“Thuyền trưởng” tài ba của Hợp tác xã Dương Liễu

Là một trong 10 điển hình công dân Thủ đô ưu tú sẽ được vinh danh đúng Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, thương mại tổng hợp Dương Liễu (Hợp tác xã Dương Liễu), huyện Hoài Đức được đánh giá là người nhạy bén, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, một “thuyền trưởng” tài ba. Ông đã có hơn 25 năm gắn bó với hợp tác xã, xây dựng đơn vị từ trung bình trở thành điển hình của thành phố Hà Nội và cả nước.

Kiên định mô hình kinh tế tập thể

Ông Nguyễn Phi Đức đã đứng đầu Hợp tác xã Dương Liễu liên tục 25 năm. Ông chia sẻ: “Có nhiều giai đoạn, hợp tác xã thực sự khó khăn, nhưng chưa khi nào tôi chùn bước, bởi đơn giản mô hình kinh tế tập thể thực sự là mô hình kinh tế của dân, do dân và vì dân. Tôi tin, nếu mình sáng tạo, kiên trì theo đuổi, nhất định con đường phát triển của hợp tác xã sẽ ngày một tươi sáng”.

Với 25 năm gắn bó với hợp tác xã, ông Nguyễn Phi Đức đã có nhiều sáng kiến đưa kinh tế tập thể phát triển bền vững.

Đến nay, Dương Liễu là một trong ít những địa phương mà hợp tác xã miễn toàn bộ các loại dịch vụ nông nghiệp khi cung ứng phục vụ cho nhân dân. Ông Đức cho hay: “Với diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là hơn 270ha, điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn do là địa bàn ven đô, nằm trong vùng quy hoạch đô thị, để hỗ trợ bà con duy trì sản xuất, tôi đã cùng Hội đồng quản trị Hợp tác xã thống nhất hỗ trợ thành viên 5 dịch vụ đầu vào phục vụ miễn phí, như: Dịch vụ thủy nông, dịch vụ bảo vệ hoa màu, dịch vụ tu sửa giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ dự thính dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đã đạt 203 triệu đồng/ha, nông dân không chán ruộng, bỏ ruộng, dù là xã làng nghề phát triển”.

Để có thể duy trì dịch vụ nông nghiệp miễn phí cho các thành viên, Hợp tác xã Dương Liễu đã phát triển mạnh các dịch vụ phi nông nghiệp và duy trì, phát triển nghề truyền thống, như các nghề: Thêu, chế biến tinh bột, kinh doanh miến dong…

Đánh giá về người đứng đầu Hợp tác xã Dương Liễu, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế Hoài Đức Cao Văn Tuyến khẳng định, 6 nhiệm kỳ liên tục được thành viên tín nhiệm làm Chủ nhiệm, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị (từ năm 1998 tới nay), ông Nguyễn Phi Đức luôn là người lãnh đạo gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, cũng như tích cực tham gia các hoạt động của xã, huyện và phong trào phát triển kinh tế tập thể của Thủ đô, cả nước.

Con người của những sáng kiến, đổi mới và sáng tạo

Nhiều năm gắn bó, lăn lộn với các hoạt động của hợp tác xã, ông Nguyễn Phi Đức đã có nhiều sáng kiến được ghi nhận, đánh giá cao. Ông đã trực tiếp xây dựng đề án “Củng cố, đổi mới hợp tác xã theo luật Hợp tác xã năm 2012”. Những phân tích, đánh giá, đề xuất xử lý tài sản hợp lý; phương án nhân sự khoa học, có giải pháp hữu hiệu đã được Đại hội thành viên và đông đảo xã viên tán thành, tỷ lệ xã viên tham gia thành viên đạt hơn 98%. Là hợp tác xã đầu tiên của Hà Nội tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, được Liên minh Hợp tác xã thành phố cử giới thiệu nội dung và kinh nghiệm tổ chức lại hợp tác xã tại địa bàn các huyện Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Phúc Thọ.

Một sáng kiến nữa của ông Đức được coi là mở đường cho các hợp tác xã truyền thống tham gia vào các loại hình kinh doanh thương mại, du lịch là việc thành lập doanh nghiệp trực thuộc hợp tác xã. Sau một thời gian hoạt động thí điểm, năm 2017, Hợp tác xã đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Du lịch An Hưng trực thuộc hợp tác xã với vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng. Hiện tại, hoạt động của công ty ở 3 lĩnh vực: Du lịch lữ hành, vận tải du lịch và quản lý chợ.

Đặc biệt, ông Đức đã có sáng kiến xây dựng hệ thống quản lý thành viên và khách hàng sử dụng dịch vụ của hợp tác xã đồng bộ, hiện đại. Hiện, số xã viên đăng ký tham gia thành viên hợp tác xã lên tới 2.507 thành viên và khách hàng sử dụng dịch vụ của hợp tác xã cũng rất lớn, với hơn 5.000 khách hàng.

Để bảo đảm tính khoa học và tính thống nhất trong quản lý, ông Đức đã định hướng và chỉ đạo chuyên môn xây dựng hệ thống quản lý thành viên và khách hàng, như: Ban hành quy định mã thành viên theo thôn, phân loại mã thành viên đăng ký lại, mã thành viên đăng ký mới… Việc quản lý, sử dụng dịch vụ của các thành viên đã được hợp tác xã theo dõi trên hệ thống phần mềm thuận tiện.

Trong quản lý, điều hành, ông Đức còn được đánh giá cao trong việc thực hành tiết kiệm, chống tổn hao điện năng của hợp tác xãGiai đoạn từ năm 2014 đến năm 2022, tổn hao điện thương phẩm của hợp tác xã giảm từ 8,9%, xuống còn 3% mỗi năm, làm lợi cho hợp tác xã hàng tỷ đồng. Từ hiệu quả giảm tổn thất điện năng, hợp tác xã có đủ nguồn lực đầu tư công suất cấp điện từ 11.250KVA lên 22.470KVA, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Các hoạt động chuyển đổi số của đơn vị cũng được triển khai sớm để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, như quản lý dữ liệu theo phần mềm hiện đại, đa dạng hình thức nộp tiền, khuyến khích không sử dụng tiền mặt, thực hiện nhắn tin SMS, Zalo thông báo tiền điện cho khách hàng. Hiện tại, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 40%.

Nói về ông Nguyễn Phi Đức, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, ông Đức là người trưởng thành từ hợp tác xã, thấm nhuần các chính sách, đường lối, chủ trương, mục đích của hợp tác xã. Trong quản trị, điều hành, ông luôn lấy mục tiêu phát triển kinh tế để hỗ trợ cộng đồng, chăm lo đời sống thành viên và người lao động; coi nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động cộng đồng là vì mục tiêu phát triển hợp tác xã, qua đó làm sáng rõ, chứng minh tính ưu việt của kinh tế tập thể, hợp tác xã so với các thành phần kinh tế khác.

Theo vca.org.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Lên đầu trang