Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, năng suất chạm trần, đòi hỏi thị trường ngày càng khắt khe buộc sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ phải có sự chuyển mình. Cùng với việc thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu của thị trường, vấn đề thắt chặt mối liên kết giữa các bên là câu chuyện cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị.
Nhận diện thực tiễn
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Xác định nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, thành phố có nhiều động thái hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Sự đầu tư kịp thời đã giúp ngành Nông nghiệp thành phố từng bước gặt hái được kết quả quan trọng. Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành được các vùng chuyên canh, chất lượng cao như lúa ở huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh; vùng sản xuất cây ăn trái ở huyện Phong Ðiền, Thới Lai và Cờ Ðỏ phục vụ phát triển du lịch sinh thái và xuất khẩu… Từ nguồn lực ngân sách, huy động doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước, thành phố đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi gắn với giao thông phù hợp từng vùng sản xuất; nâng cao trình độ, năng lực cho nông dân qua các buổi tập huấn, xây dựng mô hình sản xuất mới tạo hiệu ứng lan tỏa…
Ông Huỳnh Mười Một, Bí thư Huyện ủy Cờ Ðỏ, chia sẻ: Với ưu thế của vùng sản xuất lúa lớn, huyện phát triển mạnh mẽ diện tích “Cánh đồng lớn” có bao tiêu đến nay gần 32.840ha, đạt 101,04% kế hoạch năm. Các mô hình “Cánh đồng lớn” trên địa bàn huyện thời gian qua có sự tham gia liên kết, bao tiêu của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và thương lái như Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, DNTN Ngọc Ngân, HTX Hiệp Mỹ Phát, HTX Tiến Dũng… Ngoài ra, diện tích vườn cây ăn trái của huyện khoảng 5.000ha, có 16 HTX sản xuất cây ăn trái, hiện có 13 vùng trồng được cấp mã số, trong đó có 37 mã số xuất khẩu và 1 mã số nội địa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của thành phố vẫn tồn tại nhiều bất cập: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; giá trị nông sản còn thấp, lợi nhuận thu về chưa tương xứng; chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản… Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, trước đây Trung Quốc luôn được cho là thị trường dễ tính, nhưng thời gian gần đây, nước này cũng đã ký nghị định thư với các tiêu chuẩn không hề kém cạnh thị trường Mỹ, châu Âu. Ðiều đó cho thấy, các thị trường xuất khẩu đang hướng đến sự đồng nhất, trong khi việc tổ chức sản xuất, phương thức canh tác của ta chưa đồng bộ. “Thực tế triển khai phát triển vùng nguyên liệu lớn, chuyên canh của công ty gặp nhiều khó khăn. Bởi nông dân thường hay chạy theo lợi ích trước mắt, rất khó định hướng. Tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra khi giá thu mua bên ngoài cao hơn giá công ty. Từ đó cho thấy, muốn nâng cao giá trị nông sản, trước hết nông dân phải thay đổi tư duy ngắn hạn sang nghĩ xa và nghĩ dài” – bà Ngô Tường Vy nói.
Nâng chất chuỗi giá trị nông sản
Theo ông Trần Thái Nghiêm, ngành Nông nghiệp đang đứng trước xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng sạch, an toàn, minh bạch. Vì vậy, nông dân, doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất theo quy trình, đạt chứng nhận để đáp ứng yêu cầu thị trường và có giá bán tốt hơn. Thành phố cũng đang định hướng, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản theo hướng này. Hiện thành phố đang kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính quy mô 50.000ha tại huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp, nông dân cần hướng đến chế biến sâu, tích hợp đã giá trị thông qua khai thác phụ phẩm nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp…
Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao giá trị, thu về lợi nhuận cao, sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản của TP Cần Thơ sự đồng thuận và vào cuộc của các bên. Theo ông Mai Văn Tùng, Trưởng phòng Ðầu tư và Phát triển vùng nguyên liệu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ðại Dương Xanh, công ty chuyên xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ sang thị trường Trung Ðông, EU, Mỹ… với sản lượng 80.000-110.000 tấn/năm. Các thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, nghiêm ngặt. Nắm bắt tín hiệu từ thị trường, ngoài sản lượng, chất lượng thì yếu tố bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính được đưa lên hàng đầu. “Bản thân tôi đã tham gia liên kết, bao tiêu lúa cho bà con nông dân trên 20 năm. Trước đây, cũng đã từng hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để không chế dịch bệnh, tăng năng suất. Nhưng giờ lại hướng dẫn, tuyên truyền bà con giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác thân thiện với môi trường. Mặt khác, để tạo sản phẩm sạch, an toàn vấn đề liên kết phải đặt lên hàng đầu và phải đảm bảo 4 yếu tố: chữ tín của 2 bên, có hợp đồng ràng buộc, yêu cầu đặt ra phù hợp với 2 bên và sự quan tâm, kết nối từ chính quyền địa phương” – ông Mai Văn Tùng nhấn mạnh.
Bà Ngô Tường Vy, khẳng định: Doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu đủ lớn, đạt chuẩn mới có thể xuất khẩu được. Nông dân cũng cần lựa chọn doanh nghiệp đồng hành để an tâm sản xuất, không lo giá cả đầu ra. Và chính quyền địa phương cũng nên rà soát, thẩm định lại uy tín doanh nghiệp để làm đầu mối liên kết nông dân – doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh hiện nay cần phải thiết lập liên kết bền vững là hài hòa lợi ích, cùng chia sẻ rủi ro. Ðó mới là tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo bà Vy, TP Cần Thơ là nơi có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng rất thích hợp phát triển cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng. Nếu chính quyền đồng hành và nông dân quyết tâm, công ty sẽ tiên phong hỗ trợ để xây dựng vùng nguyên liệu trái cây đủ lớn, có thương hiệu để phục vụ xuất khẩu.