Tận dụng lợi thế của địa bàn xã Đoàn Kết (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) có diện tích rừng lớn với nhiều loại hoa đa dạng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương, HTX Dịch vụ và xây dựng nông nghiệp Đại Lợi đã và đang thu được những thành quả “ngọt ngào” từ nghề nuôi ong lấy mật.
Trời đã gần trưa, tại trụ sở HTX Đại Lợi ở xóm Cửa Lũy, một số thành viên HTX vẫn cẩn thận đong rót hàng chục lít mật ong vào các hũ thủy tinh xinh xắn, chuẩn bị cho chuyến hàng giao cho một đại lý ở Hà Nội.
Một thành viên cho biết, bên cạnh lượng mật ong lớn đóng can hàng chục lít, sản phẩm mật ong của HTX cũng được chia nhỏ vào những hũ thủy tinh có gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc đầy đủ, mang thương hiệu Đại Lợi – Mật ong Đoàn Kết.
Chi phí thấp, lợi nhuận cao
Theo Giám đốc Bùi Văn Nhiện, vụ vừa qua, toàn HTX với 700 đàn ong thu được khoảng 3.000 lít mật, giá bán buôn 170.000 đồng/lít, bán lẻ 260.000 đồng/lít. Năm 2022, HTX thu được khoảng gần 650 triệu đồng tiền bán mật ong, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng.
Tất cả các thành viên HTX đều phấn khởi, bởi từ khi tham gia hoạt động sản xuất theo mô hình HTX, họ đã đạt được nhiều lợi ích từ việc được hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật nuôi ong giúp nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi.
“Chúng tôi được hỗ trợ tập huấn, học hỏi trao đổi kinh nghiệm nuôi ong, thống nhất cách nuôi ong đạt chất lượng mật ngon, hiệu quả nuôi tốt hơn trước. Nhà tôi có 100 đàn ong, mỗi năm cho 800 lít mật, trừ chi phí đầu tư thùng gỗ, cầu, trang thiết bị bảo hộ…, mỗi năm thu gần 100 triệu đồng”, ông Bùi Văn Quỳnh, xóm Đồng Lạc, vào HTX ngay từ ngày đầu thành lập, chia sẻ.
Tên tuổi sản phẩm mật ong của HTX Đại Lợi được khẳng định, có nhãn mác rõ ràng, tem truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm mật ong của HTX được chứng nhận đạt OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, nhờ đó giá trị tăng lên, giá bán buôn cũng như bán lẻ mật ong được cải thiện rõ rệt.
“Nếu như trước đây chưa vào HTX, gia đình tôi bán lẻ mật ong cho khách có lúc thuận song cũng có lúc chật vật, bởi khách quen thì biết rõ chất lượng, khách lạ đôi khi còn nghi ngại sản phẩm không biết có chuẩn hay không.
Nay thì sản phẩm của các thành viên HTX được sản xuất đồng loạt cùng một tiêu chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, nhờ thế giá bán cũng tăng cao hơn. Trước, thương lái mua buôn mật ong nhà tôi với giá chỉ 150.000 đồng/lít, nay nhờ có thương hiệu nên họ chấp nhận mua với giá 170.000 đồng”, ông Quỳnh vui vẻ nói.
Tại khu vườn nhà ở xóm Nam Thái có 50 thùng nuôi ong, Phó Giám đốc HTX Bùi Văn Phụ nhẹ nhàng mở nắp thùng để kiểm tra “sức khỏe” đàn ong. Ông Phụ bảo, nghề nuôi ong không khó, chỉ khó với người không hiểu đặc điểm sinh học, tập quán của con ong. Nuôi ong cũng không phải đầu tư quá nhiều, chỉ cần khoảng 200.000 đồng là có thể sở hữu một “ngôi nhà” cho đàn ong, bên trong là hệ thống các chân tầng được thiết kế nhân tạo, thuận lợi cho bầy ong tạo mật, làm tổ. Các thùng ong được đặt ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, các cửa lỗ ra vào được thiết kế nhỏ gọn chỉ để ong chui vừa, phòng thiên địch xâm nhập.
Tất cả 700 đàn ong của HTX được nuôi hoàn toàn theo phương pháp tự nhiên, nương theo quy luật sinh trưởng của ong mà hỗ trợ ong sinh tồn, thu mật. Thời kỳ nghỉ đông, thức ăn tự nhiên khan hiếm, lượng phấn hoa và mật ong – sản phẩm của bầy ong dự trữ, quay ngược trở lại nuôi chính đàn ong.
Tại HTX Đại Lợi, người nuôi ong chỉ hỗ trợ pha loãng mật với nước sạch theo một tỷ lệ nhất định để tránh trường hợp mật đặc sánh quá làm dính cánh ong, ngoài ra người nuôi không cho ong ăn thêm bất cứ thức ăn nào khác.
Quá trình nuôi ong tự nhiên cùng với việc khai thác thận trọng, mật ong sau khi thu hoạch được lọc sạch và sử dụng máy hạ thủy phần để tách bớt nước ra khỏi mật. Chính vì vậy, sản phẩm mật ong do HTX cung ứng luôn vàng óng, sánh và có vị ngọt thanh, để lâu không bị chuyển màu thâm đen.
“Cứ nói là nuôi ong lấy mật nhưng thực chất có phải nuôi đâu, mà ong tự làm ra mật lại quay vòng nuôi chính nó trong những tháng nghỉ đông đấy chứ. Đúng ra là con ong đang cho “mật ngọt” nuôi lại người chăm ong!”, ông Nhiện đùa vui.
Ông Nhiện cho hay, nếu nuôi ong mà nói lợi nhuận không cao thì không biết nuôi con gì có thể cao hơn nữa? Bình quân lợi nhuận đem lại từ nuôi ong có thể đạt tới 50-60% sau khi đã trừ hết các khoản chi.
Thành công nhờ “ăn ngủ” với con ong
Tuy nhiên, cũng theo ông Nhiện, làm nghề này muốn thành công, người nuôi ong phải “ăn ngủ” với con ong. Mùa hè thì phải để ý che chắn giữ cho “nhà” của ong không bị nóng quá, phải thoáng mát sạch sẽ. Đông đến thì phải che kín gió không để ong nhiễm lạnh. Các cửa ra vào phải được thiết kế phù hợp, tránh bị thiên địch xâm nhập. Đặc biệt, phải chú ý canh chừng ong rừng thâm nhập vào “gây chiến”, phá đàn.
“Nói chung cũng phải bỏ tâm huyết để chăm chút mới thu được “mật ngọt”, ông Nhiện chia sẻ.
Kinh nghiệm nuôi ong gần chục năm của ông Phụ cho thấy, lượng mật nhiều hay ít, chất lượng ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào con ong chúa. Con ong chúa to khỏe, sáng màu thường sinh sản tốt. Ong chúa khỏe sẽ tạo đàn ong khỏe, từ đó cho sản lượng, chất lượng mật tốt. Một người nuôi ong giỏi được đánh giá là người nhân bản được đàn ong với số lượng lớn hoặc gây đàn nhỏ nhưng sản lượng mật thu lại được nhiểu.
Ông Bùi Văn Chung, xóm Mền Liên Kết, thành viên nuôi nhiều ong nhất HTX cho biết, nhà ông có 200 đàn ong, bình quân mỗi năm cho sản lượng 1.700 lít mật, doanh thu đạt 300 triệu đồng. Trong một năm, số lượng ong biến động tương đối lớn tùy theo sức khỏe, tỷ lệ chết của ong hết vòng đời và tỷ lệ sinh ra của ong mới. Trung bình tuổi thọ – tức một vòng đời của một con ong chúa là 4 năm, với ong thợ là 2 tháng.
Ông Chung chia sẻ kinh nghiệm nuôi: “Với phương thức nuôi ong lấy mật, người nuôi ong phải biết chọn lọc con ong chúa tốt, cứ 6 tháng thay con chúa một lần để đảm bảo chất lượng sinh sản đạt hiệu suất cao”.
Nói về kỹ thuật khai thác mật, ông Phụ cho biết, con ong có tính bảo vệ mật rất cao, nên đến thời kỳ mật vít nắp, muốn khai thác, người nuôi ong phải khéo léo, nhẹ nhàng, tránh gây va chạm mạnh, gây sốc cho đàn ong.
Lượng mật khai thác phụ thuộc vào chất lượng đàn ong và thời điểm khai thác. Vào mùa cao điểm, khi đàn khỏe, trong mỗi thùng, người nuôi để 5-6 chân tầng. Trung bình, sau khoảng 10 ngày sẽ cho một lượt quay mật, lượng mật khoảng 1,5 – 2 lít. Mùa ít hoa, ong được nghỉ dưỡng, mỗi thùng chỉ để 1-2 chân tầng và không khai thác mật.
Những năm qua, nhờ được tập huấn tốt về kỹ thuật chăm sóc cộng với kinh nghiệm nuôi ong nhiều năm nên đàn ong của các thành viên HTX đều đạt chất lượng tốt, không bị dịch bệnh nghiêm trọng, nhờ đó lượng hao hụt rất ít.
Ông Nhiện chia sẻ, thời gian tới, HTX tiếp tục quan tâm phát triển đàn, chú trọng phát triển thương hiệu, tiến tới mở rộng thị trường. Mới đây, một doanh nghiệp dược tại Hải Dương đã về thăm vườn nuôi ong của HTX và có dự định sẽ ký hợp đồng thu mua mật làm nguyên liệu chế biến thuốc. Kỳ vọng đây là một kênh tốt cho HTX trong việc hỗ trợ các thành viên bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, HTX cũng cử người đi chào hàng, mở rộng kênh bán lẻ tại các tỉnh thành. Đặc biệt, kênh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Tiktok… được HTX ưu tiên, nhiều bạn trẻ trong các hộ thành viên đang hỗ trợ đắc lực trong việc bán sản phẩm của gia đình thông qua những kênh này.
“Quan điểm của HTX là cứ làm đúng, làm thật, chất lượng tốt thì người tiêu dùng sẽ đón nhận, từ đó tạo đà mở rộng quy mô hơn cho HTX, tăng thành viên, cũng tạo điều kiện tăng thu nhập và lợi nhuận lớn cho người nuôi ong đúng như kỳ vọng ngay trong tên gọi của HTX”, ông Nhiện bày tỏ.