Theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, bắt buộc HTX phải thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022 khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Khó khăn khi áp dụng
Trước yêu cầu này, HTX Vận tải Đoàn Kết (Lạng Sơn) đã thực hiện chuyển từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, kê khai thuế trực tuyến. Đây được coi là bước ngoặt của HTX trong minh bạch hóa khâu quản trị, thay đổi nhận thức của người dân, hành khách trong chuyển đổi số. Việc này cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong việc kiểm soát hoạt động của HTX, từ đó giúp hành khách được hưởng lợi từ những dịch vụ chất lượng của HTX.
Tuy nhiên, bên cạnh những HTX như Đoàn Kết, không ít HTX đang gặp khó khăn trong việc áp dụng hóa đơn điện tử. Chẳng hạn như HTX xe buýt Quyết Thắng (TP HCM), Ban giám đốc HTX dù biết đến những ưu điểm của thực hiện hóa đơn điện tử và rất mong muốn áp dụng vào thực tiễn nhưng do thiếu nguồn lực và băn khoăn một số vấn đề trong chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử nên việc triển khai Nghị định số 123 đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể là các thành viên HTX cho biết đã liên hệ với ngành thuế địa phương nhưng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về trường hợp bị mất vé, hủy vé, hủy hóa đơn. Đặc biệt, việc xuất vé và xuất hóa đơn trong ngày là khó làm vì HTX có khối lượng vé lớn, đi nhiều tuyến trong ngày và cả những tuyến muộn. Đi liền với đó là mỗi tuyến xe sẽ có giá vé khác nhau, và mỗi thành viên lại có cung đường riêng. Nhiều bến xe lại chưa có máy bán vé tự động nên HTX càng khó áp dụng.
Còn ông Bế Văn Kiểu, Giám đốc HTX Cường Thịnh (Lạng Sơn) cho biết việc buôn bán trên sàn thương mại điện tử hiện khá thịnh hành nhưng qua tìm hiểu, HTX vẫn chưa rõ về thời điểm xuất hóa đơn đối với hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử: xuất hóa đơn điện tử khi đơn hàng thông báo giao hàng thành công, khi khách hàng chuyển tiền về tài khoản hay ngay khi xuất hàng đi?
Điều này là do Nghị định số 123/2020/NĐ-CP chưa quy định rõ về thời điểm lập hoá đơn điện tử đối với hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong khi nhiều HTX đang thực hiện xuất khẩu hàng hóa, nhất là xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, để áp dụng hóa đơn điện tử, các HTX phải hoàn thành các thông tin, dữ liệu, đầu tư các máy móc, công nghệ phù hợp. Ngay như các HTX vận tải phải đầu tư các máy POS để in vé bán cho khách trên các xe, phải áp dụng các phần mềm, công nghệ điện tử như phần mềm kế toán, hợp đồng điện tử, vé điện tử thì mới thực hiện đảm bảo được yêu cầu… Trong khi đó, nhiều HTX có số lượng thành viên và xe lớn thì kinh phí đầu tư cũng không nhỏ, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đi liền với đó là hiện chưa có quy chuẩn, danh mục các đơn vị đủ điều kiện cung ứng hoá đơn điện tử để các HTX chủ động hợp tác, liên kết trong thực hiện nên có thể xảy ra tình trạng HTX đầu tư nhưng không phù hợp quy định, từ đó gây ra tình trạng đầu tư nhưng không hiệu quả, lãng phí và mất công, mất vốn đầu tư lại.
Cần sự đồng hành
Theo đa số các HTX, việc triển khai hóa đơn điện tử là phù hợp với thời kỳ 4.0 nhưng trong quá trình triển khai, các HTX vẫn gặp những khó khăn về nội lực, nhất là nguồn vốn đầu tư đi liền với những bất cập trong quy định pháp luật. Thậm chí trong thực tế, nhiều HTX muốn áp dụng hóa đơn điện tử nhưng nhiều đơn vị là nhà cung cấp nguyên liệu cho HTX và nhiều khách hàng cũng không có nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử. Trong khi việc hướng dẫn của cơ quan quản lý mỗi địa phương là khác nhau nên chưa tạo thuận lợi cho các HTX trong quá trình xử lý vấn đề này.
Nhiều đại diện HTX cho rằng họ chưa thực hiện hóa đơn điện tử vì thấy khá phức tạp trong triển khai. Trong khi đó, việc hướng dẫn, hỗ trợ về tập huấn tại địa phương rất hạn chế càng tạo rào cản cho các HTX trong thực hiện hóa đơn điện tử.
Đi liền với đó, để thực hiện hóa đơn điện tử hiệu quả không chỉ từ tự bản thân các HTX mà cần sự đồng lòng của cả các ngành chức năng trong từng lĩnh vực, ngành hàng và cả sự vào cuộc của cơ quan quản lý. Thực tế, nhiều kiến nghị của các HTX đối với ngành thuế địa phương đã được gửi đi nhưng rất lâu mới nhận được câu trả lời hoặc không có hồi âm.
Ông Nguyễn Mậu Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai, cho biết các HTX cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện phát triển khá nhiều và cũng đóng góp vào việc nộp thuế tại địa phương. Tuy nhiên, để có thêm nhiều HTX thực hiện hóa đơn điện tử thì các ngành chức năng tại địa phương cần tìm hiểu từng khó khăn của mỗi HTX hoặc khó khăn của HTX theo từng ngành hàng, từng lĩnh vực để có phương án tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện phù hợp.
Đi liền với đó, thực hiện hóa đơn điện tử ngoài đòi hỏi về nguồn vốn thì cũng cần có những đơn vị uy tín để các HTX có những liên kết trong triển khai các phần mềm. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý có thể giới thiệu cho các HTX những doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan đến hóa đơn điện tử để hỗ trợ, hướng dẫn HTX vận hành các phần mềm theo từng công đoạn. Bởi đa số thành viên HTX hiện nay là người lớn tuổi, gặp khó khăn nhất định trong áp dụng công nghệ.
Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho rằng ngoài tuyên truyền hướng dẫn, khuyến khích, đôn đốc các HTX thành viên sử dụng hóa đơn điện tử, Liên minh HTX tỉnh cũng lắng nghe, tổng hợp, phản ánh những khó khăn vướng mắc của HTX, doanh nghiệp thành viên trong quá trình triển khai, thực hiện hóa đơn điện tử gửi về Cục Thuế để được hướng dẫn giải đáp, hỗ trợ kịp thời.