Hỗ trợ nông dân sản xuất 

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Cờ Ðỏ đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực giúp đỡ hội viên về vốn; cây, con giống; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… để sản xuất hiệu quả.

Mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình anh Trần Thới Thuận, ấp Ðông Mỹ, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ là một trong những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Anh Thuận chia sẻ: “Trên diện tích 4.500m2 đất, tôi đang trồng 260 gốc bưởi da xanh. Với phương pháp canh tác hữu cơ, từ những ngày mới trồng cây vào năm 2018, tôi đã tập trung vào việc cải tạo đất bằng phân bò. Hiện nay, cây đã lớn, tôi chuyển sang ủ phân cá, phân chuối, tuyệt đối không sử dụng hóa học để hướng đến việc canh tác sạch, an toàn”.

Nhờ cách làm này, khi cây vừa đạt 4 năm tuổi, năng suất trái tại vườn anh Thuận đạt 4-5 tấn/vụ. Anh Thuận bộc bạch: “Trong thời gian qua, các cấp HND, ngành Nông nghiệp địa phương thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ cho tôi về kỹ thuật canh tác, đăng ký thương hiệu, vay vốn… Mới đây, vào tháng 9-2023, các cấp HND vừa hỗ trợ cho tôi vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố để đầu tư mua phân bón, chi phí sản xuất. Cũng từ khi bưởi da xanh của gia đình tôi đạt OCOP 3 sao, các cấp HND, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử; thường xuyên đem bưởi đi trưng bày, quảng bá ở nhiều chương trình”. Hiện nay, anh Thuận chuẩn bị phục vụ thị trường Tết với 4,5-5 tấn bưởi da xanh.

Gia đình chị Ngô Thị Thảo, ở ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ, trước đây từng canh tác vườn không đạt hiệu quả, nay vươn lên là một trong những hộ sản xuất giỏi tại địa phương. Chị Thảo chia sẻ: “Gia đình tôi đang trồng 100 gốc sầu tiêng, 100 gốc măng cụt và vài chục gốc bòn bon trên diện tích 10.000m2 đất. Trước kia, do không nắm vững kỹ thuật canh tác nên quanh năm bị thất thu. Về sau, được các cấp HND huyện, chính quyền địa phương hỗ trợ, tôi tham gia các lớp nghề, tập huấn, tham quan mô hình hiệu quả… nên rút ra nhiều kinh nghiệm hay và áp dụng thành công trên mảnh vườn của gia đình”. Chị Thảo cho biết, từ khi trồng vườn đạt năng suất cao, vào năm 2017, chị mạnh dạn mở dịch vụ phục vụ khách du lịch tại nhà, chủ yếu bán trái cây cho khách du lịch nên được giá cao hơn. Riêng vụ trái vừa qua, chị bán khoảng 3 tấn măng cụt với giá từ 40.000-60.000 đồng/kg, 3 tấn sầu riêng với giá 100.000 đồng/kg. Nhờ mô hình làm vườn kết hợp du lịch, trung bình mỗi năm, chị thu lời trên 200 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khấm khá. Chị Thảo cho biết thêm: “Ðặc biệt, kể từ khi các cấp HND, chính quyền địa phương hỗ trợ cho tôi đăng ký OCOP, sầu riêng của gia đình tôi đã đạt chuẩn 3 sao. Các cấp HND cũng thường xuyên quảng bá nên ngày càng có nhiều người biết đến mô hình của gia đình tôi, giúp cho việc kinh doanh thêm thuận lợi”.

Qua kết quả bình xét danh hiệu hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trung bình hằng năm, trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ có từ 10.134 hộ đạt danh hiệu. Theo ông Từ Thanh Hải, Chủ tịch HND huyện Cờ Ðỏ, để có được kết quả đáng khích lệ này, những năm qua, các cấp HND huyện đã chú trọng công tác hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế bằng nhiều hoạt động cụ thể. Giai đoạn 2021-2023, các cấp HND huyện đã phối hợp với các đơn vị có liên quan mở 16 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, 10 lớp nghề nông nghiệp, như trồng lúa chất lượng cao, nuôi và phòng trị bệnh trên gia cầm, kỹ thuật nuôi heo sinh sản, kỹ thuật trồng cây ăn trái, trồng hoa kiểng,… thu hút khoảng 745 lượt hội viên ND, con em hội viên ND tham dự. Ðể khích lệ, hỗ trợ ND sản xuất, 3 năm qua, các cấp HND huyện đã phối hợp tổ chức 84 cuộc hội thảo đầu bờ, 84 cuộc thăm đồng và 159 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hàng ngàn lượt hội viên ND về kỹ thuật chăm sóc lúa, cây ăn trái. Hội đã hỗ trợ cho 5.634 lượt hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 168 tỉ đồng; bảo lãnh tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 114 hộ vay với số tiền trên 3,4 tỉ đồng; hỗ trợ cho trên 560 lượt hội viên ND vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND các cấp với số vốn trung bình trên 6 tỉ đồng/năm.

Trong 3 năm qua, các cấp HND huyện đã tuyên truyền, vận động thành lập được 21 tổ hợp tác và 10 hợp tác xã nông nghiệp; nâng tổng số toàn huyện hiện có 309 tổ hợp tác và 41 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả. HND huyện, xã, thị trấn thường xuyên tư vấn, hỗ trợ xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có hiệu quả theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao thu nhập của nông dân và kết nối thị trường thành công; phối hợp các ngành, kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu nông sản; phối hợp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho 2 sản phẩm tại xã Thới Ðông và Thới Hưng. Thực hiện chương trình OCOP, đến nay, huyện có 12 sản phẩm được xếp hạng cấp thành phố…

Theo Báo Cần Thơ

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top