Cần Thơ đẩy mạnh sản xuất trái cây xuất khẩu 

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái ở TP Cần Thơ và nhiều địa phương trong nước liên lục tăng, đóng góp ngày càng lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc tăng diện tích trồng cây ăn trái cũng tạo ra nhiều áp lực và lo lắng cho nông dân về đầu ra sản phẩm. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái theo hướng chuyên canh, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng (MSVT) nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thanh nhãn được trồng tại HTX cây ăn trái Thái Thanh ở huyện Cờ Ðỏ.

Nâng cao giá trị nhờ xuất khẩu

Thời gian qua, dù diện tích trồng cây ăn trái liên tục tăng, nhưng nhiều nông dân tại TP Cần Thơ vẫn bán được sản phẩm với giá rất cao. Ðạt được kết quả này là nhờ có sự  đóng góp rất lớn của ngành Nông nghiệp và các sở, ngành thành phố trong việc định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp nhằm gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kịp thời thành lập các hợp tác xã (HTX) gắn với hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và có MSVT đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu. Qua đó, trái cây của nông dân trên địa bàn thành phố đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính giúp bán sản phẩm được giá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu.

Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Nhờ quan tâm sản xuất nhãn rải vụ, nghịch mùa và chú ý thực hiện các quy định, hướng dẫn của ngành chức năng để trái nhãn đáp ứng các yêu cầu cho xuất khẩu. Năm 2023 nông dân tại HTX bán được nhãn với giá khá cao, nhiều thời điểm có giá từ 30.000 đồng/kg trở lên. Theo đó, nông dân tại HTX có thể đạt lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha. Hiện HTX có 29 thành viên, với hơn 22ha canh tác nhãn Ido và đã có MSVT để xuất khẩu các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ”.

Theo ông Châu Thanh Triều, thành viên của HTX cây ăn trái Thái Thanh ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp tại địa phương và thành phố, 5ha trồng thanh nhãn của ông đã tham gia vào HTX để thực hiện mô hình sản xuất thanh nhãn đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng MSVT để xuất khẩu. Năm 2023, tất cả sản lượng nhãn của vườn ông đều được bán cho công ty thu mua để xuất khẩu sang Úc và Nhật Bản, với giá từ 55.000 đồng/kg trở lên, cao hơn ít nhất 15.000 đồng/kg so với bán cho tiểu thương để tiêu thụ nội địa. HTX cây ăn trái Thái Thanh hiện có 24 xã viên, với diện tích trồng cây ăn trái hơn 133ha, trong đó có hơn 100ha trồng thanh nhãn. Nhãn của HTX đã được cấp MSVT để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.

Hỗ trợ nông dân

Ðến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ ước đạt gần 25.000ha, trong khi vào năm 2004 chỉ ở mức 16.360ha. Sản lượng trái cây trong cả năm nay dự kiến đạt 221.553 tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2004. Hiện nông dân tại thành phố trồng khá nhiều loại cây trái ngon, đặc sản, có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Ðáng chú ý, nhiều loại sầu riêng như Ri 6, Mỏn Thon và các loại nhãn, xoài, mít, mãng cầu… đang được trồng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố cho chất lượng trái rất ngon, được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng trong và ngoài nước
ưa chuộng.

Ðể phát huy hiệu quả vườn cây và ổn định đầu ra trong bối cảnh diện tích và sản lượng tăng, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang tiếp tục quan tâm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, áp dụng các quy trình canh tác thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP… để đáp ứng các yêu cầu thị trường về chất lượng, an toàn và góp phần bảo vệ môi trường. Hỗ trợ nông dân xây dựng MSVT và chuẩn hóa sản xuất đáp ứng theo yêu cầu các thị trường nhập khẩu… Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện thành phố đã có trên 478ha cây trồng ăn trái đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cây ăn trái tại thành phố đã được cấp 98 MSVT cho hơn 970ha cây ăn trái phục vụ xuất khẩu sang các thị trường thế giới”.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng đã được cấp 12 mã số cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU. Tới đây, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở, ngành và địa phương trong định hướng và hỗ trợ nông dân phát triển các vùng cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu và phát triển du lịch nông nghiệp. Chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và nhân rộng các mô hình hiệu quả, nhất là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, với sự gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh tập trung gắn với các HTX và tổ hợp tác để được cấp MSVT và thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Báo Cần Thơ

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Scroll to Top