Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 

Hai mươi năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) TP Cần Thơ tích cực vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường phối hợp các nhà khoa học hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Qua đó, nhiều nông dân trên địa bàn thành phố mạnh dạn ứng dụng và đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp. Trong đó, ông Phạm Văn Lơ (huyện Phong Ðiền) và ông Ðoàn Văn Thi (huyện Thới Lai) là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho nông dân Cần Thơ trong quá trình đổi mới và phát triển.

Mô hình trồng nhãn Idor với diện tích 1ha của ông Phạm Văn Lơ (bìa phải) thu lời trên 500 triệu đồng/năm.

Làm giàu từ cây nhãn

Hơn 20 năm gắn bó với cây nhãn, ông Phạm Văn Lơ ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, đã trải qua không ít khó khăn để xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng nhãn đạt hiệu quả cao. Năm 2023, ông Lơ vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Năm 2001, ông Lơ quyết định chuyển đổi 1ha ruộng lên vườn để trồng nhãn da bò. Theo ông Lơ, thời điểm đó, đời sống của nhiều nông dân còn khó khăn. Nhiều hộ có diện tích đất vườn lớn, trồng cây trái không hiệu quả nhưng không có tiền thuê nhân công cải tạo vườn. Ông tập hợp được 20 nông dân trong ấp làm vần công hết vườn này đến vườn khác. Sau 3 năm trồng nhãn da bò, gia đình ông thu hoạch vụ đầu tiên được 8-10 tấn/ha. Ông Lơ phấn khởi kể: “Thời điểm 2003, giá nhãn da bò bán ra 30.000 đồng/kg. Trong khi đó giá vàng chỉ tầm khoảng 400.000 đồng/chỉ. Tui bán 1 cần xé nhãn là mua được 1 chỉ vàng”. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến 2012, dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn da bò khiến người trồng nhãn tốn nhiều công chăm sóc nhưng năng suất sụt giảm, giá cả bấp bênh nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ðến năm 2014, ông Lơ được HND huyện Phong Ðiền tổ chức tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả ở Vĩnh Long. Ông nhận thấy giống nhãn Idor có ưu điểm kháng được bệnh chổi rồng, năng suất cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Cuối năm 2014, ông Lơ đã đốn bỏ 1ha nhãn da bò để trồng 350 nhánh nhãn Idor trên diện tích 1ha. Sau khi trồng được 1 năm, cây nhãn Idor chậm phát triển, ít đâm chồi non. Sợ cây nhãn bị chùng rễ, ông Lơ đi tham quan nhiều nhà vườn để trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm và ứng dụng vào vườn nhãn của gia đình. Sang năm thứ 2, vườn nhãn phát triển xanh tốt và năm thứ 3 bắt đầu cho trái.

Ông Lơ nhớ lại: “Vụ đầu tiên, do tôi chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, xử lý nhãn ra hoa nên chỉ thu hoạch được 5 tấn, bán với giá 20.000 đồng/ kg. Những năm sau đó, vườn nhãn tiếp tục tăng năng suất và cho hiệu quả rất cao”. Theo ông Lơ, chất lượng nhãn Idor không thua các loại nhãn khác, với ưu điểm hạt nhỏ, vỏ mỏng, cơm dày và giòn, ít nước, độ ngọt vừa phải nên được thị trường ưa chuộng. Không chỉ tiêu thụ trong nước, nhãn Idor còn xuất sang Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc…

Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn trồng thẳng tắp, trái xum xuê đang trong giai đoạn thu hoạch, ông Lơ phấn khởi nói: “Với diện tích 1ha, năm 2023, tôi thu hoạch được 20 tấn trái. Thương lái đến tận vườn thu mua 30.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lời trên 500 triệu đồng”. Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, ông Lơ đã đầu tư hệ thống tưới tự động đồng bộ với chi phí 60 triệu đồng và trồng nhãn theo mô hình VietGAP.

Những năm qua, ông Lơ nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ nhiều nông dân trên địa bàn xã thành công với mô hình trồng nhãn Idor. Mô hình trồng nhãn Idor trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa ngày càng được nhân rộng. Năm 2014, với sự giúp đỡ của HND xã Nhơn Nghĩa, Câu lạc bộ (CLB) trồng nhãn Idor ấp Nhơn Phú 1 được thành lập. CLB có 24 thành viên với diện tích 18,5ha do ông Lơ làm chủ nhiệm. Các thành viên tham gia CLB đều làm ăn hiệu quả. Năm 2018, Hợp tác xã nhãn Nhơn Nghĩa được thành lập và hoạt động hiệu quả đến nay. HND xã Nhơn Nghĩa phối hợp các ngành mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn Idor cho các xã viên nên năng suất mang lại khá cao. Theo ông Lơ, muốn trồng nhãn đạt hiệu quả, trước tiên phải chọn được giống chất lượng. Khi nhãn ra đọt non, phải phun thuốc trừ sâu bảo vệ đọt non; đồng thời cần chú ý bón phân theo định kỳ để cây phát triển tốt, kháng được sâu, bệnh…

Bứt phá vươn lên làm giàu

Ông Ðoàn Văn Thi ở xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, là một trong những nông dân dám nghĩ, dám làm và tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, kết hợp với kinh doanh. Từ 2 bàn tay trắng, ông đã tạo dựng nên cơ ngơi vững chắc với thu nhập khoảng 3 tỉ đồng/năm. Năm 2016, ông Thi vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Thi kể: Năm 1984, ông kết hôn với bà Huỳnh Thị Ngàn và được gia đình cho 5 công ruộng để canh tác. Nhiều năm làm lụng cật lực nhưng gia đình ông với 6 nhân khẩu vẫn thiếu trước hụt sau khi thu nhập chỉ trông chờ vào ruộng lúa. Ông Thi luôn trăn trở, tìm những cách làm ăn mới, với hy vọng đưa gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Thi bộc bạch: “Vợ chồng tôi phải làm đủ nghề để nuôi con. Ngoài làm 5 công ruộng, còn chăn nuôi vịt, giăng lưới và mua bán cá. Mặc dù vất vả nhưng bù lại kinh tế gia đình dần khấm khá”.

Sau nhiều năm dành dụm, đến năm 1990, gia đình ông mua được 15 công đất ruộng để mở rộng sản xuất. Công việc làm ăn thuận lợi, đến nay ông Thi mua thêm 80 công đất ruộng. Ông Thi chia sẻ kinh nghiệm: “Trước đây, theo tập quán sản xuất cũ, tôi sạ lúa quá dày nên năng suất thấp. Nhờ dự các lớp tập huấn, tham gia hội thảo đầu bờ và tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả nên tôi mạnh dạn ứng dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa. Từ đó, giảm được chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật,… lúa lại cho năng suất cao”. Theo ông Thi, những năm gần đây,  phần lớn các khâu sản xuất đều cơ giới hóa, nông dân làm ruộng không còn vất vả như 20 năm trước. Nông dân ứng dụng cả máy bay không người lái để phun thuốc và rải phân. Khi lúa chín, có máy gặt đập liên hợp thay con người thu hoạch lúa. Ðể hạn chế tình trạng vào thời điểm thu hoạch rộ, lúa bán ra thường bị thương lái ép giá, những năm gần đây, ông Thi tổ chức ký hợp đồng và thu mua khoảng 500 tấn lúa cho nông dân với giá cao hơn thị trường. Chỉ tính riêng việc mua lúa tạm trữ, để bán lại lúc thị trường có giá cao hơn đã giúp gia đình ông Thi có lãi 300 – 400 triệu đồng. Từ năm 2015 đến nay, ông Thi thành lập cửa hàng vật tư nông nghiệp. Mỗi năm cửa hàng có doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng, lời trên 400 triệu đồng.

Qua 20 năm phát triển và đổi mới, tình hình sản xuất của nông dân trên địa bàn thành phố có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhiều nông hộ được cải thiện đáng kể. Toàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu như ông Phạm Văn Lơ và Ðoàn Văn Thi. Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Năm 2023, toàn thành phố có 81.345 hội viên nông dân. Từ năm 2004 đến nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi luôn được các cấp Hội quan tâm, phát động, tổ chức thực hiện hiệu quả. Các cấp Hội tăng cường phối hợp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho hội viên và tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Nhờ đó, số lượng nông dân đăng ký thực hiện thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được nâng lên. Năm 2004 có trên 68.000 hộ đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và đến năm 2023, con số này tăng lên trên 75.000 hộ. Bình quân mỗi năm có 40.000 – 47.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình chọn, đây là những nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm với những mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển theo hướng bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”.

Theo Báo Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang