
admin




Cùng với định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) kiểu mới gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, nhiều HTX năng động, vừa tập trung đầu tư phát triển sản xuất, vừa triển khai đa dạng các dịch vụ… Qua đó, không chỉ tạo nền tảng vững chắc, phát triển kinh doanh ổn định, mà còn góp phần tạo ra sinh kế cho cư dân nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung – cầu do thành phố tổ chức, HTX Quốc Noãn, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai còn chủ động quảng bá các mặt hàng thủ công mỹ nghệ qua mạng xã hội Zalo… Qua đó, kịp thời điều chỉnh, cải tiến mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu và thị hiếu của đối tác khách hàng trong và ngoài thành phố. Không chỉ vậy, HTX Quốc Noãn còn tổ chức cung cấp nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Hiện, HTX Quốc Noãn có trên 20 dòng sản phẩm mỹ nghệ, như: giỏ hoa kiểng, lồng bàn, hàng trang trí, hàng lưu niệm,… được các đối tác ở các tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Long An và các nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Điều đáng mừng là dù chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021, nhưng HTX Quốc Noãn vẫn duy trì hoạt động, ổn định sản xuất, giúp các hộ thành viên và 80 lao động địa phương an tâm sản xuất, bởi có đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: Hiện HTX đã ký kết hợp đồng ổn định với các đối tác, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm do thành viên làm ra. Song, muốn phát triển bền vững và giữ được chữ tín trong kinh doanh, đòi hỏi HTX phải thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng với khách hàng, đó là hàng hóa làm ra phải đạt chất lượng từ chủng loại đến quy cách, mẫu mã và tuân thủ giao hàng đúng hẹn. Theo đó, HTX đã thành lập các tổ, nhóm để thu mua tre, trúc và các loại nguyên liệu khác; đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích rộng 100m2, trang bị máy móc làm dịch vụ sơ chế nguyên liệu, từ việc chẻ nan, vót nan bằng máy đến việc xử lý chống ẩm mốc, mối mọt… Điều này, đảm bảo cung cấp nguyên liệu có chất lượng đồng nhất cho thành viên. Cùng với đó, HTX còn vận động và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật đan lát sản phẩm thủ công, để nâng cao tay nghề, tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác, khách hàng. Nhờ đó, hầu hết sản phẩm HTX Quốc Noãn đều có chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp và giá cả cạnh tranh so với các đơn vị cùng ngành nghề,… góp phần tạo ra sinh kế cho cư dân nông thôn, tạo động lực thúc đẩy các sản phẩm làng nghề đặc trưng của địa phương phát triển.
Vừa ứng dụng kỹ thuật mới canh tác lúa theo hướng chất lượng cao, vừa triển khai khai đa dạng các dịch vụ theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ là hướng đi đột phá của HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho trên 161 thành viên HTX và nông dân tham gia sản xuất ở các cánh đồng lớn trên địa bàn xã Thạnh Lợi. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX, cho biết: Hiện nông dân trong HTX đều được tập huấn và thực hiện các kỹ thuật mới vào canh tác các giống lúa OM và Jasmine 85 theo quy trình Global GAP, bảo đảm tính thống nhất theo kế hoạch mùa vụ. Cùng với đó, HTX còn triển khai các dịch vụ hậu cầu trong nông nghiệp để phục vụ nhu cầu thành viên và liên kết với đối tác, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Hiện, HTX có ký kết hợp đồng sản xuất lúa giống cho Viện Lúa ĐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời, với sản lượng từ 600 tấn lúa giống xác nhận/vụ; cung cấp dịch vụ cày đất cho thành viên với giá rẻ hơn so với bên ngoài 200.000 đồng/ha; tổ chức dịch vụ tách hạt lúa, dịch vụ sấy lúa cho thành viên, với giá rẻ hơn so với bên ngoài.
Cùng với đó, HTX Khiết Tâm còn được ngành chức năng thành phố và huyện Vĩnh Thạnh đầu tư trạm bơm điện, phục vụ nhu cầu bơm, thoát nước cho hơn 2.500ha đất sản xuất, với hơn 950 hộ dân tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. Ngoài ra, HTX còn cung cấp dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp cho 340ha của thành viên; tổ chức dịch vụ sấy lúa và bảo quản lúa tại kho với giá ưu đãi cho thành viên. Không chỉ vậy, ở mỗi vụ sản xuất, HTX đều làm việc với hộ thành viên và nông dân có nhu cầu đăng ký bán lúa hàng hóa với HTX, giúp thành viên và nông dân có đầu ra ổn định, bởi được bao tiêu từ các doanh nghiệp, đối tác của HTX. Hiện, thu nhập của thành viên HTX cao hơn từ 5-10 triệu đồng/ha so với những hộ sản xuất bên ngoài và người lao động trong HTX có thu nhập bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng.
Việc các HTX phát huy năng lực nội tại, liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tạo ra bước chuyển đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường, thích ứng với tình hình mới. Song, để các HTX kiểu mới phát triển bền vững gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, các ngành, các cấp cần trợ lực cho các HTX xây dựng kế hoạch, phát triển mô hình liên kết sản xuất, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ hàng hóa… Từ đó, trong mỗi lĩnh vực, mỗi ngành hàng sẽ hình thành những HTX làm đầu tàu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố.
Để nâng cao năng lực thích ứng cho các HTX trong tình hình mới, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp cùng với các ngành và các địa phương triển khai đa dạng các chương trình hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách mới, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Ngoài công tác tư vấn, tổ chức cho các HTX hoạt động đúng theo Luật HTX năm 2012, Liên minh HTX thành phố còn triển khai các lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý ở các HTX; phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố triển khai các chương trình hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh,… để nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới. Thành phố có nhiều HTX đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, quy trình, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa, nông sản, từ đó đã tạo được nền tảng vững chắc, phát triển kinh doanh ngày càng ổn định, thúc đẩy chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản chủ lực của địa phương...





Sáng ngày 30/3/2021, tại trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Thạnh An (thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) đã tổ chức Đại hội Đại biểu thành viên thường niên năm 2021 về tình hình hoạt động của Quỹ.
Đến tham dự Đại hội có Ông Nguyễn Đức Phương – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ, Ông Trần Quốc Hà – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Sóc Trăng, Quỹ bảo lãnh tín dụng cùng các thành viên của Quỹ.
Tại Đại hội Quỹ đã thông qua các báo cáo: Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021; báo cáo hoạt động của Ban điều hành năm 2020; báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát năm 2020, phương hướng nhiệm vụ kiểm soát năm 2021.
Năm 2020, tình hình hoạt động của Quỹ đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước đánh giá xếp loại A. Chất lượng tín dụng của Quỹ được nâng cao, tổng nguồn vốn huy động từ dân cư đạt 122% kế hoạch, đặc biệt giảm nợ xấu dưới mức 1%/tổng dư nợ; Quỹ tăng cường phát triển thành viên mới (mở thêm 01 phòng giao dịch tại ấp E1 xã Thạnh An), số thành viên tham gia Quỹ 634 thành viên tăng 38 thành viên; Quỹ luôn tuân đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước và Luật HTX 2012.



Ngày 12/03/2021, Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2 (mở rộng), hội nghị được tổ chức ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ (nơi có mô hình HTX nông nghiệp xây dựng theo chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả để các HTX học tập nhân rộng mô hình). Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng; Hội Cựu chiến binh thành phố; lãnh đạo UBND huyện Cờ Đỏ, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp: Tata International, Ngọc Châu HumicGrowth, Chứng nhận và kiểm nghiệm FAO cùng các ủy viên ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 của Liên minh HTX và các HTX nông nghiệp trên địa bàn.
Hội nghị đã triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2021. Ban chấp hành đã biểu quyết thông qua Chương trình toàn khóa, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành và Quy chế hoạt động Ủy ban kiểm tra Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2015. Tại Hội nghị trao tặng danh hiệu khen thưởng cho các HTX có thành tích trong phong trào phát triển kinh tế tập thể:
01 Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
09 Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.
19 Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Sáng ngày 12/12/2020, Liên minh Hợp tác xã (HTX) thành phố Cần Thơ phối hợp với UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ tổ chức lễ ra mắt HTX Mãng cầu Thới Hưng.
Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là một chủ trương chung của thành phố Cần Thơ phù hợp với yêu cầu tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho hội nông dân.
HTX Mãng cầu Thới Hưng có trụ sở tại ấp 7, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, được thành lập ngày 31/11/2020. HTX gồm 19 thành viên có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh của HTX gồm: Trồng cây ăn quả, chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu từ nguyên liệu mãng cầu, sản xuất chè mãng cầu …Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, HTX hoạt động theo hướng tăng cường liên kết với Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, mở rộng quy mô sản xuất nhằm đạt mục tiêu bảo toàn vốn, nâng cao lợi nhuận, giải quyết việc làm và tăng doanh thu cho các thành viên HTX.
Trong năm 2020, Liên minh HTX thành phố Cần Thơ đã tích cực tư vấn hỗ trợ các sáng lập viên thành lập mới 22 Hợp tác xã (Trong đó: 15 HTX nông nghiệp, 05 HTX thương mại – dịch vụ và 02 HTX vận tải), đạt 110% chỉ tiêu đề ra năm 2020.


Nhằm đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn khắc khe thị trường trong nước và xuất khẩu, HTX Thuận Phát (địa chỉ: ấp Thới Thuận A, huyện Thới Lai) xây dựng quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn GLOBALGAP đã đăng ký thương hiệu của hợp tác xã với Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ và đã được Tổ chức Chứng nhận IQC chứng nhận Hợp tác xã Thuận Phát theo tiêu chuẩn GLOBALGAP với sản phẩm Nhãn, diện tích 14,4 ha.
Đây là tiền đề để cho sản phẩm của Hợp tác xã Thuận Phát có thể vươn xa trong và ngoài nước. Đến nay, thành phố Cần Thơ có 16 HTX được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và 03 HTX đạt tiêu chuẩn GLOBALGAP (Sản phẩm lúa của HTX Khiết tâm – Huyện Vĩnh Thạnh; Sản phẩm vú sữa của HTX Trường Khương A- Huyện Phong Điền và Sản phẩm nhãn của HTX Thuận Phát – Huyện Thới Lai).


Lập thành tích chào mừng Đại hội Liên minh HTX Việt Nam và Đại hội VI Liên minh HTX TP Cần Thơ. Ngày 30/7/2020, Hợp tác xã Nông nghiệp Thân Thiện tổ chức lễ khánh thành cầu mang tên Hợp tác xã Nông nghiệp Thân Thiện tại phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
Đến dự có ông Trương Văn Kiệm – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ và lãnh đạo các ban ngành địa phương cùng các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Thân Thiện.
Cầu được xây dựng tổng kinh phí 91,9 triệu đồng trong đó thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thân Thiện đóng góp 59,5 triệu đồng và 37 thành viên liên kết HTX đóng góp 32,4 triệu đồng. Diện tích cầu rộng 3 mét, có chiều dài 25 mét, tải trọng 2,5 tấn. Cầu được xây dựng mục đích tạo thông thương đi lại cho cộng đồng và thuận lợi cho việc tổ chức các dịch vụ của HTX.
Hoạt động của HTX đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho trên 60 lao động và bao tiêu nông sản trên 500 ha cho thành viên HTX.
Văn Thuận