HTX ‘giữ lửa nghề’ làm nón làng Chuông

Sau một thời gian thành lập HTX, nghề làm nón tại làng Chuông đã có những thay đổi tích cực nhất định. Điển hình nhất phải kể đến sự mở rộng liên kết sản xuất theo hướng chuyên môn hóa phục vụ quảng bá, du lịch, xuất khẩu,…, từ đó tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập người dân.

Bước chuyển đa dạng hóa sản phẩm

Kể từ khi các mặt hàng mũ vải, mũ công nghiệp tràn lan trên thị trường, nón lá vô hình trung dần mất đi ưu thế bởi nhu cầu của xã hội thay đổi. Theo đó, nghề làm nón cũng đứng trước nguy cơ mai một do đặc trưng của nghề đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, nhưng ngày công lao động thấp khiến nhiều hộ gia đình khó trụ lại mà dần bỏ nghề.

Theo nghệ nhân Tạ Thu Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương, đến thời điểm hiện tại, số lượng người dân tham gia sản xuất nón tại xã Phương Trung chỉ vào khoảng 40%, số còn lại đã lựa chọn ngành nghề khác với mức thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống.

Như nhiều người dân khác ở làng nghề truyền thống này, chị Hương đã sớm quen với công việc làm nón từ khi mới lên 8. Với tình yêu nghề truyền thống của cha ông, chị đã chủ động “giữ lửa” làng nghề bằng cách vừa sản xuất vừa thu gom nón của địa phương đi bán thay vì “ôm cây đợi thỏ” chờ bán được hàng. Và cơ hội để khôi phục nghề đã đến khi chị thành công ký hợp đồng sản xuất lượng hàng lên tới gần 20.000 chiếc nón đi nước ngoài.

Thực chất, nón làng Chuông phải không ngừng thay đổi và cải tiến mẫu mã sao cho phù hợp với nhu cầu khách hàng từ trong nước đến quốc tế. Với tinh thần đó, hiện HTX đang sản xuất 200 mẫu mã sản phẩm khác nhau phục vụ thị trường từ nón truyền thống thế mạnh đến nón dùng xuất khẩu, du lịch, trang trí,… Mỗi tháng, HTX bán ra hàng nghìn sản phẩm, mỗi sản phẩm dao động từ 30.000 đồng đến 200.000 đồng tùy yêu cầu của khách hàng, tập trung chủ yếu ở phân khúc nón truyền thống và các đơn hàng quốc tế.

“Nếu chỉ làm nón truyền thống thì dân lấy đâu đủ việc làm? Mình phải thay đổi thời trang, thay đổi mẫu mã để cho người lao động có đủ việc làm”, chị Hương chia sẻ.

Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm OCOP 4 sao được Nhà nước công nhận, bao gồm nón lá trên lụa, nón lá trắng kỹ đẹp tự nhiên, nón giấy bóng, nón quai thao, nón Thái, nón lá già kỹ đẹp.

Sản phẩm nón Chuông do HTX Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương sản xuất nói riêng và làng Chuông nói chung đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia,… Qua đó, hiệu quả kinh tế từ nghề làm nón cũng tăng lên gấp 6-7 lần so với trước kia.

Câu chuyện cũ, cách làm mới

Nghệ nhân HTX Tạ Thu Hương cho hay, để có được những thành công hiện tại, HTX đã chủ động tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng. Thêm vào đó, HTX cũng tích cực tiếp thị với các công ty truyền thông du lịch để đón khách tham quan trải nghiệm nghề với hy vọng vừa có thể bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, đảm bảo cho người dân có việc làm ổn định hơn, vừa góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Thành lập vào đầu năm 2023, đến nay, HTX có 7 thành viên cùng nhiều lao động vệ tinh. Theo đó, thu nhập một lao động thời vụ đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng, doanh thu bình quân theo năm đạt gần 4 tỷ đồng.

Thông qua các kênh hội chợ, hội thảo và các HTX khác, chị Hương nhận thấy, HTX làm ra sản phẩm nhưng cũng chính HTX lại phải bán qua các kênh trung gian khác. Để rồi sau này chính các kênh trung gian đó cũng đem quảng bá sản phẩm của HTX tại các hội chợ, thậm chí là trên các kênh thương mại điện tử. Theo chị Hương, HTX đã “thua” các kênh này bởi rào cản của công nghệ đối với chính bản thân chị cũng như các thành viên.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tích cực tham gia lan tỏa thương hiệu tại các sự kiện và chương trình lớn nhỏ, hiện HTX đang tập trung truyền thông, buôn bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo,… Với nghệ nhân Tạ Thu Hương, đây cũng là những thành tựu bước đầu khiến chị thêm quyết tâm tham gia thành lập HTX, từ đây góp phần tái định vị nghề làm nón và nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm của HTX trên thị trường.

So với các mặt hàng nón khác, nón làng Chuông nổi bật hơn cả về hình dáng, chất lượng và độ bền. Chẳng hạn, nón Chuông có mái nón thanh, đẹp mắt, trong khi các loại nón khác sẽ có mái nón nhỏ và hẹp hơn. “Dân “sành” nón cần tìm mua hàng ngay lập tức sẽ nghĩ đến làng Chuông trước tiên thay vì bất kỳ một nhãn hiệu nào khác”, chị Hương tự hào khoe.

Đặc biệt, HTX cũng đã có hóa đơn điện tử riêng biệt để quản lý đầu ra, đầu vào. Đây là yếu tố quan trọng trên hết giúp công việc trao đổi mua bán được diễn ra một cách minh bạch, rõ ràng, đồng thời cũng có thể hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng đến thương hiệu HTX.

Như vậy, dù phải đối diện với thực tế khắc nghiệt là nhu cầu dùng nón đang suy giảm, song HTX vẫn có thể phát triển một hướng đi mới, đó là tập trung sản xuất hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu.

Để nghề truyền thống được nối dài giữa thời hiện đại

Xưởng tại nhà của chị Hương hiện đang xếp 10.000 chiếc nón chờ được xuất bán cho khách. Theo chị Hương, tuy rằng lấy nhà làm kho làm xưởng thực chất rất ngột ngạt nhưng tạm thời vẫn phải chịu bởi chưa có mặt bằng.

Thêm vào đó, các hoạt động du lịch trải nghiệm làm nón của HTX vẫn còn thiếu không gian, do đó thông thường các đoàn khách sẽ phải tìm tới đình, chùa tại làng Chuông – địa điểm mà HTX thường… mượn để đón khách du lịch.

Trước mắt, HTX vẫn đang mong mỏi một quỹ đất để xây dựng cơ sở riêng thay vì cứ lấy nhà làm kho, làm xưởng, mượn điểm du lịch như hiện nay. Theo đó, chị Hương kỳ vọng xây dựng một không gian đủ “chuẩn” khoảng 5.000m đất trở lên, trong đó bao gồm một điểm du lịch làng nghề, một điểm check-in, nghỉ ngơi của khách; một điểm để xe; một điểm đóng gói hàng xuất khẩu. 

Một trăn trở khác của chị Hương là vấn đề nhân sự. Tại HTX Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương cũng như tại làng Chuông, nghề làm nón đã và đang tận dụng lao động dôi dư, với sự tham gia của người già và đôi khi là cả trẻ em. Bởi, ngoại trừ thợ lành nghề có thu nhập khá, nhiều người trẻ vẫn sẽ ưu tiên lựa chọn ngành nghề khác với mức sống cao hơn dù vẫn luôn tự ý thức và trân trọng nghề truyền thống của quê hương.

“Để thu hút nhân lực trẻ với chuyên môn về làm nghề, marketing, truyền thông,… cần có đãi ngộ phù hợp. Nếu không có nguồn chính sách hỗ trợ thì HTX cũng khó mà hiện thực hóa những mong đợi này”, chị Hương giãi bày.

Bên cạnh đó, trong tương lai gần, HTX dự định đưa sản phẩm nón Chuông với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,… Để thực hiện được mục tiêu này, HTX hiện đã chủ động tìm hiểu và huy động sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và công nghệ.

Có thể nói, truyền thống nhiều đời về nghề làm nón là nền tảng để HTX Mây Tre Nón Lá Tạ Thu Hương dành trọn tâm huyết “giữ lửa nghề”. Song, về dài hạn thì sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương mới góp phần tạo thêm động lực để HTX phát triển nghề truyền thống hơn nữa sao cho phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang