Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị đầu bờ tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Tại hội nghị, cán bộ, hội viên CCB đã chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế thông qua các mô hình của gia đình, tổ hợp tác (THT) do CCB làm chủ. Đây là một trong những hoạt động của các cấp Hội CCB thành phố nhằm giúp CCB nâng cao hiệu quả làm kinh tế, cải thiện đời sống.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các Hội CCB cơ sở đã thành lập 4 THT kinh tế. Trong đó, Hội CCB thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai đã thành lập THT nuôi cá thát lát cườm, gồm 4 thành viên, do ông Nguyễn Hữu Khanh, Chủ tịch Hội CCB thị trấn làm tổ trưởng. Mỗi thành viên THT nuôi cá thát lát cườm đang nuôi 1.000-1.500 con cá. Các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm để nuôi cá hiệu quả. Hiện nay, đàn cá phát triển tốt. “Chúng tôi thấy cá thát lát cườm thích nghi mặt nước sông hơn trong ao. Việc nuôi cá cũng không tốn nhiều công lao động, phù hợp với địa bàn có nhiều kênh, rạch” – ông Nguyễn Hữu Khanh cho biết.
Năm 2016, cựu quân nhân Vũ Văn Chương ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ chuyển gần 30ha đất trồng lúa sang trồng cây na Đài Loan và thanh nhãn. Mỗi vụ na có thời gian khoảng 130 ngày. Na Đài Loan có tỷ lệ đậu trái rất cao, trái na to, tròn, thịt rất dẻo, ngọt thanh. Hiện nay, na trồng ở vườn của ông Chương được xuất khẩu qua Mỹ và các nước châu Âu. Trong khi đó, thanh nhãn đã có mặt ở nhiều chợ, siêu thị trong nước. Mỗi năm, ông Chương thu lãi hơn 400 triệu đồng từ mô hình kinh tế trồng na Đài Loan kết hợp thanh nhãn. Bên cạnh đó, ông Chương chia sẻ kinh nghiệm làm vườn với nhiều CCB, cựu quân nhân ở địa phương. Đồng thời tạo việc làm theo mùa vụ cho trên 30 người, với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Tổ THT nuôi dê của Chi hội CCB khu vực Tân An, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt thành lập năm 2017. THT có 6 thành viên, hiện đang nuôi 124 con dê. Các thành viên của THT áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trao đổi kinh nghiệm nên đàn dê ít bệnh, sinh sản nhiều. Mỗi năm, các thành viên THT xuất chuồng dê 3-4 đợt, mỗi đợt 4-5 con, trừ đi chi phí, lời 3-3,5 triệu đồng/con dê thịt. Các thành viên THT còn nuôi dê sinh sản để bán cho người dân địa phương. CCB Phạm Văn Hậu, Tổ trưởng THT nuôi dê, cho biết: “Nhờ chúng tôi tận dụng các loại cỏ, cây tự nhiên làm thức ăn, đàn dê lớn nhanh, sức đề kháng cũng cao, tiết kiệm được chi phí. Hiện nay, các thành viên THT có thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm từ bán dê thịt và dê giống”.
Theo ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội CCB TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội CCB thành phố đã chỉ đạo, tổ chức giới thiệu và nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu để cán bộ, hội viên CCB học tập, rút kinh nghiệm và thực hiện. Hiện nay, thành phố có 11 hợp tác xã, 60 THT; 5 mô hình kinh tế trang trại, 247 mô hình kinh tế gia trại, 829 hộ kinh doanh, dịch vụ do CCB quản lý. Các mô kinh tế hoạt động ổn định, giải quyết việc làm 4.000 lao động. Các cấp Hội CCB quan tâm công tác hỗ trợ hội viên nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng quỹ hùn vốn nội bộ hội, vốn giúp nhau không lãi hoặc lãi thấp được trên 15 tỉ đồng; quản lý 217 tổ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ gần 400 tỉ đồng.
Hiện nay, thành phố còn 5 hộ CCB nghèo (chiếm tỷ lệ 0,04%), 53 hộ CCB cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,46%). Hội CCB thành phố phấn đấu cuối năm 2023 giảm 18 hộ CCB cận nghèo; số hội viên CCB khá, giàu tăng từ 3-5%. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu về giảm nghèo, nâng cao mức sống của hội viên, Thường trực Hội CCB thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội CCB thành phố thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, cách làm mới sáng tạo, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên CCB đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời chỉ đạo và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, THT do CCB làm chủ… nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hội viên CCB, cựu quân nhân và nhân dân.