX Phát Ðỉnh”, chị Thanh Hoa nói, “mọi ý định phải nương theo thực tế ở địa phương, kiên trì và phải chứng minh hiệu quả. Hội động viên nhau, phụ nữ nông thôn phải chứng minh mình không phải phái yếu mà là phái đẹp vì mình làm ra sản phẩm mỹ nghệ mà”.

Từ lâu, trong các đầm lầy vùng ven biển, cỏ năn tượng là loài vô dụng. Cùng là họ cói lát mà “người” thì được dệt chiếu… vào đời chăn chiếu hay đan giỏ xuất khẩu đem ngoại tệ, còn năn tượng thì phải phát bỏ!

“Chính cách người ta tận diệt dữ lắm mà nó không chết nên tôi để ý năn tượng”, TS Dương Văn Ni nói: “Mất hơn 20 năm, năn tượng mới có một cuộc đời mới. Hổng phí hồi nhỏ đi chăn vịt, nhìn cây cỏ xứ mình biết cây này sống ở đây, nó có ích gì?”.

Cỏ năn tượng có khả năng lọc sinh học, tự nó lấy Oxy trong tự nhiên đưa xuống bộ rễ. Nắng gắt chừng nào thì nó làm việc hăng chừng nấy. TS Ni từng điều hành Trung tâm Nghiên cứu đất phèn Hòa An, đã giải mã giá trị năn tượng và phát hiện cách “Trời cho” mà lâu nay mình không biết.

Từ năm 2003 tới 2006, thí nghiệm tại Cà Mau, Kiên Giang, năn tượng có sức thuyết phục về khả năng làm sạch nguồn nước. Năm 2007, truyền thông trong nước đã loan tin năn tượng đang có giá ở Quảng Ðông, Phúc Kiến và vài thương nhân nói nguồn mây rừng đang khan hiến, năn tượng đang lên ngôi.

Năn tượng trở thành phát hiện tuyệt vời trong cuộc tìm kiếm “cascadeur” sẵn sàng thế vai khi nguồn mây tre thiếu hụt! Ngành đan đác mỹ nghệ hút hàng, nhưng cách nghĩ này khó thay đổi cuộc đời năn tượng. Ngược lại, vùng nuôi thủy sản thâm canh thì cần gì năn tượng. Lắp hệ thống sục khí là xong cần gì giữ năn tượng để tạo môi trường thuận lợi cho tôm, cua, cá…

Nhiều người từ Bình Dương tháo chạy về quê, túng bấn sau cơn đại dịch không biết phải làm gì. Những vuông tôm ở Hòa Tú xất bất xang bang sau mấy mùa “sú thất” đành bỏ vuông trống mấy mùa. Năn tượng thực sự là đòn bẩy cho ý tưởng thay đổi sinh kế, là giải pháp thoát khỏi xung đột giữa “sú thất” và tăng thu nhập bền vững.

Một ngày ở Hòa Tú

Cỏ này mọc đầy ở Cà Mau, diệt muốn chết còn đem về đây trồng làm gì? Xung đột hiện hữu trong cách suy nghĩ của những người từng thất bại đang mong ngóng thành công kiểu phép mầu.

Không có phép mầu nào cả, chỉ có làm với tất cả bằng chứng từ mảnh ruộng của ông Hai Mật. Người chịu bom đạn, chiến đấu vì mảnh đất này. Chị Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Xuyên, con gái ông Hai Mật, nói: Ngày đầu gặp thầy Ni, hổng biết sao thấy rất là tin tưởng. Em chỉ nghĩ tới những chị em ở đây “không biết làm gì” và muốn biết Cà Mau, Kiên Giang thay đổi kiểu nào. Tham quan mô hình MCF ở các tỉnh trở về, chị Hồng Ni thú thiệt ngày đầu bàn với gia đình. Ông xã đã bàn ra “Coi chừng bị người ta lừa, ai đời năn tượng diệt không xuể mà mình trồng”.

Tháng giêng ở Hòa Tú, ruộng năn tượng do MCF chở giống từ Cà Mau về trồng ở ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng lên xanh rì, trổ bông. Ông Hai Mật (Trần Văn Mật), 73 tuổi, đồng ý cho con gái cấy năn tượng trên ruộng, thừa nhận ở đây mùa màng thất bát dân đi tứ xứ hết rồi nên giá thuê nhân công cao lắm, phân bón thì mắc, làm ruộng không có cơ giới hóa, mần hoài nghèo hoài, nuôi tôm (sú) cũng thất.

“Con gái tui xin: cha cho con trồng năn tượng trên đất nhà chứ ba tuổi cao rồi trồng lúa, nuôi tôm quảng canh mà hiệu quả kém, sau này lấy gì dưỡng già”, ông Hai Mật cũng nghĩ ngợi dữ lắm vì chòm xóm nói ra nói vô: “Ðem mấy đồ yêu (tinh) này về trồng, một tuần chết hết. Sống thì cũng không có ai mua”.

Tháng thứ tư sau ngày cấy năn tượng, nhìn nước sạch sẽ hơn, chim cò quay về đây nhiều. “Môi trường để thả tôm, cua chắc chắn hơn nhiều”, ông Hai nói: “3 tháng đầu bắt cá lóc tự nhiên trong vuông mấy chục ký. Tháng tới làm sạch cá sẽ thả tôm”, ông hai Mật vui lắm khi nhìn mảnh ruộng cấy năn tượng đầu tiên ở Hòa Tân.

Ông hai Mật tự so sánh thu nhập của 1 công lúa tính theo tầm cấy (1.296m2) và thu nhập từ năn tượng thấy khỏe hơn gấp 10 lần. Giá năn tượng tươi khoảng 600-700 đồng/ký, sau khi phơi khô là 8.000-10.000 đồng/ký. Mỗi công đất trồng năn tượng có thể thu hoạch 1 tấn năn tượng khô, giá trung bình 8 triệu đồng, mỗi năm thu hoạch 3 vụ. Năn tượng tạo lợi nhuận bứt phá so với trồng lúa, nguồn nước an toàn cho tôm, cua cá… tạo việc làm và sản phẩm cung ứng xuất khẩu –  hệ sinh thái đó mới là giá trị mong muốn của cả ngàn người tham gia chương trình hành động mang tên
năn tượng.

Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV MCF – người kết nối nguồn lực phát triển dòng sản phẩm mỹ nghệ của các tổ hợp tác ở Hòa Tú, nói “Suy nghĩ rất nhiều về cách thay đổi sinh kế theo hướng khác, cam go nhưng cuối cùng chúng tôi đã định hình được mô hình này, giống chuyển từ cà Mau về, mai mốt bà con sẽ sử dụng nguyên liệu do mình trồng. Ruộng có thể nuôi tôm cá, cua tùy theo ý muốn của bà con. Trong suốt quá trình đó, diện tích đăng ký mở rộng năn tượng tới đâu, MCF sẽ hỗ trợ kỹ thuật đến đó. Hỗ trợ chứ không đưa tiền, không phong bì mời đi học nghề và mọi người cũng không phải tốn phí đồng nào.

HTX MCF Mỹ Quới, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, vùng trồng lúa nghèo trăm năm đang vận hành theo hướng đó – phát triển vùng trồng năn tượng, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ việc khám phá giá trị tài nguyên bản địa và tạo việc làm ở nông thôn do Quỹ MCF hỗ trợ. Tháng 8 năm ngoái, đoàn cán bộ Trường Ðại học Fulbright Việt Nam và Ðại học Cần Thơ khảo sát mô hình, gợi ý ứng dụng công nghệ quản lý vùng trồng.

“Tới HTX Mỹ Quới rồi, về nhà nói rõ để có sự đồng thuận trong gia đình. Bây giờ, người lo mọi việc giúp Ni là ông xã đó chứ”, chị Hồng Ni trả lời.

Theo Báo Cần Thơ

Quy trình thành lập Hợp tác xã

Bước 1: Xác định nhu cầu hợp tác

Các vấn đề cần được xác định:

–      Đối tượng cần hợp tác.

–      Điều kiện sản xuất kinh doanh, lợi thế và mối quan tâm của địa phương.

–      Các thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của HTX.

Các vấn đề trên cần được phân tích, đánh giá nhằm định hướng phát triển cho HTX và giải quyết tốt hơn những vấn đề trong cộng đồng địa phương.

Bước 2 : Sáng lập và công tác vận động

Nhiệm vụ 1: Tìm sáng lập viên

Sáng lập viên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với HTX, là cá nhân, hộ gia đình hoặc pháp nhân khởi xướng việc thành lập HTX và tham gia HTX.

Sáng lập viên phải là người có ý tưởng hình thành việc hợp tác, có hiểu biết về Luật và tổ chức HTX, có nhiệt tình, uy tín, khả năng, hiểu biết về những vấn đề mà HTX dự định sản xuất kinh doanh dịch vụ, có khả năng đề xướng các chương trình và lập kế hoạch hoạt động của HTX.

Nhiệm vụ 2: Vận động và chuẩn bị

Sáng lập viên báo cáo bằng văn bản với UBND cấp xã nơi dự định đặt trụ sở chính của HTX về việc thành lập, địa điểm đóng trụ sở, phương hướng sản xuất, kinh doanh và kế hoạch hoạt động của HTX.

Sáng lập viên tiến hành tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân khác có nhu cầu tham gia HTX.

–      Tài liệu tuyên truyền:

o   Luật HTX năm 2012

o  Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã

Nghị định số 107/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

o   Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã 

Nhiệm vụ 3: Xây dựng dự thảo Điều lệ HTX

Sáng lập viên xây dựng Điều lệ hợp tác xã theo quy định tại Điều 21 Luật Hợp tác xã năm 2012.

Nhiệm vụ 4: Xây dựng dự thảo phương hướng sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX

Nhiệm vụ 5: Xác lập danh sách những người có nhu cầu tham gia HTX

Nhiệm vụ 6: Lấy ý kiến đóng góp của dân (những người sẽ là thành viên) về dự thảo Điều lệ và Phương hướng sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX.

Nhiệm vụ 7: Họp bàn cơ cấu tổ chức HTX, đề cử các chức danh Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Trưởng Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

–      Hội đồng quản trị hợp tác xã: là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín.

o   Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.

o   Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị do điều lệ quy định, nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.

–      Giám đốc: là người điều hành hoạt động của hợp tác xã.

–      Ban kiểm soát, kiểm soát viên: hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ.

o   Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người.

o   Hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên việc thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do điều lệ quy định.

o   Trưởng ban kiểm soát do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số các thành viên ban kiểm soát; nhiệm kỳ của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.

–      Chuẩn bị báo cáo tuyên truyền và vận động thành lập HTX

Bước 3: Tổ chức Hội nghị thành lập HTX

Hội nghị thành lập HTX do sáng lập viên tổ chức.

Thành phần: sáng lập viên là cá nhân, người đại diện hợp pháp của sáng lập viên; người đại diện hợp pháp của hộ gia đình, pháp nhân và cá nhân khác có nguyện vọng gia nhập HTX.

Khách mời: đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, huyện, đại diện sở, phòng, ban chức năng, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang…

Nội dung chính:

–      Thông qua dự thảo Điều lệ (xây dựng theo Điều 21 Luật HTX năm 2012).

–      Thông qua Phương án sản xuất kinh doanh (Phụ lục I-2 – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).

–      Thông qua danh sách thành viên (Phụ lục I-3  – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).

–      Bầu cử hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, trưởng ban kiểm soát (Phụ lục I-4  – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).

–      Thông qua nghị quyết hội nghị thành lập HTX.

Bước 4: Đăng ký HTX

–      Khi thành lập HTX, HTX gửi tới cơ quan đăng ký HTX nơi HTX dự định đặt trụ sở chính 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập HTX, gồm:

–      Giấy đề nghị đăng ký thành lập HTX theo mẫu quy định tại Phụ lục I-1;

–      Điều lệ của HTX được xây dựng theo Điều 21 Luật HTX;

–      Phương án sản xuất kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I-2;

–      Danh sách thành viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I-3;

–      Danh sách hội đồng quản trị, giám đốc, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I-4;

–      Nghị quyết của hội nghị thành lập về những nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật HTX đã được biểu quyết thông qua.

HTX được cấp giấy chứng nhận đăng ký khi có đủ các điều kiện sau đây:

–      Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;

–      Hồ sơ đăng ký theo quy định Điều 7 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT.

–      Tên của HTX được đặt theo quy định tại Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

–      Có trụ sở chính: là địa điểm giao dịch của HTX trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Người đại điện hợp pháp của HTX, liên hiệp HTX phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

HTX có tư cách pháp nhân, có quyền hoạt động theo nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký HTX kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, HTX được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.

Vai trò của hợp tác xã ở một số nước trên thế giới

Hợp tác xã là một loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đến nay hợp tác xã vẫn tỏ ra là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Và quan trọng hơn nữa, thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao.

Vai trò của hợp tác xã tại một số nước phát triển

Châu âu có gần 290.000 hợp tác xã (HTX) với 140 triệu thành viên và khoảng 4,9 triệu người làm thuê. Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 30.000 HTX nông nghiệp với doanh số khoảng 210 tỷ ơ-rô. Các HTX nông nghiệp lớn nhất hoạt động trong các ngành chế biến bơ sữa, thịt và thương mại nông nghiệp. Lĩnh vực ngân hàng cũng là nơi các HTX có thị phần lớn (Thí dụ Rahobank của Hà Lan, Credit Agricole của Pháp và các ngân hàng Raiffsisen của các nước nói tiếng Đức). Các HTX bán lẻ rất mạnh ở các nước Bắc Âu (S Group và Scandinavian Coop Norden của Phần Lan) và Thụy sỹ.

Một trong những chiếc nôi đầu tiên của mô hình kinh tế ở Châu Âu xuất hiện ở CHLB Đức. Cho đến nay, đất nước nay vẫn duy trì một hệ thống HTX mạnh, kinh tế HTX coi trọng là một bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế quốc doanh và có những đóng góp quan trọng vào kinh tế nông thôn nói riêng và kinh tế quốc dân nói chung. Với nguyên tắc kinh doanh “Lợi thế nhờ quy mô, mua bán sĩ tốt hơn mua bán lẻ”, thành viên HTX cũng chính là những khách hàng quan trọng của HTX. Vì vậy, bất cứ nhu cầu nào của thành viên được phát sinh là HTX có thể thiết kế sản phẩm nhằm đáp ứng phục vụ. HTX nông nghiệp chủ yếu cung cấp các dịch vụ mang tính hỗ trợ cho các thành viên của mình, thường đảm nhận các dịch vụ “đầu vào” của sản phẩm nông nghiệp như: Thủy lợi, điện, hạt giống, cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc…; tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới (cây, con giống mới, kỹ thuật chăm bón, nuoi dưỡng, sử dụng máy móc thiết bị hiện đại…), nhà kho, bảo quản đông lạnh, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ tài chính (vay vốn, bảo hiểm)… Bên cạnh đó còn có các HTX cung cấp các dịch vụ khác như: làm đất, cung cấp máy nông nghiệp, dụng cụ lao động, vật tư chuồng trại, xăng dầu, chất đốt,…

Hiện nay, Đức có các HTX nông nghiệp chính như: dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mua bán nông sản; sữa và sản phẩm sữa; trồng và bảo quản nho; cung cấp nước sạch; chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt; chế biến rau, quả; trồng cỏ và chế biến thức ăn gia súc; cung cấp điện; dịch vụ máy nông nghiệp; thủy hải sản; hoa, cây cảnh; bánh mì, bánh ngọt; dịch vụ nhà kho, nhà đông lạnh; chế biến nho… Các HTX nông nghiệp của Đức đang nắm thị phần cao đối với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng: 70% thị phần sản phẩm thịt chế biến, hơn 60% thị phần của các sản phẩm sữa, hơn 30% thị phần rượu nho.

Các HTX nông nghiệp ở Đức rất nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế chung của người tiêu dùng là ưa chuộng các nông phẩm sinh thái, các nông sản “sạch” để định hướng, tư vấn hỗ trợ các thành viên của mình trong việc trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến theo đúng tiêu chuẩn, quy định. Các sản phẩm thịt sạch, sữa sạch, rau quả sạch mang thương hiệu HTX… đang là những sản phẩm rất có lợi thế trên thị trường tiêu dùng ở Đức. Sự trợ giúp đó của HTX giúp cho người nông dân tiêu thụ được sản phẩm và tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn.

Ngoài dịch vụ cung cấp cho thành viên, các HTX nông nghiệp tạo ra khoảng 150.000 việc làm trực tiếp. Tính trung bình, mỗi HTX nông nghiệp sử dụng 46 lao động. Theo quy định của Luật HTX Đức, hằng năm, các HTX đều được kiểm toán định kỳ và do Hiệp hội HTX thực hiện.

Tại Phần Lan – nơi được xem là “quê hương” của HTX, mô hình kinh tế nay đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân nông thôn và nghề nghiệp của họ với kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa được diễn ra nhanh chóng. Phạm vi hoạt động của HTX rất rộng, trải rộng gần như trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đến mức hiện nay hầu  như mỗi người  dân Phần Lan đều có quan hệ với  HTX trong một hay nhiều lĩnh vực của đời sống. Các HTX ở Phần Lan thường giữ thị phần cao trong các lĩnh vực then chốt, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp lương thực, ngân hàng – bảo hiểm, thương mại nông nghiệp và bán lẻ. Thí dụ, HTX của những người sở hữu rừng Metsaliitto không chỉ với lớn về quy mô và mức độ liên kết trong nội bộ mà còn là một trong những HTX sản xuất lớn nhất ở Châu Âu. HTX ở Phần Lan cũng đi tiên phong trong lĩnh vực giáo dục người tiêu dùng, thí dụ như đưa ra các khái niệm bán lẻ mới, chuỗi cửa hàng, quyền của người tiêu dùng, xây dựng các tiêu chuẩn , các phương thức hoạt động mới và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Mỹ có gần 50.000 HTX với khoảng 150 triệu thành viên. Các HTX nông nghiệp (3.500 HTX) đóng vai trò quan trọng, đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và thương mại nông nghiệp. Tổng doanh thu của các HTX này vào khoảng 100 tỷ ơ-rô, trong đó 1/3 thuộc về 100 HTX lớn nhất. HTX ở Mỹ rất mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa, ví dụ như Dairy Farmers of America (DFA) với doanh số khoảng 10 tỷ ơ-rô. Trong những năm gần đây, vị trí của DFA đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của khối HTX Farmland Industry và Agway. Một điểm đặc biệt của HTX ở Mỹ là sự thành công của các HTX sản xuất chuyên ngành. Thí dụ như Blue Diamond (HTX của những người trồng hạnh, chiếm khoảng 1/3 thị phần thế giới về sản phẩm này), Sunmaid (HTX chế biến nho khô, một trong những nhãn hiệu uy tín), và Ocean Spray (HTX của những người trồng việt quất, một liên minh chiến lược có sức sống mạnh mẽ).

Trong vòng 20 năm qua, ở Mỹ nổi lên một thế hệ các HTX nông nghiệp mới dựa trên việc đánh giá lại các nguyên tắc HTX. Sự ra đời của thế hệ HTX mới này xuất phát từ nhu cầu tạo thêm nguồn sinh lực mới cho các HTX nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh. Các HTX thế hệ mới ở các Bang của Mỹ đều là những công ty lớn với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ ơ-rô.

Ở Nhật Bản, HTX là nhân tố tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế. Các loại hình tổ chức HTX ở Nhật Bản bao gồm: HTX nông nghiệp và HTX tiêu dùng.

HTX tiêu dùng (JCCU) là tổ chức cấp cao của khu vực HTX ở Nhật Bản. JCCU có các chức năng và nhiệm vụ như: tăng cường hướng dẫn quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các HTX thành viên; lập kế hoạch; phát triển và cung cấp sản phẩm, các chương trình bảo hiểm và mạng lưới thông tin đáp ứng nhu cầu cho của các xã viên; tổ chức các khóa học và hội thảo về công tác quản lý và giáo dục cho các HTX thành viên; xuất – nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng… Các HTX thành viên của JCCU đã sản xuất trên 10.000 sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu “Co-op”, bao gồm lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng.

Với HTX nông nghiệp, năm 1972, Liên hiệp các HTX quốc gia Nhật Bản (BEN-NOH) chính thức được thành lập và được Chính phủ giao thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các HTX nông nghiệp Nhật Bản có mặt hầu hết các làng mạc, thành phố, thị trấn. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của HTX nông nghiệp Nhật Bản là hợp tác trong phân phối chứ không hợp tác trong sản xuất. HTX nông nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ chính: một là, cung cấp cho nông dân các yếu tố “đầu vào” phục vụ sản xuất nông nghiệp, như phân bón, hóa chất nông nghiệp, trang thiết bị, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi gia súc… ; hai là, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ, bán các nông sản, vật tư dựa váo mạng lưới  tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế. HTX nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính: 90% lúa gạo; trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi… Nông dân Nhật Bản chủ yếu mua hàng qua HTX.

Mô hình HTX nông nghiệp Nhật Bản được đặc trưng bởi hệ thống 3 cấp: Các HTX nông nghiệp cơ sở, các liên hiệp và các liên đoàn quốc gia. HTX nông nghiệp cơ sở có hai loại: loại thứ nhất là HTX nông nghiệp đa chức năng tham gia hầu hết các hoạt động và dịch vụ, từ tiếp thị sản phẩm nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu sản xuất và vật dụng thiết yếu hằng ngày, nhận gửi tiền và cho vay, đầu tư vốn, cung cấp bảo hiểm đến hướng dẫn kinh doanh cho nông dân…; loại thứ hai là HTX nông nghiệp đơn chức hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất cụ thể như chế biến sữa, nuôi gia cầm và các nghề truyền thống khác, tiếp thị sản phẩm của các xã viên và cung cấp nguyên liệu sản xuất…

Để giúp các tổ chức HTX hoạt động, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ xã hội hóa nông nghiệp, coi HTX nông nghiệp là một trong những hình thức phục vụ xã hội hóa tốt nhất và yêu cầu các cấp , các ngành phải giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức này.

Đóng góp của HTX tại một số nền kinh tế mới

Ấn Độ là nước công nghiệp, nền sự phát triển nền kinh tế của quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào phát triển nông nghiệp. Ở Ấn Độ, HTX đã ra đời từ rất lâu và trở thành lực lượng vững mạnh, tham gia hầu hết các hoạt động kinh tế của đất nước. Người nông dân coi HTX là phương tiện để tiếp nhận tín dụng, các yếu tố “đầu vào” và các dịch vụ cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Khu vực HTX có phạm vi hoạt động rất rộng, trong các lĩnh vực tín dụng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ và xây dựng nhà ở với tổng vốn hoạt động khoảng 18,33 tỷ USD. Nổi bật nhất là các HTX tín dụng nông nghiệp, chiếm tới 43% tổng số tín dụng trong cả nước; các HTX sản xuất đường chiếm tới 62,4% tổng sản lượng đường trên cả nước; HTX sản xuất phân bón chiếm 34% tổng sản lượng phân bón được sản xuất trong nước.  Một trong những Liên hiệp HTX  hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất ở Ấn Độ là Liên hiệp HTX sản xuất sữa Amul (bang Gujaza) được thành lập từ năm 1953. Đây là một liên hiệp sản xuất sữa lớn nhất của Ấn Độ, có tới gần 2 triệu cổ phần và chiếm khoảng 42,6% thị trường sữa trong cả nước.

Liên minh HTX quốc gia Ấn Độ (NCUI) là tổ chức cao nhất, đại diện cho toàn bộ HTX ở Ấn Độ. Mục tiêu chính của NCUI là hỗ trợ và phát triển phong trào HTX ở Ấn Độ, giáo dục và hướng dẫn nông dân xây dựng và phát triển HTX.

Nhận rõ vai trò của các HTX trong nền kinh tế quốc dân, Chính phủ Ấn độ đã  thành lập công ty quốc gia phát triển HTX, thực hiện nhiều dự án khác nhau trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng, lâm sản và các mặt hàng khác, đồng thời thực hiện các dự án về phát triển những vùng nông thôn còn lạc hậu. Ngoài ra, Chính phủ còn khuyến khích sự phát triển của khu vực HTX thông qua xúc tiến xuất khẩu; sửa đổi luật HTX; tạo điều kiện cho các HTX tự chủ và năng động hơn; chấn chỉnh hệ thống  tín dụng HTX; thiết lập mạng lưới thông tin hai chiều giữa  những người nghèo nông thôn với các tổ chức HTX; bảo đảm trách nhiệm của các liên đoàn HTX đối với  các HTX thành viên.

Ở Thái Lan, một số mô hình HTX tiêu biểu là HTX nông nghiệp và HTX tín dụng. HTX nông nghiệp được thành lập nhằm đáp ững nhu cầu của xã viên trong các lĩnh vực vay vốn, gửi tiết kiệm và tiền ký quỹ, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ khác. Thông qua sự trợ giúp của Chính phủ, ngân hàng nông nghiệp và HTX nông nghiệp, xã viên được vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn ưu đãi thích hợp cho việc kinh doanh hặc sản xuất của họ. Hiện nay, số HTX tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh này chiếm khoảng 39%. Hoạt động của HTX tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu xã viên về các lĩnh vực: khuyến khích gửi tiền tiết kiệm của các xã viên; góp cổ phần; cung cấp các dịch vụ vay cho xã viên… HTX tín dụng nông thôn được thành lập từ lâu.  Do hoạt động của HTX trong lĩnh vực này có hiệu quả, nên hàng loạt HTX tín dụng đã ra đời trên khắp đất nước. Bên cạnh đó, sự phát triển của HTX tiêu dùng, các loại HTX công nghiệp cũng phát triển mạnh và trở thành một trong những yếu tố quan trong trong sự phát triển kinh tế của Thái Lan.

Liên đoàn HTX Thái Lan (CLT) là tổ chức HTX cấp cao quốc gia, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ, giáo dục và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các HTX và xã viên theo luật định. 

Để tạo điều kiện cho khu vực HTX phát triển và khuyến khích xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan đã thành lập Bộ nông nghiệp và HTX, trong đó có hai vụ chuyên trách về HTX là Vụ phát triển HTX (để giúp HTX thực hiện các hoạt động kinh doanh, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra) và Vụ Kiểm toán HTX (thực hiện chức năng kiểm toán HTX và hướng dẫn nghiệp vụ kế toán trong công tác quản lý tài chính, kế toán HTX). Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, như chính sách giá, tín dụng với mục tiêu bảo đảm chi phí “đầu vào” hợp lý để có giá bán ổn định cho người tiêu dùng, góp phần ổn định giá nông sản tại thị trường trong nước thấp hơn giá thị trường thế giới, khuyến khích xuất khẩu.

Ở Hàn Quốc từ khi thành lập vào năm 1961, Liên đoàn quốc gia HTX nông nghiệp Hàn Quốc (NACF)  đã thích lập mạng lưới HTX từ trung ương đến cơ sở. Trải qua nhiều thăm trầm trong quá trình phát triển, cho đến nay, hệ thống HTX ở Hàn Quốc đã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng lên của nông dân về hỗ trợ dịch vụ, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường và kinh tế nông thôn, lan ra đan xen vào kinh tế đô thị và từng bước hội nhập  vào nên kinh tế thế giới.

Với gần 1.400 HTX thành viên, hoạt động của NACF rất đa dạng, bao gồm từ tiếp thi sản phẩm, chế biến, cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng, tín dụng và ngân hàng, bảo hiểm, kho tàng, vận tải, khuyến nông, xuất bản và các dịch vụ hỗ trợ cho 5 triệu nông dân và cộng đồng nông thôn. NACF nắm giữ 40% thị phẩm nông sản trong nước và là một ngân hàng có số tiền gửi lớn nhất Hàn Quốc. Nhằm mở rộng thị trường nông sản, NACF quản lý một mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ cửa nông trại đến người tiêu dùng, giúp người nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu của thị trường, giảm tối thiểu chi phí lưu thông, hao hụt, thất thoát. NACF cũng điều hành một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và cạnh tranh mạnh nhất. NACF chịu trách nhiệm cung cấp các vật tư nông nghiệp bảo đảm cho nông dân có đủ vật tư thiết yếu đúng thời gian, giá rẻ, chất lượng. Trong khâu chế biến, NACF sở hữu một hệ thống hạ tầng và thiết bị hùng hậu giúp tăng thêm giá trị cho hàng nông sản. Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, NACF điều hành cả hệ thống ngân hàng nông nghiệp và các quỹ tín dụng của HTX, cung cấp nhiều loại dịch vụ: giao dịch ngân hàng, dịch vụ thẻ tín dụng, tín dụng cho vay, đầu tư, bảo hiểm, giao dịch quốc tế… Hệ thống bảo hiểm của NACF chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nông thôn.

Ở Ma-lai-xi-a, các tổ chức HTX được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ XX. Sự phát triển vững chắc của kinh tế HTX là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nước này. Tổ chức HTX Ma-lai-xi-a (ANGKASA) là tổ chức cấp cao của các HTX Ma-lai-xi-a, có nhiệm vụ hỗ trợ các HTX thành viên về phương thức điều hành và quản lý các hoạt động của HTX qua việc tư vấn, giáo dục hoặc tổ chức  những dịch vụ cần thiết. Các nguyên tắc của HTX  được ANGKASA nêu cụ thể như sau: quản lý dân chủ; thành viên tự nguyện; thu nhập bình đẳng; phân phối lợi nhuận kinh doanh theo mức độ sử dụng các dịch vụ của các xã viên và mức đóng góp cổ phần của xã viên; hoàn trả vốn theo mức đầu tư; xúc tiến công tác đào tạo phổ cập kiến thức quản lý và khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho các xã viên.

Năm 1993, Luật HTX của Ma-lai-xi-a ra đời tạo khung pháp lý để các HTX hoạt động, xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo cán bộ quản lý HTX, củng cos quyền của xã viên cũng như công tác đào tạo xã viên. Luật cũng quy định về luật kiểm toán nội bộ và xây dựng báo cáo tổng hợp của Ban chủ nhiệm HTX trong đại hội xã viên thường kỳ hằng năm. Chính phủ Ma-lai-xi-a đã thành lập Cục phát triển HTX với một số hoạt động chính, như quản lý và giám sát các hoạt động của HTX; giúp đỡ tài chính và phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng kế hoạch phát triển HTX, đào tạo cán bộ quản lý…Qua các hoạt động của hệ thống HTX ở một số nước nêu trên, có thể nhận thấy  một nét chung nhất là, hoạt động của HTX không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn mang lại sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, để người nông dân có được giá tốt nhất. Dịch vụ chính là sản phẩm chủ yếu của HTX.

Sưu tầm

Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, đang diễn ra nhanh hơn, gây nhiều hiện tượng biến đổi tự nhiên, khí hậu, thời tiết bất thường, cực đoan, thiên tai với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của BĐKH, gây thiệt hại lớn về người và tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trong phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Với tinh thần chủ động ứng phó với BĐKH và BVMT, thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, trong thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), HTX là một thành phần kinh tế quan trọng, tích cực thực hiện công tác BVMT, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 

Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về thích ứng với biên đổi khí hậu và BVMT

Kinh tế tập thể (KTTT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX (LHHTX), tổ hợp tác (THT)) là thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Ngày 12/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 340/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2030 đề ra quan điểm, mục tiêu, định hướng gắn với phát triển KTTT, HTX, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Về quan điểm, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện mối quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển KTTT với nòng cốt là HTX.

    Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT nêu rõ quan điểm về ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội

    Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm, yêu cầu về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển; nội dung thích ứng với BĐKH phải được lồng ghép trong các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch có liên quan; thích ứng với BĐKH phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội và tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với BĐKH, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và BVMT…

    Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, về thích ứng với BĐKH và BVMT, trong những năm qua, số lượng HTX đã phát triển mạnh, cả về quy mô và loại hình, nhiều hợp tác xã (HTX) dịch vụ BVMT đã được thành lập, không ít mô hình thí điểm về quản lý và xử lý môi trường đã thành công. Các HTX góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh và ý thức của người dân trong BVMT.

    Thông qua mô hình HTX, phong trào quần chúng tham gia BVMT được đẩy mạnh, công tác xã hội hóa BVMT được hình thành ở nhiều tỉnh, thành phố với nhiều điển hình tiên tiến trong công tác BVMT, các mô hình HTX tự quản về môi trường ở cộng đồng. Các mô hình HTX  tham gia BVMT, bao gồm các lĩnh vực: phân loại rác tại nguồn, chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh, tái chế rác thải nilông làm hạt nhựa, xử lý nước thải, khí thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng chất thải xây dựng sản xuất gạch không nung, quản lý nghĩa trang nhân dân gắn với BVMT, xử lý chất thải hữu cơ nhằm tận thu năng lượng khí sinh học, tái sử dụng chất thải trong sản xuất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế hộ và BVMT… góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

     Như vậy, xem xét ở góc độ trên, mô hình HTX thể hiện vai trò quan trọng trong công tác BVMT với những đặc điểm sau: Là tổ chức cộng đồng làm kinh tế có tính tự chủ cao nhất; huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể trong BVMT; gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, bản làng, khu vực nông thôn, miền núi.

KTTT, HTX phát triển không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hoá, xã hội, các hoạt động cộng đồng thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, BVMT; phát huy sức mạnh thành viên, hộ gia đình vững vàng hơn trước BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, tạo tiền đề phát triển sản xuất lớn, tăng thu nhập, ổn định và phát triển bền vững.

Tình hình phát triển các HTX môi trường

Tính đến năm 2020, cả nước có 27.266 HTX, trong đó có 553 HTX môi trường, tăng 343 HTX so với năm 2011, trong đó vùng Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng có số lượng HTX môi trường cao nhất cả nước (với 234 HTX và 116 HTX). Tốc độ tăng HTX môi trường bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2020 đạt 12%/năm.

    Tổng số thành viên tham gia HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường là 311.563 thành viên (tăng 218.545 thành viên so với năm 2011), bình quân 563 thành viên/HTX; tổng số vốn điều lệ đạt 861 tỷ đồng (tăng 656 tỷ đồng so với năm 2011), bình quân 1,02 tỷ đồng/HTX; tổng tài sản đạt 1,455 nghìn tỷ đồng (tăng 1,264 nghìn tỷ đồng so với năm 2011), bình quân 2,6 tỷ đồng/HTX; doanh thu bình quân đạt 3,421 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 199 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân lao động thường xuyên năm 2020 đạt 29,7 triệu đồng/lao động (năm 2011 là 14,4 triệu đồng/lao động).

    Hiện có 2 loại hình chuyên về HTX môi trường và tham gia BVMT. Ví dụ, tại Hà Tĩnh có 105 HTX chuyên về môi trường, 2 HTX tham gia BVMT; Vĩnh Phúc: 61 HTX môi trường, 10 HTX tham gia BVMT; Đồng Nai: 16 HTX môi trường; TP. Hồ Chí Minh: 14 HTX môi trường; Bắc Giang: 11 HTX môi trường; Cao Bằng: 10 HTX môi trường; Phú Thọ: 8 HTX môi trường, 6 HTX tham gia BVMT; Đắc Lắc: 10 HTX môi trường; Bạc Liêu: 4 HTX môi trường, 22 HTX tham gia BVMT, Đắc Nông: 4 HTX môi trường, 2 HTX tham gia BVMT…

    Các HTX dịch vụ môi trường tham gia nhiều công đoạn từ khâu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn đến việc vận chuyển và xử lý, trong đó một số HTX chỉ thực hiện một công đoạn như thu gom rác thải tại nguồn hoặc chỉ vận chuyển rác thải. Đối tượng phục vụ chủ yếu của các HTX là các hộ gia đình, một số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các cơ quan và doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn. Trong số các HTX thu gom rác thải có 53% số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình; 32% số HTX vừa cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình vừa cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn.

    Ngoài công tác BVMT, các HTX dịch vụ môi trường còn tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Hiện nay, các mô hình thí điểm đang được nhân rộng trên nhiều địa bàn các tỉnh thành cả nước. Các mô hình được triển khai gắn với phát triển theo loại hình HTX, giúp HTX tiếp cận những chuyển giao công nghệ nhằm hướng tới 3 mục tiêu: phát triển kinh tế cho các HTX (gắn với cộng đồng là các xã viên), phát triển đời sống xã hội và đặc biệt đẩy mạnh công tác BVMT gắn với đời sống và sản xuất.

    Thời gian qua, các HTX môi trường và HTX tham gia BVMT đã được hình thành và phát triển theo mục tiêu chung vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng và huy động sức mạnh tập thể theo mô hình HTX. Mô hình HTX trong BVMT đã được triển khai, gắn với yêu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế hợp tác, HTX; phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện trên cả nước có nhiều HTX dịch vụ môi trường hoạt động hiệu quả tại tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, như: HTX dịch vụ môi trường thị trấn Tam Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng năm, thu gom được trên 400 tấn rác thải các loại; giải quyết cho 13 lao động thường xuyên có việc làm ổn định, mức lương 3-5 triệu đồng/tháng; HTX dịch vụ môi trường Tân Phát, tỉnh Hà Tĩnh, chuyên thu gom, xử lý rác thải, với 15 thành viên; thu nhập trung bình mỗi lao động là 6,5 triệu đồng/tháng…

    Mặc dù, đạt được những kết quả nêu trên, nhưng nhìn chung, hoạt động của mô hình HTX môi trường và HTX tham gia hoạt động BVMT còn hạn chế. Kết quả thực hiện các mô hình chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác BVMT. Các hoạt động tư vấn, dịch vụ BVMT tuy có thực hiện, nhưng số lượng chưa nhiều, hạn chế về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp dịch vụ. Nhìn chung, các đơn vị triển khai mới chỉ làm được những gì mình đang có, hạn chế phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động (hướng tới các dịch vụ xử lý nước cấp, xử lý rác thải, khí thải…). Nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT của các mô hình HTX còn bất cập so với yêu cầu, đa số thiếu vốn hoạt động. Trong lúc nguồn lực còn hạn chế thì hầu hết các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án hoặc có thông tin nhưng còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, đề án, dự án cụ thể về BVMT để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương giúp phát triển mô hình HTX môi trường và HTX tham gia BVMT. Nguyên nhân của những hạn chế và tồn tại trên, trước hết là do trình độ tổ chức quản lý hoạt động BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của các HTX trong bối cảnh hội nhập; chưa phối hợp tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và HTX; thiếu vốn; năng lực của cán bộ làm công tác BVMT chưa được chú trọng nâng cao; chậm đổi mới cả về tư duy và phương thức hoạt động. Nhận thức của LMHTX các cấp về công tác BVMT còn hạn chế. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX trong công tác BVMT còn thiếu. Trong khi phần lớn các HTX ở nước ta còn nghèo, công nghệ còn lạc hậu thiếu nguồn lực nên hầu hết các HTX ít quan tâm, hoặc có quan tâm cũng ít có điều kiện để đầu tư đúng mức vào BVMT.

Một số giải pháp tổ chức thực hiện, phát huy vai trò của mô hình HTX trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH

Thứ nhấttổ chức học tập, tuyên truyền, tập huấn trong hệ thống HTX nhằm thống nhất nhận thức, hành động về thích ứng với BĐKH và BVMT

    Giáo dục và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý thích ứng với BĐKH trong toàn xã hội, các hợp tác xã, thành viên HTX, cơ quan quản lý, các đơn vị. Thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự báo thời tiết, cảnh báo mưa bão, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, hạn hán… cung cấp đầy đủ thông tin về BĐKH.

    Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, từng loại hình HTX để việc tuyên truyền thiết thực và hiệu quả, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức thi, mở các chuyên san, chuyên mục về phát triển KTTT, HTX gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của HTX, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về HTX, phát động phong trào thi đua trong các HTX…

Thứ hai, khuyến khích các  HTX thực hiện về giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên

    Có chính sách hỗ trợ các HTX sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm nhẹ BĐKH thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao diện tích, chất lượng rừng làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính; quản lý chất thải chất thải, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải trong chăn nuôi, đốt rơm dạ sau thu hoạch lúa…

   Tăng cường khả năng thích ứng cho những đối tượng trong hệ thống HTX dễ bị tổn thương cao như các chế độ bảo hiểm an sinh xã hội cho người nghèo, các chương trình việc làm, bảo hiểm, trợ cấp…

   Thực thi các chính sách thích ứng  BĐKH theo các loại hình HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường… Nâng cao năng lực quản trị HTX về quản lý các loại tài nguyên: nước, khoáng sản, đất ngập nước, bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái rừng… giảm thiểu thiệt hại bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…xen ghép vào hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác. 

Thứ ba, thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, BĐKH

    Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch, chiến lược phát triển của các hợp tác xã, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

    Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định cuộc sống của người dân và khôi phục sản suất ngay sau thiên tai. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác xây dựng công trình phòng chống thiên tai, nhất là đối với những vùng thường xuyên xảy ra lụt bão cần có các điểm tránh trú an toàn do người dân và cộng đồng đầu tư.

    Phát triển mô hình HTX kiểu mới thích ứng với BĐKH cả về số lượng thành viên và quy mô hoạt động, phát huy các giá trị lợi ích chia sẻ, đổi mới sáng tạo, tổ chức quản trị theo hướng phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển mô hình HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống thành viên. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện công bằng xã hội. Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực KTTT trong xã hội.

 Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ HTX

    Tư vấn, hỗ trợ HTX về xây dựng kế hoạch, quản trị sản xuất theo hướng sản xuất xanh, ứng phó với BĐKH. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế học tập kinh nghiệm về thích ứng với BĐKH; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường, các tổ chức quốc tế hỗ trợ các HTX và thực hiện các dự án hỗ trợ HTX.

Sưu tầm

Phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã (HTX)”, trong những năm xây dựng nông thôn mới (NTM), các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.

HTX Quốc Noãn (Thới Lai, Cần Thơ) tổ chức sản xuất mang lại thu nhập ổn định cho các hộ thành viên

Kinh tế tập thể, HTX luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là cơ sở và lực lượng cốt lõi để phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Để nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng NTM, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM cho cán bộ, thành viên HTX; qua đó thấy rõ được vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Tỉnh đã có các chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Liên minh HTX thành phố đã phát động các phong trào thi đua, hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Hàng năm, Liên minh HTX thành phố còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Các HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Đóng góp của các HTX đã làm thay đổi diện mạo, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển. Hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đổi mới từng ngày, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Hoạt động dịch vụ trong các HTX phát triển đa dạng gắn với chuỗi giá trị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Để tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, các HTX trong tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tích cực triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu thực hiện tiêu chí số 13 trở thành tiêu chí nổi trội trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.

Sưu tầm

All in one
Scroll to Top