Chuyện về Hợp tác xã Khiết Tâm 

Được thành lập từ năm 2015, trải qua 8 năm hình thành và phát triển, từ một hợp tác xã (HTX) với các loại hình liên kết giản đơn, đến nay HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã khẳng định được hiệu quả của việc phát triển kinh tế tập thể, trở thành hình mẫu HTX làm ăn có hiệu quả ở địa phương.

Ðược đầu tư trạm bơm điện góp phần giảm chi phí cho thành viên HTX trong việc bơm tưới trong mùa khô và tiêu thoát nước mùa lũ.

Khiết Tâm là một trong những HTX dịch vụ nông nghiệp làm ăn có hiệu quả và được xem là hình mẫu của HTX kiểu mới ở huyện Vĩnh Thạnh. Những năm qua, HTX đón nhiều đoàn công tác trong và ngoài nước đến tham quan, học tập kinh nghiệm về cách thức tổ chức sản xuất và hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ của HTX. Hôm chúng tôi có dịp đến thăm HTX đang lúc nhân công thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm lúa giống do HTX sản xuất để cung ứng cho đối tác theo hợp đồng. Theo như hợp đồng đã ký kết, mỗi năm HTX cung ứng cho Viện Lúa ĐBSCL 5.000 tấn lúa giống chất lượng cao, để đảm bảo chất lượng lúa giống, ngay sau khi thu hoạch, HTX tiến hành cho nhân công sấy khô, tách hạt, đóng bao để kịp giao cho đối tác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, thời điểm năm 2006 ban đầu chỉ là tổ hợp tác với 6 thành viên có đất sản xuất liền kề, liên kết cùng nhau thực hiện các khâu bơm tưới, xuống giống đồng loạt cùng loại giống. Đến năm 2012 thấy việc liên kết sản xuất có nhiều ưu thế hơn, phù hợp với mô hình cánh đồng lớn nên tổ hợp tác bàn bạc với bà con có đất sản xuất lân cận mở rộng diện tích hình thành cánh đồng lớn và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp. Năm 2015 HTX chính thức ra mắt đi vào hoạt động với 39 thành viên, diện tích sản xuất 340ha, mở rộng liên kết cung ứng các dịch vụ cày xới, trang ủi, bơm tưới, thu hoạch… cho 1.200ha thuộc tiểu vùng ấp D2. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX, cho biết: “Sản xuất lúa hàng hóa và lúa giống là 2 lĩnh vực hoạt động chính của HTX. Trong đó, sản xuất lúa hàng hóa với 2 loại giống lúa chủ lực là Jasmine 85 và OM. Mỗi năm, HTX tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao khoảng 970ha và 100ha sản xuất lúa giống với tổng sản lượng 24.000 tấn/năm. Bình quân sau khi trừ chi phí với 1 héc-ta sản xuất 3 vụ lúa/năm, các thành viên thu lợi nhuận từ 70-75 triệu đồng, riêng lúa giống chất lượng cao lợi nhuận chênh lệch thêm khoảng 10 triệu đồng trên mỗi héc-ta”.

Ngoài ra, HTX còn tổ chức dịch vụ sau thu hoạch, cung ứng phân bón cho thành viên và bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân. Toàn bộ diện tích lúa của HTX Khiết Tâm áp dụng phương pháp sản xuất “1 phải 5 giảm” (phải dùng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước tưới ở mức vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón). Hiện nay, kỹ thuật này tiếp tục cải tiến thành “1 phải 6 giảm” (có thêm việc giảm khí thải nhà kính) vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các chi phí sản xuất đầu vào đã giảm mạnh nên lợi nhuận trong sản xuất luôn đảm bảo. Đặc biệt, năm nay các vụ lúa đều trúng mùa lại trúng giá, các thành viên HTX vô cùng phấn khởi, bởi mức lợi nhuận sẽ cao hơn. Ông Phạm Minh Được, thành viên HTX vui mừng, nói: “Nếu như mọi năm lợi nhuận từ cây lúa chỉ đạt khoảng 30% thì năm nay tăng lên 40-45%. Phần vì lúa được giá, phần vì mình tiết giảm được chi phí trong sản xuất”.

Những năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể các thành viên, Khiết Tâm là một trong 11 HTX nông nghiệp ở TP Cần Thơ được dự án VnSAT đầu tư có trọng điểm. Cụ thể, HTX được đầu tư cơ sở hạ tầng, như: 2 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho 600ha đất sản xuất, 1 lò sấy lúa công suất 40 tấn/mẻ, 1 nhà kho chứa lúa 1.000 tấn, máy tách hạt,… Tổng trị giá trên 10 tỉ đồng. Chính sự tiếp sức này, hoạt động của HTX cũng từng bước đi vào nề nếp, kế hoạch được hoạch định rõ ràng hơn, đời sống của các hộ thành viên từ đây cũng được cải thiện đáng kể. Cơ sở vật chất, máy móc, nông cụ được đầu tư hoàn chỉnh đã tạo lợi thế cạnh tranh cho HTX khi thực hiện các dịch vụ hậu cần nông nghiệp cho bà con xã viên và thành viên liên kết. Nổi bật, HTX đủ khả năng cung ứng từ 600-1.000 tấn lúa giống cấp xác nhận trong mỗi vụ lúa cho các đơn vị đối tác. Hiện nay, đơn vị là đối tác cung cấp khoảng 5.000 tấn lúa giống chất lượng cao mỗi năm cho Viện Lúa ĐBSCL. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX, nói: “Đối với những người nông dân, quanh năm chỉ có cây lúa, dư chỉ có chút đỉnh, nếu không có Dự án VnSAT, chúng tôi không dám mơ ước đến nhà kho hay lò sấy to như vậy. Đặc biệt đối với HTX Khiết Tâm làm lúa giống còn đồng nghĩa tạo thêm công ăn việc làm cho các thành viên nhất là vào những lúc nhàn”.

Năng động, sáng tạo, biết tận dụng các nguồn nội và ngoại lực đó chính là những nhân tố giúp HTX Khiết Tâm từng bước phát triển vững vàng. Để có thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên, HTX còn mạnh dạn đi thuê máy nông nghiệp từ vườn ươm công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc về phục vụ cho các cánh đồng của HTX và làm dịch vụ cho bà con nông dân trong và ngoài huyện. Thừa thắng xông lên, hiện nay HTX triển khai mô hình cấy mô với mục tiêu giảm tới mức thấp nhất lượng giống gieo sạ. Ông Bùi Quang Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: “Thành công của tổ hợp tác và HTX đã giúp nhiều hộ nông dân nơi đây đổi đời, kinh tế phát triển tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất lúa, chăn nuôi, cung cấp dịch vụ… Từ đây giúp người nông dân tự tin bước vào cuộc đua với những tiến bộ kỹ thuật và cùng đoàn kết đẩy mạnh phong trào liên kết, hợp tác, giúp ngành Nông nghiệp địa phương phát triển bền vững”.

Theo Báo Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang