Cần Thơ: Phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

HTX hoa kiểng Phó Thọ.

Mục tiêu Kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế-xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 65% HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt loại khá, tốt trở lên. Xây dựng ít nhất từ 05-06 mô hình điểm về HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, có doanh thu cao, để qua đó nhân rộng học tập trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Chú trọng mở rộng số lượng thành viên tham gia HTX kể cả thành viên chính thức và thành viên liên kết, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX.

Phấn đấu giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 20%; khoảng 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có ít nhất 40% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Tăng cường công tác liên kết và thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông sản qua các sàn thương mại điện tử, phấn đấu ít nhất có 50% số HTX tham gia các sàn sản thương mại điện tử. Phấn đấu có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX nông nghiệp. Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

Theo đó, mỗi quận, huyện cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng ít nhất từ 01 mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ các mô hình HTX kiểu mới, hoạt động có hiệu quả gắn với các sản phẩm chủ lực, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, đặc biệt là trên địa bàn các huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng các mô hình HTX gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý HTX, truy xuất nguồn gôc sản phẩm, bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, năng cao năng lực sản xuất, phân loại, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch…

Theo thông tin Liên minh HTX thành phố Cần Thơ đến cuối tháng 9/2023 toàn thành phố Cần Thơ có 170 HTX nông nghiệp với tổng vốn điều lệ 188,5 tỷ đồng, thu hút 3.131 thành viên và 12.050 lao động. Năm 2022, trong 116/155 HTX nông nghiệp đang hoạt động có 40 HTX nông nghiệp đạt loại A, 35 HTX đạt loại B, 22 HTX đạt loại C, 7 HTX loại D…

Theo Báo Xây Dựng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang