Những người lính lan tỏa cách làm giàu từ nuôi hươu

Lựa chọn phát triển tứ đại danh dược cổ truyền-hươu sao đã giúp HTX Nuôi hươu hội cựu chiến binh Trọng Hùng (xóm Tè, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) mang lại giá trị kinh tế cao, hỗ trợ thành viên giảm nghèo đồng thời mô hình này còn tạo nên sự độc đáo, có sức hút đối với nhiều người ở các tỉnh thành khác.

Lý giải việc lựa chọn nuôi hươu sao để phát triển kinh tế, theo ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX Trọng Hùng, đây là vật nuôi dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đầu ra rộng mở lại cho lãi cao. Nhờ nuôi hươu mà tổng doanh thu HTX năm 2022 và cả quý 1/2023 là gần 8 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng, từ đó giúp 33 hộ thành viên có cuộc sống khấm khá, đặc biệt còn giúp một số hộ thành viên thoát nghèo.

Dễ nuôi, lãi cao

Có thể thấy, nuôi hươu cho thu hoạch sản phẩm khá đa dạng từ lấy nhung, cao xương, lấy thịt… Với những sản phẩm này, nhung hươu là loại cho giá trị kinh tế cao nhất vì trung bình 100g nhung có thể bán với giá 2.000.000 đồng, trong đó, mỗi con hươu có thể cho thu nhung với trọng lượng 600-700g/năm.

Ngay như tại trang trại của gia đình Giám đốc Ngô Văn Hùng hiện có 25 con hươu, giá trị từ thu hoạch nhung hươu thấp nhất cũng là 300 triệu đồng/25 con/năm. Trong khi hầu hết các thành viên hàng năm đều có mục tiêu mở rộng đàn vật nuôi bằng phương pháp tự nhân giống hoặc mua thêm giống từ các trang trại uy tín. Bên cạnh đó, nhung hươu là một trong tứ đại danh bổ lên được nhiều người tìm đến đặt mua để bồi dưỡng sức khỏe ngày càng nhiều từ đó giúp đầu ra thuận lợi.

Thành lập từ năm 2017, ngoài khu vực trang trại chăn nuôi với quy mô lên đến gần 400 con, HTX còn có khoảng 3 ha trồng rau củ quả, đặc biệt là cỏ VA06… làm thức ăn cho hươu.

Có một điều thuận lợi là HTX được hình thành và phát triển trên địa bàn rộng, có nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, phù hợp với chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi hươu. Các thành viên trong HTX phần lớn đã trải qua quân ngũ nên có sự đoàn kết thống nhất cao trong suốt quá trình làm việc.

Có những thuận lợi là vậy nhưng để đạt được hiệu quả kinh tế cao, HTX đã phải áp dụng quy trình chăn nuôi hươu khoa học thông qua việc đầu tư chuồng trại thoáng mát, cho hươu ăn từ 2-3 bữa mỗi ngày, dọn dẹp chuồng trại định kỳ, liên tục phun thuốc khử khuẩn. Ngay như hươu giống cũng được tiêm phòng theo đúng quy định. Chính vì vậy mà trong chăn nuôi, dù nhiều loại vật nuôi trên cả nước như lợn, bò… có thời điểm căng thẳng trong tình trạng dịch bệnh thì đàn vật nuôi của HTX vẫn đảm bảo khỏe mạnh, hoặc có con bị nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp.

Hươu là vật nuôi cho giá trị kinh tế cao nên được HTX quan tâm đầu tư và chú trọng mở rộng quy mô theo từng năm.

Với kỹ thuật chăn nuôi tốt, trung bình mỗi con hươu từ khi nuôi giống sau khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch nhung hươu, sau đó cứ khoảng 1 năm, HTX lại được thu hoạch nhung hươu một lần. Ngoài thu hoạch nhung hươu, HTX còn thực hiện nhân giống để mở rộng quy mô đàn nuôi cũng như bán để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện một con hươu giống đã được nuôi 4-5 tháng sẽ được bán với giá khoảng 10.000.000 đồng/con cái, còn con đực sẽ được bán với giá cao hơn, khoảng 12 triệu đồng/con.

Đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ giảm nghèo

Với hiệu quả kinh tế mang lại từ chăn nuôi hươu, HTX luôn coi trọng yếu tố liên kết để có thể phát triển bền vững. Cụ thể là HTX đang đẩy mạnh liên kết với các trang trại hươu lớn trong nước để nhập con giống tốt, bảo đảm chất lượng khi các thành viên có nhu cầu phát triển đàn.

Ngoài ra, HTX còn liên kết với xã Quang Sơn (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), liên kết với huyện Yên Dũng, Mỹ Lộc, Vụ Bản (Nam Định), huyện Yên Phong (Bắc Ninh), huyện Tân Yên, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và các hộ chăn nuôi hươu trong tỉnh Thái Nguyên để cung cấp giống hươu cho những hộ có nhu cầu, đồng thời nhận chuyển giao kỹ thuật và cách chăm sóc hươu.

Đặc biệt, 2 quý đầu năm 2023, HTX cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 100 con hươu giống các loại cho những đơn vị có nhu cầu phát triển sản xuất loại vật nuôi này tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc… Điều này đã khẳng định chất lượng con giống và uy tín thương hiệu của HTX trên thị trường.

Ngoài đẩy mạnh liên kết, HTX còn tích cực đầu tư máy móc, hoàn thiện chuỗi giá trị hàng hóa bằng việc sơ chế, chế biến các sản phẩm từ nhung hươu cũng như hoàn thiện bao bì, mẫu mã để nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó, đến nay, HTX đã có hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đó là cao hươu và thịt hươu sấy.

Đầu tư đúng mức, phát triển thành công chuỗi giá trị hàng hóa hươu sao đã giúp HTX không ngừng lớn mạnh. Nếu như năm 2017, khi mới thành lập HTX chỉ có 9 thành viên thì đến nay đã có 33 thành viên ở trong và ngoài tỉnh tham gia. Tất cả các thành viên đều có tâm huyết, đam mê với ngành nghề chăn nuôi hươu hàng hóa.

Đặc biệt, mô hình này của HTX đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập, giảm nghèo, ổn định kinh tế. Bởi Tân Hòa từng là một trong những xã miền núi được xếp vào diện khó khăn bậc nhất của huyện Phú Bình. Suốt nhiều năm, người dân vẫn quẩn quanh với đói, nghèo.

Tuy nhiên, với khát khao phát triển kinh tế hàng hóa, làm giàu chính đáng, các thành viên HTX đã đồng lòng sản xuất, có thu nhập cao. Ông Lộc Văn Tuyên, thành viên HTX cho biết, chỉ tính trung bình 5 con hươu cho lấy nhung cũng giúp gia đình ông có nguồn thu gần 100.000.000 đồng/năm.

Giám đốc Ngô Văn Hùng cho rằng, tính trung bình thu nhập của mỗi thành viên trong HTX hiện là 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, đã có 2 thành viên trong HTX đã thoát nghèo nhờ tham gia chăn nuôi hươu dưới sự định hướng của HTX.

Nhận thấy, hươu sao là vật nuôi an toàn, thị trường đầu ra ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hỗ trợ đắc lực trong việc nâng cao kinh tế hộ thành viên, chính vì vậy, mục tiêu của HTX là sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Như năm 2022, HTX đặt mục tiêu tăng 30% quy mô đàn so với năm cũ nhưng đến cuối năm đã vượt mục tiêu và tăng đến 50% quy mô đàn.

Ông Bùi Văn Đồng, Trưởng Ban Kiểm soát HTX, cho biết năm 2022, gia đình ông chỉ nuôi 8 con hươu nhưng năm nay đã tăng lên 16 con. Mục tiêu đến năm 2024, gia đình ông sẽ có 20-25 con hươu để tiếp tục nâng cao kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đa dạng sản xuất, thích ứng thị trường

Không chỉ khấm khá trông thấy nhờ loài động vật hết sức tiềm năng là hươu sao, HTX Trọng Hùng còn rất năng động khi tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất. Hiện, HTX còn phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, trồng các loại cây ăn quả như mít Thái, cam, trám đen, nuôi trâu, bò, lợn gà và thủy sản.

Để bảo đảm sản xuất, HTX cũng đã thành lập tổ làm vườn và tổ thủy sản với số lượng thành viên mỗi tổ là 7 người để thuận lợi trong việc trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. HTX cũng cử cán bộ, thành viên tham gia các lớp tập huấn do các ban ngành tổ chức. Đặc biệt là lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể, tham quan thực tế các mô hình làm kinh tế giỏi của HTX, hộ nông dân trong cả nước để học tập kinh nghiệm.

Chính vì vậy mà dù mở rộng sang nhiều cây, con khác nhưng đầu ra các loại nông sản của HTX khá thuận lợi. Đặc biệt, sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử với nhiều sàn giao dịch, được nhiều người biết đến thương hiệu của HTX.

Ngay như sản phẩm mật ong của HTX đang có đầu ra thuận lợi nhờ được bán online, đồng thời HTX đã đầu tư máy tách nước để nâng cao chất lượng mật. Tính đến thời điểm hiện tại, HTX đã có quy mô 400 đàn ong. Mỗi đàn ong cho thu hoạch 12 lít, giúp HTX có tổng sản lượng 6 tấn mật/năm. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản cũng cho sản lượng khoảng 200-300 tấn/năm.

Để thích ứng với thị trường, thời gian tới, HTX tiếp tục tham gia chương trình OCOP, đưa mật ong thành sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đi liền với đó, HTX sẽ mở rộng liên kết, tham gia mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm an toàn. Các thành viên cũng sẽ phối hợp ngành chức năng của huyện tham gia Chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương thông qua việc đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi hươu, hỗ trợ hươu giống cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Theo Thời Báo Kinh Doanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang