Cùng với định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) kiểu mới gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, nhiều HTX năng động, vừa tập trung đầu tư phát triển sản xuất, vừa triển khai đa dạng các dịch vụ… Qua đó, không chỉ tạo nền tảng vững chắc, phát triển kinh doanh ổn định, mà còn góp phần tạo ra sinh kế cho cư dân nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

 

Không chỉ nắm bắt nhu cầu thị trường qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung – cầu do thành phố tổ chức, HTX Quốc Noãn, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai còn chủ động quảng bá các mặt hàng thủ công mỹ nghệ qua mạng xã hội Zalo… Qua đó, kịp thời điều chỉnh, cải tiến mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu và thị hiếu của đối tác khách hàng trong và ngoài thành phố. Không chỉ vậy, HTX Quốc Noãn còn tổ chức cung cấp nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Hiện, HTX Quốc Noãn có trên 20 dòng sản phẩm mỹ nghệ, như: giỏ hoa kiểng, lồng bàn, hàng trang trí, hàng lưu niệm,… được các đối tác ở các tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Long An và các nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Điều đáng mừng là dù chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021, nhưng HTX Quốc Noãn vẫn duy trì hoạt động, ổn định sản xuất, giúp các hộ thành viên và 80 lao động địa phương an tâm sản xuất, bởi có đầu ra ổn định.

 

Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: Hiện HTX đã ký kết hợp đồng ổn định với các đối tác, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm do thành viên làm ra. Song, muốn phát triển bền vững và giữ được chữ tín trong kinh doanh, đòi hỏi HTX phải thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng với khách hàng, đó là hàng hóa làm ra phải đạt chất lượng từ chủng loại đến quy cách, mẫu mã và tuân thủ giao hàng đúng hẹn. Theo đó, HTX đã thành lập các tổ, nhóm để thu mua tre, trúc và các loại nguyên liệu khác; đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích rộng 100m2, trang bị máy móc làm dịch vụ sơ chế nguyên liệu, từ việc chẻ nan, vót nan bằng máy đến việc xử lý chống ẩm mốc, mối mọt… Điều này, đảm bảo cung cấp nguyên liệu có chất lượng đồng nhất cho thành viên. Cùng với đó, HTX còn vận động và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật đan lát sản phẩm thủ công, để nâng cao tay nghề, tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác, khách hàng. Nhờ đó, hầu hết sản phẩm HTX Quốc Noãn đều có chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp và giá cả cạnh tranh so với các đơn vị cùng ngành nghề,… góp phần tạo ra sinh kế cho cư dân nông thôn, tạo động lực thúc đẩy các sản phẩm làng nghề đặc trưng của địa phương phát triển.

 

Vừa ứng dụng kỹ thuật mới canh tác lúa theo hướng chất lượng cao, vừa triển khai khai đa dạng các dịch vụ theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ là hướng đi đột phá của HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho trên 161 thành viên HTX và nông dân tham gia sản xuất ở các cánh đồng lớn trên địa bàn xã Thạnh Lợi. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX, cho biết: Hiện nông dân trong HTX đều được tập huấn và thực hiện các kỹ thuật mới vào canh tác các giống lúa OM và Jasmine 85 theo quy trình Global GAP, bảo đảm tính thống nhất theo kế hoạch mùa vụ. Cùng với đó, HTX còn triển khai các dịch vụ hậu cầu trong nông nghiệp để phục vụ nhu cầu thành viên và liên kết với đối tác, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Hiện, HTX có ký kết hợp đồng sản xuất lúa giống cho Viện Lúa ĐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời, với sản lượng từ 600 tấn lúa giống xác nhận/vụ; cung cấp dịch vụ cày đất cho thành viên với giá rẻ hơn so với bên ngoài 200.000 đồng/ha; tổ chức dịch vụ tách hạt lúa, dịch vụ sấy lúa cho thành viên, với giá rẻ hơn so với bên ngoài.

 

Cùng với đó, HTX Khiết Tâm còn được ngành chức năng thành phố và huyện Vĩnh Thạnh đầu tư trạm bơm điện, phục vụ nhu cầu bơm, thoát nước cho hơn 2.500ha đất sản xuất, với hơn 950 hộ dân tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. Ngoài ra, HTX còn cung cấp dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp cho 340ha của thành viên; tổ chức dịch vụ sấy lúa và bảo quản lúa tại kho với giá ưu đãi cho thành viên. Không chỉ vậy, ở mỗi vụ sản xuất, HTX đều làm việc với hộ thành viên và nông dân có nhu cầu đăng ký bán lúa hàng hóa với HTX, giúp thành viên và nông dân có đầu ra ổn định, bởi được bao tiêu từ các doanh nghiệp, đối tác của HTX. Hiện, thu nhập của thành viên HTX cao hơn từ 5-10 triệu đồng/ha so với những hộ sản xuất bên ngoài và người lao động trong HTX có thu nhập bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng.

 

Việc các HTX phát huy năng lực nội tại, liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tạo ra bước chuyển đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường, thích ứng với tình hình mới. Song, để các HTX kiểu mới phát triển bền vững gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, các ngành, các cấp cần trợ lực cho các HTX xây dựng kế hoạch, phát triển mô hình liên kết sản xuất, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ hàng hóa… Từ đó, trong mỗi lĩnh vực, mỗi ngành hàng sẽ hình thành những HTX làm đầu tàu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố.

Picture of Mỹ Hoa

Mỹ Hoa

Nguồn Báo Cần Thơ Online: Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương

Xem trang
All in one
Scroll to Top